Tuy là chị nhưng tuổi chị cách tuổi em gần 3 con giáp. Và tuy là con cô, con cậu, chị không khác chi trong một gia đình, cùng cha cùng mẹ. Những việc gì của cô tôi cũng là những việc của cha tôi.
Năm 1966, anh trai duy nhất của chị bị thương trong một trận đánh, mất một phần xương hàm. Xin giải ngũ, với số tiền trợ cấp thương phế binh, anh sắm một chiếc xe chở khách. Trong chiến tranh, xe khách cũng không khác xe nhà binh: mìn cách mạng đặt trên đường không phân biệt ai dân thường, ai quân đội. Xe khách bị giật nổ. Anh chết cùng một lần với hơn chục hành khách trên xe, con đường từ Pleiku đi Phú Bổn.
Mẹ anh, tức cô ruột tôi, cũng bị bắn chết trong trận phục kích khi quá giang đoàn công voa quân đội; bà muốn đến thăm những người cùng làng quê Quảng Nam vào Tây Nguyên theo gia đình binh sĩ nhưng chưa đến nơi thì về cõi vĩnh hằng. Bà được chôn trong nghĩa trang quân đội. Sau 1975, chị dâu tôi dắt díu đàn con nhỏ 6 đứa trở về nguyên quán. Nghĩa trang quy hoạch đi nơi khác. Mộ cô tôi không biết đi về đâu. Chồng cô mất lúc anh chị tôi chưa tới 10 tuổi, nay mỗi lần về quê, viếng mộ gia tộc, tôi chỉ ngậm ngùi thương cảm, bằng nén nhang thắp mộ cha, tưởng nhớ đến cô.
Chị tôi là người mất sau chót trong gia đình 2 người con của cô. Cái chết thật thương tâm. Năm 1966, chị có 3 cháu. Chồng đi lính, chị sống trong trại tỵ nạn cộng sản sát quận lỵ. Nhà dột mái, chị lên đồi gần đồn lính cắt tranh về lợp. Chẳng may, chị vướng phải mìn, bị thương nặng mà không chết, sau mấy tháng đi nhà thương nhưng đôi mắt bị mù.
Thời ly loạn chiến tranh, có đôi mắt chưa hẳn tránh hiểm nguy, huống chi mù như chị. Và, tại ương ập đến. Năm Mậu thân, quận lỵ bị tấn công. Những dãy nhà tỵ nạn lại nằm trong tầm pháo kích của cách mạng. Trong căn hầm chất bằng bao cát mỗi nhà một cái là cái chết của 4 mẹ con. Đạn pháo gây cháy nhà, nhà vách lá, lợp tranh, cháy như núi lửa. Vì mù, chị tôi không phát hiện nhà cháy, kịp dắt con chạy thoát và lúc lửa phủ lên ác liệt, chị và ba con nhỏ, đứa 2, đứa 4, đứa 6 tuổi, tất cả chết ngạt vì khói; chị vừa bước qua tuổi 30.
Mỗi lần về quê viếng mộ, tôi đều thắp nhang cho chị và ba cháu. Lòng lúc nào cũng bùi ngùi thương tưởng. Cả gia đình chị, và hằng triệu gia đình khác, đều có người chết trong chiến tranh.
Đất nước tôi không làm ra vũ khí nhưng vũ khí ngoại bang giết chết đồng bào tôi, trong đó cả gia đình chị, và gia đình tôi (2 người) . Vết thương luôn nhói đau, mỗi lần nhìn chị và các cháu gởi xác ở mảnh đất bên cánh đồng, hiu quạnh.
Chiến tranh luôn tàn độc, không thể có chiến tranh chính đáng.
(Ảnh: Mộ chị tôi, và ba đứa con chị)