GIA ĐÌNH - CHỖ DỰA TINH THẦN
Có câu nói quý vị thường nghe: “Có hai cái người ta chỉ để ý khi chúng mất đi, đó là sức khỏe và hạnh phúc”. Một thói quen tôi thấy người Việt hay có: “mất bò mới lo làm chuồng” hay “nước tới chân mới nhảy” (tất nhiên, chỉ là một số ít).
Khi mắc bệnh nan y như ung thư, người ta mới để ý đến việc chăm sóc bản thân, đầy đủ hơn, dinh dưỡng hơn. Lúc đó, bệnh nhân tới tấp bồi bổ nào yến, nào sâm, nào các loại thuốc đắt tiền gửi mua từ nước ngoài, hay mua trong nước sản xuất từ nước ngoài. Lúc bình thường, khỏe mạnh, ít ai chú ý tới dinh dưỡng đúng cho ăn uống. Chăm sóc người bệnh như thế là rất tốt. Nhưng hoàn cảnh người bệnh khó khăn hơn, cơm có khi còn đứt bữa, chỗ ở là một nhà trọ chật hẹp, họ sẽ chết sớm hơn khi mắc và chữa trị ung thư hay sao?
Ở bệnh viện ung bướu, tôi biết nhiều người nghèo, vừa lao động vừa điều trị bệnh, vô hóa chất, lãnh cơm cháo từ thiện; gần tám năm nay, tôi tình cờ gặp họ đi kiểm tra định kỳ ở bệnh viện. Lúc trước, họ cùng chữa trị như tôi, một bệnh như tôi; họ vẫn sống khỏe nhờ “bồi dưỡng ăn uống” hay “tinh thần vô tư”? Đối với họ, khi nói chuyện tôi mới biết ra, ung thư cũng không khác bệnh sổ mũi, nhức đầu, bệnh thì chữa, chết thì thôi, trong suy nghĩ của họ (tất nhiên ít người như thế). Tinh thần rất hữu hiệu ở chỗ này.
Tinh thần đóng vai trò quyết định trong việc chữa trị các loại bệnh, càng quan trọng hơn, đối với việc chữa trị ung thư. Đáng tiếc, ở Việt Nam vì quá đông bệnh nhân, bệnh viện quá tải, việc chữa trị chỉ chú trọng bệnh tình của bệnh nhân mà ít chú trọng đến tinh thần của bệnh nhân. Chữa trị về tinh thần cần song song với chữa trị căn bệnh, không nhiều thì ít cũng rất tốt; nhưng với điều kiện kinh tế hiện nay, chữa bệnh không có thì giờ “chữa” tâm người bệnh, như vậy là tốt quá rồi.
Khi biết tôi ung thư, thân nhân, bà con, bạn bè đến thăm nườm nượp. Họ mang đến người bệnh những thức ăn, thức uống bổ dưỡng; nhưng đồng thời, ngoài lời động viên cố gắng, có người cũng vô tình mang đến tư tưởng bi quan, họ thật thà muốn chia sẻ nỗi đau của một người mắc bệnh nan y. Nào là: “Bác ạ, trời kêu ai nấy dạ. Sống chết có số”.
Có người bà con muốn an ủi tôi với dẫn chứng cụ thể, họ “tương” câu chuyện thảm não khác: “Cháu ruột tôi kìa, mạnh như voi, mới cưới vợ, cũng vừa mới chết vì ung thư như anh. Huống hồ chi anh, tuổi cũng già gần 60. Phúc phần mình tới đâu an vui tới đó, có chi phải phiền”. Tôi không phiền nhưng tôi rất… rầu.
Chia sẻ nỗi buồn của tha nhân là hành vi văn hóa, thấm đẫm tình người. Nhưng “thật thà” quá khi chia sẻ nỗi đau như một vài người đến thăm, tôi càng buồn não nuột. Như vậy, khi bệnh xuống, tinh thần không thể tự nhiên mà vững vàng như ý muốn của bệnh nhân. “Da chú sao xanh mướt. Nhìn chú gầy ốm quá. Chú cố gắng ăn uống vào. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Ung thư đâu phải ai cũng chết”. Đó là lời một cô cháu gái tuổi con tôi, rất quý mến an ủi người chú vừa mới vô hóa chất ở bệnh viện về nhà.
Cách an ủi bệnh nhân ung thư như thế không khác gì tiếp thêm vào người họ vài lít hóa chất. Do đó, tôi nghĩ người bệnh nên tìm chỗ nào không ai đến viếng thăm mình. Nhưng chắc chắn họ phải sống cạnh người thân trong gia đình. Người mắc bệnh hiểm nghèo dễ đối diện cái chết như ung thư giai đoạn cuối, rất cần sự chăm sóc của người thân, bằng những lời động viên chân tình đơn sơ, chứ không phải “thật thà như đếm”, và nhất là các chăm sóc về ăn uống, sinh hoạt khác cần phải được lưu ý.
Người đang chữa ung thư rất dễ xúc động, hay tự thương cảm. Có lúc tôi thấy tủi thân, tại sao tỷ lệ mắc bệnh như tôi là 2 trên 100.000 người. Số hẩm hiu, tại sao mình lại là 1 trong 2 người sẽ cầm lấy “cái chết”? Nghĩ đến đó, nước mắt tôi chực trào ra. Khi điều trị một thời gian gần 6 tháng ở bệnh viện, tôi chứng kiến nhiều cảnh thương tâm về tình cảm gia đình dành cho bệnh nhân. Đây là một. Có một chị tầm ba lăm tuổi cũng mắc bệnh giống hệt tôi. “Đồng bệnh tương lân” rất đúng khi người ta ở nhà thương, gặp gỡ thường xuyên người cùng hoàn cảnh, tình cảm dễ nảy sinh và duy trì lâu dài.
Bây giờ, có người còn sống sau chữa trị ung thư gọi điện cho tôi và tôi cũng gọi điện cho họ mỗi đôi ba tháng, nhất là dịp lễ, tết. Chị phụ nữ này mấy lần đầu vô thuốc có người chồng đi theo. Bệnh nhân nào cũng phải làm cam kết trước khi vô hóa chất, phòng khi sốc phản vệ lỡ chết, bệnh viện không phải bị thưa kiện lôi thôi.
Khi gặp nhau lần thứ 4 ở bệnh viện (liệu trình 8 lần như nhau), tôi thấy người phụ nữ không có chồng đi theo. Chị có nhà ở ngoại ô thành phố, bên chồng thuộc thành phần tương đối khá giả. Chị than thở với tôi đã sinh 4 đứa con gái liên tục, theo yêu cầu bên nhà chồng: tìm cho ra con trai. Chị nói lần này chồng chị không đi theo nữa, anh ấy về ở hẳn nhà của cô bồ trẻ tuổi, dù nhiều lần chị phản ứng quyết liệt nhưng thất bại, cả bên nhà chồng cũng yên lặng như đồng tình: người chồng muốn người khác đẻ con trai cho anh. Phụ nữ dễ nhìn nhờ mái tóc. Ý muốn bỏ chị có lẽ mạnh mẽ hơn vì vợ mình mắc bệnh “nan y”, thân hình như một cái xác không hồn chăng?
Hầu hết, người chữa ung thư, hơn 1 tuần sau lần đầu vô thuốc, tóc họ rụng từng mảng, có thể nói là rụng sạch, hoặc rụng gần sạch, bệnh nhân cạo trọc cho dễ ngó. Gương mặt như tàu lá chuối xanh của chị mất hẳn cả đôi lông mày, tôi trông thật thảm thương, huống hồ chi chồng chị, rắp tâm bỏ vợ từ rất lâu.
Phụ nữ rụng tóc vì chữa ung thư thường hay đội tóc giả, kẻ chì đậm thế đôi chân mày, nhưng người phụ nữ ngoài ba lăm tuổi, vẫn còn trẻ, không buồn để ý đến ngoại hình tiều tụy. Chị vừa chống chọi cái nóng thiêu như hỏa ngục của hóa chất, vừa chống chọi lại nỗi đau đớn bị chồng bỏ rơi. Trong lúc ngặt nghèo nhất của một đời người phụ nữ: có ai đó chia sẻ nỗi đau của mình trước cái chết lừng lựng đang tới nếu chữa trị không thành công.
Thân thể chị tàn tạ hẳn sau mỗi hai mươi mốt ngày gặp lại, tái khám vô hóa chất. Và lần thứ tám, không thấy chị đến nữa. Lần này chỉ có người chồng. Anh đến để lấy giấy tờ bệnh viện về làm thủ tục khai tử cho vợ. Tôi đánh bạo hỏi thăm và được anh trả lời: “Nó uống thuốc diệt cỏ chết rồi”. Giọng nói thật bình thản.
Tôi dài dòng như thế để nhấn mạnh một điều, với ai có thân nhân chẳng may mắc ung thư, các vị phải chú ý thật nhiều đến sự chăm sóc của mình về tinh thần với họ. Nếu anh chồng kia tận tình cùng vợ đến vô thuốc đủ 8 lần; không phải phản bội người vợ không chân mày, không tóc, nước da xanh mướt trong thời gian chữa trị ngặt nghèo; không phải coi khinh 4 đứa con gái của mình, thì có lẽ người phụ nữ kia cũng sẽ sống sót như tôi. Tôi lúc nào cũng có người vợ bên cạnh, các con cái luôn luôn quan tâm, lo lắng cho cha.
Bệnh dẫn đến cái chết như ung thư giai đoạn cuối hay gần cuối không phải là không chữa được nếu người trong gia đình thật lòng yêu thương nhau, nương cậy nhau trong những “bước đường cùng” bên cạnh việc tận tình tạo điều kiện cho họ chữa trị bền bỉ ở nhà thương. Tôi xin nhắc lại, tinh thần rất quan trọng. Ở đây, không chỉ có tinh thần người bệnh, mà tình thương người trong gia đình sẽ giúp người bệnh giữ vững tinh thần. Khi còn sống khỏe mạnh, thật giàu sang hay thật danh vọng, hàng chục, hàng trăm người đến với chúng ta; họ mang theo nhiều phẩm vật, nhiều nụ cười tươi tắn với bao lời chúc tụng hoa mỹ.
Nhưng khi chúng ta ngã bệnh, nhất là bệnh ung thư không thể chữa hay không kịp chữa, chính người thân trong gia đình là chỗ dựa tinh thần chắc chắn nhất. Không ai mang đến cho ta phẩm vật và nụ cười chúc tụng khi ta nằm trên giường bệnh, khi danh vọng mình sẽ không còn, ngoài người thương yêu ta trong gia đình hay bè bạn trung tín.
Gia đình cùng với lòng yêu thương là chỗ dựa tinh thần để người bệnh ung thư củng cố tinh thần của họ, chống chọi lại tật bệnh hiểm nghèo. Trước khi ngưng bài viết cho chương tới, tôi xin lưu ý: không phải ai ung thư cũng chết. Số người chữa lành bệnh “nan y” này ngày càng nhiều nhờ tiến bộ thần kỳ của khoa học và nhờ phát hiện rất sớm, rất kịp thời. Nếu mắc ung thư phải chết thì bệnh viện ung bướu duy trì để làm gì?