THAY LỜI TỰA
Đây không phải cuốn sách nghiên cứu ung thư. Đây là cuốn sách ghi chép tâm trạng của một bệnh nhân ung thư, may mắn chữa khỏi - sau những tháng ngày điều trị “gian khổ” - một căn bệnh quái ác (giai đoạn ba), tưởng đã cướp đi mạng sống của người mang nó cách nay 8 năm (*).
Mỗi năm số lượng người mắc căn bệnh này không hề dừng lại. Ung thư là nỗi lo ngấm ngầm trong xã hội, và cũng nỗi lo mênh mông đối với người chẳng may mắc bệnh. Ngăn chặn ung thư được không?
Không thể hoặc chưa thể? Chữa ung thư được không? Có thể chữa khỏi và ngày càng nhiều triển vọng chữa khỏi. Những trang viết, quý vị sẽ đọc, nói lên khả năng “có thể” và cái “triển vọng” đó từ kinh nghiệm bản thân một người bệnh chữa khỏi và khỏe mạnh. Hy vọng sống sót sau chữa trị ung thư ngày càng tươi sáng nhờ những tiến bộ khoa học, và nhất là, nhờ sự ý thức ngày càng nhiều
của mỗi người chúng ta: tránh bớt những nguy cơ có thể dẫn đến ung thư và kịp phát hiện sớm.
Mục đích ghi chép này không phải là hướng dẫn cách phòng tránh ung thư; mục đích chính của nó là chia sẻ những trải nghiệm của một bệnh nhân ung thư. Người viết không có tham vọng truyền đạt kinh nghiệm cách chữa trị ung thư của mình. Chỉ có bệnh viện mới có thẩm quyền và điều kiện chữa trị ung thư.
Mỗi loại bệnh ung thư mỗi khác; cơ thể con người cũng có cơ địa mỗi khác; lấy kinh nghiệm đối phó ung thư của bệnh nhân này làm kinh nghiệm đối phó ung thư cho bệnh nhân khác là điều không thể. Đối với tôi, và nếu giả dụ có thể, thì đó chỉ là tham khảo.
Chia sẻ lo âu, trao đổi trải nghiệm, đặt hy vọng vào niềm tin sẽ đẩy lùi được bệnh dù là ung thư nhờ y khoa, nhờ hỗ trợ của người thân, và trên hết nhờ nỗ lực của chính bệnh nhân. Đó là chủ đích của cuốn sách này. Nhưng nếu chữa lành bệnh ung thư là một may mắn thì may mắn ấy phải là kết quả từ sự tận tâm của bác sĩ, gia đình, và bản thân người bệnh. Dù chữa khỏi hay không chữa khỏi, người bệnh ung thư cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật: chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu, để giành lại sự sống, dứt khoát không bao giờ đầu hàng.
Và một điều hiển nhiên, không phải ai mắc ung thư đều phải chết. Nếu như thế, các bệnh viện ung thư có mặt để làm gì? Ngày càng nhiều người chữa khỏi ung thư. Đó là sự thật
ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN
(Riêng tặng người mới phát hiện mình bệnh ung thư)
Nghe hai từ ung thư, quý vị sẽ phát khiếp. Khi nhận xét cái gì quá trầm trọng, như sự xuống cấp đạo đức qua những vấn nạn tràn lan: giết người, cướp của, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, người ta hay nói xã hội như là ung thư...giai đoạn cuối. Hết thuốc chữa.
Bệnh ung thư do đó, khi phát hiện, bệnh nhân dễ bị suy sụp tinh thần, vì mới đầu, ai cũng quan niệm nó sẽ dẫn đến cái chết. Không thế người ta đâu có đem nó ra làm đề tài, để tỏ thái độ về một cái gì bất khả vãn hồi, làm như nó là một “định mệnh”- cái chết.
Nhưng theo một trong các chuyên gia đầu ngành, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng:
“Ung thư biết sớm chữa lành
Ung thư để trễ trở thành nan y”.
Tôi không phải là bác sĩ hay một chuyên gia ung thư nhưng tôi có “thẩm quyền” bàn về vấn đề này bởi tôi cũng là người... từng sống với ung thư.
Thông thường đến bệnh viện, tây cũng như ta, người ta chỉ chú ý đến “bệnh” chứ ít chú ý đến “người” mắc bệnh. Họ chú ý những phương án đề ra để chữa cái bệnh của người mắc mà không để ý, hay để ý rất ít, tinh thần của người bệnh.
Có lẽ do bệnh viện nước ta người bệnh đến quá nhiều. Các bác sĩ phải bù đầu với công việc khám chữa, không còn hơi sức, thời gian, để tâm nhiều đến tinh thần của người mắc bệnh. Mà bệnh ung thư là loại bệnh cần rất nhiều sự chữa trị tinh thần. Thông thường bệnh phát hiện rất trễ vì đây là loại bệnh tiến triển âm thầm, ban đầu không có, hoặc có mà rất ít, những triệu chứng dễ thấy cho đến khi nó lộ ra hiển hiện hay người ta tình cờ phát hiện ra nó khi thăm khám một bệnh khác. Cho nên, việc lưu ý thân thể mình trước những hiểm nguy của căn bệnh chết người này là rất quan trọng, cần thường xuyên để ý, bằng việc theo dõi những biểu hiện có dấu hiệu của ung thư, nhưng chắc chắn nhất nếu có điều kiện, nên tầm soát định kỳ.
Đây không phải là lý do bài viết. Tôi muốn nói đến tâm lý, tâm trạng, của một người nghi mắc, hay đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Tinh thần suy sụp. Đó là điều xảy ra đầu tiên. Lúc nào người mắc ung thư cũng suy nghĩ đến bệnh, đến cái chết trước mắt. Con cái, cha mẹ, vợ chồng sẽ thế nào đây khi thiếu vắng mình. Còn biết bao nhiêu việc chưa hoàn tất khi ở tuổi đời mình… chưa phải chết. Những thân nhân, bè bạn, khi biết mình mắc bệnh đều ái ngại chia sẻ. Nào là “trời kêu ai nấy dạ”, “sống chết có số”, “ai mà không chết”... Toàn là những đám mây u ám. Tôi trải qua tâm trạng như thế, và đây là các điều tôi để ý:
Thứ nhất, không phải ai mắc ung thư cũng đều phải chết. Có giai đoạn sớm, giai đoạn trễ, sớm chữa nhanh, trễ chữa lâu; có loại bệnh ung thư khó trị nhưng cũng có loại ung thư dễ trị. Ung thư giai đoạn trễ hay cuối, có nhiều trường hợp không hẳn không hết. Bác sĩ có phải là thượng đế đâu mà kết luận hai hay ba tháng nữa chị, anh sẽ chết. Thông thường theo y văn, bệnh sẽ như thế nhưng con người có những cơ địa riêng, đặc biệt, đâu ai giống ai. Đã có những bệnh nhân bệnh viện “chê”, kèm lời khuyên kín đáo với thân nhân người bệnh “ông ấy, bà ấy ăn gì, uống gì tùy thích, đừng kiêng, hay muốn đi đâu thăm thú, "tùy thích"… với lời kết “không bao lâu nữa đâu”.
Tôi có gặp một hai người như thế vẫn sống tành tành mấy năm, hoặc hiện giờ vẫn còn sống, tất nhiên là số hiếm. Hỏi ra mới biết khi về nhà, người bệnh nghĩ sẽ chết, họ bắt đầu cuộc sống thoải mái, chả kiêng sợ, và có thể, nhờ một phần thuốc của bệnh viện trước đó, họ đã không chết như bác sĩ nhận xét theo y văn. Điều này không có nghĩa chỉ nhờ tinh thần chữa lành bệnh mà có nghĩa hãy tin tưởng mình sẽ hết bệnh khi đang chữa trị ung thư - bất kể giai đoạn nào.
Thứ hai, vì là một loại bệnh đặc biệt, việc chữa trị phải bài bản, đúng trình tự, phương pháp đặc thù cho loại bệnh này. Hóa trị, xạ trị hiện nay là hai phương pháp chính, chủ yếu để chữa trị ung thư (có loại chỉ dùng thuốc viên, hormone). Cơ thể sẽ tiếp thu một lượng hóa chất đủ cho mỗi loại bệnh theo
phác đồ từng loại ung thư. Những hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời tàn phá cơ thể, hệ miễn dịch của người bệnh. Đã bệnh cũng phải “bệnh “ thêm vì tác dụng phụ, không tránh được, của hóa trị hay xạ trị. Người bệnh tuyệt đối không theo bất kỳ một điều trị nào khác ngoài điều trị của bệnh viện.
“Đau chân, há miệng”, “mắc bệnh thì vái tứ phương”, suy nghĩ đó đã vô tình làm cơ thể bệnh nhân ung thư vốn suy kiệt vì bệnh, vì hóa chất, càng suy kiệt hơn, khả năng lành bệnh trở nên mong manh vì cơ thể...quá tải, khi bệnh nhân nạp thêm nhiều loại “thần dược” (nghe nói, hay mách miệng của người khác đã từng uống loại “thần dược” nào đó). Chỉ tuân thủ duy nhất quyết định bác sĩ trong điều trị. Trên báo, trên mạng, nào lá này, củ kia, trị...dứt điểm ung thư. Nhiều ông tướng lang băm ngu xuẩn tuyên bố đã từng chữa lành... ung thư. Ông A, bà B, ở chỗ nọ, chỗ kia, số điện thoại...đã được chữa lành. Láo toét. Nếu như thế, giải Nobel y học phải trao cho Việt Nam mãi mãi vì thấy năm nào cũng có người chữa khỏi những bệnh như đái tháo đường, ung thư, thấp khớp...quảng cáo nhan nhản trên báo lá cải hay trên mạng xã hội.
Thứ ba, sự hỗ trợ của gia đình, người thân. Luôn luôn động viên người bệnh thật lòng, hy vọng thật lòng. Đừng bao giờ nhìn đầu tóc trọc lóc, nước da xanh mướt của người đang hóa trị bằng ánh mắt ái ngại, xót xa, dù trong lòng cũng ái ngại xót xa thật. Hãy cho người bệnh cái nhìn lạc quan, vui tươi, tin tưởng. Những người đến thăm cũng nên có những câu chuyện vui, tránh những lời nói, cử chỉ có thể vô tình làm bệnh nhân thêm tủi thân. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc nếu tiếp xúc làm mình không vui. Hãy “vùi đầu” vào cái gì đó mình thích, hay đã đam mê, như đọc sách, lên Facebook tán chuyện với bạn bè.
Thứ tư, người điều trị ung thư ở bệnh viện thì phải đi tới cùng. Có nghĩa là phải tuân thủ mọi phác đồ điều trị của bệnh viện. Có trường hợp vô được mấy toa (đợt điều trị), lại ngừng, để chuyển qua bệnh viện khác dù không có ý kiến bác sĩ, hay chuyển qua cách điều trị khác (nghe tham vấn của ai đó). Tôi từng biết bệnh nhân như vậy, và khi quay trở lại bệnh viện chữa họ trước đây, để chữa lần nữa thì đã trễ. Một bà rất giàu có, chữa nửa chừng, nghe tham vấn, qua Singapore chữa. Rốt cuộc không lành, trở về ung bướu Sài Gòn để điều trị. Những bác sĩ Việt Nam rất giỏi. Họ chữa trị quá nhiều bệnh nhân, tích lũy nhiều kinh nghiệm; và các loại thuốc ung thư đều có đủ, những loại thuốc không kém thế giới, chỉ sợ chúng quá đắt tiền.
Thứ năm, yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, là bản thân bệnh nhân, chứ không phải hoàn toàn nhờ bệnh viện hay bác sĩ về việc, có thành công hay không trong chữa trị ung thư. Ăn uống dinh dưỡng, phù hợp, theo lời khuyên của bác sĩ. Luôn luôn tập luyện thể dục, đều đặn. Tập thiền nếu được, mà nên tập, tôi có tìm hiểu món này, nhưng lúc bình thường để “múa may” khoác lác thôi, nhưng khi mắc bệnh, tôi thực hiện rất đều, mỗi buổi sáng tầm 30 phút trước khi tập thể dục, buổi tối trước khi ngủ 15 phút.
Và cuối cùng, luôn luôn nở nụ cười, trước mọi hoàn cảnh, trước mọi người, cười thoải mái, cười thật lòng. Bạn tôi nhận xét “mi sẽ hết bệnh vì tau thấy mi hay cười từ hồi nhỏ”. Đang bệnh tôi
càng cười “dữ” hơn. Và tôi đã “lui bệnh” gần 8 năm (trong ung thư, không có hết bệnh, chỉ có lui bệnh, vì nó có thể trở lại bất kỳ lúc nào khi cơ thể xuống cấp). Những gì tôi nói ở trên đều xuất phát
từ một người đã mắc ung thư, đã chữa lành, xin chia sẻ với các bạn đang ung thư, hay có thân nhân ung thư. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”(Nguyễn Du)
(*) Đến nay là 12 năm.