Sunday, February 4, 2024

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH?

Nước ta có một lịch sử lâu dài chống ngoại xâm. “1000 năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày “ (Trịnh Công Sơn). Hoàn cảnh ấy ám ảnh mọi nhà cầm quyền Việt Nam- từ cổ chí kim. Giữ cho nước “khỏi mất” là nỗi lo lớn nhất, không phải xây dựng đất nước hùng mạnh để không “bị mất” mới là nỗi lo lớn hơn.

Tâm thức chống “Diễn biến hòa bình”, tôi cho là,  tâm thức  “mặc cảm” thiếu tự tin.

Áp dụng cho dịch bịnh, trước đây, ai nói “nên sống chung với Covid” là “phản động”, là diễn biến hòa bình. Bây giờ, “sống chung với Covid” không còn là “phản động” nữa. Tất nhiên sống với vi rút Corona không có nghĩa là phó mặc nó “tác oai tác quái”.

Có thời điểm, “phong tỏa” là thượng sách. Trung Quốc, thời gian 2 tháng rưỡi ở Vũ Hán, khống chế bùng phát nhờ biện pháp khắc nghiệt nhất, nghiêm ngặt nhất. Thành công là nhờ lúc ấy không có biến chủng Delta - lây nhanh hơn gấp chục lần và độc lực mạnh hơn. Họ nhiều tiền nên tổ chức khá tốt “hậu cần” cho những hộ bị phong tỏa, bên cạnh áp dụng công nghệ (giờ ta gọi là xanh, vàng, đỏ), cả drone (máy bay tự hành) theo dõi người ra khỏi nhà. Quan trọng nhất, họ có vắc xin (đến nay là 71% trên số dân 1,4. Mỹ- 53,1%) Anh - 64,8% theo CNN).

Ảnh: Trẻ em cũng phải tách khỏi gia đình đi cách ly.

Bây giờ họ còn áp dụng “biện pháp” cũ nữa hay không? Áp dụng khá hiệu quả. Ở tỉnh Phúc Kiến mới đây có 129 ca nhiễm, 57 người ở độ tuổi dưới 12. Tất cả đều bị đưa đi cách ly. Một trẻ 4 tuổi, xúng xính trong bộ áo bảo hộ ni lông, trên vai mang ba lô, một mình đi vào khu cách ly, khiến hàng triệu người trên mạng Weibo xúc động rơi nước mắt; cha mẹ em không được đi theo do quy định của nhà nước. Nhưng trong khu cách ly, các y tá, bác sĩ, trang trí trong phòng, trên lối đi, những hình ảnh đầy màu sắc, giúp các em nhỏ đỡ nhớ nhà. Ở VN có ai nghĩ đến thế không? Không. Lý do: F0 VN phát hiện mỗi ngày nhiều đến mức “chóng mặt” ở thành phố lớn nhất nước.

Với số dân Phúc Kiến 38,56 triệu người, 129 F0 cách ly tập trung là biện pháp thượng sách. Sài Gòn hơn 10 triệu dân, cách ly tập trung làm sao xuể hàng mấy trăm ngàn F0? “Học tập và làm theo” cũng cần sáng tạo và linh hoạt. Máy móc, chẳng thà đừng học.

Tại sao cũng cách ly, cũng phong tỏa, cũng nghiêm ngặt, chúng ta không thành công bằng người TQ? Chắc chắn ai cũng dễ dàng có câu trả lời.

Thành phố HCM phong tỏa nghiêm ngặt có thể nói nhất nước từ khi có dịch đến nay, từ thời điểm “ai ở đâu, ở đó”, với sự trợ giúp của quân đội. Số ca nhiễm mỗi ngày có thấp hơn trước phong tỏa nghiêm ngặt không? Phong tỏa lâu dài, nền kinh tế VN sẽ đổ sụp khi Sài Gòn là đầu tàu kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong một clip (theo Facebook của Nguyễn Anh Tuấn): “Các đồng chí định phong tỏa đến bao giờ? Một nhà dính F0, các đồng chí phong tỏa cả khu phố. Một xã dính F0, các đồng chí phong tỏa một huyện…nhưng mà anh em, thôi để cho nó an toàn…cứ phát hiện có F0 là các đồng chí lại phong tỏa”.

HOA KỲ BAO VÂY TQ TRÊN NHIỀU TRẬN TUYẾN CHIẾN TRANH LẠNH MỚI.

(US encircling China on multiple new Cold War fronts)

“Thỏa thuận tàu ngầm nguyên tử Mỹ-Úc là một phần trong chiến lược liên kết thêm đồng minh nhằm chống lại, ngăn chặn sự nổi dậy và tham vọng của TQ”.

Bài của BERTIL LINTNER trên Asia Times ngày 20, tháng 9 năm 2021

Chiến Tranh Lạnh Ấn Độ-Thái Bình Dương đang nóng lên, khi các khối kình chống nhau ngày càng quyết liệt; một bên là đồng minh lỏng lẻo các cường quốc – do Mỹ đứng đầu – một bên là Trung Quốc độc tài toàn trị và các nước “vệ tinh” (satellites).

Ảnh:  Hải quân TQ đang khảo sát ở Ấn Độ Dương.

Phát súng đầu tiên khai mào cho cuộc đối đầu kinh tế bằng chiến tranh thương mại thời Donald Trump trở nên táo bạo hơn về mặt quân sự dưới thời Joe Biden.

Tuần qua, bước ngoặt leo thang đối đầu -  Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ phát triển đội tàu ngầm nguyên tử cho Úc theo một thỏa thuận an ninh ba nước – tạo áp lực thêm cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và các vùng biển khác.

Các tàu ngầm nguyên tử sẽ làm lệch cân bằng chiến lược khu vực, khiến TQ tập trung tiềm lực an ninh ở trận địa gần nhà nhiều hơn các trận địa ở xa. Từ viễn cảnh đó, thỏa thuận chế tàu ngầm là một bộ phận trong một chiến lược bao vây phối hợp mà Bắc Kinh coi như là mối đe dọa cho các kế hoạch củng cố và tăng cường sự hiện diện của TQ ở Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Ấn Độ vừa ký một thỏa thuận, hồi tháng bảy, chế tạo Vật thể tự hành, phóng đi trong không gian (ALUAV). Một thỏa thuận nằm trong Hiệp định Nghiên cứu, Phát triển, Thử nghiệm và Thẩm định giữa bộ quốc phòng hai nước, ký lại từ năm 2015. Thông báo hồi ngày 3 tháng 9 mô tả thỏa thuận là bước tiến mới “làm sâu sắc hơn hợp tác công nghệ quốc phòng giữa hai nước  thông qua cùng phát triển khí tài quân sự”– khỏi phải nói, mục tiêu là nhắm vào TQ.

Như một khiêu khích, Hoa Kỳ và Nhật Bản thực hiện các cuộc tập trận lớn nhất kể từ năm 1993, tuy riêng rẽ nhưng không thể coi là bất ngờ cùng lúc Đài Loan tiến hành một cuộc thao diễn quân sự lớn nhất có tên là Hùng Phong nhằm nâng cao sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp bị TQ tấn công.

TQ coi Đài Loan tự trị như một tỉnh “nổi loạn” cần phải “sáp nhập” về lục địa, Tập Cận Bình coi việc lấy lại là ưu tiên trước mắt. Sự sáp nhập Đài Loan về lục địa sẽ làm hỏng ưu thế chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, biến đảo quốc này thành tâm điểm của một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.

TQ không thấy nêu ra tên là mục tiêu của các thỏa thuận, hợp đồng, và các cuộc tập trận mới đây. Thật ra, quan chức chính quyền Biden nói với phóng viên thỏa thuận chế tạo tàu ngầm nguyên tử giữa ba nước đặc biệt “không nhắm vào Bắc Kinh”. Thỏa ước giữa Mỹ và Ấn cũng không nhắc tới hai từ TQ.

Nhưng điều ấy không thể hiểu sai rằng Biden đang thể hiện quyết tâm của mình xây dựng các liên minh cường quốc cùng lý tưởng đối phó với sự một TQ trỗi dậy. Liên minh đó gọi là Đối thoại an ninh bốn nước, hay Bộ Tứ, gặp nhau hôm 24 tháng 7 ở Washington.

Bộ Tứ (The Quad) lọt tầm bắn của TQ. Hoàn Cầu thời báo, cái loa của đảng CSTQ, chế giễu: “Thượng đỉnh Bộ Tứ cho thấy kết quả khá bèo: Mỹ, Úc, Nhật, Ấn là ‘bốn bệnh nhân cùng phòng với các căn bệnh khác nhau’: thiếu bác sĩ ”. Tờ báo còn thêm: “Hội nghị thượng đỉnh chẳng làm chuyện gì ra hồn (sic) để chống được TQ, mặc dù thông cáo chung không nhắc tên TQ”.

Lữ Xuân, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ của viện Khoa học xã hội, nhận xét: “Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan là một tổn thất lớn cho Ấn Độ; Úc thì từ bỏ lời hứa không khai thác quặng mỏ gây biến đổi khí hậu; Nhật đang trải qua tình hình chính trị rối ren, và thật thiếu khôn ngoan khi gây sự với TQ về vấn đề Đài Loan”.

THƯA ÔNG “NHÀ THUỐC NHÂN DÂN”

Tôi rất ngần ngại viết status này, nhưng muốn thưa với ông mấy lời trước nhận xét của ông về Sài Gòn, nơi tôi đang sinh sống. “Nếu TPHCM mà không có lực lượng quân đội giúp sức, không giãn cách triệt để hơn, không có 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế với những trang thiết bị máy móc tối tân nhất của cả nước chi viện thì tôi đảm bảo trên 1/3 dân số bị lây nhiễm và gần nửa triệu người tử vong rồi. Như vậy, rõ ràng chiến dịch xét nghiệm của Hà Nội là đúng và rẻ hơn rất nhiều nếu ta không xét nghiệm (…). Nói như thế không có nghĩa tôi bênh Hà Nội một cách vô căn cứ”. (Xin đọc thêm trong ảnh trích bên dưới).

- Căn cứ vào đâu, nhà thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn đưa ra con số nhiễm và chết cao như thế, nếu Sài Gòn thiếu “chi viện”? Dân số SG 9 triệu người (có thể một số rời đi) nhiễm 3.000.000, chết 500.000. Tỷ lệ nhiễm trên số người là 1/3. Có nước nào như thế? 16 người chết trên 100 người nhiễm, tỷ lệ 16%. Tỷ lệ chết/ số người nhiễm trung bình của thế giới là: 2,08 % mà Sài Gòn lại cao ngất ngưởng? Ấn Độ là nước có người chết “như ngả rạ” nhưng tỷ lệ chết vì covid-19 là 1,33 (theo thống kê cuối tháng 8: 436.661 người chết /32.603.188 người nhiễm). Bác sĩ dự báo “cho sướng miệng” ư? Thành phố HCM chống dịch “bèo” vậy sao nếu không có chi viện?

- Đọc kỹ bài trích, ý chính của nhà thuốc nhân dân này, theo tôi nhận xét, là lấy Sài Gòn ra để khen…Hà Nội, vừa bị dư luận phê phán, tốn mười mấy tỷ để phát hiện một F0. Nịnh có ba bảy đường nịnh. Học đến bác sĩ mà không biết nịnh cho khéo. Ai lại mang Sài Gòn tan tác vì dịch ra để so sánh với Hà Nội thủ đô, nơi sang cả. Vì muốn nâng bi mà bác sĩ quên đi một sự thật: Lãnh đạo hai thành phố này đều là ủy viên bộ chính trị, những người cầm quyền tối thượng. Khen ông bí thư thủ đô bằng cách chê anh bí thư thành phố, anh ăn gan cóc tía à?

- So sánh của anh, có thể hiểu: NẾU thành phố HCM không có “chi viện” THÌ nó sẽ tan tành vì dịch. Tôi cũng có thể nói: NẾU không bỏ ra hàng tỷ tỷ để xét nghiệm THÌ Hà Nội cũng chỉ “lèo tèo” mấy F0 mỗi ngày. Đấy là tôi chưa nói, không chắc mọi người dân đều đi xét nghiệm, và mọi mẫu xét nghiệm đều chính xác 100%. Bịnh viện cho bịnh nhân covid xuất viện sau 3 lần xét nghiệm PCR âm tính cho thấy xét nghiệm nhanh (que thử) chưa phải là đúng. Vậy thì trong cộng đồng dân chúng thủ đô –nhất là cả rừng người tràn ra đường hôm kia – các F0 vì sợ xét nghiệm mà không dám xuất hiện?

- Là bác sĩ, nghe nói là chủ báo nữa, anh phải hiểu điều kiện sinh sống, cư ngụ của dân Sài Gòn khác một trời một vực với điều kiện sinh sống, cư ngụ của dân Hà Nội. Anh có đếm được bao nhiêu căn nhà chật chội mấy mét vuông hàng chục người chen chúc? Anh có biết bao nhiêu xóm lao động hàng chục vạn người nghèo “tay làm hàm nhai”? “Ai ở đâu ở đó” một ngày là không có tiền mua gạo ngày đó? Bình thường chưa có dịch, Sài Gòn làm ra 10 đồng gởi đi 8 đồng, cơ sở vật chất y tế người dân thành phố này thế nào? Hai người bịnh nằm một giường, thân nhân đi theo chăm sóc phải nằm dưới đất. Ngoài một số cư dân thành phố, hàng triệu lao động nhập cư với điều kiện ăn uống, sinh hoạt của họ lúc chưa dịch bịnh đã vất vả, huống hồ khi phong tỏa, mất việc làm hàng mấy tháng trời, họ còn vất vả hơn, trong những căn phòng trọ chật hẹp, ăn uống nhờ cứu trợ, giúp đỡ của người khác, sức khỏe họ còn đâu mà không là mồi ngon cho Covid? Tất nhiên, dịch lây lan nhiều còn có những nguyên nhân khác.

Anh không thấy nỗi đau, nỗi khổ, nỗi nhọc nhằn ấy hay sao mà anh đem thành phố họ sinh sống ra để  “múa phụ đạo” cho những lời ca ngợi bay bổng của anh về Hà Nội?

- Một điều cuối cùng, tôi thưa với anh: Anh đã chạm vào nỗi đau của những người miền Nam mà Sài Gòn là niềm kiêu hãnh của họ. Không nói ra, ai chê bai, ai đả kích Sài Gòn cũng làm cho chúng tôi cảm thấy thương tổn (như trước đây thấy dân chúng ùn ứ ở các trạm kiểm soát dịch, không thiếu người chê dân thành phố HCM thiếu ý thức phòng dịch, “toang” là phải rồi). Hoàn cảnh lịch sử, Sài Gòn bị mất tên, nhưng nó vẫn sống âm thầm trong những con người từng ở chế độ VNCH và con cháu họ ngày hôm nay, dù bây giờ nó có cái tên vĩ đại hơn. Thành phố Sài Gòn bị thương tổn thì người dân Sài Gòn bị thương tổn, dù hiện nay, thành phố là nơi hội tụ của người ba miền Trung, Nam, Bắc.

QUỐC LOẠN THỨC TRUNG THẦN?

Chống dịch như chống giặc. Nước rối loạn vì dịch, tức vì giặc, có thể hiểu như “quốc loạn”. Quốc loạn thức trung thần – loạn vì dịch như vì giặc, trung thần là ai? Thần ngày nay có thể ví như lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành. Cỡ quận, huyện chưa thể gọi là thần. “Hạ thần xin khấu kiến bệ hạ”. Có ông quận, ông huyện nào được ra kinh đô dự triều chính?

Trung thần là ai trong thời chống dịch như chống giặc? Con dân khốn đốn vì dịch (giặc) đùm túm trốn nơi dịch giã, hướng về quê hương. Quê hương có là “chùm khế ngọt”? Ngọt lịm, khi bình yên, con dân có tiền gửi về. Đắng ngắt, khi con dân mang nỗi lo dịch bịnh về quê. Nhiều nơi chôn nhau cắt rốn không nhận người từng cắt rốn, chôn nhau. Trớ trêu và đau đớn là đây. Ai là người sợ dịch như sợ giặc? Các vị thần hộ mệnh các tỉnh. Các vị thần nầy vì sao không hộ mạng con dân trốn chạy về nơi thần đang cai quản?

Hỏi chỉ để hỏi. Vì hỏi chẳng ai trả lời. Sài Gòn tơi tả vì dịch. Thần dân rời nơi chôn nhau cắt rốn đến Sài Gòn để kiếm miếng cơm ăn. Nay miếng cơm tơi tả, không kiếm được, họ phải đi đâu? Vượt biên, vượt biển ư? Họ đâu còn lựa chọn như những ngày xưa “giải phóng”. Họ chỉ còn vượt…rào, về quê.

Hàng rào trên các ngõ đường có thể gỡ bỏ. Nhưng hàng rào trong lòng, trong tim, trong óc của những vị thần địa phương, gỡ bỏ được không? “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” (Thanh Tịnh viết mà ai cũng tưởng của cụ Hồ). Dân liệu được không khi các vị thần không muốn liệu?

Saturday, February 3, 2024

CẦN TẬP THỂ DỤC BAO NHIÊU ĐỂ CHÚNG TA SỐNG THỌ HƠN?

(How Much Exercise Do We Need to Live Longer?)

- Hai nghiên cứu chỉ ra, lý tưởng nhất để sống thọ là đi bộ từ 7 đến 8 ngàn bước, hoặc tập thể dục 30 đến 45 phút mỗi ngày.

Bài của Gretchen Reynolds đăng trên The New York Times.

Tăng cơ hội sống lâu, có lẽ chúng ta cần ít nhất 7000 bước đi bộ mỗi ngày, hoặc chơi quần vợt, đạp xe, chạy bộ, cầu long trên hai tiếng rưỡi mỗi tuần, theo hai nghiên cứu quy mô mới nhất liên quan giữa vận động cơ thể và tuổi thọ. Cả hai nghiên cứu - theo dõi trên 10.000 đàn ông và đàn bà trong mấy thập kỷ- cách tập đúng, đầy đủ làm giảm nguy cơ chết sớm lên tới 70%.

Nghiên cứu còn cho thấy tập mức độ có lợi nhất ở một ngưỡng nhất định, quá ngưỡng đó, tuổi thọ không tăng , trong vài trường hợp quá đáng, lại gây tai hại.

Nhiều nghiên cứu trước đây từng chỉ rõ người hoạt động sống lâu hơn người ít hoạt động. Ví dụ, nghiên cứu năm 2018 của CDC kết luận, chừng 10% tất cả cái chết ở người Mỹ tuổi từ 40 đến 70 là do quá ít vận động. Nghiên cứu năm 2019 của châu Âu cho thấy, trong hai thập kỷ, không vận động tăng gấp đôi số chết sớm ở những người Na Uy.

Nhưng các nhà khoa học cũng chưa kết luận chính xác cần vận động nhiều bao nhiêu mới có ích cho tuổi thọ. Và cũng chẳng rõ tập thể dục quá mức tới đâu thì ảnh hưởng đến sống lâu.

Những câu hỏi ấy là trọng tâm của hai nghiên cứu mới, cho thấy sự liên quan giữa tập thể dục với tuổi thọ ở một góc độ khác biệt nhưng lại liên quan. Một trong hai nghiên cứu đó – do JAMA Network Open đưa ra tháng rồi – tập trung vào số bước. Hầu hết chúng ta quen với việc đếm các bước qua điện thoại, đồng hồ thông minh, hay các thiết bị đo đếm, giúp mỗi ngày tập bao nhiêu, thông thường là 10.000 bước. Nhưng như tôi viết ở trên, khoa học ngày nay cho thấy chúng ta không cần đi bộ 10 ngàn bước để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.  

Các nhà nghiên cứu ở đại học Massachusetts, CDC (Mỹ), và các viện khác, trái lại, tự hỏi không biết số bước ít hơn có liên quan gì đến tuổi thọ. Vì vậy, họ quay qua các cứ liệu thu thập những năm gần đây trong một nghiên cứu diễn ra quy mô lớn về các chứng bệnh ở nam giới và nữ giới trung niên. Hầu hết số người này tham gia nghiên cứu trong vòng 10 năm khi họ bước qua tuổi 40. Thời gian đó, họ hoàn tất kiểm tra sức khỏe, đeo một thiết bị đếm bước đi của họ mỗi ngày trong một tuần.

Bấy giờ, các nhà nghiên cứu thu thập hồ sơ của 2.110 người tham gia và kiểm tra tên của họ trong sổ đăng ký khai tử. Họ phát hiện ra rằng 72 người tham gia đã qua đời lai rai trong thập kỷ, con số tương đối nhỏ, không đáng ngạc nhiên đối với độ tuổi của họ.

Nhưng các nhà khoa học cũng nhận thấy, mối liên hệ chặt chẽ số bước với tỷ lệ tử vong. Số đàn ông và phụ nữ, ghi nhận tối thiểu 7.000 bước mỗi ngày lúc tham gia nghiên cứu, có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 50% so với những người đi dưới 7.000 bước, và nguy cơ tử vong tiếp tục giảm khi tổng số bước của mọi người tăng lên, giảm 70% khả năng chết sớm ở những người đi hơn 9.000 bước.

Nhưng ở mức 10 ngàn bước, lợi ích chững lại. Phó giáo sư về vận động học (kinesiology) trường đại học Massachusetts Amherst, Amanda Paluch thực hiện nghiên cứu mới nhất cho biết: “Ở một thời điểm, lợi ích sẽ giảm dần”. Những ai đi bộ trên 10.000 bước, thậm chí nhiều hơn, khó sống thọ hơn những ai đi bộ ít nhất là 7.000 bước mỗi ngày.

Nghiên cứu thứ hai, thật hữu ích,  do Mayo Clinic Proceedings công bố trong tháng tám, xác định mức độ hoạt động tương tự rất có ích cho tuổi thọ. Nghiên cứu này bao gồm số liệu từ nghiên cứu Tim mạch thành phố Copenhagen trong nhiều thập kỷ, tuyển lựa hàng chục ngàn người trưởng thành Đan Mạch từ thập niên 1970, và hỏi họ bỏ ra bao nhiêu giờ mỗi tuần chơi thể thao hay tập thể dục, từ đạp xe (rất phổ biến ở nước này), đánh quần vợt, chạy bộ, bơi lội, ném bóng, cử tạ, vũ cầu, đá banh đến các môn thể thao khác.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào 8.697 người Đan Mạch tham gia trong thập niên 1990, ghi chép thói quen hoạt động, sau đó kiểm tra tên tuổi trong sổ khai tử. Trong vòng 25 năm hay gần như thế, từ khi bắt đầu tham gia (nghiên cứu), chừng phân nửa số họ qua đời. Những ai có ghi nhận tập thể dục, chừng mực nào đó, từ 2,6 giờ đến 4,5 giờ mỗi tuần thì tỷ lệ chết  thấp hơn 40% so với số người ít hoạt động cùng thời điểm.

Quy các giờ tập này thành các bước đi bộ không phải chính xác về mặt khoa học nhưng các nhà nghiên cứu ước tính người tập 2,6 giờ mỗi tuần, chừng 30 phút mỗi ngày, có thể tích lũy các bước từ 7 đến 8 ngàn, giữa tập thể dục và cuộc sống hằng ngày, trong khi những ai hoạt động 4,5 giờ mỗi tuần có thể đạt ngưỡng 10.000 bước mỗi ngày.

Và ở mức độ đó, trong nghiên cứu thứ nhất, ích lợi không thay đổi. Nhưng trong nghiên cứu thứ hai này, thật ngạc nhiên, lợi ích lại kém đi ở một số ít người hoạt động 10 giờ hay hơn mỗi tuần, hoặc khoảng 90 phút mỗi ngày.

Tác giả của nghiên cứu này, bác sĩ James O’Keefe, giáo sư đại học y khoa, giám đốc viện tim St. Luke’s Mid America cho biết: “Chính nhóm người hoạt động, hơn 10 giờ mỗi tuần, mất đi một phần ba ưu thế sống thọ”, so với những ai tập thể dục từ 2,6 đến 4,5 giờ một tuần.

Tuy thế, cả hai nghiên cứu đều có tính liên hoàn, nghĩa là, vận động cơ thể liên quan đến tuổi thọ, nhưng không có nghĩa, vận động tích cực hơn giúp tuổi thọ kéo dài hơn.

Nói tóm lại, hai nghiên cứu cho ta đúc kết hữu ích muốn sống lâu sống khỏe:

- Bác sĩ O’Keefe: Tốt nhất để tập luyện và sống thọ là đi bộ khoảng 7.000 đến 8.000 bước mỗi ngày, hoặc khoảng 30 đến 45 phút tập thể dục. Tập nhiều hơn một chút có thể kéo dài một ít tuổi thọ nhưng nhiều quá, đến ngưỡng nào đó, lợi bất cập hại, lại phản tác dụng.

- Tích lũy thời gian tập và đo đếm thế nào “tốt nhất cho bạn. Đếm bước đi có thể tốt cho ai không có thời gian tập thể dục lâu hơn. Nhưng lần tập nào phù hợp nhất cho thói quen sinh hoạt và động lực của bạn cũng đều rất tốt. Mục đích chính là năng vận động”, theo lời bác sĩ Paluch.

Nguyễn Long Chiến dịch từ https://www.nytimes.com/.../exercise-daily-steps...

NỢ KÍN CỦA VN VỚI TQ CHẤT CHỨA NHIỀU RỦI RO CHÍNH TRỊ

(Vietnam’s Hidden Debts to China Expose its Political Risks)

- Dù gánh nợ TQ của VN không nhiều bằng vài nước lân cận, vẫn còn đó, nỗi lo cho các quan chức đảng cộng sản ở Hà Nội

VN nổi tiếng tránh né Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhưng là nước nhận trên 16,3 tỷ từ dự án này của TQ từ năm 2000 đến 2017. Một báo cáo mới về chương trình hỗ trợ kinh tế của TQ làm sáng tỏ về VN và cho thấy nước này đang gia tăng gánh nợ với TQ ngoài điều từng nghĩ, tạo ra nguy cơ chính trị, ảnh hưởng đến quyết sách của VN đối với láng giềng phương Bắc, vốn hay bắt nạt và đe dọa.

385 TỶ MỸ KIM NỢ KÍN:

Báo cáo mới đây của AidData về các hạng mục cho vay và hỗ trợ ngoài nước của TQ cho thấy, tổng số nợ 385 tỷ chưa báo cáo hoặc báo cáo chưa đủ. Số liệu xem xét 13.000 dự án TQ góp vốn tương đương 843 tỷ đô la ở 165 nước, tính từ 2000 đến 2017. Trong khi số liệu bao gồm nhiều dự án không thuộc BRI, công bằng mà nói TQ cho vay và viện trợ không hoàn lại tăng lên ngoạn mục khi sáng kiến Vành đai và Con đường khởi động năm 2013. AidData cho thấy từng chính phủ “báo cáo chưa đầy đủ khoản nợ thực sự tiềm ẩn với TQ, mức độ tương đương 5,8 phần trăm GDP mỗi nước”.

Gánh nợ vì đâu mà quá lớn? AidData cho thấy TQ ít để ý đến vay ân hạn, và ngay cả cho vay cũng không dựa vào các quốc gia chủ quyền (sovereign states). Thay vào đó, “gần 70% vốn cho vay nước ngoài của TQ nhắm vào các công ty, ngân hàng, cơ chế đặc thù, liên doanh thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức thuộc tư nhân ở những nước nhận vốn” mà không nhắm vào người vay có quyền lực nhà nước: nghĩa là các tổ chức chính phủ trung ương.

Tại sao điều này quan trọng?

Một là, TQ cho vay không hề rẻ. Thực sự, tiền cho vay trung bình của họ có lãi suất trên 4%, gần gấp bốn lần lãi suất cho vay của Nhật Bản hoặc của EU.

Hai là, TQ yêu cầu mức độ thế chấp cao, hoặc bằng tài sản, hoặc bằng tiền trong tài sản ký quỹ mà TQ kiểm soát được. Vì vậy, chúng tôi từng thấy giao dịch hoán đổi nợ lấy cổ phần ở Sri Lanka và Lào. Trong lúc ấy, ngay cả TQ không muốn đối đầu với một chính phủ sở tại nếu khoản nợ không thanh toán, Bắc Kinh không ngần ngại việc để các công ty quốc doanh của họ thu giữ tài sản của đối tác nước ngoài. Lấy ví dụ, một công ty quốc doanh TQ chiếm giữ một số mạng lưới điện của Lào khi công ty quốc doanh nước này không thanh toán nổi nợ tiền xây đập thủy điện.

Và, nợ TQ thì bao la: 42 nước đang phát triển, kể cả bốn nước ở Đông Nam Á (Lào, Brunei, Campuchia, và Myanmar) đều lãnh món nợ vượt quá 10% GDP nước mình”. ¬

VIỆT NAM Ở ĐÂU?

Tình hình thật rát ruột đối với VN, nước đứng thứ tám nhận khoản vay Dòng chính khác của TQ (OOF - Chinese Official Other Flows) từ năm 2000-2017. Cả thảy, VN vay 16,35 tỷ Mỹ kim, đứng thứ hai sau Indonesia ở Đông Nam Á và là nước đứng thứ 20 nhận vốn ODA ưu đãi của TQ, chỉ 1,37 tỷ. Mặc dù vậy, VN từng nghi ngại sáng kiến BRI, và đến giờ, không thấy có dự án nào chính thức có tên BRI nằm trong lĩnh vực công.

Tăng trưởng kinh tế gần đây của VN thật ngoạn mục, từ 2000 đến giữa 2021 đều dương từng quý cho đến khi thành phố HCM, đầu tàu kinh tế cả nước, phong tỏa vì Covid-19. Khi VN chuyển sang tiếp nhận sản xuất vì các công ty, các nước rời khỏi TQ, hạ tầng cơ sở là trở ngại lớn nhất của họ.

Theo the Global Infrastructure Hub (Tâm điểm cơ sở hạ tầng toàn cầu), nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam ước tính khoảng 605 tỷ đô la từ năm 2016 đến năm 2040. Khi Việt Nam trở nên giàu có hơn, hỗ trợ phát triển và cho vay ưu đãi song phương và đa phương đã tăng hết đỉnh. Nhu cầu rất lớn, Việt Nam phải huy động các nguồn tài trợ nước ngoài, trong bối cảnh các dự án hợp tác công tư, xây dựng - chuyển giao ngày càng khó khăn và ngân sách nhà nước hạn hẹp.

BRI có tiềm năng giúp Việt Nam giải tỏa cơn khát vốn, và Hà Nội công khai tán thành. Vào tháng 11 năm 2015, hai bên đồng ý mở rộng thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới, vì miền Bắc Việt Nam trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Hai bên cũng đã đồng ý thúc đẩy, mặc dù không liên kết, BRI của Trung Quốc và chiến lược phát triển Hai hành lang và Một vành đai Kinh tế năm 2004 của Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc thực hiện chung BRI và Hai hành lang và Một vành đai kinh tế của Trung Quốc, bên cạnh việc thành lập một nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và một nhóm công tác hợp tác tài chính và tiền tệ. Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã tham dự cả hai diễn đàn BRI vào năm 2017 và 2019.

Nhưng ở chỗ riêng tư, lãnh đạo và các nhà làm chính sách đều bày tỏ hồ nghi. Biên bản ghi nhớ (MoU) vì một lý do nào đó phần nhiều chẳng được thực thi.

Trước hết, như đã nói, vốn vay TQ không hề rẻ. Lấy ví dụ, vốn vay ODA của họ có lãi suất rất cao, trung bình 3% một năm. Cái này khá cao so với Nhật Bản (0,4 đến 1,2%), Nam Hàn (0 đến 2%) hoặc Ấn Độ (1,75%).

Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự như tín dụng xuất khẩu, có điều kiện là nước nhận đầu tư phải tuân theo một số yêu cầu liên quan đến dự án, việc tiếp nhận các nhà thầu Trung Quốc, cùng với các điều khoản vay kém hấp dẫn so với các nhà tài trợ khác. Nhiều trường hợp, điều này làm chi phí thực tế của khoản vay cao hơn nhiều so với giá trị thực trong trường hợp nếu có đấu thầu rộng rãi và cạnh tranh. Hơn nữa, các khoản vay của Trung Quốc phải chịu phí cam kết 0,5% cộng thêm phí quản lý 0,5%. Thời gian cho vay (15 năm) và thời gian ân hạn ngắn (5 năm) so với các bên cho vay khác.

Thứ hai, các khoản vay của TQ luôn đi kèm hàng loạt điều kiện, gồm thiết kế và quản lý phải do doanh nghiệp nhà nước TQ đảm trách, phải mua công nghệ TQ, sử dụng lao động TQ, nhiều người chẳng trở về nước họ, tạo nỗi bất bình cho dân sở tại.

Thứ ba, các công ty Trung Quốc khét tiếng về sự chậm trễ, thiếu minh bạch, đội chi phí, hủy hoại môi trường, chất lượng xây dựng kém và chi phí bảo trì cao. Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội, dự án trị giá 866 triệu USD, là ví dụ mới nhất về một dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trở nên tồi tệ và là cội nguồn ác cảm trong công chúng.

Thật vậy, trong báo cáo của AidData, Việt Nam là quốc gia thứ năm chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án do Trung Quốc tài trợ, trung bình 1.783 ngày (4,9 năm) cho mỗi dự án. Trong số 10 quốc gia có các dự án cơ sở hạ tầng BRI công khai liên quan đến “các vụ bê bối, tranh cãi hoặc bị cáo buộc vi phạm”, Việt Nam đứng thứ 4, với 5 dự án trị giá 2,75 tỷ USD.

Ý MUỐN CHÍNH TRỊ

Tại sao Hà Nội lại tiếp tục tìm đến vốn vay TQ? Một phần là vì toan tính chính trị, họ hy vọng cột chặt vào TQ sẽ hạn chế thái độ bắt nạt và lấn áp của Bắc Kinh.

Hà Nội không bày tỏ sự lo lắng tới công chúng về việc mắc vào “bẫy nợ” Trung Quốc. Nợ của họ vẫn có thể kiểm soát và nền kinh tế đang phát triển đủ để trả các khoản vay. Không giống như Lào, Việt Nam có rất nhiều nguồn vốn.

Nhưng mối lo của VN rõ ràng ổn thỏa. Hà Nội hạn chế nợ “chính phủ” (sovereign debt)) với TQ. Họ khuyến khích các cam kết “phi chính phủ” (non-sovereign), thậm chí các công ty tư nhân, mục đích giảm thiểu rủi ro chính trị.

Về mặt tuyệt đối, Indonesia nhận nhiều nhất vốn vay ở Đông Nam Á, tình trạng VN có vẻ đáng lo hơn về mặt tương đối. Đang còn thấp, nợ “chính phủ” và và nợ OOF của VN so với GDP còn thua Lào, Miên, và Miến.

Trừ phi VN có thể trang trải món nợ vay của TQ, thậm chí với mức lãi suất cao ngất ngưởng, "kẻ xiết nợ" mới không đến gõ cửa. Nhưng nếu hắn đến và gõ cửa, lãnh đạo Hà Nội chắc sẽ “lãnh chưởng” (an enormous backlash) của những công dân yêu nước quá khích (nationalist citizens) - những người chẳng bao giờ tin TQ.

Đây mới là nguy cơ chính trị thực sự cho Hà Nội.

Bài của  Zachary Abuza và Phuong Vu. October 08, 2021 đăng trên The Diplomat.

Nguyễn Long Chiến dịch theo https://thediplomat.com/.../vietnams-hidden-debts-to.../

LỚP 1 VÀ GIÁO SƯ TIẾN SĨ

Giáo dục VNCH có số phận hẩm hiu- 20 năm ngắn ngủi. Ảnh hưởng của nó chẳng ngắn ngủi chút nào đối với chúng tôi, những học sinh giờ đang U70. Đó là học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi. Lớp 1, nếu tôi không lầm, chỉ có 2 cuốn sách giáo khoa: tập làm văn và toán pháp. Ngày nay, lớp một phải học một đống sách (xem ảnh). Chỉ mới học kỳ 1 thôi.

Tại sao lại nhiều sách? Sách nhiều thì tiền nhiều, rất dễ hiểu. Sách nhiều, kiến thức nhiều, còn coi lại. Giáo dục miền Nam (trước 75), người soạn sách giáo khoa cấp nào thường là người từng dạy hoặc đang dạy cấp đó. Tiếp xúc hằng ngày với học sinh mình dạy, tác giả sách am tường tâm sinh lý của chúng: sách giáo khoa khiến học sinh dễ dàng tiếp thu, nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu.

Ngày nay, các đại giáo sư, các đại tiến sĩ trực tiếp soạn sách lớp 1, sách nhiều là đúng; kiến thức từ sách giáo khoa phải mênh mông để ngang tầm quảng bác của các vị giáo sư, tiến sĩ.

Chồng sách trong ảnh là của cháu nội tôi ở VN. So với một cháu ngoại cùng tuổi ở Phần Lan, chắc chắn cháu nội tôi sẽ vất vả bội phần trong học tập. Tôi hỏi con gái chương trình học lớp 1 và cháu trả lời, giờ chơi ở trường nhiều hơn giờ học tập. Khi cho bài tập về nhà, cô giáo dặn, các em có thể làm hoặc không làm, cô không bắt buộc. Có cảm giác tự do nên các em đều vui vẻ thực hiện bài tập về nhà, chừng 5,10 phút là xong.

Điều đặc biệt, ngày đầu vào lớp 1, mỗi học sinh được phát một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ. Khi ra về, người đi đường, nhìn thấy chiếc mũ các em đang đội, sẽ giơ tay chào, kèm lời chúc mừng “bạn là học sinh lớp 1”. Lần đầu tiên trong đời, học sinh vỡ lòng hãnh diện đến trường được cộng đồng quan tâm, chỉ bằng cái vẫy tay chào.

Học là niềm vui, học sẽ tấn tới. Học thành gánh nặng, lớp 1 với chồng sách ngất ngưởng, một dân tộc “hiếu học mà nghèo” là lẽ đương nhiên.