Thursday, August 15, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 3

                                         

                                                          CÓ GẦN CÕI CHẾT?

Tôi không nói đây là cõi chết, nhưng khi vào chữa trị ở một bệnh viện ung thư, “cõi chết”, nghĩa là nhiều bệnh nhân sẽ bước vào đó, có một số người không còn sống để bước trở ra, trở về, và nếu trở về thì cũng trở về với cát bụi. Vì sao? Người bệnh bình thường phát hiện mình ung thư, đa phần là giai đoạn cuối hay gần cuối, cơ may chữa khỏi không cao. Người nghèo đâu có tiền để tầm soát ung thư.

Mỗi ngày có cả hàng ngàn người đến bệnh viện ung bướu để khám bệnh. Đa số là bệnh nhân chuyển lên từ bệnh viện các tỉnh. Và cũng đa số bệnh nhân ở giai đoạn cuối hay gần cuối. Tôi điều trị bệnh ung thư ở bịnh viện Ung Bướu Sài Gòn gần 8 năm (*) trước. Người mắc bệnh hầu hết đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, nơi sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Bệnh ung thư qua quá trình khám và chữa trị kéo dài khá lâu. Khi nghe nhân viên gọi bệnh nhân, tên tuổi, quê quán, tôi mới biết họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau ở các tỉnh.

Điều đó nói lên cái gì? Người nghèo hay người ở nông thôn mắc ung thư nhiều nhất. Nếu không có bảo hiểm y tế, điều trị ung thư rất tốn kém. Tôi chứng kiến có toa thuốc cho loại ung thư giá hàng chục triệu một toa, trung bình một người ung thư vô 3 đến 8 lần hoá chất, tuỳ theo bệnh nặng nhẹ. Sau hoá chất, không hết, có trường hợp phải xạ trị, tức là chiếu tia phóng xạ nguyên tử. Cửa sống sẽ có khó khăn hơn nếu bệnh nhân nào tiếp tục chữa trị “phác đồ 2”, “phác đồ 3” với thân thể tiều tụy, nghĩa là các lần trước không hiệu quả. Tôi chữa ung thư gần 6 tháng tại bệnh viện ung bướu, những người chữa lần 2, lần 3, đều ít thấy chữa tiếp, có khi về nhà đã lìa trần chăng?

Hoá chất tiêu diệt tế bào ung thư đồng thời tiêu diệt sức khỏe của người bệnh và hệ thống miễn nhiễm của họ. Dễ chết khi chữa trị ung thư lần 2 là như thế. Tôi nhắc lại, ung thư dẫn đến cái chết dễ dàng nhanh chóng nếu phát hiện trễ. Tôi biết mình ung thư cũng chỉ là tình cờ khi thấy có khối u nhỏ trong bẹn, không đau, không nhức. U nào đau nhức khi mới thấy đều không đáng lo bằng các khối u “hiền lành”.

Tất nhiên tôi không là bác sĩ chữa bệnh ung bướu. Quý vị không nên nghe lời khuyên của tôi. Tôi muốn trao đổi trải nghiệm của một bệnh nhân may mắn không vào địa ngục. Tôi nhắc lại, trước khi phát hiện bệnh ung thư, tính tình tôi rất nóng nảy. Tôi từng đánh người trẻ, khỏe hơn tôi vì anh ta gây hấn trước với hành động quá mức. Tôi có thể đập chén đập bát nếu người trong gia đình trái ý mình. Tôi từng đập bàn, đáp trả thủ trưởng bắt ép và luôn trù dập tôi. Tôi không tin, nóng nảy làm tôi mắc ung thư. Nhưng rõ ràng, nóng giận làm con người giảm sút sức đề kháng, và đây là thời cơ tế bào ung thư phát triển khi sức đề kháng bị giảm sút.

Ăn uống, môi trường sống, di truyền có thể gây ra ung thư nhưng tôi suy nghĩ, sự nóng giận chính là nhân tố quyết định đối với trường hợp của tôi. No mất ngon, giận mất khôn, có thể, nhưng sự nóng giận, khoa học chứng minh, khiến con người mất sức đề kháng. Khi bệnh ung thư, tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn, tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh và tôi biết được, bệnh ung thư hình thành rất lâu trong cơ thể.

Ở tài liệu tôi đọc, một đời người có tới 6 đến 8 lần tế bào ung thư xuất hiện, và tạo hóa rất hoàn chỉnh, ông tạo ra sức miễn nhiễm cơ thể; các lần tế bào ung thư xuất hiện đều bị cơ thể tiêu diệt. Vì lý do nào đó, cơ thể lão hoá, hoặc bị xáo trộn bởi lối sinh hoạt không theo quy luật như ăn nhiều vận động ít, thịt nhiều ít trái cây rau củ, lạm dụng rượu bia, hút thuốc, căng thẳng nhiều hơn tìm lấy phút giây thư giãn, thiếu yêu thương vợ con, cha mẹ, bạn bè, nhiều sân hận... Ung thư (hay các bệnh khác) xuất hiện từ đó.

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Minh mẫn để sống theo quy luật đất trời. Tráng kiện để bệnh tật chậm đến hay ít đi. Tập thể dục là con đường duy nhất giúp tôi không phải đến nhiều lần những nơi như bệnh viện. Khi tôi mắc ung thư, trước đó tôi tập thể dục trên 20 năm. Người trẻ hơn tôi 20 tuổi, cùng một loại bệnh, cùng chữa một lần, cùng một bác sĩ, ở bệnh viện Ung Bướu, thật đau đớn, anh đã không còn: anh uống rượu thường xuyên, người Bến Tre, và không tập thể dục đi bộ như tôi mỗi ngày.

Sinh lão bệnh tử là quy luật, nhưng mắc bệnh người chữa lành người không cũng theo quy luật: cơ thể con người luôn luôn cần vận động, trí óc, tinh thần, cần đầy đủ thức ăn lành.

Bệnh xuống, Steve Jobs, ông tổ Apple: tôi có rất nhiều tiền nhưng tôi không mua nổi cái giường bệnh tôi đang nằm. Khi bệnh xuống, tiền tài, danh vọng không thể giữ theo mình vào bệnh viện.

Tôi ở gần cái chỗ Steve Job không bán nổi cái giường đang nằm, ý là không ai có thể mang bệnh cho mình. Câu chuyện nhỏ ở bệnh viện ám ảnh tôi một thời gian. Khi vô hoá chất, người bệnh buồn đi tiểu, hai, ba lít nước pha hoá chất truyền vào người. Mấy chục người trong 1 phòng, khi vô nước nhiều đều phải lũ lượt kéo nhau vào nhà vệ sinh. Một tay phải nâng cao chai đựng dịch truyền, một tay cởi nút quần nếu là nam, kéo quần xuống nếu là nữ; nhà vệ sinh rất ít so với người đi vệ sinh. Cửa nhà vệ sinh không đóng vì bệnh nhân nối đuôi nhau và cũng không đóng được vì người chỉ có hai tay: một cầm chai nước và một giữ chiếc quần!

Hàng chục người đi tiểu đi tiêu mà không kịp múc nước dội, cái hôi hám nồng nặc ngần nào, chưa kể khi vào phòng vô thuốc ung thư, quý vị phải đi chen qua lớp lớp người, ngồi dọc hành lang, cầu thang, và lối đi chính trong bệnh viện. (Đây là chuyện 8 năm về trước, bây giờ cơ sở vật chất có lẽ khá hơn rất nhiều). Lần đầu tiên, gặp tình huống như thế, tôi nghĩ mình như ở gần “địa ngục”, chứng kiến cảnh tượng ngoài suy nghĩ bình thường của mình.

Nhưng biết đâu, cũng nhờ đó, tôi mới được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế ở đây cứu chữa mình lành bệnh. Điều kiện vật chất vô vàn thiếu thốn, họ vẫn tận tâm làm việc, tận tâm chữa trị bệnh nhân. Hành động thầm lặng của họ cứu sống biết bao là bệnh nhân. Ban đầu tôi nghĩ, đây như “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, mắc bệnh buộc phải đến nơi này, nơi chữa trị ung thư còn vô cùng thiếu thốn các phương tiện hỗ trợ cho nhiều người bệnh nghèo Việt Nam.

Ban đầu tôi suy nghĩ, nếu bệnh trở lại, tôi sẽ nói với gia đình, tôi chấp nhận cái chết và không bao giờ vào nơi này lần thứ hai. Nhưng điều trị ở đây một thời gian, tôi nghiệm ra rất nhiều điều bổ ích, cho cuộc đời tôi, ảnh hưởng rất lớn triết lý sống của cuộc đời mình.

Khi bước chân vào cổng bệnh viện ung bướu, quý vị sẽ không còn thấy tham, sân, si. Cái chết và sự sống rất gần gũi. Nhìn những cháu bé năm, bảy tuổi, đầu không sợi tóc vì hóa chất chữa ung thư, nước da xanh mướt, mắt ngơ ngác mất sạch lông mày, quá xót xa, các cháu không còn gì sức sống, tôi không cầm được nước mắt. Người lớn như tôi, lần thứ 3 trên 8 lần vô hoá chất, tôi muốn chọn cái chết cho yên bình hơn là chịu đựng sức nóng của hoá chất 5 lần kế tiếp. Các em đầu xanh non dại, tội tình chi mà phải mang lấy căn bệnh hiểm nghèo.

Về sau, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, mỗi lần bước khỏi một nơi chốn, những con người ở đó, dù trẻ hay già, giàu sang hay nghèo hèn, dân quèn hay quan chức, tất cả họ - những người mắc ung thư đang chữa trị - đều nhìn giống nhau ở nước da tái mét, đầu không một sợi tóc, đôi mắt buồn tủi, trĩu nặng, trước cái chết không biết đến nay mai, đến với người nào. Tôi không còn sân hận như trước. Cuộc sống vô thường, tôi chỉ ý thức khi trở về từ cái chết, thật sự từ bệnh viện ung bướu, nơi cái chết và cái sống đan xen nhau.

Một trong các thú vui của tôi là lang thang trên mạng xã hội hàng chục năm nay. Thời bầu cử Mỹ, cạnh tranh giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, các con tôi khuyên, ba thôi đừng lên Facebook nữa. Nhiều người lớn tuổi mạ lỵ ba, chỉ vì ba khác quan điểm với họ. Ba gần 70 tuổi, những thằng con nít cũng chửi ba, người tuổi cha, tuổi ông của họ, chúng con rất khó chịu. Công khổ viết cho họ đọc, kết bạn họ, để ba bị họ mạ lỵ chửi bới, vô ích, bất nhẫn quá.

Vâng, chọn bạn mà chơi, dù là bạn Facebook. Nhưng tôi không lấy đó làm phẫn nộ. Con người mà. Hỷ, nộ, ái, ố... Tôi không giận họ, tôi chỉ thương cho họ. Tôi chỉ mong một lần trong đời, những ai nhiều sân hận, hãy ghé lại một bệnh viện ung bướu. Có lẽ họ sẽ bớt đi sân hận trên đất nước vốn quá nhiều sân hận trong quá khứ. Sân hận bớt đi nếu ai đó có một lần đến những nơi tôi từng đến: nhà thương ung bướu.

(*) Sách in 4 năm trước.