Ở Singapore, xe buýt được gọi bằng bác vì xe buýt là người quán xuyến việc đi lại hầu hết cư dân xứ sở Sư tử này. Ở VN, xe buýt được gọi bằng chú vì chú thì đâu uy vũ bằng bác, chứng minh, sau đít xe buýt thấy có có câu: “Xin lỗi đã làm phiền khi phải ra vào trạm”, trong khi ở đất nước nhỏ như đảo Phú Quốc kia, trên lề đường có bảng nhắc nhở “đây là quãng đường dành cho xe buýt vào ra đón trả khách, đề nghị không được đỗ xe”.
Những tuyến xe buýt ngoài nội thành, tức các tỉnh, cũng là những cứu tinh cho những người nghèo hay những người không có phương tiện đi lại khác.Nếu không tin, anh chị hãy thử đi xe buýt các tỉnh: những chiếc xe cà tàng có những cửa kính đẩy qua lại, phải là những người có sức khỏe mới đẩy nổi, những cánh cửa cũ hay nhưng cánh của cổ cũng không khác nhau, nhưng thật diệu kỳ, hầu như xe lúc nào cũng chen chúc khách.
Xe có máy lạnh nhưng chúng đã ngừng hoạt động lúc Bảo Đại về nước. Không khí bên ngoài là nguồn cung cấp dưỡng khí cho những hành khách nghèo trung thành với xe buýt chen chúc trên xe.
Khác với ở Sài Gòn, xe buýt ở tỉnh - có một số - sẽ không dừng trả hay đón khách ở những trạm xe buýt quy định. Không khác một bác nông dân nhà quê, hứng thì ra đồng, không hứng thì về nhà rủ năm ba anh em làm một vài xị lai rai: xe buýt có ai đón thì ngừng, có ai xuống cũng ngừng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của những thượng đế nghèo khó.
Nhưng khi ngồi trên xe buýt ngoại tỉnh, quý vị sẽ thấy những thượng đế nghèo này thật dễ thương (tôi ít đi xe buýt thành phố). Những ông cụ, những bà cụ, tay xách nách mang những túi hành lý, chắc là áo quần cũ hay một ít quà của ai đó, khi cày cục bước lên cửa xe, những thượng đế dễ thương đang ngồi, là các cô các chú trẻ như học sinh, sinh viên, người nắm tay, kẻ xách giỏ, nếu phụ xe không kịp giúp những hành khách lọm khọm này. Sẽ có một hay hai em học sinh hay thanh niên, thanh nữ công nhân đứng lên, nhường chỗ ngồi, việc mà một thế hệ, chừng 30 năm trước, sau những năm “giải phóng”, rất ít hay không hề xảy ra vì nguyên tắc: tiêu chuẩn ai cũng như nhau, vé xe buýt đâu có ghi người già được người trẻ nhường ghế.
Ở miền Bắc thời xưa có nhiều người đi xe buýt không, tôi không rõ, nhưng nếu có, chắc chắn, trong xe buýt cũng như trong xã hội, mọi người đều bình đẳng, mọi người đều như nhau, ai cũng 19 cân hay 13 cân gạo ăn, để duy trì mạng sống, thì không có lý do gì, tôi suy luận, có chuyện người 19 cân gạo nhường chỗ ngồi cho người 13 cân, người 13 cân nhường cho người không có cân nào tem phiếu.
Tôi thỉnh thoảng đi xe buýt ở tỉnh và nhận thấy rằng, trên xe đã hình thành trở lại một nét văn hóa, trước 1975 đã có, nhường ghế cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ dắt trẻ hay bồng con. Cũng có cảnh "lên trước ngồi trước" không san sẻ cho người già yếu lên sau nhưng tôi ít gặp hay tôi chưa gặp trên xe buýt vùng quê. Cũng may, những người có tinh thần tương thân tương ái, ngày càng nhiều theo tôi nhận xét, nhường nhịn chỗ ngồi cho nhau, dù hành trình trên một chiếc xe buýt không lâu, chưa tới đôi ba tiếng đồng hồ trong một lộ trình từ tỉnh về trung tâm thành phố.
Văn hóa, phải nói là văn hóa, trên xe buýt đang được hình thành. Những người miền Nam sống với tem phiếu không được lâu như những đồng bào miền Bắc; họ không hình thành cố định một "nếp văn hóa tiêu chuẩn": “Bắt ở trần phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô (áo lót)”. (Nhại thơ Nguyễn Du: Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao).
Ông tổ Các Mác nói rất đúng: vật chất quyết định tinh thần. Nhưng trong xe buýt hay trong “văn hóa xe buýt”, không thấy vật chất quyết định tinh thần. Những người đi trên xe buýt đều cư xử với nhau rất đẹp: nhường chỗ tốt nhất cho những người “yếu thế nhất” như đã nói ở trên. Có người nói giá vé xe buýt quá rẻ, người ta không nề hà chuyện nhường nhịn, chia sẻ cho nhau. Vật chất chỗ này không quyết định tinh thần. Không đâu, tôi nói tinh thần quyết định vật chất: tinh thần của những người có cha ông họ, hay bản thân họ đã đi xe buýt từ lúc VNCH mới thành lập (thời Ngô Đình Diệm, học sinh đi xe buýt không mất tiền), cái tinh thần đó vẫn duy trì, và trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi xe buýt đang ngày càng góp mặt đáng kể trong các phương tiện giao thông.
Người trẻ nông thôn miền Nam, bây giờ đâu hẳn ai cũng vô tâm, không phải nhờ được nhường ghế trên xe buýt, tôi đề cao họ. Bất cứ trong môi trường nào cái tốt đẹp sẽ nổi trội nếu môi trường đó thấm đẫm một văn hóa, đã được gầy dựng lâu dài trước đó, cho dẫu đó chỉ là văn hóa đi xe buýt.
Xe buýt phải là và sẽ là phương tiện giao thông chủ yếu trong tương lai, nếu người ta quan tâm đến việc xây dựng một văn hóa san sẻ, nhường nhịn, ngoài chuyện giải quyết nạn kẹt xe chứ không phải chăm chăm xây dựng "văn hóa thành tích" với những cổng chào bề thế, ở những chữ “khu phố văn hóa”, hầu mong cả thành phố văn hóa khi con đường nào cũng chực chờ kẹt xe và kẹt xe.
Chú sẽ thành bác, bác xe buýt.