Tôi là đàn ông nhưng ưa hỏi chuyện đàn bà, quý bà tuổi 50, 60. Đa phần họ đều có cháu, không nội thì ngoại, có bà lủ khủ cháu. Tôi hỏi họ có ai phải trông cháu, tức giữ cháu không. Hầu hết họ gật đầu và cũng hầu hết, nét mặt thoáng chút ưu tư (ấy là tại tôi tưởng tượng?).
Có bà nội than vãn: "tôi thương cháu, chứ không ưa con dâu. Mỗi lần đi làm về, nó chỉ hỏi con, hôm nay thế nào, con có vui không, có ai quát mắng con không. Tôi muốn chửi nó nhưng sợ con trai nghe được, nó buồn. Tôi làm gì để cháu tôi không vui, ai quát nạt con nó khi trong nhà chỉ có mỗi tôi?". Bà tức tối buông 1 câu khó chịu dù chỉ gặp tôi lần đầu: "Quá mất dạy".
Một bà khác, buồn bã hơn, không giận dâu nhưng lại "hờn" con. Bà kể, một lần bế cháu 2 tuổi vào buồng tắm, vô ý trợt té, đứa bé văng ra một góc, khóc thét, bà thì thở không ra hơi, nền gạch "nện" vào bờ mông xương xẩu, đau thấu trời. Con trai đang lướt web trên điện thoại, nghe tiếng thét, hốt hoảng băng qua cửa phòng, bế thốc đứa con, vỗ vỗ vào lưng, và quay qua mẹ quát to: "má không biết buồng tắm lúc nào cũng trơn hay sao? Già rồi mà quá vô ý". Nói đến đây, đôi mắt bà ánh đỏ, tôi vội ngắt ngang câu chuyện, sợ bà rơi nước mắt, thêm tội.
Không phải con cái, dâu rể, ai cũng như hai người tôi nói. Nhưng bà nội, bà ngoại, những người từng làm mẹ, ai cũng có đặc điểm chung: hết thương con rồi thương cháu, cả đời không "rứt" được cháu con.
Người phụ nữ VN truyền thống, hầu hết đều làm việc cần mẫn, yêu chồng, thương con, bỏ cả sức khỏe để chăm chút gia đình, cư xử hẳn hoi với gia nương bên chồng, hiếu thảo với cha mẹ. Cuộc sống ngày càng khác xưa, giá trị đạo đức ngày càng thay đổi chuẩn mực.
Có thời, con cái tố cáo và lên án cha mẹ, ông bà mình là địa chủ, ác ôn. Chiến tranh ập đến, dịch chuyển gia đình ra khỏi ranh giới làng xã, người nơi này phải bỏ đi nơi khác, cầm súng đánh nhau hoặc tránh đạn, tránh bom, tránh nơi máu đổ ở chỗ không phải quê hương, bổn xứ. Người đàn bà trong chiến tranh luôn luôn mang lấy số phận bất hạnh hơn nhiều so với người đàn ông, chưa kể, bất hạnh vô vàn nếu chẳng may chồng họ bỏ mình trong chiến trận.
Hết chiến tranh, cuộc sống không hơn trước, cái đói ám ảnh mọi nhà. Ăn không đủ, chưa thể nói no, người đàn bà vắt kiệt thân mình thành sữa để bảo bọc lấy con.
Ngày nay, người phụ nữ có cuộc sống khá hơn xưa nhưng liệu "phận đàn bà" có khá hơn không? Nếu ở nông thôn, họ sẽ vất vả việc đồng áng hơn người đàn ông. Nếu ở thành thị làm công nhân công nghiệp, họ vẫn thua thiệt rất nhiều. Có con đường bán thức ăn nào ở thành phố đàn ông đi chợ nhiều hơn phụ nữ? Trong căn phòng ở trọ chật hẹp, nếu có con dại, người phụ nữ nào không bận bịu hơn đàn ông?
Có gia đình cư dân đô thị nào, người phụ nữ ngồi xỉa răng, uống nước trà, đang khi người đàn ông dọn lấy chén bát, xếp cất nồi soong? Có người phụ nữ nào ngồi hàng giờ nơi quán bia, tán chuyện trên trời dưới đất, trong khi người đàn ông đang cho con bú, bên đống tã lót ngút ngàn, và không hề tỏ lời than thở?
Cuộc sống bộn bề sẽ bớt đa đoan nếu con người chia sẻ nhau, hiểu thấu nhau.
Nghe có vẻ đơn giản vì nói thì dễ nhưng thực hành rất cam go, nếu con người không hưởng một nền giáo dục nhân bản từ lúc nhỏ.
Nếu cô con gái và cậu con trai (nói ở đầu bài) được nuôi nấng trong môi trường giáo dục lành mạnh, thì hai bà mẹ sẽ không phải xót xa khi nói về những đứa con họ xé ruột đẻ ra.
Người ta cứ nghĩ, nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm hoàn toàn về giáo dục. Tôi thì nghĩ phần lớn giáo dục xuất phát từ gia đình. Không hẳn cha mẹ có bằng cấp cao, con cái sẽ được giáo dục tốt. Không, chính cái gương, chứ không phải cái bằng của họ.
(Bài cũ đăng lại)