Hồi học tiểu học rồi lên đệ thất (lớp 6), lũ học sinh chúng tôi thường trông cậy vào thầy, cô để phân xử những hành vi của bạn học mỗi khi có mâu thuẫn hay có gì đó ”bất công”. Học sinh cũng có thể “tự xử “ như thụi nhau thậm chí vật nhau nếu không có thầy hay cô khi ở ngoài trường, ngoài lớp. Bạo hành đến nỗi bạn học quỳ xuống xin tha nhưng vẫn bị đánh tiếp là điều cả đời đi học tôi chưa từng biết, chứ chưa nói từng thấy. Việc này vừa xảy ra hôm qua ở Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, chốn kinh kỳ nổi tiếng thanh lịch từ ngàn xưa.
Điều đáng buồn hơn, em học sinh bị đánh không được bạn bè can ngăn. Có em quay clip tung lên trên mạng. Ở lứa tuổi lớp 5 vừa qua lớp 6, các em đã ý thức việc làm tàn nhẫn ấy chưa? Chắc chắn là có. Có, nhưng các em vẫn làm. Tuy là chuyện “cá biệt” nhưng “dĩ nhứt suy chi” (lấy một suy ra ) chúng ta- những người lớn- có thấy cái gì đó xót xa không? Một em bé quỳ xuống đất xin tha. Em khác đánh tới tấp. Người Việt nổi tiếng có truyền thống đánh nhau suốt chiều dài lịch sử lập nước và giữ nước. Đánh nhau từng có lúc là…lý tưởng. Đánh Tàu, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh ‘Nguỵ’ , Bắc đánh Nam, Nam đánh Bắc (Trịnh Nguyễn phân tranh)…
Trẻ như Lê Văn Tám tự tẩm xăng đốt kho nhiên liệu địch. Cũng có em dùng dầu Nhị Thiên Đường bôi vào mắt thằng Mỹ rồi giựt lấy súng khi thằng xâm lược đang lấy tay dụi mắt vì cay… Cũng có em vào đồn Mỹ giả bộ chơi với chúng rồi nhân sơ hở, lén lấy súng đem về cho cách mạng… Những câu chuyện lịch sử ấy ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ em qua sách giáo khoa, có hay không, tôi không rõ lắm. Nhưng đánh bạn , một cách tàn nhẫn, trong trường học, trước thái độ bàng quan của các bạn học khác, với trẻ em hơn 9,10 tuổi, là vấn đề đau lòng cho người lớn. ”Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của Nguyễn Đình Chiểu không còn là tiêu chí đạo đức ? Lục Vân Tiên không là gì so với Lê Văn Tám?
Chuyện xảy ra ở Hà Nội chỉ là chuyện nhỏ? Nhưng có thực sự nhỏ không khi đạo đức, khởi đầu từ giáo dục, lại xảy ra ở lứa tuổi còn quá nhỏ thế này.
Buổi sáng tôi chẳng thấy bình an khi đọc tin như thế. Buồn vô hạn.