Hòa thượng Thích Tâm Giác “khai sơn” năm 1971 nhưng đến năm 2009, tu viện mới được xây dựng sau 10 năm xin phép đủ các loại giấy tờ. Thượng tọa Thích Giác Dũng được tổ đình giao việc xây dựng cũng hơn 10 năm với sự phát tâm đóng góp hằng sản của mẫu thân và anh em trong gia đình cùng với tăng ni Phật tử xa gần tiến cúng.
Tu viện nằm kế nghĩa trang Vĩnh Nghiêm; cả hai khuôn viên chiếm gần hết một con đường dài hơn 300 mét. Thiết kế chính của chùa như hình chữ H; Phật điện gồm tiền điện, chánh điện, hậu điện. Tiền điện gồm 7 gian với hơn 30 cánh cửa gỗ quý chạm khắc tinh tế, sắc sảo. Bên trong, đập vào mắt là các cột gỗ cao hơn 5 mét, vòng thân một người ôm không hết. Chánh điện gồm có chín gian, hẹp hơn tiền điện nhưng dài hơn, cũng gồm các cột gỗ uy nghi sừng sững. Nơi này có sàn gỗ bóng làm chỗ chiêm bái, quỳ lạy của thiện nam tín nữ. Hậu điện có chiều dài gần bằng tiền điện, hai bên thờ các vị thần áo mão như các vị quan thời xưa, vị nào cũng có hàm râu (đen) giống nhau, và đôi mắt không nhìn thẳng mà hơi nhìn xuống có vẻ không quan tâm một số người nhìn lên khấn vái.
Đặc điểm trong ngôi chùa: không có chỗ thắp nhang cho tín hữu hay du khách, một điểm hay, không khí trong lành không ngọt ngạt khói hương. Thỉnh thoảng có một tiếng chuông ngân nga nhè nhẹ hòa nhịp theo lời tụng (ghi âm sẵn) làm không khí trang nghiêm càng trang nghiêm hơn, tĩnh lạng càng tĩnh lặng hơn, khoan hòa càng khoan hòa hơn. Trang trí bên trong không dày đặc hoa trái như một số ngôi chùa khác.
Khoảng không thinh lặng có lẽ là mục đích của công trình sư xây dựng tu viện này. Chùa có đặt một chỗ duy nhất hai hòm công đức nhỏ bên bàn thờ chính điện, các chỗ khác không thấy, như một số chùa tôi viếng thăm, chỗ nào thuận thì sừng sững thùng quyên tiền bá tánh.
Ngày Xuân ở đây, khách vãng cảnh chùa, thiện nam tín nữ, không phải chen chúc nhau bỏ tiền vào thùng Phước Sương để rút những lá xăm, lá quẻ xem kiết hung năm mới. Cũng không có những chỗ đặt bàn giải quẻ, tán xăm, các tín hữu ngồi quanh, kẻ thì hớn hở khi gặp quẻ cát, người thì âu sầu khi gặp quẻ hung. Cảnh chùa ồn ào nhộn nhịp.
Tôi ấn tượng nhất ở ngôi tu viện này là, trên những chiếc cột cao có những câu tiếng Việt ghi lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tôi không thấy hàng cột nào có những chữ Hán như một số ngôi đình, ngôi chùa khác.
Đến ngôi chùa này, tôi có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, và suy nghĩ, mình đã hàm ơn vị tu sĩ lập nên ngôi chùa: đem lại cho những ai đến chùa phút giây tĩnh lặng trong một thành phố đua chen, bẩn chật bụi đường, tiếng xe cộ ngày đêm và quanh năm suốt tháng. Tôi chỉ tiếc một chút: ngay cổng tam quan có các cô gái đứng bên sào bán áo dài để vào chùa đảnh lễ, giá cả ghi rất rạch ròi 200 ngàn một áo. Không rõ mua rồi đứng chỗ nào để thay, để mặc. Và về mặt “phong thủy” ít có gia đình nào phơi áo trước cổng nhà nói chi đến một ngôi chùa uy nghi bề thế như tu viện Vĩnh Nghiêm.