Thursday, February 3, 2022

CHỐNG HAY SỐNG CHUNG? - Mạn đàm chuyện covid ở Sài Gòn

 




Có thời điểm Sài Gòn có số ca nhiễm kèm ca chết vì Covid-19 tăng vọt. Một vài người ở Hà Nội phê phán thành phố Hồ Chí Minh thiếu ý thức, dịch bịnh, ngăn đường, chốt hẻm, dân vẫn cứ ào ào ra đường. Họ đâu có thấu hiểu, ở Sài Gòn, thời dịch, ai muốn ra đường làm chi. Đói đầu gối hay bò. Ra đường chỉ để tìm lẽ sống. Không ai muốn ra đường để rước con corona vào người. Ra đường vì lẽ sống, sướng ích chi khi bị cản trở bởi rào chắn thép gai, bởi xử phạt nghiêm khắc, bởi chỉ thị “ai ở đâu, ở yên đó”.

Dịch bịnh nhờ thế mà giảm xuống? Không. Ông boss của thành phố Hồ Chí Minh than thở: không thể phong tỏa mãi. Đành áp dụng phương sách "sống chung với lũ". Triết lý này không phải từ dịch hay từ lãnh đạo mà có. Nó có rất sớm ở mỗi người dân Nam bộ, năm nào cũng có lũ về. Dân Nam bộ không nói chống lũ. Họ nói sống chung với lũ. Muốn không có Covid, Trung Quốc theo đuổi chính sách “zero-covid”. Phong tỏa (lockdown), truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đại trà, cưỡng bách cách ly. Kết quả thế nào không ai rõ vì con số công bố của họ có định hướng, và chưa chắc đã thật. Họ đang phong tỏa “lai rai” các thành phố lớn. Cầu mong cho họ thành công. Và cũng thất vọng cho VN áp dụng theo họ (ít nhất là ở Sài Gòn), nhưng chẳng thành công.
Covid không những làm chết người, phá hỏng kinh tế, chia rẽ nhân loại; nó còn làm cho nhân loại đối xử với nhau chẳng chút tình nhân loại. Ai mắc corona bị xem như cùi hủi. Cha, mẹ, vợ, con, chồng, vợ, người ruột thịt…xem nhau như kẻ thù. Chống dịch như chống giặc. Giặc (corona) ám ai, người đó như thành ma, mọi người đều run sợ và xa lánh. Không run sợ hay xa lánh thì chẳng ai dùng khóa để khóa cổng, khóa nhà “người F1 hoặc người về từ vùng dịch”. Chưa kể có tỉnh khuyên con dân đừng về quê ăn Tết. Ôi, tha phương cầu thực, mang từng đồng xu cắc bạc về cho gia đình, cũng là cho quê hương, người lao động đắng lòng khi quê hương từ chối đón họ trong những ngày thiêng liêng nhất một năm – tết Nguyên Đán, tết đoàn tụ gia đình. Quê hương không còn là chùm khế ngọt. Cũng có quê hương mang chùm khế (chưa biết ngọt chua) áp dụng cách ly 7 ngày (có nơi 14 ngày) đối với những con dân về quê ăn tết.
Covid còn làm cho con người hiểu thấu lòng dạ con người. Trong lúc xét nghiệm giá ba, bốn trăm ngàn/một người/một lần thì những công bộc của dân nhập về từ nước xuất phát dịch đầu tiên với giá thành chưa quá 22.000/mỗi que thử. Họ ăn cả trên sức khỏe và xác chết đồng bào. Tận cùng khốn nạn.
Covid có còn là kẻ thù nguy hiểm? Chưa ai biết được. Nhưng nó không còn là nỗi kinh hoàng cho Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi…những nước tưởng đâu dân chúng bị “xóa sổ” dần dần vì nó. Nói đâu xa, covid có còn là nỗi kinh hoàng cho dân chúng Sài Gòn nữa không? Trong khi Hà Nội, thủ đô có tỷ lệ chích ngừa cao nhất nước, ghi nhận hàng ngàn ca bịnh mỗi ngày. Số thương vong tuy cao (hôm nay 33), rất trớ trêu, không đáng kể, so với thành phố Hồ Chí Minh thời cao điểm dịch bịnh.
Sài Gòn hiện nay thì sao? Tỷ lệ nhiễm trên 100.000 dân (hôm nay) là 20. Trong khi ở Hà Nội là 251 và tỉnh cao nhất Cà Mau, 671. Nhìn bản đồ nhiễm dịch, chúng ta thấy, dịch nơi nào cũng có. Trước nhiều sau ít, trước ít sau nhiều, đó dường như là quy luật. Cao, cao mãi đến đỉnh thì xuống, cao tới trời, ai mà chịu thấu? Trong lúc nước Mỹ đang xính vính vì Omicron thì nước Anh tuyên bố “xả cổng”: không bắt buộc ai mang khẩu trang nơi công cộng. Vì sao Mỹ lo lắng? Dân họ có số người áp huyết cao, béo phì nhất thế giới, lại có bộ phận dân chống vắc xin, không chịu đeo khẩu trang.
Chỉ trừ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là hai nước “bí mật” hoàn toàn với thế giới với các con số liên quan dịch covid, tất cả các nước trên thế giới đều minh bạch các con số dịch bịnh ở nước mình.
Covid đáng sợ không? Tôi cho là không trong tương lai. Tôi không biết căn cứ vào số liệu khoa học. Tôi chỉ trông vào thực tiễn. Thành phố Hồ Chí Minh một thời có người nhiễm, người chết cao nhất nước. Nhưng Sài Gòn hôm nay có người nhiễm, người chết thấp gần nhất nước. Đừng có nói nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao ở Sài Gòn. Có nơi còn cao hơn. Cũng đừng có nói nhiễm nhiều quá, còn đâu mà nhiễm nữa. Mà hãy nói dân Sài Gòn phát huy lẽ sống tiền nhân họ từng sống: Chống dịch không bằng sống chung với dịch. Chống lũ không bằng sống chung với lũ. Dịch đến rồi dịch đi. Lũ đến rồi lũ đi. Chúng ở mãi thì người đâu còn. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Thuận lẽ trời thì sống, trái lẽ trời thì vong.
Mỗi chiều hãy đi dọc các con phố ở Sài Gòn để thấy dân Sài Gòn "chịu chơi". Họ chịu chơi, ví như chuyện nhậu: nhậu (hưởng thụ) ra nhậu, làm( tạo của cải) ra làm. Nhậu và làm không lẫn lộn. Nếu lẫn lộn chơi và làm, dân Sài Gòn không thể là đầu tàu của cả nước. Dân cả nước sẽ không kéo về Sài Gòn để kiếm sống. Đóng góp cho ngân sách thủ đô cũng không địch nổi. Mỗi ngày nhìn Sài Gòn xe cộ dày đặc, nối đuôi nhau, các phố, các chợ dày ken người đi lại, chúng ta mới thấy Sài Gòn đầy sức sống sau những ngày "ngõ không qua, nhà không tới". Nếu phong tỏa “ai ở đâu ở đó” thêm hai tháng nữa để thực hiện chủ trương “zero-covid” như bạn vàng đang làm, Sài Gòn sẽ thành thành phố chết. Sài Gòn chết cả nước chết theo.
Hãy cảm thông cho dân Sài Gòn sinh hoạt gần như bình thường khi hiện nay nhiều tỉnh còn lo sốt vó vì covid những ngày cận tết. Họ đã đến tận cùng của khổ nạn Covid thì họ đáng được hưởng ý nghĩa cuộc sống, chẳng hạn một vài ly bia, hay chén rượu vỉa hè, một tô hủ tiếu, một tô phở nơi quán xá, nơi công cộng, mỗi buổi chiều tối sau ngày làm việc hay mỗi ngày lễ, ngày chủ nhật.
Sài Gòn sống vững nhờ triết lý “không chống” nhưng “sống chung”, dù đó là với dịch hay với lũ. Tất nhiên, sống chung không có nghĩa "sống xả lán, sáng về sớm".