Sunday, August 14, 2022

COVID ƠI, COVID! - Nhiệt liệt kỷ niệm một năm ngày ra đời bài COVID ni

 Covid không chỉ gây đảo lộn trật tự xã hội, cướp đi nhiều mạng sống, phá hủy thành tựu kinh tế, mà còn đưa con người vào một tình trạng: không tin lẫn nhau.

Tỷ lệ cái chết nó gây ra so với các loại bệnh có vẻ không cao; nhưng nó đem lại "cái chết" tinh thần, nỗi hãi hùng cho nhân loại: khi nó hiện hữu, tình người dường như mất đi.
Các nước lớn, nhỏ trên thế giới thay đổi thái độ đối với Trung cộng, sau khi biến cố Vũ Hán xảy ra, từ bạn hữu nay trở nên dè chừng, lo sợ, có lúc như thù địch khi covid có mặt, gieo rắc kinh hoàng, không nước nào tránh khỏi.
Con người đi ngược lại bản năng "bầy đàn" có sẵn; họ phải tách khỏi nhau, cách ly xã hội, có nơi, còn phong tỏa nghiêm ngặt (lockdown). Bày tỏ yêu thương: bắt tay, ôm hôn, ôm ấp, thăm thú nhau, gặp gỡ nhau...tất cả đều cấm kỵ, trong thời gian covid khống chế. Bao lâu thì hết? Rất khó đoán, nếu vaccine chống nó chưa xuất hiện đại trà.
Cách ly xã hội tác động đến tận từng nhà, từng người. Ông bà được con cái cảnh báo nghiêm khắc: ba, mẹ không được tiếp khách, không được ra khỏi nhà, không được ôm hôn con cái chúng. Đa số người chết đều có bệnh nền, tuổi càng lớn, bệnh nền càng cao. Thân nhân không được cầm tay người chết mang vi rút, người quen, bạn bè, thân tộc...cũng không dám thấp thoáng, dù muốn nhìn mặt họ, một lần cuối trong đời.
Con người thời covid dường như không còn là con người nghĩa tình như thuở trước. Tôi len lén ra đứng bên lề đường, một buổi tối ở thành phố covid đang "tàn phá", bất chợt thấy một phụ nữ mặt mũi bịt kín, 1 cháu bé tầm 2 tuổi ngồi trước xe máy, đánh rơi một cái thùng giấy to, dây cột nó quấn vào bánh xe, xe ngã không mạnh lắm, nhờ chị thắng kịp. Cháu bé văng ra ngoài, đường vắng xe, cháu thật may mắn. Tôi vội vã chạy đến giúp đỡ người bị nạn, nhưng người phụ nữ ngồi bật dậy, cũng vội vã khoát tay về phía tôi, khoát lia lịa, ra hiệu từ chối; lý do quý vị thừa biết, cô ta thấy tôi tóc bạc, người già "nguy hiểm" lắm, biết đâu đã có mầm covid. Cô ta sợ cho con, cho cô, nên cô cũng sợ luôn tôi, ông già muốn ra tay nghĩa hiệp Lục Vân Tiên.
Con người thời covid, ai ai cũng có thể là..."địch", thế lực thù địch. Nhà nước bảo chống dịch như chống giặc, giặc thì có địch, mầm bệnh vô hình, người nào cũng có thể mang, "địch" trong người chứ còn gì nữa?
Có ai sống trong vùng "phủ sóng" của covid-19 mà không lo sợ ngày đêm? Nỗi sợ càng lớn hơn khi mỗi ngày 2, 3 lần, loa thôn, loa phường, loa xã...oang oang cảnh giác cho người dân phải cảnh giác dịch bệnh. Ở vùng quê có dịch, mỗi chiều, ngoài ngõ, đôi ba chiếc xe của nhân viên công lực chạy qua, chạy lại, tay loa, tay gậy, nhà nào họ cũng dòm vào, xem có ai tụ tập đông người, đánh cờ hay uống rượu. Nhiệm vụ của họ là đúng đắn nhưng người dân cảm thấy không khí như chiến tranh, chống dịch là chống giặc.
Khi ở trong các vùng dịch bị phong tỏa, đời sống vật chất con người bị hạn chế -chịu đựng được, dân Việt ngàn đời quen chịu đựng, đời sống tinh thần thật sự là bức bối. Người thân yêu cũng có nguy cơ là thù địch, vì họ có thể mang mầm covid. Gia đình không còn là chỗ dựa tinh thần, nơi gặp gỡ yêu thương, vì ai ai cũng phải cách ly để ngăn ngừa dịch bệnh.
Cách ly, giãn cách xã hội (social distance) là biện pháp tối ưu trong khi chưa có vaccine. Hãy chịu đựng, chịu đựng, và chịu đựng khi covid còn ẩn khuất, chưa bị tiêu diệt khỏi trần gian.
Có một chi tiết, ít ai để ý. Thế giới đã không đảo điên vì dịch nếu nơi phát sinh ra chúng - Trung cộng - có dân chủ.
Quý vị ngạc nhiên ư? Có gì khó hiểu. Khi vi rút xuất hiện, các nhà "khoa học" ( bác sĩ) cảnh báo, một chủng mới rất nguy hiểm, chính quyền Vũ Hán tôn trọng tiếng nói của sự thật, không bắt giữ đe nẹt họ ban đầu; những quan chức cộng sản không đợi "chỉ đạo" từ Bắc Kinh, mới ra tay hành động, kịp thời, quyết liệt như khi dịch bùng phát, thì con quỉ giết người covid kia không thể chạy theo hàng triệu người rời khỏi địa ngục, lên máy bay đi khắp thế giới, gieo họa khắp hành tinh.
Khi có nền dân chủ thật sự, Trung cộng sẵn sàng mở cửa ổ dịch, đón các nhà khoa học uy tín đến đó, chung tay với nhà khoa học địa phương, chắc chắn mầm dịch không vượt ra phạm vi một thành phố. Có gì tại Vũ Hán mà ông Tập Cận Bình muốn che giấu? Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu - vì độc tài.
Thôi, nhân loại cũng nên vui vẻ vác thánh giá mà đi. Covid gây tai họa cho nhân loại nhưng cũng khiến nhân loại hiểu ra: an lành nhờ minh bạch và dân chủ, nói màu mè hơn, khi sự thật được cất tiếng nói, nhân loại sẽ bớt đi khổ nạn.
Nếu bác sĩ Lượng ở Vũ Hán cất lên được tiếng nói của sự thật, sự thật được lắng nghe kịp thời, thì covid đâu là kiếp nạn mọi người đang phải mang, trong đó có người dân Sài Gòn. Và tôi, giờ này không ngồi bó gối, “gặm một nỗi căm hờn trong Covid”.
Covid ôi, cô đơn!