Wednesday, August 21, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 8

                  ĐAU CHÂN HÁ MIỆNG

Theo báo Thanh Niên ngày 31 tháng 8 năm 2019, Việt Nam là một trong những nước có người mắc ung thư tương đối cao. Năm 2018 có khoảng 300.000 bệnh nhân đang điều trị. Số ca mới là 165.000 mỗi năm và số tử vong trung bình 115.000 người. Nếu đúng như số này đưa ra, tỷ lệ người chết trên số người đang điều trị là 38/100 người. Như vậy, không phải ai mắc ung thư cũng đều chết. Bệnh viện ung thư chưa đủ chỗ điều trị tiên tiến và bài bản cho tất cả bệnh nhân nhưng rõ ràng, nhờ bệnh viện, số chữa lành chiếm đa số (62%).

Số ca mới có nhiều nhưng chắc chắn số chữa lành sẽ nhiều hơn. Khi biết mình mắc bệnh ung thư, tôi cũng như bao nhiêu người khác, hoang mang là tâm trạng đầu tiên. Nhờ internet, tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn, dĩ nhiên là những nguồn chính thống, để hiểu về loại ung thư mình mắc. Thông thường những số liệu về loại ung thư nào cũng làm cho người bệnh lo sợ. Tỷ lệ chữa khỏi từng giai đoạn có kết quả khác nhau. Có tài liệu: nếu ở giai đoạn 3, bệnh nhân nên thu xếp chuyện gia đình ổn thỏa; giai đoạn 4 thì họ “muốn ăn gì thì ăn”, “chơi gì thì chơi” nếu có gia tài, hãy viết di chúc ngay.

Vì là trên mạng, chúng ta có vô vàn thông tin. Tin vào tư liệu nào, nếu không tìm được nguồn khả tín, tham vấn bác sĩ ngay tại chỗ chữa trị là tốt nhất. Bệnh viện ung bướu Sài Gòn có bác sĩ tham vấn về vấn đề này. Tham vấn có tốn phí nhưng tốn phí hữu ích, cần nghe theo. Không bao giờ tin mọi con số, mọi nguồn tin trên mạng. Chọn lọc nguồn tin không phải ai cũng làm được. Hơn nữa, “tận tín thư, bất như vô thư”, quá tin vào sách, tốt nhất đừng có sách. Khi bệnh, tôi rất hoang mang và nhiều tư liệu về bệnh của mình làm tôi hoang mang hơn. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình, đó là nguồn thông tin gần gũi và tin cậy nhất. Họ nắm vững chuyên môn và họ nắm vững hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân. Không hỏi ý kiến họ thì hỏi ý kiến ai khả tín hơn?

Người trực tiếp điều trị cho tôi là một bác sĩ nữ, tầm tuổi con gái đầu của tôi. Chỗ ngồi của bác sĩ trẻ này có kệ gỗ đầy nhóc sách, hoàn toàn bằng tiếng Anh, tôi quan sát không có sách tiếng Việt. Có tài liệu bảo người bệnh ung thư không nên ăn thịt bò và các loại thịt đỏ, các tế bào ung thư sẽ phát triển. Tôi hỏi và bác sĩ đáp: “Tôi không rõ có tác dụng như thế, nhưng trong thời gian chữa trị, ông cần ăn thịt bò để có sức mà chữa bệnh. (Bác sĩ đùa) ông không ăn thịt bò, bệnh nó ăn ông đó. Khi khỏi bệnh, ăn hay không ăn thịt bò, đó là quyền của ông”. Tôi hỏi tiếp: Khi vô hóa chất, để cho mát, tôi có được phép uống các loại nước “mát” như bột sắn dây (ngoài Bắc) hay rau má không? Đáp: Sắn dây tôi chưa biết có tác dụng gì với thuốc điều trị ung thư nhưng rau má thì tốt. Ông bà ta uống rau má giải nhiệt rất sớm.

Với kiến thức của một bác sĩ chuyên khoa về loại ung thư tôi đang chữa, tôi tin tưởng vào vị bác sĩ trẻ, cẩn thận theo lời khuyên này.

Đau chân há miệng. Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cũng không thoát khỏi tâm lý ấy. Nhưng khi tin tưởng chuyên môn vị bác sĩ, mỗi thứ cần “nạp” vào cơ thể mấy tháng trời hóa chất lưu thông trong máu, tôi đều hỏi ý kiến của bác sĩ. Các bác sĩ chữa ung thư ngoại trú đều có đưa số điện thoại riêng cho bệnh nhân họ trực tiếp điều trị. Thắc mắc hay muốn ăn uống thêm thứ gì hỗ trợ trong thời gian chữa trị, tôi đều hỏi ý kiến họ.

Có một tâm lý: khi bệnh, ai bày chi nghe nấy, nhất là những người thân, những người “có uy tín”, những người từng biết ai đó cũng có bệnh giống chúng ta. Đây là kiểu “thương thành hại”. (Nguyễn Du: Còn tình chi nữa mà thù đấy thôi). Cơ thể con người không phải là phòng thí nghiệm. Mà có là phòng thí nghiệm cũng không thể “thử” mọi hóa chất: tất cả thức ăn, thức uống đều cấu tạo bằng “hóa chất” (từ vật chất). Ngò, tiêu, tỏi, ớt, sả, tía tô, hành…tất cả đều là vị thuốc huống hồ chi các thứ khác, các thức ăn khác.

Khi tôi mắc bệnh, nhiều người quý mến, ở Quảng Nam – xứ của nấm lim xanh- gởi tăng mấy ký “uống sẽ hết ung thư đó anh”, lời dặn dò của một người quen thân. Tôi cám ơn và cất kỹ để tặng lại cho người khác. Tôi có hỏi về nấm này, vị bác sĩ trẻ điều trị cho tôi, lắc đầu: “Tôi không thấy tài liệu nào bằng tiếng Anh nói nấm này chữa lành ung thư. Vả lại, hàng mấy chục loại bệnh ung thư, một loại nấm làm sao trị “bách bệnh”. Nhưng ông không nên uống trong thời gian tôi điều trị cho ông đấy nha. Gan của ông thuốc nó nung nóng mà ông còn uống thêm hóa chất vào. Chết trước khi chữa đó”. Vị bác sĩ nói thêm : “Có lẽ chỉ ở Việt Nam hay Trung Quốc mới có nghiên cứu này về nấm lim xanh, cái đó ngoài hiểu biết của tôi”.

Có thể một loại cây thuốc nào đó, như lim xanh chẳng hạn, sẽ có thể chữa lành loại ung thư nào đó. Tôi tự hỏi đã có nghiên cứu chính thống y khoa nào về hiệu quả chữa trị ung thư của nấm lim xanh? Nếu nó chữa khỏi nhiều loại bệnh ung thư thì người hái nó, bào chế thành thuốc, gửi đi bán trên thế giới, biết đâu họ sẽ nhận giải Nobel về y khoa, Việt Nam sẽ vang danh quốc tế. Đó là những trao đổi thêm với tôi qua điện thoại của vị bác sĩ trẻ tuổi, đáng kính. Tôi nghĩ, khi đang điều trị ở chỗ bệnh viện, tốt nhất, bệnh nhân hãy tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong suốt thời gian của liệu trình.

Tôi tin vị bác sĩ chữa cho tôi vì cô nghiên cứu tài liệu của Anh, Mỹ và Mỹ là nước có kỹ thuật chữa bệnh ung thư tiên tiến nhất thế giới, không thế ông Nguyễn Bá Thanh còn đi qua tận đó để chữa, sau khi Singapore bó tay? Tư liệu về ung thư của họ chắc chắn dựa vào nghiên cứu khoa học không phải như ở xứ sở, một bà lang băm nào đó, quảng cáo trên mạng, bà ta có thể chữa lành bệnh tiểu đường, trong khi nước tiên tiến như Mỹ còn nói chưa chữa lành, chỉ chữa cho khỏi biến chứng qua thuốc kiểm soát đường huyết. Có quảng cáo còn nói ông bà nào ở đâu miệt thượng du Bắc bộ có loại thuốc chữa hết thấp khớp, gout, trong khi ở Mỹ vẫn còn “bó tay” chưa có thuốc chữa khỏi hẳn.

“Đau chân há miệng” là thế. Khi mang trong mình một bệnh nan y, có ai đó mách có người chữa khỏi, nhiều tiếng tăm, người bệnh bằng mọi cách tìm cho được thần y. Tôi không phủ nhận, có người nào đó, có bệnh nào đó có thể chữa khỏi với những loại cây thuốc nào đó nhưng phải thấy rằng không phải ai mắc bệnh nào đó uống thuốc nào đó sẽ khỏi, còn tùy thuộc liều lượng, tùy cơ địa, tùy tâm lý, tùy tinh thần của từng người. Cách chữa trị có liệu trình, có phác đồ, có khoa học dứt khoát phải là ở bệnh viện. Các vị “thần y” xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng, theo tôi, hãy “kính nhi viễn chi”.

Việt Nam còn nghèo nhưng kinh nghiệm của người Việt về chữa bệnh không thua các nước tiến bộ khác. Cơ sở vật chất y tế không tương thích chứ tay nghề mổ sọ não của các bác sĩ Chợ Rẫy có thể bằng hoặc hơn bác sĩ Thái Lan, thậm chí Singapore, lý do đơn giản: Việt Nam chiến tranh nhiều, tai nạn xe cộ nhiều, tay nghề bác sĩ được nâng cao nhiều nhờ thực tiễn, cả trăm triệu dân, số người bệnh đưa vào bệnh viện cho họ mổ chắc chắn gấp mấy lần số bệnh nhân vào bệnh viện Thái Lan hay Singapore. Mổ nhiều tất tay nghề mổ nâng cao. Nhờ chiến tranh, nhờ người Việt như Trần Đông A, nghề “mổ xẻ” của Việt Nam các nước như Nhật Bản cũng e dè. Nhưng về căn bệnh ung thư thì sao?

Tôi không rõ nhưng tôi có biết một trường hợp; một phụ nữ người Sài Gòn rất giàu có cùng chữa với tôi ở bệnh viện ung bướu đôi ba lần, sau đó không thấy bà nữa. Khi sắp hoàn tất đợt điều trị cuối, tôi lại gặp bà. Người bà nhìn tươi tốt hơn lúc điều trị 2,3 đợt cùng lần với tôi. Tôi lân la hỏi chuyện bà chữa ở đâu mà chóng lành ung thư. Bà cười, “ở Singapore về”. “Sao chị lại vô đây”. “Không khỏi, anh ạ”. Tôi ngạc nhiên chưa hỏi tiếp, bà nói: “Phương tiện chữa trị, chăm sóc bên đó rất tuyệt vời. Thức ăn cho mỗi người, mỗi loại bệnh đều có bác sĩ cho ăn riêng, theo dõi riêng. Tôi khỏe nhưng bệnh ung thư vẫn không hết. Họ bảo tôi nếu đến thẳng họ lúc mắc bệnh, khả năng chữa lành rất cao, nhưng tôi đã chữa ở Việt Nam một thời gian, cơ thể tôi “lờn thuốc”. Tôi định về đây chữa tiếp, không biết ra sao”.

Tôi không nói cách chữa trị ở Singapore không bằng ở Việt Nam nhưng tôi muốn nói, đã chữa ở đâu thì nên theo đuổi ở đó, không nên thấy chỗ nọ, chỗ kia, nghe nói chữa giỏi lắm, người mắc ung thư bỏ dở liệu trình đang điều trị, đến nơi chữa mới. Tôi có một em bên vợ như thế. Ban đầu điều trị cùng lần với tôi ở Ung bướu Sài Gòn đôi ba đợt vô thuốc; thấy cơ thể vẫn yếu chú ấy nghe lời ai giới thiệu ông thầy nào ở Tây Ninh chữa ung thư rất giỏi, nhiều người khỏi. Bỏ ngang bệnh viện về Tây Ninh, mấy tháng sau bệnh trầm trọng hơn, chú quay lại Ung Bướu, và nay đã nằm sâu trong lòng đất khi trở về chỗ chữa trị cũ chưa tới một tháng.

Tôi không nói bệnh viện mới chữa khỏi ung thư mà không ông nào, bà nào chữa được. Tôi chỉ muốn nói, chữa ở đâu, cần kiên trì theo đuổi ở đó, chữa bệnh không phải đi hành hương, hết nhà thờ này thì đến nhà thờ khác. Và theo tôi, đối với bản thân, bệnh viện nên là chọn lựa đầu tiên nếu người nào mắc bệnh ung thư dù hiện nay các bệnh viện hết sức quá tải, các phương tiện y tế hỗ trợ chưa phải đầy đủ; nhưng đó là chỗ có thể tin cậy hàng đầu. Chưa ai thống kê mấy thần y, thần dược, chữa lành ung thư bao nhiêu người, nhưng nhà thương có thống kê tôi nhắc lại trước khi chấm dứt bài viết: cứ 100 người mắc thì có 62 người chữa khỏi, và thời đại tiên tiến, tôi tin, tỷ lệ ấy càng nâng cao, không như thời tôi chữa trị gần 8 năm trước. Hãy luôn nhớ ngạn ngữ “tiền mất tật mang” nếu điều trị sai chỗ, sai nơi, sai thầy.