Tuesday, August 9, 2022

“PHẠM” CHÍNH TRỊ


Tôi để ý bài viết nào của tôi có hơi hướm...”chính trị”, ít người like, ít người còm. Nhiều người e dè, đắn đo, dù có người tâm tình, từng đọc nhiều bài “chính trị” khi họ gặp tôi “ngoài đời”. Bỗng nhớ chuyện hài: hai tù nhân hỏi nhau, vì sao vô tù. Một anh nói: tao giết người; anh kia buồn bã đáp: tao thường like vào những status của mấy “thằng phản động”. Làm gì có chuyện like lại bị ở tù, nhưng cũng có người sợ “dây dưa nguy hiểm” với những cái likes ảo mỗi ngày.
Chính trị, thực ra, có chi mà phải sợ hãi, nếu xét chính trị theo quan điểm thông thường, như ở những nước dân chủ phát triển. Làm chính trị ở những quốc gia như Mỹ chủ yếu là tranh cử vào những chức vụ dân cử, hay điều hành guồng máy quốc gia, công việc của các quan chức chính phủ ở tiểu bang hay liên bang. Nghĩa là, mọi hoạt động đều dựa vào hiến pháp, luật pháp.
Ở nước họ, người ta chỉ phạm luật, không có ai phạm...chính trị. Có thể chửi tổng thống, đốt cờ Mỹ, miễn là làm những điều luật pháp không cấm. Ở ta, nếu chửi người đứng đầu đất nước hay đốt cờ nước, xộ khám là điều không tránh khỏi, "phạm chính trị" rồi đó. Vì sao ở VN chúng ta sợ phạm chính trị hơn sợ phạm luật?
Dài dòng một chút. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhiều đảng phái được thành lập, hoạt động bí mật, lôi kéo và dẫn dắt quần chúng tham gia, đánh đổ ách cai trị thực dân, mưu cầu tự do, dân chủ cho đồng bào, quyền tự quyết cho dân tộc. Những người tham gia như vậy bị bọn thực dân coi là “hoạt động chính trị”; ngay cả người dân thường cũng gọi họ là những người “làm chính trị”. Họ gặp muôn vàn hiểm nguy, đã nhiều người đánh đổi cả mạng sống. Hoạt động chính trị nhẹ thì đi tù, nặng thì bị xử bắn, bị chặt đầu, như lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học và các đồng chí. Chính trị như thế cực kỳ nguy hiểm. Làm chính trị, hoạt động chính trị, đồng nghĩa với tù đày và chết chóc.
Trong thời gian chiến tranh hai miền Nam- Bắc, chính trị mỗi miền cũng là nỗi kinh hoàng cho những ai liên quan về "chính trị" với ...phía bên kia. Chết chóc, tù tội...cũng vì làm chính trị. Chính trị gia đối lập như học giả Hồ Hữu Tường từng ở tù “mút chỉ”, thời “quốc gia” của tổng thống Ngô Đình Diệm, lẫn thời “cộng sản” của tổng bí thư Lê Duẩn.
Bây giờ đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ. Đất nước đầy đủ luật pháp hơn thời chiến rất nhiều. Nhưng hễ cái gì dính tới...chính trị, ai ai cũng lấm le, lấm lét như vi phạm pháp luật. Chính trị bây giờ có nhiều chỗ rất “nhạy cảm”, chớ léng phéng lại gần, lầm lẫn như thân thể phụ nữ, có những điểm cũng vô cùng nhạy cảm . Ai ai cũng ngó trước dòm sau...coi chừng "phạm chính trị", đụng tới “vùng nhạy cảm”.
Nhưng ít ai thấu hiểu, khi ăn một thức ăn nhiễm hóa chất độc hại, phải trả thêm mỗi kw điện mấy ngàn, lạm phát đồng tiền đang lưu thông, giá vàng lên xuống bất thường...tất cả là kết quả điều hành của toàn bộ hệ thống chính trị, phát xuất từ nền tảng chính trị.
"Chính trị" chi phối cuộc sống. Chính trị là "thống soái". Nhưng khó khăn một nỗi, người dân bây giờ không phải là ông chủ - muốn làm gì cũng được, hay muốn chi được nấy, dù được vinh danh, ca ngợi, ngay cả cán bộ cũng "là đầy tớ trung thành của nhân dân". Tui thì thực tiễn hơn, bắt chước các cụ ngày xưa, gọi quan(chức) là "phụ mẫu chi dân". Thể chế vua chúa nói cái này thật đúng, mà lại gọn, không màu mè như từ "đầy tớ". Nhưng nếu gọi là đầy tớ, đầy tớ ấy nên làm cái việc như cha mẹ (phụ mẫu). Cha mẹ thì luôn luôn thương yêu con cái, không làm họ phải lo âu, sợ hãi - quy luật muôn đời.
Tôi nói rứa có “phạm chính trị” không hỉ?
Nguyễn Long Chiến
(Bài cũ đăng lại)