ĐẤT SỤT DƯỚI CHÂN
Ai cũng hiểu sinh lão bệnh tử là quy luật. Nhưng phát hiện mình bệnh, hiếm ai giữ bình tĩnh, nhất là biết mình mắc bệnh nan y - ung thư.
Xã hội đôi khi không công bằng ở chỗ có người xem ung thư như hình phạt trong khi nó là nỗi đau đớn mênh mông. Mắc ung thư dường như chấm hết tương lai phía trước. Bỉ bôi cái gì đó, người ta bảo, hết thuốc chữa, ung thư giai đoạn cuối rồi. Mang một căn bệnh báo hiệu một cái chết ra để ví với một cái gì không cứu vãn nổi là chuyện vô tình nhưng quả là bất nhẫn.
Lần phát hiện ra bệnh ung thư, trong bệnh viện, đất dưới chân tôi như đổ sụp. Cầm tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm có chữ K định mệnh, mắt tôi tối sầm lại. Hàng trăm người chờ lấy kết quả chập chờn trước mắt mình. Họ đứng sắp hàng, trên tay tờ giấy kết quả xét nghiệm như bông huệ trắng, gương mặt không vui không buồn, chết lặng. Tôi lờ mờ nhìn họ như đang cùng tôi đi vào nhà vĩnh biệt.
Trên đường về nhà, ngồi trên xe buýt, cầm tờ giấy hẹn nhập viện để điều trị, ngó lại lời ghi kết quả xét nghiệm, tôi oà khóc như trẻ con. Tôi không buồn để ý khách trên xe ái ngại nhìn tôi. Gần đến tuổi 60, cuộc đời tôi lại chấm dứt hay sao. Nghĩ đến đó tôi còn khóc to hơn, nức nở.
Khi bước xuống trạm xe buýt gần nhà, vợ tôi đứng sẵn trước cửa, có vẻ đang chờ tôi từ bệnh viện ung bướu trở về. Thấy tôi buồn bã, qua cái nhìn, vợ tôi muốn tôi nói trước kết quả đi bệnh viện. Tôi định mở lời an ủi vợ nhưng chưa kịp thốt, tôi lại khóc lần nữa, lần này to hơn. Vợ tôi không coi giấy tờ, bà cũng nức nở như tôi. Khi nỗi đau ập đến như dao nhọn đâm vào cơ thể, ban đầu còn đau đớn, về sau, nỗi đau dịu dần. Nếu đau đớn không dịu đi, có lẽ không ai sống nổi.
Việc đầu tiên của tôi là...lên mạng tìm bác sĩ Google. Trên tờ giấy xét nghiệm, quý vị sẽ thấy mình bị loại ung thư nào. Có vài chục loại ung thư. Ở Việt Nam, có chừng mươi loại phổ biến, đầu bảng có thể kể: ung thư gan, phổi, ruột, vòm họng, mũi, tuyến tiền liệt...đối với nam và, ung thư vú, cổ tử cung...đối với nữ.
Trên mạng, quý vị sẽ thấy cơ man nào tư liệu nói về ung thư. Vì quá nhiều, chúng ta nên vào những trang web uy tín, có thẩm quyền y tế, của các bệnh viện Hà Nội và Sài Gòn là tốt nhất. Khi thấy hạn sống, nghĩa là, ung thư loại nào, sống mấy năm, hay sống bao lâu sau chữa trị, chúng ta không nên hốt hoảng. Y văn nói bệnh ung thư A sẽ sống 1 năm, B sống không quá 3 năm...Y khoa tân tiến nhưng y khoa không phải là thượng đế quyết định sống chết. Có bệnh nhân được cho biết sống chừng 6 tháng nhưng tôi chứng kiến người bệnh bây giờ vẫn phây phây sống, vui vẻ như chưa từng mắc bệnh.
Cơ địa và tinh thần mỗi người khác nhau đã quyết định thời gian sống khác nhau, dù họ cùng chung mức độ giai đoạn bị ung thư như nhau, có thể chữa trị không khác nhau. Tôi muốn thưa với quý vị: tinh thần, có thể nói, quyết định 90 % cơ may sống sót của người mắc bệnh ung thư. Tất nhiên không phải ung thư nào cũng lành nếu tinh thần vững chãi. Ví dụ ung thư máu hay ung thư có di căn, giai đoạn cuối.
Tôi biết một người sống gần chỗ tôi; anh mắc bệnh ung thư về gan, chuyển qua giai đoạn bụng chướng lên đầy nước không thở được. Gia đình rất giàu có. Anh đi khắp các bệnh viện tốt nhất và lớn nhất Sài Gòn, cả một thời gian dài không chữa khỏi. Bác sĩ nói riêng với thân nhân mang anh về vài giờ trước khi chết, để tránh thủ tục rườm rà khi mang xác ra khỏi bệnh viện.
Trên đường trở về, anh bắt đầu khó thở, xe cứu thương chở anh vào bệnh viện Thánh Tâm (đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) gần đó để được cấp cứu. Đêm hôm đó anh thở được. Anh và gia đình rất mộ đạo, bệnh viện này trước đây của Công giáo, nhà thờ sát khuôn viên bệnh viện. Gia đình mời cha xức dầu thánh, thủ tục bên đạo cho người sắp chết. Các xơ mang cháo đến hỏi anh có cần ăn không. Anh đòi nào ăn cháo từ thiện. Khi khỏe, anh ăn uống đầy dinh dưỡng của một người giàu. Sữa đắt tiền anh chẳng buồn uống, huống hồ gì cháo.
Anh mở mắt nhìn các xơ bận áo choàng trắng, và trước sự ngạc nhiên của gia đình, anh đòi ăn cháo. Hỏi bác sĩ, người ta coi bệnh án cũ, biết anh ăn cũng chết, không ăn cũng chết; họ bảo tuỳ gia đình và không cản trở. Ăn đôi ba muỗng, anh đòi ăn nữa, gia đình không dám cho ăn nhiều. Buổi khác anh đòi ăn tiếp cháo trắng. Và các ngày hôm sau anh khỏe dần dần. Anh yêu cầu đi lễ mi-sa (buổi sáng) và con anh dìu bố đi nhà thờ.
Ở nhà mấy bữa trước, nghe điện bảo anh khỏe, thân nhân cho dỡ rạp làm đám ma vừa mới dựng lên. Bác sĩ không phải là thượng đế. Người đàn ông cổ trướng vì ung thư gan này cho đến nay vẫn còn sống, và vẫn uống tì tì khi gặp bạn bè. Anh dành dụm riêng hơn 3 tỷ, anh hiến trọn cho từ thiện.
Không phải ai ai cũng thoát chết như anh. Anh có niềm tin tôn giáo, anh phó thác số mệnh vào bàn tay thượng đế của anh. Tôi không cổ vũ đạo kitô, tôi muốn nói, tinh thần, ở người đàn ông này, từ cõi chết trở về, là niềm tin tôn giáo. Tinh thần cứu sống anh. Chính tinh thần giúp chúng ta đứng vững trước mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống.
Lý thuyết thì như thế nhưng thực tế cam go bội phần. Hiếm có ai biết mình mắc bệnh ung thư mà giữ vững tinh thần. Tôi cũng vậy. Đất trời đảo lộn. Và làm sao tôi sống sót qua bạo bệnh, nhưng có một người bệnh hệt như tôi không sống (giai đoạn 3, ung thư chia 4 giai đoạn để có phác đồ trị riêng). Mời quý vị đọc qua chương kế.