Tuesday, August 20, 2024

Sách "Ung thư và con đường tôi chữa khỏi". CHƯƠNG 7

ĐỪNG NGHĨ: BỆNH NHÂN NHƯ TÙ NHÂN

Nhiều người cạo đầu trọc lóc để tạo cho mình một nét riêng độc đáo. Tôi thấy trên mạng một vài người với cái đầu không tóc nhìn rất đặc trưng, có thể nói là rất đẹp, nhất là đối với phụ nữ. Đa phần, có thể là hầu hết, mái tóc đối với phụ nữ là tài sản quý giá nhất trong tài sản quý giá trên thân thể trời ban nhiều đường cong tuyệt mỹ, nhiều kiểu dáng đáng yêu. Nhìn vào mái tóc dù thoáng qua, chưa nói ngắm kỹ, có biết bao văn nhân, thi sĩ, cảm hứng làm văn làm thơ, ngợi ca “Cái răng, cái tóc là gốc con người”.

Bắt gặp các phụ nữ ở các bệnh viện ung bướu, chắc chắn các vị khách thanh tao sẽ từ bỏ nghề văn, nghề thơ nếu muốn tả mái tóc như “mây chiều trôi” họ hằng tưởng tượng. Nhiều phụ nữ đội tóc giả lên đầu tóc rụng hết của mình nhưng có nhiều người thì không. Họ tưởng mình sắp lìa trần khi mang căn bệnh kinh hoàng, chăm chút bên ngoài, mái tóc hay cặp chân mày kẻ bút chì, cũng chẳng làm họ quan tâm. Sức khỏe lúc này là quý nhất chứ không phải đầu tóc giả, chân mày kẻ bút chì, son đỏ trên đôi môi tái nhợt.

Rụng tóc sau khi vô hóa chất đối với hầu hết bệnh nhân ung thư là nỗi kinh hoàng. Tôi là đàn ông, từng ngẫu hứng cạo đầu trụi lủi; chỗ tôi làm việc, nhiều người dị nghị, tôi thất tình hay thề thốt chi đây mà xuống tóc. Tự động cho đầu không tóc rất khác bệnh làm cho đầu không tóc. Một bên là theo ý muốn đầu không tóc, một bên là bị bắt buộc đầu không tóc. Nếu bỗng dưng, tóc rụng một lần sau ngày vô thuốc, tôi sẽ ít bàng hoàng vì biết rõ tác dụng phụ của thuốc chữa ung thu. Đằng này thì không.

Cứ mỗi sáng thức dậy, trên chiếc gối mềm, các mảng tóc nằm ngổn ngang, như những mảnh thủy tinh vỡ, sắc nhọn, làm tim tôi thắt lại. Tóc rụng làm cho tôi nghĩ, mình đang mang một án tử trong người: ung thư. Và mỗi sáng thức dậy, những mảng tóc ấy như khoét thêm vết thương vốn nhói đau, sâu hoắm. Cạo sạch là một giải pháp để vết thương ấy chóng qua. Nếu ai mắc bệnh ung thư sắp vô hóa chất, họ thường tự động cạo sạch tóc trên đầu mình đi. Khi đến lúc tóc rụng do tác dụng của thuốc, tóc ta đâu còn mà rụng. Một cách chữa trị tâm lý, tôi nghĩ, bệnh viện hay các nhà khoa học chưa nghĩ tới, hay có nghĩ tới mà tôi không biết.

Bệnh ung thư chia làm hai loại bệnh nhân: nội trú và ngoại trú. Nội trú dành cho những người không thể ở nhà, cần ở bệnh viện, để bác sĩ trực tiếp chữa trị có khi vì quá nặng hay phải chịu mổ xẻ các khối u trong cơ thể hay những bệnh nhân không thể chữa ngoại trú. Ngoại trú dành cho những người còn khỏe mà mắc bệnh ung thư như tôi. Điều trị nội trú rất vất vả nhưng bệnh nhân ít chịu áp lực tâm lý hơn bệnh nhân ngoại trú vì trong bệnh viện…ai cũng bị như mình.

Khi điều trị ngoại trú, áp lực khác đè lên người bệnh: sự hòa nhập. Khi đi ăn sáng, uống cà phê, cái đầu trọc và nước da xanh mướt của tôi, không nói ra, người khác sẽ có cái nhìn, mà nhìn lại, tôi biết

ngay họ rất ái ngại: ông này chắc là sắp chết vì…ung thư. Nếu không chuẩn bị tinh thần, người bệnh rất dễ thương tổn. Qua cặp mắt của những người chung quanh, tinh thần của một người bệnh chùng xuống rất sâu, chùng vào trầm cảm.

Tôi từng trải qua những giây phút, những hoàn cảnh như thế, và mỗi lần đi ra ngoài trở về, nhớ lại những cái nhìn ái ngại của những người mình gặp, dù họ xa lạ, lòng tôi luôn trĩu nặng. Dù chạy xe được, mỗi lần đội hay gỡ nón bảo hiểm, tóc rụng của tôi rớt theo, rơi xuống đất, một số còn vướng trong vành mũ vải. Tôi cảm thấy tâm hồn mình trĩu nặng hơn.

Khi rơi vào tình cảnh gần như tuyệt vọng - tâm tưởng cái chết vì ung thư sẽ đến - người ta có khuynh hướng bám víu vào một sức mạnh khác, sức mạnh siêu nhiên, mà trước đây, khi khỏe mạnh người ta ít để ý tới. Tôi là người theo đạo công giáo; cha tôi từng có đạo trước năm 1945. Tôi vốn là người hay hồ nghi. Cả tôn giáo nói về đức Chúa Trời, về Chúa Jesus, về thánh Giuse, mẹ Maria. Tôi đọc cựu ước, tân ước rất kỹ để tìm hiểu về cái tôn giáo có hệ thống tổ chức khá chặt chẽ và thống nhất này, cả thế giới đều quy tụ về một vị chủ chăn, đức Giáo Hoàng.

Tôi không tin mấy, ví dụ mẹ Maria đồng trinh sao có thể đẻ con. Tục lệ thời Jesus không ai tuổi như ngài mà không có vợ. Và, trong nhiều lần đọc sách, tôi nghĩ Thượng đế do con người sáng tạo chứ không phải thượng đế sáng tạo con người. Nếu Thượng đế toàn năng, tại sao ngài lại sinh ra con rắn ác độc cám dỗ Eva và Adam ăn trái cấm, để họ phải thấy xấu hổ vì trần truồng mà trước khi ăn trái cấm họ không thấy xấu hổ. Với một học sinh, rồi một sinh viên, tôi tìm đọc rất nhiều sách. Tôi cho Thượng Đế chẳng toàn năng.

Nhưng khi tôi nghĩ mình sắp chết vì bệnh ung thư, tôi lại quay về Thượng đế mà trước đây tôi không mấy tin là có. Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi cũng ở tâm trạng đó. Tôi đi lễ nhà thờ đều đặn hơn. Tôi cầu nguyện với Chúa của tôi chân thành hơn. Lời cầu của tôi chân thành bởi tôi không muốn chết khi tuổi chưa tới 60, con cái tôi chưa phải tất cả đều thành đạt. Con út tôi còn chưa tốt nghiệp đại học.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi đi bộ, tôi cầu nguyện. Khi đi ngủ, tôi cũng cầu nguyện, dù sức nóng của thuốc trong người không đem lại cho tôi giấc ngủ yên bình. Vợ tôi cầu nguyện cho tôi mỗi tối. Con út của tôi cũng cầu nguyện cho tôi. Cháu kể lại từng cầm mấy bó nhang, đi vào nghĩa địa công giáo mênh mông hàng ngàn ngôi mộ ở Thủ Đức, từng ngôi mộ, cháu đều đốt nhang, cầu khấn người quá cố. Cháu bảo con mong những người nằm dưới đất phù hộ cho ba khỏi bệnh.

Bên Phật giáo, tôi thấy có nghi thức hộ thần, các vị tu sĩ tụ tập hướng nguyện suy nghĩ của mình cầu mong cho cha mẹ vị tu sĩ nào đó đang bệnh. Các chư tăng dùng tâm của mình, mấy trăm vị, để độ trì cho ai đó sớm vượt khỏi đau khổ của bệnh cận kề cái chết.

Đau chân há miệng. Trước tôi nửa tin nửa ngờ, nay, vì bệnh có thể sẽ chết, tôi lại tin trọn, vào đấng trước đây, tôi từng nửa ngờ nửa tin. Nhưng không phải tôi không thật lòng, muốn “gạt” Thượng đế để “lừa” ngài cứu tôi sống. Tôi trở nên thật lòng tin chúa; ví dụ, mỗi khi nuốt nước miếng cồm cộm  vì hạch nổi ở đáy lưỡi, tôi cầu nguyện cái hạch nơi ấy lặn đi, và huyền diệu thay, trong suy nghĩ của tôi, hạch ở cổ cả hạch ở bẹn đã không còn.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, nếu không có mấy toa thuốc ở bệnh viện ung bướu, chỉ cầu nguyện thôi, làm sao tôi hết bệnh? Đến đây tôi lại nhớ câu nhiều người biết: Trời giúp ai tự giúp mình. Ở đây, tôi giúp tôi, nhưng bệnh viện còn giúp tôi nhiều hơn. Cho đến bây giờ, tôi không rõ, Chúa hay bệnh viện hay chính tôi đã giúp mình thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo.

Không biết là do đâu, rõ ràng nếu thiếu một trong ba nhân tố đó, biết đâu bây giờ tôi “an giấc ngàn thu”, đâu còn gõ máy vi tính, trò chuyện với các vị những tâm sự của mình. Và, tôi nghĩ rằng, tôi không phải là điển hình cho sự chiến thắng bệnh tật, mà tôi chỉ muốn trao đổi trải nghiệm, với suy nghĩ “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Câu chuyện căn bệnh nan y biến tôi thành một “tù nhân” ở bệnh viện hay trong xã hội bỗng chốc lại giải phóng tôi thành người tự do như nhiều người tự do khỏe mạnh khác. Tôi có cảm giác cuộc đời mình còn xanh nõn những mầm sống tương lai.