Monday, February 21, 2022

MI NGU QUÁ

 


Lúc nhỏ, tôi hay bị chị mắng như thế khi tôi không thuộc bài hay làm sai một bài toán. “Mi ngu quá” không làm tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Bởi đó là lời “nhắc nhở” đầy yêu thương của chị tôi. Nhưng nếu dịch mấy chữ này sang tiếng Anh, “How stupid you are”, như thế, chắc chắn tôi sẽ đứng dậy, vất sách, vất vở, trợn mắt với chị tôi và bỏ đi chơi. Và bây giờ tôi sẽ không làm được bài toán 2+2=4 hay viết nổi một lá thư tình gởi cho bạn gái là…vợ tôi bây giờ.

Tiếng Việt, người ta bảo “giàu lắm”. Chỉ tên con chó có bộ lông màu đen thôi đã có biết bao từ để gọi: chó mực, chó mun, chó đen hay cún mực, cún mun, cún đen. Tiếng Việt phát ra từ một tình cảm đôi khi lại ẩn giấu. "Nói zậy nhưng không phải zậy". “Mẹ mày” sẽ rất dễ thương nếu đó là lời của cha nói với mẹ. Nhưng với một người khác, “mẹ mày”, người nói sẽ nhận một cú đá hay cú đánh, lổ đầu vỡ trán…là chuyện đương nhiên.
Mấy hôm nay, tôi thấy trên mạng, từ trí thức đến thường dân, tất cả đều phẫn nộ khi đọc lời nhắc nhở của nhà trường đối với học sinh “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”. Như tôi nói, tiếng Việt chất đầy cảm tính. Câu chào này rất tình cảm, rất yêu thương, và rất gần gũi. Mấy tháng xa cách nhau vì dịch bịnh, cô thầy và học trò ao ước gặp nhau. Ao ước thật lòng, tự tấm lòng. Thầy cô không có học trò hay học trò không có thầy cô thì đâu còn giáo dục, đâu còn tình thầy trò, đâu còn tình nghĩa “giáo khoa thư”.
Khi gọi học sinh là con, các “nhà giáo dục” coi học trò như ruột thịt thì “con” hết sức thiêng liêng. Nhưng thực sự học sinh có là con như trong gia đình, con với cha, với mẹ, với tình yêu thương cùng dòng máu? Chắc chắn là không.
Con ơi! Hãy mua sách giáo khoa nhiều như núi, lớp một thôi, cũng cả bạc triệu. Con ơi! Hãy đóng đủ tiền phụ huynh học sinh đề nghị, càng cao, uy tín nhà trường, uy tín hội phụ huynh càng lớn. Con ơi! Hãy là học sinh giỏi, học sinh khá, không được học sinh trung bình, học sinh kém, các nhà quản lý sẽ mất điểm thi đua. Con ơi! Hãy đăng ký học thêm ở thầy A, cô B nếu con muốn đạt học sinh giỏi, khá, không phải làm ô danh nhà trường, có học sinh trung bình, học sin kém. Con ơi! Con cần phải có “màu cờ, sắc áo” của trường ta. Đồng phục nhà trường các con cần có. Bộ áo quần đi học ở chợ có thể rẻ hơn nhưng bộ áo quần đồng phục nhà trường là niềm kiêu hãnh “trường ta”. Niềm kiêu hãnh cũng như tự hào, tiền nào mua được. Dẫu đồng phục nhà trường có đắt hơn ngoài chợ, đó vẫn là niềm tự hào, hãnh diện vô giá, các “con nên nhớ”…
Các “con” mà như vậy thì thôi, xóa bỏ là vừa, là đúng lúc. Nhưng “các con”, giỏi cũng như kém, nhà trường không vì thế mà có hay mất thi đua, tiền “phí” do hội phụ huynh đề xuất đóng nhiều hay ít, không em nào mặc cảm, y phục đến trường tùy hoàn cảnh mỗi học sinh miễn “kín đáo”, “cơ động” chơi cũng như học, đi học thêm hay không học thêm cũng không bị phân biệt đối xử, cũng không lấy đó làm lợi thế điểm cao nhờ “học trước”…các con như thế ai mà chống đối?
Thay cách gọi học trò bằng “con”, gọi họ là “anh” là “chị”, học trò nên xưng “tôi” với thầy cô mà không thay đổi căn cơ giáo dục: học trò là trung tâm, hay những thực trạng như tôi vừa nhắc (chỉ là bề nổi mà thôi) thì tốt nhất các thức giả cũng đừng cần lớn tiếng. “Nước đổ đầu vịt” mà thôi.
Quý vị thấy khi nào ở một xã hội mà các quan chức cấp dưới không bắt tay cấp trên bằng hai cánh tay khúm núm thì tiếng nói quý vị mới có "chút ký lô". Và khi một ông “cao cấp chính trị” lại đi rao giảng văn hóa giáo dục cho những người làm văn hóa giáo dục thì tốt nhất quý vị nên yên lặng cho nó…lành. Gọi học trò là “con” hay “thằng” cũng rứa mà thôi.