Để tưởng nhớ ân nhân của loài người:
![]() |
Gorbachev và phu nhân Raisa |
(Nhiều bài về Gorbachev nhưng tôi thấy bài này viết nhẹ nhàng, khái quát, và công tâm nhất - Xin dịch tặng quý vị đọc).
Ông chứng kiến sự tan rã của Liên Bang Sô Viết sau 70 năm khối này thống trị nhiều vùng rộng lớn ở châu Á và Đông Âu.
Những nỗ lực ấy lại kéo theo hàng loạt biến cố dẫn đến sự chấm dứt của chế độ cộng sản, không những trong nội bộ Liên Sô mà lan sang cả các nước đàn em.
Michail Gorbachev sinh ngày 2 tháng 3 năm 1931 ở một vùng nông thôn miền nam nước Nga.
Cha mẹ ông là xã viên hợp tác. Lúc còn thiếu niên ông từng giúp bố lái máy gặt đập liên hợp.
Ngày tốt nghiệp đại học quốc gia Moscow ông đã là đảng viên chính thức của đảng cộng sản Nga.
Khi trở lại quê hương mình cùng với người vợi mới cưới Raisa, ông nhanh chóng thăng tiến trong tổ chức đảng địa phương.
Gorbachev là một trong các nhà hoạt động trong đảng chán nản ngày càng nhiều các vị lãnh đạo già nua trong hàng ngũ chóp bu.
Năm 1961, ông làm bí thư đoàn thanh niên trong vùng và được cử về dự đại hội đảng toàn quốc.
LÀN GIÓ MỚI
Năm 1978, ông đến thủ đô với tư cách thành viên ban bí thư phụ trách nông nghiệp và chỉ với hai năm, ông được bổ nhiệm chính thức vào bộ chính trị.
Trong nhiệm kỳ của tổng bí thư Andropov, Gorbachev có dịp công du nước ngoài, trong đó có Luân Đôn năm 1984; ông gây ấn tượng khá mạnh mẽ đối với thủ tướng Anh bà Margaret Thatcher.
Trong bài phỏng vấn với BBC, thủ tướng cho biết bà rất lạc quan về quan hệ với Liên Sô. Bà nói: “Tôi thích ông Gorbachev. Chúng tôi có thể hợp tác với nhau”.
Gorbachev lẽ ra sẽ kế nhiệm Andropov sau khi ông này chết năm 1984 nhưng Konstantin Chernenko bịnh hoạn lại lên làm tổng bí thư.
Chưa tới một năm, tân tổng bí thư đi đời, và Gorbachev, ủy viên bộ chính trị trẻ nhất, lên thay.
Ông là tổng bí thư đầu tiên sinh sau cách mạng 1917, được xem là người mang làn gió mới sau những năm cai trị ngột ngạt của Leonid Brezhnev.
Cách ăn mặc chải chuốt và nói năng cởi mở của Gorbachev không giống bất kỳ vị tổng bí thư tiền nhiệm nào và vợ ông bà Raisa trông như đệ nhất phu nhân ở Mỹ hơn là vợ của một tổng bí thư.
THỊ TRƯỜNG TỰ DO
Nhiệm vụ đầu tiên của Gorbachev là hồi sinh nền kinh tế xô viết lụn bại đang bên bờ đổ sụp.
Ông rất am tường rằng, cần cải tổ bản thân đảng CS từ gốc tới ngọn một khi cải tổ kinh tế thành công.
Sách lược của Gorbachev biến hai chữ Nga trở nên nổi tiếng “perestroika” (cải tổ kinh tế) và “glasnost” (mở rộng chính trị).
Ông nói với các quan chức chủ chốt của Leningrad (sau trở lại tên cũ Saint Peterburg năm 1991): “Các ông phát triển kinh tế quá lẹt đẹt. Sản phẩm tồi của các ông là nỗi ô nhục”.
Nhưng đó không phải là ý định của ông muốn thay đổi kinh tế do nhà nước kiểm soát bằng kinh tế thị trường tự do – đó là điều ông khẳng định với các đại biểu đảng năm 1985.
“Một số vị coi thị trường là chiếc phao cho nền kinh tế. Nhưng, thưa các đồng chí, các vị không nên nghĩ đến chiếc phao mà hãy nghĩ đến chiếc tàu, và chiếc tàu ấy là chủ nghĩa xã hội”.
Vũ khí khác để đối phó với nền kinh tế trì trệ của ông, đó là dân chủ. Lần đầu tiên, quốc hội được tự do bầu cử.
THỬ NGHIỆM HÓC BÚA
Sự nới lỏng chế độ khắc nghiệt này lại gây ra rối loạn ở nhiều nước trong Liên Bang Sô Viết mênh mông. Các cuộc nổi dậy ở Kazakhstan tháng 12 năm 1986 báo hiệu cho một thời kỳ bất ổn sắp xảy ra.
Gorbachev muốn chấm dứt chiến tranh lạnh, thương thuyết thành công với tổng thống Ronald Reagan trong việc phá hủy một số vũ khí thông qua hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung.
Ông tuyên bố đơn phương cắt giảm lực lượng quy ước của Liên Sô và cuối cùng là chấm dứt sự chiếm đóng đẫm máu và tai tiếng ở Afghanistan.
Nhưng thử nghiệm hóc búa nhất đối với ông lại đến từ những nước bị Liên Sô cưỡng bức sáp nhập từ trước.
Sự cởi mở và dân chủ đưa đến việc lên tiếng đòi độc lập và ban đầu, Gorbachev dẹp bỏ bằng bạo lực.
Sự rạn nứt của Liên Bang Sô Viết bắt đầu từ các nước cộng hòa vùng Baltic. Latvia, Lithuania và Estonia tuyên bố tách khỏi Moscow, gây ra phản ứng dây chuyền, lan tới các đồng minh của Nga trong hiệp ước Vác-xa-va.
Đỉnh điểm xảy ra ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi, hưởng ứng cuộc xuống đường đông chưa từng thấy, các công dân Đông Đức, nước kiên định nhất trong các nước đàn em Sô viết, được tự do vượt biên giới đổ xô qua Tây Bá Linh.
Phản ứng của Gorbachev, không phải là điều xe tăng theo như cách trước đây để đàn áp sự chống đối trắng trợn, mà là tuyên bố, sự thống nhất nước Đức: chuyện nộ bộ của người Đức.
Năm 1990, Gorbachev nhận giải Nobel hòa bình “nhờ vai trò lãnh đạo của ông trong sự thay đổi mạnh mẽ giữa quan hệ Đông - Tây”.
Nhưng vào tháng 8 năm 1991, cánh cộng sản già nua ở Moscow không chịu đựng được nữa. Họ tiến hành đảo chính, bắt giữ Gorbahcev đang nghỉ mát ở Biển Đen.
Bí thư thủ đô, Boris Yeltsin, chớp cơ hội, phản đảo chính, bắt giữ những người biểu tình ủng hộ, tước mọi quyền hành của Gorbachev với điều kiện ông này muốn tự do.
Sáu tháng sau, Gorbachev biến khỏi vũ đài; đảng cộng sản bị đặt ra ngoài pháp luật và nước Nga khởi đầu cho một tương lai mới đầy bất định.
NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI
Gorbachev tiếp tục có tiếng nói trong các vấn đề ở Nga và quốc tế nhưng trong nước ông không được coi trọng bằng ngoài nước.
Thập niên 1990, ông đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới và giữ quan hệ với nhiều lãnh đạo quốc tế, vẫn còn là hình ảnh anh hùng đối với nhiều người không ở nước Nga và ông nhận nhiều giải thưởng vinh dự.
Nhưng ông nhận cú sốc lớn vào năm 1999 khi Raisa chết vì ung thư máu. Sự sát cánh của người vợ luôn là nguồn sức mạnh nhân ái ảnh hưởng lên nhiều cải cách chính trị của ông.
Gorbachev luôn chỉ trích tổng thống Vladimir Putin về việc điều hành một chế độ ngày càng nhiều trấn áp.
Gorbachev nói: “Chính trị ngày càng biến thành dân chủ giả hiệu khi quyền lực tập trung vào tay hành pháp”.
Tuy nhiên, năm 2014, Gorbachev lại bênh vực việc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga.
Gorbachev tuyên bố: “Trước đây, Crimea sáp nhập vào Ukraine dựa vào luật lệ sô viết, nghĩa là luật lệ của đảng, mà không hỏi ý kiến nhân dân, bây giờ chính nhân dân quyết định sửa chữa sai lầm đó”.
Nhân sinh nhật lần thứ 90 của Gorbachev vào tháng ba năm 2021, tổng thống Putin ca ngợi ông là “một trong những chính trị gia xuất sắc của thời đại, ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới”.
Và di sản mà Gorbachev tự đánh giá ra sao? Đó là: chấm dứt thể chế toàn trị, kết thúc chiến tranh lạnh, và cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhưng vẫn còn nhiều hối tiếc về cuộc đảo chính và sự chấm hết của Liên Bang Sô Viết. Nhiều người Nga quy cho ông chịu trách nhiệm về sự sụp đổ đó.
Dù là nhà chính trị thực tiễn và có lý luận, Mikhail Gorbachev không thể nào nhận ra rằng, chẳng bao giờ cải cách thành công nếu không phá vỡ chế độ cộng sản tập quyền mà hàng triệu người trong khối Liên Sô và bên ngoài, chẳng ai muốn nó nữa.
Nguyễn Long Chiến theo https://www.bbc.com/news/world-europe-136698