Monday, February 21, 2022

THÁCH THỨC KÉP VỀ CÔNG NGHỆ CỦA VN: VỪA LÀ “MŨI NHỌN” VỪA LÀ “BẮT KỊP” (Vietnam’s Twin Tech Challenge: Spearheading While Catching Up)

 VN mượn giầy nhiều người để đi nhưng riêng về công nghệ số, VN có thể tự sắm giày mà đi. Nếu lệ thuộc mãi các ông lớn, chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đồng loạt lấy lại giầy?


Bài của Lê Thu Hường đăng trên CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế), Hoa Kỳ.
17, tháng 2 năm 2022
Việt Nam đang trở thành “cường quốc” kỹ thuật số của Đông Nam Á. Báo cáo của Google, Temasek, và Bain e-Conomy SEA 2021 gọi thập niên 2020 là “thập niên ngàn tỷ” ở Đông Nam Á khi kinh tế số của khu vực vượt mốc giá trị ngàn tỷ đô. VN nổi lên như một trung tâm phát triển năng động trong vùng. Dù giá trị doanh số nền kinh tế internet của VN đi sau một số nước láng giềng, ước khoảng 21 tỷ đô năm 2021, con số ấy sẽ đạt 150-220 tỷ vào năm 2030.
Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng Internet là 70,3% (đứng thứ 4 ở Đông Nam Á) - điều đáng chú ý là tỷ lệ dân số thành thị tương đối thấp (38% vào năm 2021, chỉ xếp sau Campuchia, Lào và Brunei trong khu vực). Nhưng dân số trẻ của Việt Nam là một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy tiếp thu công nghệ trên toàn nước lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình trên thế giới. Báo cáo mức độ tiếp nhận kỹ thuật số của PwC Việt Nam, năm 2021, cho thấy, 42% người Việt Nam được hỏi, bày tỏ sự hào hứng áp dụng công nghệ vào công việc của họ, so với mức trung bình toàn thế giới là 16%.
Nền kinh tế kỹ thuật số chỉ là một phần trong tham vọng tổng thể của đất nước đói với Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo kế hoạch này, Việt Nam dự kiến sẽ lọt vào danh sách 40 quốc gia có thành tích hàng đầu trong Chỉ số đổi mới toàn cầu, top 30 trong Chỉ số an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế, và top 50 trong Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2030. Chính quyền Việt Nam mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp vào khoảng 30% GDP và năng suất tăng trung bình 7,5% hàng năm. Nó cũng hướng tới mục tiêu hoàn thiện và thiết lập các thành phố thông minh tại các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Việt Nam đưa ra chính sách kinh tế để định vị Việt Nam như một trung tâm khu vực sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Khi sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn tiếp tục, những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Samsung, LG và Foxconn, cùng với những doanh nghiệp khác, đều khẳng định sự hiện diện tại quốc gia này. Xu hướng dịch chuyển công ty, dây chuyền sản xuất, khỏi Trung Quốc có thể sẽ làm Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn nhiều.
Tham vọng của chính quyền, hỗ trợ bởi các chính sách tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ, bao gồm cả các ưu đãi về thuế. Bất chấp đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục đổ vào để phát triển và sản xuất với các công ty như Microsoft, Sony, Pegatron, Nokia, Panasonic, Intel và Canon. Việt Nam hiện cũng là trung tâm khu vực về nghiên cứu và phát triển (R&D) gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi, và Jupiter Networks, cùng nhiều công ty khác. Việt Nam đang trên đường trở thành một nhà sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực và là một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Áp dụng ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến trong các nước phát triển ngày nay sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh lao động rẻ ở những nền kinh tế kém công nghiệp hóa. Trong lúc các nước phát triển dẫn đầu các ngành công nghệ tiên tiến thì những nước đang phát triển, như Việt Nam, vẫn còn đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc thích nghi, “bắt kịp”.
Cạnh tranh công nghệ đòi hỏi rất lớn nguồn kinh phí R&D (Nghiên cứu & phát triển) - không là gì đối với các nước phát triển. Kinh phí R&D của VN vẫn còn èo uột (dwarfed) so với nguồn kinh phí của các láng giềng quan trọng trong khu vực; phần lớn tiếp nhận công nghệ của nước này là từ các khu vực FDI (đầu tư nước ngoài) chứ không phải đầu tư quốc nội trong các công nghiệp kỹ thuật cao.
Tiến bộ công nghệ đẩy mạnh sự phát triển nhưng đồng thời tạo thêm bất bình đẳng. Chỉ trước đại dịch bùng phát, Ngân hàng Thế giới ước tính 56% việc làm ở Việt Nam, cùng với Campuchia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, có nguy cơ cao, bị thay thế bởi công nghệ và tự động hóa trong hai chục năm tới. Đại dịch mang lại việc áp dụng kỹ thuật số rộng khắp trong vùng – nó kích thích thương mại điện tử, giao hàng và dịch vụ trực tuyến, thúc đẩy nền kinh tế số. Nó cũng đẩy nhanh tốc độ tiến trình dịch chuyển việc làm: giảm sút rất rõ trong việc sản xuất với công việc kỹ thuật bậc trung nhưng lại gia tăng các dịch vụ và công việc kỹ thuật bậc cao trong những nước đang phát triển. Nhưng nâng cao hay đào tạo lại tay nghề sẽ không hoàn chỉnh nếu việc ấy không hòa nhập và bền vững. Như nhiều nước láng giềng, VN vẫn còn chậm chân khi nói đến chính sách quốc gia đối phó với việc hòa nhập kỹ thuật số đối với nữ, đặc biệt với việc tiếp cận Internet, việc đào tạo kỹ thuật số dành cho phụ nữ, và giáo dục STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).
Đối với nhiều người trong khu vực, kinh tế kỹ thuật số trở thành liều thuốc chữa trì trệ kinh tế do đại dịch gây ra. Nhưng nó cũng hằn sâu tính bất bình đẳng, khiến thế giới hậu covid càng phân cực hơn. Chuyển qua internet như là cách chống chọi lại covid trở thành một lựa chọn thiết thân chỉ dành cho những ai có đủ điều kiện sẵn có. Như thế, chuyển đổi kỹ thuật số cũng đem lại nguy cơ trở nên một vec-tơ kéo dài bất bình đẳng. Học trực tuyến là giải pháp học trong thời dịch bịnh. Nhưng giải pháp ấy không phải ai ai cũng có. Đó là những cá nhân sống ở vùng sâu, vùng xa, kết nối kém, và những cộng đồng dân cư thiếu thốn, khó tiếp cận internet hay không sắm được máy vi tính cá nhân. Giáo dục là truyền thống giúp thay đổi cuộc sống những nhóm người này, cơ hội của họ sẽ bị hạn chế nếu giáo dục không đến được nơi họ.
Việc nhanh chóng áp dụng dịch vụ kỹ thuật số trong bán lẻ, giáo dục, và y tế cũng khiến người sử dụng đối mặt với rủi ro về an ninh và an toàn mạng ở trong môi trường việc thực thi, nói chung, còn kém. VN có cải thiện nhanh chóng việc thích ứng an ninh mạng. Năm 2018, họ xếp thứ 50 theo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu, tăng 50 bậc so với năm trước đó. Nhưng vẫn còn phải cải thiện thêm, và chính phủ hứa nâng hạng lên top 30 thế giới vào năm 2030.
Tiềm lực và tham vọng của VN sẽ được đo lường qua khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh đổi mới, điều hướng thành công thế giới mạng phức tạp cũng như khuôn khổ pháp lý còn kém phát triển ở nước mình. Họ có thể khống chế phân chia lợi ích dân số của mình để thúc đẩy một tương lai có lợi thế cạnh tranh.
Nhưng để có một tương lai bền vững, họ cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số ngày càng gia tăng trong xã hội, và không bỏ ai lại phía sau trong lĩnh vực này. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số có một tiềm năng to lớn đáng tin cậy, nhưng quốc gia này nếu muốn vượt khỏi lợi ích trước mắt như ứng dụng công nghệ (apps) và thương mại điện tử, họ cần một bước đột phá trong chuỗi giá trị kỹ thuật số và phát triển mũi nhọn trong phát triển kỹ thuật quan trọng tương lai.

Nguyễn Long Chiến dịch
Theo https://www.csis.org/analysis/vietnams-twin-tech-challenge-spearheading-while-catching