Monday, August 15, 2022

Vĩnh biệt thầy PHẠM PHÚ LỢI


 

Lớp thanh niên thi tú tài trước năm 1975, ở Hội An, không học sinh nào không học thầy Phạm Phú Lợi. Là người dạy môn triết hay nhất của trường Trần Quý Cáp, thầy tạo dấu ấn sâu sắc với học sinh chúng tôi. Dấu ấn ấy không phải là sự xuất thân của thầy, trong một gia đình dòng dõi nổi tiếng khoa bảng, bố là giáo sư, cụ cố là Phạm Phú Thứ, danh nhân của đất Quảng nổi tiếng với Ngũ Phụng Tề Phi (*). Anh ruột thầy công tác lãnh đạo ở bộ giáo dục VNCH. Con trai thầy là trưởng ban Việt ngữ đài VOA, Hoa Kỳ. Hình ảnh ghi nhớ mãi trong long học sinh chúng tôi: nét tinh anh cộng với tài hoa của một ông thầy dạy triết đẹp trai, có vầng trán rộng, nụ cười luôn luôn nở trên đôi môi đỏ, và nước da trắng như còn phảng phất nét thư sinh.

Môn triết là môn quan trọng nhất đối với ban C lớp 12 (đệ nhất), sau đó mới là ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp). Các môn thi tùy theo ban mà có hệ số điểm từng môn khác nhau. Ví dụ, triết ban C có hệ số 4, nghĩa là 10 điểm sẽ thành 40 chục điểm. Môn toán, lý, vạn vật (sinh) có hệ số 1. Ngoại trừ điểm không (zero), nếu môn triết đạt 15 điểm (hệ số trên 20 không như 10 như hiện nay) mà các môn kia mỗi môn chỉ một điểm thì tổng cộng bốn môn bằng 64 điểm. Điểm trung bình (64/4) là 16, việc thi đậu tú tài sẽ rất dễ dàng gấp nhiều lần nếu môn chính có điểm cao.
Sự quan trọng của môn chính (như triết ban C) nên có thầy dạy giỏi thì kết quả thi của học sinh sẽ rất khả quan. Học sinh thường giỏi ở những môn có người dạy giỏi. Thầy Phạm Phú Lợi của chúng tôi không những “dạy giỏi” mà còn dạy “hấp dẫn”. Tiết học gần 120 phút của thầy trôi đi nhanh chóng. Thầy cười chào chúng tôi để ra khỏi lớp nhưng chúng tôi vẫn còn tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Lứa tuổi mới biết yêu lại được thầy dạy Tâm lý học thì tuổi thanh xuân "thăng hoa" biết mấy. Ở lớp 12, chúng tôi phân biệt "thời gian" khác với “kỳ gian”. Thời gian có thể là 60 phút nhưng kỳ gian có thể là 6 phút hoặc 600 phút, tùy tâm trạng mỗi người. Ngồi nói chuyện bên người yêu 60 phút ngắn còn hơn 6 phút. Lúc chuẩn bị lên bảng trả bài, 6 phút dài hơn 600 phút. Thời gian tâm lý khác với thời gian vật lý, thầy dạy đó là “kỳ gian”. Các câu chuyện minh họa cho các tiết dạy triết làm cho buổi học thêm khởi sắc. Những câu chuyện thường ngày nằm trong nôi dung bài giảng tưởng khô khan nhưng sinh động: ai cũng thấy chuyện "triết học" như chuyện "đời thường".
Tôi nhớ câu chuyện thầy kể (có lẽ bây giờ đã nhiều người nghe nhưng thuở ấy rất ít). Có hai vị sư trẻ chuẩn bị lội qua một con suối khá rộng, khá sâu để về chùa. Cùng lúc có một cô gái trẻ đẹp cũng muốn lội qua nhưng khá do dự, ngần ngừ vì sợ nước chảy xiết. Thấy thế một vị sư trẻ cúi xuống bảo cô gái leo lên lưng cho thầy cõng qua suối. Cô gái cám ơn và mỉm cười chấp nhận. Về đến chùa khá xa, hơn mấy tiếng đồng hồ sau, vị sư đồng hành cất tiếng trách móc bạn mình: “Người tu hành không nên chạm vào da thịt phụ nữ huống hồ gì thầy lại cõng cô gái trên lưng”. Vị sư trẻ đáp lại: “Tôi bỏ cô gái bên bờ suối ngay lúc đó. Sao thầy còn ‘mang’ cô ấy cho đến bây giờ”. Thầy mỉm cười ý nhị. Ở lứa tuổi chớm 18, nghe câu chuyện triết lý ấy chúng tôi hiểu thầy muốn gởi gắm trong đó một khái niệm bên nhà Phật: chánh niệm là lẽ tu hành.
Cũng ở lớp 12, chúng tôi còn được thầy dạy các môn “triết” khác như Luận lý học, Siêu hình học, Đạo đức học (mỗi môn có riêng một cuốn sách dày độ trên 200 trang). Chưa vào đại học chúng tôi hiểu thế nào là Tam đoạn luận, với ví dụ phổ biến: Mọi người ai cũng chết. Socrate là người. Ông ta cũng phải chết. Với trí óc non nớt của học sinh, nhưng bằng kiến thức thâm sâu, kinh nghiệm sư phạm nhiều năm, thầy giới thiệu cho chúng tôi hiểu rõ những khái niệm cơ bản trình bày trong các cuốn sách giáo khoa môn triết lớp 12.
Chúng tôi ham học môn triết vì thầy dạy rất sinh động và hấp dẫn. Khái niệm trừu tượng trở nên rõ ràng. Môn triết “đi vào đời sống” học sinh chúng tôi. Lên đại học, kiến thức cơ bản chúng tôi tích lũy được, mở rộng ra hơn, nhờ những tiếp thu thầy dạy hồi trung học. Thầy dạy giỏi nên chúng tôi nhớ lâu.
Nhưng những ký ức về thầy không phải hạn chế trong môn học hấp dẫn của thầy về triết. Hình ảnh của thầy chính là ký ức – không dễ gì phai. Thầy có thói quen hút thuốc Craven A con mèo đen (không đầu lọc). Hình như thầy nối điếu này sang điếu khác mỗi khi vào“cao trào” giảng dạy, chúng tôi đang há ngoác mồm bên dưới nhìn chăm chăm vào thầy. Thầy cười sau câu chuyện kể là chúng tôi cười theo như vỡ trận. Mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của thầy như cuốn hút chúng tôi bằng sức hấp dẫn, không phải cách diễn đạt đề tài, mà bởi kiến thức uyên bác của thầy. Chúng tôi có được cái nhìn “triết lý” về đời sống cũng bắt nguồn tư những bài giảng của thầy. Ngồi trong lớp, đôi lần tiếng còi báo động có pháo kích của VC vào thành phố, chúng tôi chẳng buồn để ý nếu đang nghe thầy giảng bài.
Tôi là học sinh không giỏi môn triết cho lắm nhưng được thầy “tin dùng” nhờ có giọng to khỏe. Sau mỗi bài dạy, thầy đọc bản tóm tắt của thầy nghĩ ra (hay soạn sẵn trong đầu, tôi không rõ, không phải theo sách giáo khoa). Tôi có nhiệm vụ lặp lại lần thứ hai mỗi câu thầy đọc. Có lẽ thầy bận…hút thuốc chăng? “Em có giọng đọc rất truyền cảm”. Lời khen của thầy làm tôi sung sướng nức nở. Tôi càng cất to giọng, sang sảng lặp theo câu của thầy vừa đọc cho các bạn chép vào vở. Các đoạn tóm tắt không dài nên chúng tôi thấy rất dễ nhớ. Khi dạy, thầy đề cập vấn đề mênh mông như sông như biển . Khi chấm dứt bài giảng, thầy cô đọng những điểm chính yếu nhỏ lại như suối như khe. Đặc biệt thầy không bao giờ gọi chúng tôi lên bảng để trả bài. Nhưng mọi học sinh trong lớp đều rất khá môn triết thầy dạy có lẽ vì yêu thầy, vì thích môn học mới mẻ, lần đầu học sinh chúng tôi được dạy khi bước vào đời.
Hôm nay, nghe tin thầy mất, tôi buồn nhưng không cảm thấy bất ngờ. Lúc dạy chúng tôi gần 50 năm trước, thầy nói cuộc sống là vô thường. Dạy triết nhưng thầy dạy chúng tôi những tư tưởng thâm trầm của nhà Phật. Thầy thường nhắc câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” với nụ cười hồn hậu rộng mở.
Tôi vẫn còn nhớ lời thầy dạy: Mọi người, ai cũng phải chết. Socrate là người. Ông cũng phải chết. Chúng tôi nhớ thầy cười rất tươi với tam đoạn luận này. Và bây giờ, trong giấc ngủ bình yên, như lẽ vô thường, thầy sẽ không chết, và giống ông Socrate, thầy sống mãi trong lòng chúng em, những học sinh trường Trần Quý Cáp Hội An. Chúng em vẫn thấy thầy mỉm cười mãn nguyện: Cả cuộc đời hi sinh cho tâm hồn học sinh chúng em, chắp cánh qua môn triết của thầy.
(*) "Ngũ phụng tề phi" (khắc trên tấm biển vua ban). Năm người đồng hương Quảng Nam đỗ đại khoa một lần năm 1898. Đó là các ông: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.