Sunday, February 27, 2022

ĐẤT QUẢNG NAM



“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm.
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”.(Ca dao).
Dân Quảng nổi tiếng hiếu học. Có thời, người ta ca tụng Quảng Nam có “ngũ phụng tề phi” ( Năm người xứ Quảng cùng đỗ khoa thi hội, thi đình tại Huế). Nhưng Quảng Nam nổi tiếng lạ lùng có hai ông Phan Khôi. Một là học giả Phan Khôi, “ngự sử văn đàn”, phê phán không từ một ai, kể cả triều đình Huế. Người nổi tiếng nhất Bắc hà, học giả Phạm Quỳnh, cũng không tránh bị ông gọi đích danh “học phiệt”. Ông Phan Khôi hậu sinh là thầy dạy chúng tôi, lớp thi tú tài 1972.
Những năm biến động miền Trung, Phật giáo đấu tranh, 1965-1966, tỉnh Quảng Nam khuyết chức tỉnh trưởng. Không ai dám về làm lãnh đạo vùng đất nóng của “Phật giáo xuống đường”; dân chúng (không cộng sản) biểu tình chống đối các vị lãnh đạo tạm thời của VNCH, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, “đả đảo Thiệu, Kỳ, Có”.
Thầy dạy cấp ba của chúng tôi, ông Phan Khôi, được chính phủ Sài Gòn mời ra làm tỉnh trưởng. Ông ra điều kiện: không đi xe công vụ đến toà hành chánh. Vẫn giữ chiếc xe đạp đi dạy đến cơ quan. Không ở dinh tỉnh trưởng, vẫn ở nhà riêng cấp bốn. Không chập nhận có binh sĩ hộ vệ. Vì điều kiện an ninh cho một lãnh đạo cấp tỉnh, lời yêu cầu của ông không được chấp nhận. Thế là thầy đi dạy tiếp. Vừa dạy tiếng Pháp vừa dạy tiếng Anh cấp ba. Các vị lãnh đạo tân nhiệm đều đến nhà thầy chúng tôi để vấn kế “quản lý “ dân dù họ đóng lon trung tá, có khi đại tá tỉnh trưởng.
Thầy Phan Khôi của dạy học ở trường Trần Quý Cáp, một ngôi trường cấp ba công lập duy nhất đầu tiên của tỉnh Quảng Nam trước 1975, thành lập 1952 khi tôi vừa ra đời.
Giáo sư Trần Văn Thọ, trường đại học Waseda, cố vấn kinh tế mấy triều thủ tướng Nhật Bản, là học sinh của Trần Quý Cáp. Tôi khoe khoang một tý vì hôm nay, tôi vừa đi dự họp mặt cựu học sinh của ngôi trường có thầy, có trò “nổi tiếng”.
Ở Sài Gòn, lớp học sinh trước, cùng, sau thế hệ chúng tôi, rất nhiều người thành đạt. Tôi sẽ không “khoe” nữa. Tôi chỉ nhấn mạnh một điểm: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm “. Người Quảng chúng tôi rất nghĩa tình. Chưa mưa nhưng đã thấm. Không nghĩa tình thì cựu học sinh chúng tôi, kẻ từ Hội An, từ Lâm Đồng, người từ miền Tây, Đông Nam bộ, nước ngoài, không tụ họp về đây, Hội An quán tại Sài Gòn, góp tiếng cười, tiếng hát, tiếng tỉ tê tâm sự, mà không hề sợ COVID-19 rập rình.
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ “ (Trịnh Công Sơn).
Học sinh trẻ, học sinh già đều vui vẻ gặp nhau trong một không gian ấm áp, một khung cảnh trang trí màu gỗ, đồ gỗ, gợi nhớ phố cổ Hội An. Cao lầu, bánh tráng đập, cơm gà, mắm cái, ớt xanh…sao mà nhớ quê nhà quá đỗi. Gặp nhau, chúng tôi hàn huyên tâm sự , và bui ngùi, có vài bạn không còn sau mùa dịch bịnh. Nhưng chúng tôi vẫn vui vì cùng là học sinh trường TQC, vì “duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác “ (Nguyễn Khuyến).
Ghi chú: Hành khúc Trần Quý Cáp do thầy Phan Khôi viết (lời).