Hai cái tên cùng địa danh này có lẽ xa lạ với quý vị nhưng rất gần gũi với tôi. Cũng có thể không xa lạ mấy nếu quý vị từng theo dõi tình hình chiến sự Việt Nam trước 1975. Cộng sản Bắc Việt rất khôn ngoan. Không khôn ngoan làm sao họ buộc de Castries phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ với hơn 18 ngàn quân. Trận Thường Đức (cấp quận) sau đó là trận Phước Long (cấp tỉnh) là cách quân Giải Phóng trắc nghiệm sự cam kết của Hoa Kỳ đối với VNCH sau hiệp định Paris 1973. Cả hai trận đánh, cộng sản Hà Nội mới nhận thấy Hoa Kỳ thực sự muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự”, họ không còn e ngại Mỹ, nghĩa là đối với Hoa Kỳ, số phận Sài Gòn “sống chết mặc bay”. “Bay” ở đây là VNCH và những người miền Nam chống cộng sản.
Thường Đức là một “trận đánh điểm” như thế. Ai từng sống dưới chế độ CHXHCNVN đều hiểu “điểm” là thế nào. Điểm nghĩa là thí nghiệm. Thí nghiệm có thể đúng, sai. Đúng thì tốt; sai thì sửa. Sửa sai hay sai thì sửa chẳng có hại gì. Người bị thí nghiệm mới bị hại. Người làm thí nghiệmsẽ thí nghiệm tiếp cho đến khi không còn sai. Nghĩa là thí điểm thành công. Thường Đức là trận đánh thí điểm hay thí nghiệm thành công. Đây là một quận lỵ chỉ một hay hai chục ngàn dân. Dân sống trong các “khu dồn” (theo suy nghĩ của Cách mạng) hay “trại tạm cư” (theo suy nghĩ của ‘Ngụy’).
Quân đội Bắc Việt đánh vào quận lỵ này ở cấp sư đoàn. (Nếu tôi không lầm, đấy là sư đoàn 320). Sau 11 hay 12 ngày cầm cự, quận lỵ Thường Đức thất thủ. Viên quận trưởng bị thương ở mắt quyết định tự tử, dung súng bắn vào đầu, không chịu để thuộc hạ cáng trên võng để đi theo quân rã ngũ tán loạn bỏ chạy. Vì là trận đánh ác liệt, số chiến sĩ Bắc Việt bị chết non 1000 người (bia hiện còn ghi tên trên tượng đài chiến thắng ở xã Đại Lãnh – trước là quận Thường Đức) những binh sĩ của quận bị bắt đều phải “học tập cải tạo” hơn 12 tháng cho đến ngày ‘giải phóng’, kể cả lính nghĩa quân (lính tuyển tại đại địa phương không thuộc biên chế chính quy quân đôi VNCH).
![]() |
Đây là khai sinh của tôi. Thường Đức chứ không phải Thượng Đức. Sau 1975, Thường thành Thượng. Đau lòng. |
Khi nhắc đến tên Thường Đức, không những đau lòng, mà tôi còn cảm thấy bùi ngùi; quê hương một thời của tôi bị mất tên; bị đổi tên cũng vậy. Thường Đức bỗng thành Thượng Đức. Quá đau lòng. Tên đã mất vì nó bị thay đổi. Thay đổi do sự cưỡng bức ngôn từ.
Thường Đức xuất xứ từ hai chữ tổng Đức Thượng. Sau này Đức Thượng đổi thành (xã) Thượng Quý. Lúc ông Ngô Đình Diệm ký tên thành lập quận mới, tách khỏi quận Đại Lộc cũ, Đức Thượng được gọi là Thượng Đức. Thời đó, Thượng là tên gọi người miền thượng; Kinh là tên gọi người miền xuôi (đồng bằng). Có những chợ phiên Kinh -Thượng ở quê tôi thời ông Diệm và cũng có khẩu hiệu do guồng máy của ông chỉ ra “Kinh-Thượng một nhà”, ý nói người Thượng, người Kinh đoàn kết. Khi đặt bút ký, theo một số nguồn tin sau này, Ngô Đình Diệm không muốn để chữ Thượng trong tên gọi mà cho sửa thành Thường, Thượng Đức thành Thường Đức (hiểu nôm na cái đức thường hằng).
Ông Diệm là người ích kỷ, có tinh thần dân tộc hẹp hòi. Ông ta không muốn quê tôi có Thượng chung sống. Thượng Đức phải là Thường Đức. Giống một suy nghĩ hẹp hòi khác của ông khi đặt tên Bảo Lộc. Bảo Lộc nguyên là B’lao. Tên gọi của dân tộc thiểu số vùng nổi tiếng trồng chè miền Nam. Khi đi kinh lý đến B’lao, ông hỏi tên địa danh, các tùy viên đáp lại tên theo cách gọi người dân tộc địa phương. Ông đam chiêu một chút rồi nói Bảo Lộc nên thay cho B’lao, “mọi” quá. Thế là B’lao biến thành Bảo Lộc. Giữ cái lộc của trời ban? Ngô Đình Diệm quả quá hẹp hòi về dân tộc. Ông muốn tất cả phải là Việt Nam. Hạnh phúc thay, Thượng Đức của quê tôi được ông cho sửa thành Thường Đức, một miền quê không có người Thượng (sau này gọi là dân tộc) sinh sống.
Thượng Đức có lẽ rất quen thuộc với cái sư đoàn Bắc Việt đã hy sinh gần một ngàn người để đánh chiếm nó năm 1974. Cái tên lại lạ lẫm và xa lạ đối với tôi một trong số những người con sinh ra tại vùng quê mà giấy khai sinh ghi là Thường Đức. Thượng Đức lai là tên gọi với hầu hết dân chúng vùng quê từng có tên gọi Thường Đức. Tên quận lỵ Thường Đức sinh ra tôi và một số người lại không phải là tên địa danh ghi trong giấy khai sinh của hầu hết những công dân sinh sau năm 1975. Thường Đức mất đi, mất đi vĩnh viễn, khi cái tên Thượng Đức đắp trên tượng đài chiến thắng rất hoành tráng trên ngọn đồi có trụ sở của một quận lỵ hiện ra uy nghi trước mắt của con dân một địa phương trước đây là Thường Đức.
Vì sao như vậy? Vì tên ấy do những người thuộc “bên thắng cuộc” đặt ra. Có người lý giải, những người còn sống trong đơn vị đánh chiếm quận lỵ Thường Đức không phân biệt dấu huyền với dấu nặng. “Dù” phát âm thành “dụ”. “Đù” phát âm thành “đ.”. Thường Đức thành Thượng Đức là chuyện thường tình. Tôi không tin lý giải này. Những người miền Bắc hầu hết đều thông thạo cách nói, cách phát âm. Giọng Hà Nội là giọng chuẩn cơ mà. Thượng Đức thay cho Thường Đức là ý muốn của họ.
Ngay cả điêu khắc gia hang đầu VN hiện đại, tác giả hai tượng đài chiến thắng quê tôi (nay là xã Đại Lãnh) , ông PVH cũng phải chấp nhận Thượng Đức chứ không phải Thường Đức khi đặt tên trên sáng tao hai biểu tượng chiến thắng đẫm máu của tỉnh Quảng Nam. Trí thức như thế huống hồ dân thường. Thường thành Thượng là lẽ đương nhiên. Thường Đức phải biến thành Thượng Đức. Lý kẻ mạnh bào giờ cũng nhất ?(La raison du plus fort est toujours la meilleure). Giả dụ, là kẻ mạnh, đánh chiếm Hà Nội, có người muốn xóa (mẹ nó cái tên quê mùa) Nhổn (trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn), được không?
Và có công bằng không, khi quý vị đánh chiếm quận Thường Đức, biến quê hương quen thuộc, nơi tôi chôn nhau cắt rún thành Thượng Đức, một cái tên xa lạ, vô tình, và hãnh tiến. Viết đến đây lòng tôi vẫn còn ấm ức. Tên quê hương tôi mất đi vì nó là tên của “bên thua cuộc” (chữ của Huy Đức)?