Wednesday, February 23, 2022

Báo NIKKEI của Nhật phỏng vấn giáo sư John Mearsheimer dạy về quan hệ quốc tế ở đại học Chicago


 

Báo NIKKEI của Nhật phỏng vấn giáo sư John Mearsheimer dạy về quan hệ quốc tế ở đại học Chicago, Mỹ. Vị học giả này nói: “Cuộc viếng thăm của Nixon (đến Bắc Kinh) 50 năm trước rất ý nghĩa nhưng sau này, chính sách của Mỹ thì không”. Bài khá dài gần 3000 từ nói về quan hệ Mỹ- Trung- Nga- Nhật, có nhắc đến biển Đông. Nhận định của một học giả từng viết, tổng thống Bill Clinton rất sai lầm, khi ông không cho Ukraine sở hữu hạt nhân để bây giờ đất nước này bị Putin bắt nạt. Viễn kiến của vị giáo sư trong bài phỏng vấn có lẽ sẽ không quá tầm nhìn. Thái độ chừng mực của Mỹ đối với sự “xâm lược của Nga” cho thấy nước Mỹ có quan điểm không xa mấy quan điểm của vị giáo sư này. Mong quý bạn quan tâm thời sự Nga- Ukraine đọc bài tôi dịch.

(Tôi lược bỏ đoạn “mào đầu” cho bài viết ngắn bớt).
Hỏi: Nhìn lại lịch sử 50 năm giữa TQ và HK, ông có nghĩ là cựu bộ trưởng ngoại giao Henry Kissinger và cố tổng Riachard M. Nixon đã có quyết định sai lầm?
Đáp: Không. Tôi nghĩ, bạn nên phân biệt chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thời Chiến tranh lạnh – thời gian cuối thập niên 1970 đến thập niên 1980 – với thời chiến tranh lạnh quãng năm 1990 cho đến 2017.
Trong thời Chiến tranh lạnh, dưới chính sách của tổng thống Nixon, Hoa Kỳ quyết định liên kết với TQ, tạo một liên minh “cho là” với họ để chống lại Liên Xô.
Điều đó cực kỳ ý nghĩa. Nixon đúng khi giúp kinh tế TQ phát triển, bởi TQ càng mạnh, họ càng hiệu quả khi đối trọng Liên Xô. Tuy nhiên, khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989, Liên Xô tan rã năm 1991, Hoa Kỳ không còn cần TQ để ngăn chặn Liên Xô nữa.
Cái chúng ta ngu ngốc (tôi dịch chữ foolish= ngu ngốc, tuy không sát nghĩa, nhưng muốn nhấn mạnh Mỹ “ngu ngốc” thật) là theo đuổi chính sách liên kết, rõ ràng là làm cho TQ hùng mạnh hơn về kinh tế. Dĩ nhiên, khi mạnh về kinh tế, họ biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, và Hoa Kỳ, hậu quả của chính sách liên kết ngu ngốc này là đã tạo ta đối thủ cho mình.
Điểm tôi nhấn mạnh là, chính sách của Nixon- Kissinger cực kỳ ý nghĩa từ đầu thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Nhưng sau đó, (vẫn) liên kết (với TQ) là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.
Hỏi: Sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ không đánh giá đúng một TQ tiềm năng trở thành một cường quốc?
Đáp: Tôi không nghĩ điều đó đúng. Theo tôi, Hoa Kỳ suy nghĩ TQ nên mạnh về kinh tế, và thực sự là Hoa Kỳ muốn giúp TQ giàu có.
Hoa Kỳ tận lực giúp TQ hội nhập kinh tế thế giới, tham gia vào các định chế như WTO.
Hoa Kỳ không chỉ mong TQ mạnh hơn về kinh tế; HK còn cố tâm giúp TQ hùng mạnh hơn. Làm như thế, HK tin vào ảo vọng là, TQ dần dà trở thành nước dân chủ, từ đó, sẽ chia sẻ trách nhiệm trong một trật tự quốc tế do người Mỹ dẫn đầu.
Dĩ nhiên, chuyện đó không xảy ra. TQ không trở thành nước dân chủ. Kết cuộc là, TQ lại thiết lập bá quyền nước lớn ở châu Á, thách thức luôn Hoa Kỳ khắp hành tinh.
Hỏi: Tại sao vào thời điểm đó, Mỹ cho rằng TQ sẽ trở thành nước dân chủ?
Đáp: Hoa Kỳ cảm thấy, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít không còn là hình thái chính quyền khả dĩ nữa; tất cả các nước rốt cuộc trở thành dân chủ, như Mỹ, như Nhật, và tất cả chúng ta ở phương Tây phải làm là đẩy nhanh quá trình giúp TQ trở thành nước tự do dân chủ.
Câu chuyện mà các giới tinh hoa phương Tây hay nói là, sau chiến tranh lạnh, cả TQ lẫn Nga phải trở thành các nước dân chủ. Tôi tin rằng, tất cả câu chuyện phản ảnh rất đầy đủ trong một bài viết rất nổi tiếng của Francis Fukuyama, “Sự kết thúc của lịch sử?” phát hành năm 1989.
Lập luận của Fukuyama có sức ảnh hưởng to lớn. Tuyên bố chủ đạo của ông là, thế giới đang ngày càng dân chủ, và khi điều đó xảy ra, thế giới sẽ ngày càng thái bình. Khi giới tinh hoa nước Mỹ giúp TQ phát triển kinh tế, họ thực tâm không nghĩ sẽ có ngày TQ trở thành đối thủ, mối đe dọa địa chính trị đối với Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
Dẫu sao, đây không phải là quan điểm quẩn quanh ở Mỹ. Nếu bạn đến châu Âu, nếu bạn đến Nhật Bản, nếu bạn đến Đài Loan, quan điểm này nơi nào cũng có.
Không những Hoa Kỳ giúp TQ phát triển kinh tế, mà còn Đài Loan, tất cả các nước, ngu ngốc giúp TQ lớn mạnh, cả Nhật Bản, cả Hàn Quốc, cả các nước châu Âu cũng thế.
Hỏi: Đã 30 năm kể từ chiến tranh lạnh chấm dứt. Ông có nghĩ, chính sách ngăn chặn có còn hữu hiệu để đổi phó TQ? Ngày nay, nó còn tác dụng không?
Đáp: Chà, rõ ràng là, từ khoảng 1990 đến khi Trump vào Nhà Trắng, HK theo đuổi chính sách liên kết, như bạn biết đó, mục đích để TQ giàu có hơn.
Trump làm tổng thống, căn bản ông chấm dứt liên kết và tuyên bố, “Chúng ta đang theo đuổi chính sách ngăn chặn (TQ) hoàn toàn khác”.
Tổng thống Biden đi theo con đường của Trump. Giống Trump, Biden đang theo đuổi chính sách ngăn chặn. Không nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cố ngăn chặn TQ.
Hỏi: Ngăn chặn thế nào? Chiến lược cố làm chậm tăng trưởng kinh tế TQ khó bề thực hiện.
Đáp: Ngăn chặn có hai hướng, và chúng ta nên ưu tiên về quân sự, sau đó mới tới kinh tế.
Khía cạnh quân sự, rõ ràng TQ quyết đảo ngược hiện trạng ở Đông Á. TQ tin họ “sở hữu” được Biển Đông. Đó là số một.
Số hai, họ quyết chiếm lấy Đài Loan, đem bán đảo về đại lục.
Số ba, họ quyết kiểm soát biển Hoa Đông, chiếm lấy cái họ gọi là Điếu Ngư Đài, Nhật gọi Senkaku.
Chẳng nghi ngờ nữa, TQ là cường quốc “không xét lại”, và Hoa Kỳ cùng đồng minh, gồm Nhật Bản, cũng quyết ngăn họ chiếm lấy biển Đông, thu phục Đài Loan, thay đổi hiện trạng (status quo) ở biển Hoa Đông.
Rồi mới đến ngăn chặn kinh tế. Về điểm này, không thể nào Hoa Kỳ có thể đảo ngược TQ tăng trưởng kinh tế, một cách hữu hiệu nhất.
Cái Hoa Kỳ có thể làm là cố hạn chế sự tăng trưởng ấy càng nhiều càng tốt, cùng lúc, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ở phương Tây.
Khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy cạnh tranh sẽ thế nào, đó là chú trọng các công nghệ mũi nhọn, như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chất bản dẫn, 5G, vân vân. Đó mới thực là chỗ cạnh tranh cần có.
Hỏi: Về mặt kinh tế, HK và đồng minh làm thế nào hạn chế tăng trưởng của TQ mà không (quay lại) hại chính mình?
Đáp: Câu hỏi trong trường hợp này luôn luôn trở thành “Ai bị hại hơn ai?”. Nếu bạn gây hại nhiều cho kinh tế TQ, ít gây hại cho kinh tế Mỹ, kinh tế Nhật, bạn “thắng” rồi đó.
Hỏi: Có khả năng Hoa Kỳ và TQ sa vào một xung đột vũ trang không?
Đáp: Trong tương lai thấy được, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh an ninh căng thẳng giữa TQ và HK, trông khá giống chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Khi nào nó trở nên chiến tranh “nóng” lại là vấn đề khác.
Lý do tôi quan tâm nhiều về chiến tranh, bây giờ, phần lớn là vì địa lý. Chiến tranh lạnh lần nhất tập trung vào châu Âu. Mặt trận trung tâm là điểm xung đột chính giữa Mỹ và đồng minh với Liên Xô và đồng minh của họ.
Sự răn đe ở trung tâm châu Âu hết sức mạnh mẽ và đó là vì, khả năng chiến tranh xảy ra rất thấp bởi cái giá phải trả rất cao.
Nếu nhìn vào hiện trạng ở Đông Á, gồm Hoa Kỳ và đồng minh chống lại TQ, bạn có thể hình dung các cuộc giao tranh giới hạn ở biển Đông, ở Đài Loan, hay ở biển Hoa Đông. Chỉ mỗi điều bạn hình dung, chiến tranh hạn chế - rất khác với loại chiến tranh chúng ta hình dung trên mặt trận xung yếu trong Chiến tranh lạnh lần nhất, nghĩa là hôm nay hoặc ngày mai, bạn có thể chứng kiến một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự thật là, chiến tranh Mỹ-Trung có thể là chiến tranh hạn chế - không như chiến tranh trên mặt trận xung yếu – dễ xảy ra hơn.
Hỏi: Vậy thì khả năng xảy ra chiến tranh hạn chế có dẫn đến chiến tranh hạt nhân không? Và nó có dễ xảy ra hơn hồi Chiến tranh lạnh?
Đáp: Đúng. Bởi vì vị trí địa lý; bạn có thể hình dung, TQ khi thua trận ở Đài Loan, họ sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử (từ) dưới nước. Hoặc giả nếu Hoa Kỳ thua TQ ở Đài Loan, bạn có thể hình dung Mỹ sẽ dùng vũ khí nguyên tử để cứu vãn tình hình.
Tôi muốn nói rõ chỗ này. Tôi không nói chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra, tôi chỉ muốn nói cho thật dễ hiểu. Tôi chọn từ ngữ thận trọng tại đây. Không khó hình dung vũ khí hạt nhân đem ra sử dụng giữa Hoa Kỳ và TQ trong cuộc chiến trên biển Đông dễ hơn là trong cuộc chiến trên mặt trận xung yếu giữa Hoa Kỳ - đồng minh NATO với Liên Xô - đồng minh trong hiệp ước Vác-xa-va.
Hỏi: Hoa Kỳ có thực sự muốn đánh TQ khi tình trạng khẩn cấp xảy ra ở Eo biển Đài Loan?
Đáp: Tôi tin Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan khi bị TQ tấn công. Tôi tin giới tinh hoa làm chính sách ngoại giao Mỹ, những người phải đưa ra quyết định, sẽ không quan tâm dư luận quần chúng. Họ sẽ quyết định xem một chiến lược tốt để bảo vệ đài loan có ý nghĩa thế nào.
Chúng ta không thể biểu quyết bằng phiếu xem nên hay không nên bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc này bị đe dọa. Các vị lãnh đạo Nhà Trắng, bộ ngoại giao, bộ quốc phòng sẽ ra quyết định, và chúng ta sẽ bảo vệ Đài Loan vì hai lý do.
Một, Đài Loan có vị trí chiến lược hết sức to lớn. Đó là mảnh đất quý, có mục tiêu bẻ gãy sức mạnh hải quân và không quân TQ trong trong chuỗi đảo đầu tiên. Đó là mệnh lệnh, như mọi chiến lược gia Nhật Bản biết, chúng ta phải giữ Đài Loan, không để Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh. Đó là lý do chiến lược hàng đầu để chúng ta chiến đấu và hi sinh cho Đài Loan.
Lý do thứ hai, (nếu) chúng ta, Hoa Kỳ, buộc phải bỏ rơi Đài Loan, điều này gởi đi thông điệp hãi hùng cho mọi đồng minh của chúng ta trong khu vực. Ví dụ như Nhật Bản, họ sẽ không còn tin cậy vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ nữa, đặc biệt là an ninh hạt nhân.
Hỏi: Các quan chức TQ thường nói về tình hình Đài Loan, vào lúc (xung đột) đó Đài Loan sẽ ngả về phía họ?
Đáp: Có thể đúng. Nếu TQ tiếp tục tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong 30 năm tới, tăng trưởng nhanh, vượt Hoa Kỳ, và một khi TQ mạnh hơn sau 30 năm so với bây giờ.
Theo cái nhìn về TQ, nếu nghĩ đến việc chinh phục Đài Loan, tốt nhất bạn chờ cho đến khi bạn mạnh hơn, hoặc cho đến khi mạnh hơn so với Mỹ, chứ không phải là bạn bây giờ.
Vấn đề TQ đối mặt là, rất khó biết đích xác, những gì sẽ xảy ra với nền kinh tế TQ trong 30 năm nữa. Sự thật là, cũng rất khó mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế Nhật hay Mỹ.
Hỏi: Trở lại năm 1993, ông từng viết rằng, tổng thống Clinton đã sai lầm trong việc bắt ép Ukraine phải là nước “phi hạt nhân”. Ông đã dự đoán được vấn đề hiện nay Ukraine phải đối mặt?
Đáp: Đúng như thế.
Hỏi: Giờ đây, Nga và TQ đang vun đắp tình hữu nghị theo tiền đề coi Mỹ như kẻ thù chung. Ông có nghĩ là Nga và TQ sẽ hòa thuận về tư thế của họ ở châu Á?
Đáp: Hoa Kỳ đã ngu ngốc đẩy người Nga về vòng tay người Tàu. Tôi nghĩ, Nga là đồng minh tự nhiên của Hoa Kỳ đối với TQ.
Năm 1969, Liên Xô và TQ đánh nhau ở Siberia. Họ - bây giờ ta gọi Nga và Tàu – có một lịch sử bang giao tồi tệ, phần lớn vì họ có chung biên giới và chiếm cứ một số lãnh thổ ở châu Á. Nga nên là đồng minh của Mỹ chống TQ, và Hoa Kỳ cần tất cả các đồng minh để họ có thể ngăn chặn TQ.
Nhưng những gì chúng ta làm, mở rộng NATO về hướng đông, chúng ta đã thấy trước một khủng hoảng to lớn, ngăn chúng ta quay trục hoàn toàn về châu Á. Quay trục không hoàn toàn về châu Á bởi vì chúng ta quá lo lắng về Đông Âu. Đó là tác hại thứ nhất. Tác hại thứ hai là chúng ta đẩy người Nga vào vòng tay người Tàu. Thật vô nghĩa.
Hỏi: Căng thẳng hiện nay dọc biên giới Ukraine dấy lên câu hỏi liệu Hoa Kỳ có khả năng đối phó cùng một lúc các vấn đề ở châu Âu và châu Á?
Đáp: Để tôi lựa lời thật cẩn thận. Hoa Kỳ có khả năng đối phó xung đột ở châu Âu và xung đột ở châu Á cùng một lúc.
Tuy nhiên, HK không có khả năng tốt nhất trong cả hai chiến dịch cùng một lúc. Dính vào cuộc xung đột ở Đông Âu, chúng ta, Hoa Kỳ, đang làm giảm đi năng lực ngăn chặn TQ, chiến đấu với họ, nếu xảy cuộc chiến như thế.
Hỏi: Nhìn vào châu Á, một số nước như Bắc Hàn vẫn tiếp tục trò nguy hiểm với vũ khí hạt nhân. Liệu thế giới có trở nên bất ổn, một thế giới đa cực? Đâu là con đường phía trước?
Đáp: Vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một vấn đề quan yếu, với Nhật Bản, với Nam Hàn, và ngay cả với Hoa Kỳ. Khi HK duy trì đồng minh gắn bó với Nhật Bản và Nam Hàn, Bắc Hàn sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiếc ô hạt nhân sẽ bảo vệ Nhật Bản và Nam Hàn không bị Bắc Hàn tấn công.
TQ hài lòng cho phép Bắc Hàn thủ đắc vũ khí hạt nhân. TQ xác định vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là một sức mạnh giúp Bán đảo Triều Tiên ổn định, nói chung là ở Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, TQ lo ngại Kim Jong-un sa đà thử nghiệm vũ khí hạt nhân và họ có bảo ông ta bằng cam kết không chắc lắm, rằng như thế là không chấp nhận được. Kết quả là, Kim có kiềm chế hành vi của mình.
Nếu Kim Jong-un “ngựa quen đường cũ”, TQ sẽ bảo ông ta, “thôi đi” bởi họ không muốn một cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Hỏi: Chính quyền Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước dân chủ hồi năm ngoái. Ông có nghĩ đường lối này có hiệu quả trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của các nước toàn trị không?
Đáp: Không. Đây là cuộc cạnh tranh địa chính trị, chúng ta nên nghĩ đó là cạnh tranh địa chính trị, không phải cạnh tranh ý thức hệ.
Sự thật là Nhật và Mỹ là hai nước dân chủ tốt đẹp nhưng sự thật cũng là, họ nên liên minh để chống lại TQ bởi TQ là mối đe dọa cho cả hai nước, không kể gì đến ý thức hệ.
Nếu đưa lập luận ý thức hệ quá xa, bạn sẽ đến một điểm, bạn nói Nga không thể nằm trong liên minh cân bằng đối trọng với TQ bởi vì Nga không phải là một nền dân chủ có tự do. Tôi tin điều ấy là ngu ngốc. Cái bạn phải làm là thiết lập một liên minh với bất cứ cường quốc nào bạn thấy có thể giúp bạn ngăn chặn TQ. TQ là một đối thủ đáng sợ.
Hỏi: Nhật và những nước không phải là cường quốc có thể làm gì để bảo đảm ổn định ở khu vực và trên thế giới?
Đáp: Nhật nên là tay chơi chủ đạo trong liên minh cân bằng đối trọng với TQ; họ cần thấy ra, làm thế nào để đối phó với TQ, cũng như tác động lên Mỹ theo cách nào tích cực nhất.
Người Nhật nên cố giải thích với người Mỹ tại sao sa vào cuộc chiến với người Nga tại Đông Âu chẳng có ý nghĩa gì, và tại sao nên chú trọng vào Hoa Kỳ, như tia la de vậy, ở châu Á, và hơn hết là, đừng có chú trọng gì đến Đông Âu. Theo https://asia.nikkei.com/.../U.S.-engagement-with-China-a...