Friday, August 5, 2022

ĐIỂM 0 (zero) TIẾNG ANH

Đó là số điểm của một học sinh ở Cà Mau trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2022. Rớt tốt nghiệp, không vào đại học, lý do có một môn bị điểm liệt tức dưới 1 điểm, dù điểm trung bình của em là 7/10 (Toán:8; ngữ văn:7,5; vật lý: 9,5; hóa:9; sinh:7,75; anh văn:0) . Nếu em "rủi ro" học ở miền Nam trước 1975, em đã có bằng tú tài, hệ số điểm thời ấy là 14/20 (hệ số 20 thay vì hệ số 10 như ngày nay). Quy chiếu theo cách phân hạng trong giáo dục VNCH, em thuộc hạng bình (từ 14 đến dưới 16/20). Một suất du học sẽ có sẵn dù tiếng Anh của em là ze-ro (vì ngủ quên). So sánh thì luôn khập khiễng. Hồi ấy, học sinh thi tú tài (cuối cấp): học gì thi nấy, kể cả môn thể dục. Không thi “trốn” môn như bây giờ. Tốt nghiệp và xét vào đại học chỉ căn cứ vào…6 môn, trong khi ở đại học, nền tảng cần học đòi hỏi rất nhiều môn học ở cấp trung học.

“Rớt tú tài , anh đi trung sĩ”. “Ta hỏng Tú ta hụt tình yêu. Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc” . Tỷ lể đậu tú tài trước 1975 ở miền Nam rất thấp. Thấp nhưng cũng không đến nỗi. Rớt tú tài 1,thanh niên có thể theo học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức (chuẩn úy) hoặc trung sĩ nếu đăng lính (chỉ huy một tiểu đội, có khi một trung đội). Thi hỏng là sức nặng đè lên vai thanh niên thời chiến (đau lòng ta muốn khóc, ta đợi ngay đi (lính). Do đó, học sinh trung học chuẩn bi cho ngày thi rất cẩn thận và chu đáo. Thầy cô dặn không ôn bài trước ngày thi tối thiểu 3 hay 4 ngày. Gần thi ôn bài cũng vô ích lại khiến học sinh thêm lo lắng. Nghỉ ôn thi giống như lấy đà nhảy xa. Ăn uống cũng nên cẩn thận. Lỡ ngay ngày thi mà Tào Tháo rượt thì “ta hỏng tú tài ta đợi ngày đi” như chơi. Tôi chưa từng thấy học sinh nghỉ hay ngủ trong giờ thi kéo dài khoảng 3 ngày khá căng thẳng. Chỉ nghe tiếng giày của giám thị hành lang (người đi qua hành lang của các phòng thi) học sinh tim như rớt ra ngoài còn tâm trí đâu mà…ngủ như em học sinh Cà Mau. Có giám thị bảo nhiều em thi làm xong bài chừng 15 phút rồi gục lên bàn ngủ. Em học sinh giỏi kia bị điểm không, thầy cũng “tưởng như vậy”.
Hỏng thi là hệ quả do học sinh ngủ quên gây ra. Người ta không thể “kết án” người coi thi “thiếu lương tâm”. Sở giáo dục đúng khi cho rằng các giám thị làm tròn chức trách của mình.
Có người bảo lỡ học sinh ngất xỉu thì sao? Ngất xỉu cũng do bản than học sinh. Thầy cô giám thị không làm học sinh “xỉu” hay “đột quỵ”. Họ chỉ liên đới trách nhiệm khi không báo y tế nếu có học sinh bị ngất hay đột quỵ.
Về pháp lý là đúng như thế. Ai làm nấy chịu. Về đạo đức cũng vậy. Khi coi thi không ai đòi hỏi người coi thi phải đạo đức. Bởi hiểu đạo đức là “giúp đỡ” học sinh đang thi thì chỉ đứng gần thí sinh sẽ phạm quy chế thi. Không được đứng gần học sinh thì việc làm xong bài rồi ngủ và quên làm bài rồi ngủ chẳng khác nhau là mấy. Đề thi dễ quá thì hí hoáy mươi phút rồi ngủ học sinh đâu có toát mồ hôi như thế hẹ chúng tôi, dù có làm trước thời gian năm mười phút hay nửa tiếng chúng tôi vẫn đọc đi đọc lại cho thật kỹ hòng ngăn ngừa thiếu sót có thể dẫn đến…hỏng tú tài.
Pháp lý và đạo đức không ràng buộc thầy giáo coi thi chịu trách nhiệm tinh thần về việc học sinh quên làm bài trên giấy thi dù hoàn thành trên giấy nháp.
Nhưng đối với văn hóa, vâng, về mặt văn hóa, thầy coi thi đã không thể hiện văn hóa đúng mức. Coi thi là trách nhiệm cao quý. Giúp việc thi cử công bằng. Thấy học sinh hí hoáy làm bài tuy không đứng gần, người coi thi có thể quan sát họ, một cách hợp pháp. Không đứng gần nhưng không thể không quan sát. Lỡ có thí si gian lận thì sao? Không quan sát thì người coi thi không thể làm tròn trách nhiệm coi thi. Chưa làm bài mà ngủ sẽ khác với làm bài rồi mới ngủ chứ. Việc ngủ trong lớp học không thể được chấp nhận thì tại sao trong phòng thi “đó là chuyện bình thường”? Quy chế thi cần chặt chẽ vấn đề này. Người ra nôi dung thi cũng phải ý thức điều này. Đề không thể dễ đến nỗi nhoáng một chút là có thí sinh làm xong rồi cúi đầu ngủ. Đây cũng là lý do: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 10.700 thí sinh tham gia, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,12 %”. (Theo VN Express).
Tôi nói học sinh bị điểm không về môn tiếng Anh, không được vào đại học là do lỗi hoàn toàn của em. Có thể do quá căng thẳng, tâm lý chế ngự sinh lý, tinh thần lấn áp thể chất, làm trên giấy nháp nhưng học sinh ấy ngỡ là làm trên giấy thi và chìm vào giấc ngủ.
Nếu có một nền tảng văn hóa (tôi không nói đạo đức) người coi thi sẽ quan sát từng em một trong lớp. Nhất cử nhất động đều không qua con mắt trách nhiệm của thầy. Mà trong phòng thi đâu chỉ một người coi thi. Không đe dọa nhưng không có nghĩa là dửng dung trước tình huống của mỗi học sinh dưới sự coi ngó của mình. Nhắc nhở học sinh tuân thủ quy chế thi đồng nghĩa với việc giúp học sinh tỉnh táo trong lúc làm bài thi. Chỉ một cử chỉ “liếc mắt” thôi, thầy coi thi giúp em học sinh ngủ quên (do tâm lý) kia sẽ hoàn tất bài làm. Có thể người coi thi - trong lớp có học sinh giỏi nhưng hỏng vì điểm liệt do ngủ quên- làm đủ chức trách pháp lý, không ai có quyền yêu cầu quy chuẩn đạo đức của họ. Nhưng về nền tảng văn hóa họ chưa đủ tầm của một người thầy: hạn chế các sơ sót thấp nhất để học sinh có thể thể hiện hết năng lực của mình bằng một động tác QUAN TÂM.
Tôi từng thi hai đợt tú tài một và tú tài hai năm 1971, 1972. Hỏng tú tài là hỏng tương lai. Trong phòng thi có một học sinh vô ý đánh rơi bút bi xuống nền xi măng đầu bút hỏng. Viết không ra mực trong khi các bạn rào rào làm bài thi học sinh luống cuống và sợ hãi đến nỗi không biết lên tiếng với thầy giám thị hay hỏi mượn bút dự phòng của bạn. Thầy giám thị phát hiện và giúp đỡ em. Thầy cho em mượn chiếc bút. Thầy có thể không biết em cần bút. Thầy không có trách nhiệm cho em mượn bút. Mang bút dự phòng là trách nhiệm mỗi thí sinh đi thi. Cho em học sinh mượn bút (thầy không có bút dự phòng) kịp thời vì biết em cần bút: đó là văn hóa.
Mỗi năm cả nước nhốn nháo chuyện thi tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi mà một tỉnh “nông thôn” như Cà Mau, số người đỗ “tú tài” là 99,12 % thử hỏi cuộc thi ấy thế nào? Học sinh cực giỏi hay đề ra cực dở?
Theo tôi, tất cả học sinh trung học phổ thông không phải thi tốt nghiệp. Các trường hay các các sở xem học bạ để công nhận tốt nghiệp. Hãy để cho các trường đại học tự tuyển sinh viên đại học. Họ có trách nhiệm với sinh viên của mình. Họ không thể chịu trách nhiệm việc tuyển chọn sinh viên từ học sinh thi tốt nghiệp đậu gần 100%. Chắc chắn xã hội sẽ không mệt mỏi vì có chuyện học sinh ngủ quên trong phòng thi khiến cả nước như lên cơn sốt chỉ trích và rao giảng đạo đức.