Sunday, January 28, 2024

MÓN NGON TIÊN PHƯỚC, Quảng Nam.

Tiên Phước là thị trấn vừa có núi vừa có sông; sông Tiên,  một trong 2 dòng sông chảy "ngược" của Việt Nam, từ đông sang tây. Vùng đất này hết sức đặc biệt; các loại cây như lòn bon (bòn bon), mít, măng cụt, thanh trà, có cả sầu riêng (mới di thực), tiêu, không kể cây tinh dầu như quế, trầm hương, đều cho trái, quả như các nơi nhưng hương vị từng loại, phải nói là "không nơi nào có được".

Tác giả và trầm hương Tiên Phước.

Ví dụ: thanh trà Huế nổi tiếng ngon nhưng hương vị không "đặc biệt" bằng thanh trà Tiên Phước: trái không lớn, các múi nhỏ, trong mọng, khi nhai trong miệng, nhảnh nha, người ăn cảm nhận vị ngọt thanh của bưởi Biên Hòa hay bưởi Năm Roi (Nam bộ),  vừa có vị “nhân nhẩn” (hơi đắng), the the của thanh trà Huế, tạo cảm giác vừa ngọt ngào vừa thoang thoảng mùi hoa bưởi, khi nuốt vào chầm chậm. Trưa oi bức như trở nên mát dịu. Hãy nhảnh nha với các tép thanh trà Tiên Phước.

TRẦN ĐÔNG A. Tản mạn vài dòng.

Thiếu tá Trần Đông A và đại úy Trần Thành Trai, hai bác sĩ  quân y VNCH mổ tách thành công hai cháu bé dính nhau mấy chục năm trước. Nay, hai cháu song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi được mổ tách an toàn, cũng với Trần Đông A, cố vấn chính ca mổ.

Bác sĩ Trần Đông A.

Chúng ta không nhắc sự kiện kỳ diệu, hiếm có, được ca ngợi ở VN cũng như thán phục trên thế giới.

Chúng ta nói tới: nhân tài.

Nếu viên thiếu tá bác sĩ "ngụy" kia ở tù lâu dài trong trại cải tạo hay bỏ mình trong rừng sâu nước độc, thành tựu y học về giải phẩu trẻ song sinh dính nhau, liệu có được không với hai kết quả mổ tách vừa qua? Nếu không có "biệt nhãn" của ông Võ Văn Kiệt, thử hỏi bác sĩ Trần Đông A có còn ở Việt Nam mà không ở Mỹ? Nếu để ý, sau ca Việt- Đức, trên phần quảng cáo của báo in Tuổi Trẻ, vị bác sĩ nổi danh, đứng bên chiếc Dream 2 , hãng Honda trả cho ông bao nhiêu tiền? Chắc là một chiếc xe máy mới để ông đi làm. Tôi nghĩ, với tài năng như thế, ông đi lại phải có xe con đưa đón. Nhưng không, tôi chắc thế.

Đãi ngộ không phải là lý do chính để người tài phục vụ đất nước. Tôn trọng họ mới là vấn đề. Thành phần lãnh đạo trong chính quyền và quân đội VNCH là thành phần ưu tú, tất nhiên, không phải tất cả.

Chế độ "mới" trọng dụng những người tài trong chế độ "cũ" như thế nào? Tôi nhường câu trả lời cho quý vị. Thế hệ con, cháu của công chức, quân đội "Ngụy" trong nước, ngoài nước hiện nay đa phần đều "thất bại" hay "thành công" trong môi trường sống không phải là thuận lợi?

Tài năng của bác sĩ Trần Đông A không phải là hiếm trong hàng ngũ tri thức VNCH. Cái gì làm cho người tài "chế độ cũ," và con cháu họ không hoàn toàn đóng góp vào phát triển đất nước? Chắc chắn, đó là tâm lý kẻ thắng - người thua, suy nghĩ "địch-ta" (từ quá khứ) vẫn còn chi phối hầu hết tâm trí con người Việt Nam.

Có mấy người như Trần Đông A? Có mấy người như Võ Văn Kiệt? Hiếm, rất hiếm, nếu không nói là không còn nữa.

Sức mạnh dân tộc không nằm trong "chủ nghĩa mác-lê bách chiến bách thắng" hay tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh dân tộc nằm trong sự đoàn kết. Sức mạnh ấy không nằm trong đóng góp đô la làm ăn của người nước ngoài; sức mạnh ấy nằm trong chất xám của chính người Việt Nam, trong nước và nước ngoài.

Vì sao Đài Loan, một nước nhỏ bé so sánh hầu như mọi mặt với Việt Nam, không hề e dè, sợ hãi trước Trung cộng, một quốc gia muốn hất ngôi dẫn dắt thế giới của Mỹ? Đài Loan không có Nam Bắc, Đài Loan không có "địch- ta", Đài Loan là một khối thống nhất. Một lãnh đạo phụ nữ, nhìn thật tầm thường, lại là người sắt, người của ý chí, không sợ kẻ khổng lồ ép chế, không sợ bắt nạt, buộc phải thần phục "ông anh bành trướng".

Việt Nam không thể làm cái việc Đài Loan đang làm. Vì sao? Tôi không cắt nghĩa được.

Tôi chỉ thấy, "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" sẽ là giải pháp để có một Việt Nam hùng mạnh, không còn e dè, khép nép trước một "bạn vàng" đang thực hiện mưu đồ khống chế biển Đông, không gian sống còn của người Việt Nam.

"Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, hòa giải, hòa hợp dân tộc"  không thể là câu nói đầu môi chót lưỡi, giọng điệu tuyên truyền.

Nếu câu nói đó thành sự thật thì chúng ta không hề băn khoăn, lo lắng, Võ Văn Kiệt đã chết, Trần Đông A cũng sẽ về với cát bụi, còn ai là "cầu nối" cho một Việt Nam đang bị chia cắt về tinh thần bởi một con sông Bến Hải, trong suy nghĩ của người Việt Nam?

Không ai hại Mỹ và làm lợi Trung Quốc bằng Trump

(No one does more to hurt America and help China than Trump).

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở mức tệ nhất kể từ khi hai quốc gia thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Ông đổ lỗi Hoa Kỳ có một chính sách gây sứt mẻ hòa khí, bất định, cố chấp đầy ngạo mạn (McCarthyist).Trong khi đó, nhiều nhà bình luận Hoa Kỳ - không phải tất cả thuộc phe cánh hữu - đổ lỗi Trung Quốc ngày càng làm cái việc giống như khơi nguồn một cuộc Chiến tranh lạnh.

Bên nào đúng? Tôi nhấn mạnh Trung Quốc chủ động đang gây đối đầu – nhưng  Tổng thống Trump mới là người hoàn toàn đáng trách vì phản ứng tự chuốc lấy thất bại của ông ta.

Chủ tịch Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực mạnh hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào kể từ Mao Trạch Đông, và ông ta hành động liều lĩnh hơn khi Trung Quốc trong thời kỳ lãnh đạo tập thể. Quân đội Trung Quốc đã đụng độ vào tháng 6 với các lực lượng Ấn Độ dọc biên giới ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực khẳng định bá quyền ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế; lực lượng hải cảnh của họ gần đây đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một sắc tộc thiểu số  Hồi giáo, đến mức gần như diệt chủng. Và Trung Quốc đã chà đạp lên quyền tự trị của Hồng Kông vi phạm thỏa thuận bàn giao năm 1984 với Anh.

Trong quá khứ, khi Trung Quốc bị chỉ trích, phản ứng của họ thường là yên lặng. Không còn như thế nữa. Gần đây, họ thực hiện kiểu ngoại giao lang sói (“wolf warrior” diplomacy). Khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của vi rút corona, Trung Quốc trả đũa bằng các lệnh trừng phạt thương mại và các tấn công mạng đầy nghi ngờ.

Sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei theo lệnh của Hoa Kỳ vào năm 2018, Trung Quốc đã bỏ tù hai người Canada vô tội. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển: “Chúng tôi đãi bạn bè bằng rượu ngon, nhưng với kẻ thù, chúng tôi phải chơi bằng súng” (We treat our friends with fine wine, but for our enemies we have shotguns).

Hành động của Trung Quốc rất tệ hại, không chấp nhận được. Nhưng Trump cũng đã tạo phần vào xung đột các mối quan hệ. Trong khi hào hứng ca ngợi Tập – và nghe đâu tán thành việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ - Trump lại tiến hành một cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, cáo buộc sai lầm Trung Quốc đã cố tình làm lây lan dịch covid (ông gọi theo kiểu kỳ thị chủng tộc cố hữu của mình là Cúm Tàu, kung flu). Giờ thì ông ta đang phỉ báng Trung Quốc nhằm bôi nhọ Joe Biden, một ứng cử viên phản bội (Manchurian candidate).

Một số bước chính phủ thực hiện để chống lại Trung Quốc thật đáng kể. Chẳng hạn, chính phủ đã chấm dứt ưu đãi kinh tế với Hồng Kông, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc vì ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, vận động các đồng minh của Hoa Kỳ từ chối công nghệ 5G của Huawei, từ chối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và gửi hai tàu sân bay chiến đấu các nhóm đến đó.

Nhưng chiến tranh thương mại của Trump khiến người tiêu dùng Mỹ mất hàng tỷ đô la, chẳng mang lại thay đổi đáng kể nào trong làm ăn với Trung Quốc. Cũng không rõ giai đoạn 1 thỏa thuận thương mại - Trung Quốc hứa mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ - có được thực hiện đầy đủ hay không; và Trump chả quan tâm gì đến giai đoạn 2, bởi ông muốn chiếm lợi thế chính trị (muốn thắng cử - ND) khi đối đầu với Trung Quốc.

Trump sẽ gây tổn hại cho các trường đại học Hoa Kỳ nếu ông đuổi nhiều sinh viên Trung Quốc vượt quá khoảng 3.000 đến 5.000 người đã bị thu hồi visa vì họ liên quan với các trường đại học gắn liền với quân đội Trung Quốc. Hãy tưởng tượng nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách cấm sinh viên không cho học hàng trăm trường đại học Hoa Kỳ có hợp đồng với bộ Quốc phòng.

Quyết định trục xuất 60 nhà báo Trung Quốc của Trump nhằm trả đũa việc trục xuất ba phóng viên Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc đã phản tác dụng, khiến Bắc Kinh đuổi nhiều nhà báo Mỹ hơn. Một trong những nhà báo bị trục xuất viết rằng, các tập đoàn báo chí Mỹ ở Trung Quốc đã bị “cắt ruột”. Để biết Trung Quốc đang làm gì sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bây giờ Trump đang cân nhắc lệnh cấm du lịch đối với tất cả các thành viên của đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của họ - có tới 270 triệu người - hầu hết trong số họ không có tiếng nói gì trong việc ra quyết định của Tập Cận Bình. Đây là chủ nghĩa “người Mỹ thượng đẳng” (nativism) giả danh khống chế Bắc Kinh. Nếu Trump thực sự muốn gây tác hại cho Trung Quốc, ông ta sẽ đề xuất tiếp nhận những người Hồng Kông bị kèm kẹp, như nước Anh đã làm.

Nhìn rộng ra, Trump làm lợi cho Bắc Kinh với chương trình chống toàn cầu hóa. Ai được lợi khi Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và thỏa thuận hạt nhân Iran? Bạn hiểu ra ngay: Trung Quốc. Trump đang tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Tập Cận Bình có thể thay thế. Trung Quốc đang thúc đẩy một hiệp định thương mại châu Á không có Hoa Kỳ, đóng vai trò nổi bật hơn trong WHO và đàm phán hiệp ước chiến lược với Iran có thể dẫn tới 400 tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc trong 25 năm.

Nếu nghiêm túc đối đầu với Trung Quốc, chúng ta cần phải xác định sự lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, và củng cố trật tự trong nước. Chúng ta đang thua cuộc cạnh tranh với Trung Quốc khi hôm thứ hai, Trung Quốc có 22 trường hợp nhiễm coronavirus và chúng ta có hơn 62.000 trường hợp. Nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục lội nước.

Ở nước ngoài, muốn cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, trong nước đòi hỏi phải cải thiện sự điều hành của chính phủ - và điều đó phải bắt đầu bằng việc bỏ phiếu loại Trump ra khỏi chức vụ.

Có một lý do chính đáng mà nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh muốn Trump tái đắc cử tổng thống: không ai làm tổn hại nước Mỹ, làm lợi Trung Quốc hơn vị tổng thống vô tích sự (feckless) của chúng ta.

Bài của Max Boot trên Báo WASHINGTON POST 21 tháng 7 năm 2020.

VIỆN THĂM DÒ GALLUP

Thành lập hơn 70 năm, phạm vi hoạt động trên 130 nước, từ Mỹ, đến châu Âu, châu Á, châu Phi, khắp thế giới, nổi tiếng với những kết quả thăm dò dư luận, nhất là ở Mỹ thời gian có vận động tranh cử tổng thống, viện Gallup là một mô hình rất cần cho chúng ta hiện nay.

Một viện hoặc một "cơ quan" chính thức nào tương tự đã có ở Việt Nam hay chưa, không rõ.

Khi một quan chức bảo rằng chủ trương gì đó được "nhân dân đồng thuận cao", không rõ họ căn cứ vào cơ sở nào, vào cái gì.

Nhân dân này ở đâu, bao nhiêu người? Nếu dựa vào một số cử tri được tiếp xúc với họ thì cũng không thể nói được nhân dân đồng thuận cao.

Nhân dân phải là 40 triệu người trên 18 tuổi cơ, chứ mấy chục người hay mấy trăm người trong một hội trường "chọn lọc" cử tri thì "nhân dân đồng thuận cao" chưa phải là tuyên bố thuyết phục.

Có thể bảo "nhân dân phấn khởi" như trước chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay. Chẳng cần thăm dò, hay bỏ phiếu, "phấn khởi" là có, là đúng,  tâm trạng dân chúng hiện nay trước giặc nội xâm này.

"Dĩ nhất suy chi"(lấy 1 mà suy), hoặc "suy bụng ta ra bụng người", có thể cảm thông được; ai mà không căm ghét kẻ đục khoét quốc gia, làm mất lòng tin nhân dân đối với nhà chức trách.

Sắp tới, dự luật đặc khu sẽ được thường vụ quốc hội xem xét, và  chắc chắn, một thời gian nào đó sẽ được đưa ra biểu quyết thông qua.

Giả sử luật thông qua sau khi đã điều chỉnh với sự tham khảo ý kiến các đỉnh cao  trí tuệ, thì cũng xin đừng nói "nhân dân đồng thuận cao".

Vì chưa có luật trưng cầu dân ý, là 1 trong 40 triệu công dân VN, tôi cũng "đồng thuận cao" nếu biết rằng có một cuộc thăm dò dư luận vô tư, như thằng cha Gallup Mỹ thường làm, cho biết kết quả...100 % bà con được hỏi đã giơ tay ủng hộ luật đặc khu. Nhưng viện thăm dò đó đừng có ai nhảy vô..."định hướng", đó nghe.

TƯỢNG ĐÀI, thẫn thờ khi rời khỏi.

Quê tôi là vùng bị tàn phá nhiều nhất qua 2 cuộc chiến tranh; gần như không còn ngôi nhà nào sau 1975. Và người chết, không thống kê nổi, ngoại trừ liệt sĩ.

Mùa tránh dịch, tôi hay tha thẩn đến những nơi ít người. Đền Trường An là một; nơi này, năm 1949, Việt Minh đánh hạ thành công đồn Núi Lở của Pháp. Nay là đài tưởng niệm những người bỏ mình trong chiến tranh, đương nhiên, không phải là tất cả dân thường và người ở  phe "thua cuộc".

Công trình khá hoành tráng. Đài tưởng niệm nằm giữa, phía sau là nhà bia hình bán nguyệt, có mái ngói giống đình, chùa, như bảo bọc lấy đài cao; đứng xa ở giữa nhìn vào, cả hai công trình trông giống một đóa hoa sen đang nở..

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng rất "có duyên" với các tượng đài quê tôi; nhưng công trình Tràng An này có lẽ không có "dấu ấn" của ông; mô típ chàng du kích, gương mặt chữ điền, ánh nhìn nảy lửa, với cánh tay vạm vỡ, cầm chặt lấy cờ giương cao. Nữ du kích thân hình tràn trề  sức sống, bên một du kích khác, cầm lấy khẩu súng AK như xốc tới, gương mặt cũng quyết tâm giết địch, không kém anh du kích. Tất nhiên, mô típ quen thuộc: quả đạn B41 như mũi tên, chực phóng vào đồn đối phương. Đây là tượng đài "hùng vĩ", nằm trên  ngọn đồi, trước đây là quận lỵ Thường Đức (không phải Thượng Đức, theo giấy tờ hành chính cũ).

NÓN CỐI VÀ SỰ THẤU HIỂU

“Vì sao đàn ông Việt Nam thích đội mũ cối?” là tiêu đề bài viết trên một tờ báo tiếng tăm. Giật tít là quyền của người viết nhưng người đọc mới có quyền phán xét. Trong chiến tranh, mũ cấp cho bộ đội chưa chắc đủ mỗi người một cái. Thời bình, năm phát hành bài báo 2011, có thật 90% đàn ông thích đội nón cối, có nón cối?

Bài viết cho thấy, tác giả “hứng” rồi viết chứ không phải “nghĩ” trước khi viết. Tôi không rõ ở miền Bắc nhưng khá rõ ở miền Nam, hầu như không đàn ông nào đội nón cối, ngoại trừ các bác tập kết về hoặc các bộ đội phục viên ở lại miền Nam sinh sống. Tất nhiên, tôi không nói thanh niên là bộ đội người Nam hay người Bắc đều đội nón cối. Thế thì “90% đàn ông thích đội nón cối” là con số cho báo cáo hay con số của báo chí? Tiêu đề bài viết còn cho thấy vị tổng biên tập rất xuề xòa, để phóng viên viết đến nỗi du khách (ngoại quốc – ngầm hiểu) “rất khó hiểu”.

Ở đây, tôi không nhấn mạnh “sai-đúng” của con số so với thực tế, không suy giải tính “áp đặt” suy nghĩ cho người khác (có đến 90% đàn ông VN yêu thích nón cối ngay cả bác đạp xích-lô), tôi muốn nói đến mức độ “thấu hiểu” giữa người hai miền đất nước từng bị chia cắt 20 năm bởi chiến tranh. Người viết bài báo này chắc chắn sống quanh quẩn ở thủ đô Hà Nội hay một thị trấn nào đó ở miền Bắc, nơi có thể có người còn đội mũ cối. Anh không biết tí gì về sinh hoạt người dân miền Nam (anh nhận xét hầu hết đàn ông, có nghĩa cả nước, đều yêu nón cối). Nếu là người hiểu biết, hay “thấu hiểu”, phóng viên không thể kết luận “như đinh đóng cột” như thế.

Mang trong mình số phận của những người “thua cuộc” ở miền Nam, bản thân những người tham gia chế độ cũ, con cháu, thân nhân, và những ai sống trong sự “bảo vệ” của VNCH dường như không phải là “đối tượng” tìm hiểu của một số người có chức trách nằm trong phe “thắng cuộc”, những người có thể dẫn dắt “tư tưởng” người dân khắp cả nước. Một vài năm sau chiến tranh, sự hiểu thấu có thể bị hạn chế bởi thái độ chưa chấm hết đối đầu thù nghịch (trong quá khứ đã dẫn đến máu đổ giữa hai bên). Hơn 40 năm sau, sự thấu hiểu nhau giữa Nam-Bắc không còn bị hạn chế như trước? Đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Nam Bắc “một nhà”, tôi lại đề cập sự “thấu hiểu” như thế, có lạc điệu quá không?

Tôi có quen một nhà báo kiêm nhà văn sống ở Hà Nội trên facebook và gặp nhau cả ngoài đời. Một lần trong câu chuyện, tôi nói vanh vách các bài viết về lịch sử Việt Nam khi tôi là học sinh, vị học thức kia hết sức ngạc nhiên hỏi lại tôi, “giáo dục ngụy quyền cũng dạy học sinh lịch sử Việt Nam hay sao?". Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe anh hỏi tôi câu ấy. Không phải anh thiếu kiến thức. Anh tỏ ra quảng bác rất nhiều vấn đề báo chí, văn chương, các giới văn nghệ sĩ ở thủ đô văn vật. Tôi nghĩ, có lẽ anh không hề quan tâm tìm hiểu, hay không được phép tìm hiểu, giáo dục VNCH, nền giáo dục hình thành nhân cách của tôi cũng như hàng triệu học sinh, sinh viên, thanh niên miền Nam trước 1975. Nền giáo dục yểu mệnh theo vận nước nổi trôi?

Có lẽ tôi không trách anh mà cũng chẳng biết trách ai, chỉ có tiếc là người ta không tạo điều kiện “thấu hiểu” nhau giữa con người VN, và các thế hệ tiếp nối, từng sống dưới hai chế độ chính trị khác nhau trong suốt 20 năm, non sông chia cắt đến nỗi một trí thức cũng không biết từ lớp 1 trở lên, học sinh miền Nam trước 1975 từng học các đoạn viết ngắn: Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Ngồi đan sọt mà lo việc nước, Phá cường địch báo hoàng ân…Có lẽ người ta cũng không biết nốt, học sinh miền Nam chỉ học lịch sử đến năm 1945.

Không một dòng nào, một trang nào, sách giáo khoa lịch sử dạy phải “căm thù” cộng sản dù hằng ngày thành phố học sinh ở bị pháo kích, nhà cháy, người chết; xe đò chở khách chạy trên đường bị giật mìn, cầu cống qua lại bị phá hoại; cha anh họ có người bị đối phương giết chết. Và ngay cả lúc là sinh viên, trong học đường, chúng tôi không bao giờ nghe ai đem tên Hồ Chí Minh ra phỉ báng, như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu từng bị phỉ báng trong sách giáo khoa “ở bên kia”, mặc dù hai vị này từng là lãnh tụ điều hành một nửa đất nước -  hai nền cộng hòa.

Trở lại câu chuyện ban đầu. Không nên dè bỉu nhận xét không đúng: hầu hết đàn ông VN yêu thích nón cối. Chỉ thấy buồn, một sự việc đơn giản như thế, một tờ báo tiếng tăm vẫn nghĩ, vẫn viết “như đinh đóng cột” thực trạng ở Việt Nam, 90% đàn ông đều thích đội nón cối. Người trong một nước mà chẳng biết nhau như thế, thử hỏi làm sao mà yêu cầu “thấu hiểu” những chuyện lớn lao hơn?

LUẬT RỪNG

Người ta thường nghĩ “chơi luật rừng” là chơi không có luật, chơi không đúng luật, chơi kiểu mạnh được yếu thua. Luật rừng thường kèm theo sức mạnh. Không kèm sức mạnh, luật rừng trở thành vô dụng. Nai, mển (mang), cáo, chồn, heo, gấu… đều bị anh chúa tể sơn lâm khuất phục nhờ sức mạnh “cọp beo”.

Tôi lân la hỏi chuyện những người dân sống gần như cả đời với rừng thì được biết, luật rừng rất chi là rõ rệt, không phải ỷ mạnh là hơn. Trong rừng, cây đứng của chung, cây nằm có chủ (tôi nói rừng khi chưa xuất hiện ông kiểm lâm). Cây nằm không phải là cây ngã do trốc gốc vì bão hay gốc bị mối mọt phá hỏng. Cây đó có người đốn hạ. Thậm chí, cây nào có dấu băm bằng rựa hay bằng rìu – một ký hiệu có ai đó thấy trước và “xí phần” – người đến sau không được động đến vì cây đã “có chủ”. Tất nhiên, người đi rừng không bao giờ “đánh dấu sở hữu” mọi cây họ chọn. Cây đánh dấu sẽ có giá trị “trong ngày” và không có hiệu lực cho các ngày hôm sau.

Khi phát rẫy trồng hoa màu ở một ngọn đồi, người ta chỉ làm đến đỉnh đồi và dừng lại ở đó, nhường phần cho ai ở phía bên kia đồi phát lên; không có chuyện từ đỉnh phát xuống chân đồi lấy trọn ngọn đồi làm của mình. “Luật rừng” duy trì như thế từ đời này sang đời khác. Không có trường hợp “chơi hết” ngọn núi, ngọn đồi như bây giờ.

Luật rừng “quy định” nhiều chuyện nhỏ nhặt hơn. Vào rừng đốn cây ở lại nhiều đêm, người ta không bao giờ tự tiện “ị” xuống khe, suối mà phải mang rựa, rìu theo, dùng thay cuốc, giấu kỹ phần thải loại của mình. Khi về, trại dựng để ở, làm bằng lá lợp, sập nằm, kể cả đá kê làm ông táo…đều phải để nguyên, không được phá; người ta hiểu để cho ai đó vào rừng sử dụng về sau.

Người xưa “sở hữu” rừng cũng đều theo “luật rừng”. Có những vùng núi mọc rất nhiều cây dầu - cây cho một loại nhựa trong suốt, gọi là dầu rái, dùng để trét ghe hay phết lớp mỏng bên ngoài nón lá để ngăn nước mưa. Phần núi cây dầu khai thác có chủ gọi là “vườn dầu”, thường có đường biên “ước lệ” quy định giữa những người khai thác dầu với nhau, khi là một con khe, khi là “bằng mắt” mà không có hàng rào hay cọc mốc rõ ràng.

Tất nhiên, dù khai thác dầu (gọi là hơ dầu, dùng ngọn lửa đưa qua miệng cây, khai thông các mạch gỗ, nhựa cây chảy ra đọng ở phần khoét sâu vào thân cây gọi là máng dầu) không cùng một lần, không ai “ăn cắp” (lấy trộm nhựa dầu ở vườn khác). Mọi người đều phải tuân thủ luật rừng.

Đốt rừng trồng cây tràm “ngắn ngày".

Vùng núi quê tôi phải nói là mênh mông, phong phú các loại cây rừng thuộc hàng danh mộc từ rất xa xưa. Nhờ luật rừng, người dân khai thác rất trật tự tài nguyên thiên nhiên mang lại. Không hề có vụ thưa kiện nào liên quan đến rừng nhờ ai cũng tôn trọng luật rừng, truyền từ đời này đến đời khác, thế hệ sau cho chí thế hệ trước.

Luật rừng ấy có còn duy trì đến ngày nay hay không? Xin trả lời ngay: không. Luật rừng bây giờ được thay thế bằng luật pháp. Rừng hiện nay từ chân núi đến đỉnh núi đều có chủ, với giấy chứng nhận quyền “sử dụng” rừng được pháp luật bảo hộ.

Cây thiên nhiên như lim, gõ, kiền kiền, chò, mùn, sơn huyết, sơn sừng, huỷnh, huỳnh đàn, sến, mít nài, xoay (có trái xoay)…chỉ còn trong các câu chuyện kể của các người có tuổi, người già, từng gắn bó với núi rừng trùng điệp. Sự xuất hiện của loại cây “ngắn ngày”, còn gọi là mì ăn liền như keo, tràm (nguyên liệu làm giấy Trung Quốc tiêu thụ hầu hết) làm đảo lộn…luật rừng.

Có người không rõ bằng cách nào sở hữu hàng vài chục hectare, có người gần như cả mấy ngọn núi; có người chỉ sở hữu đôi ba mẫu, đa phần gần chân núi. Chỉ có “người giàu” mới có khả năng trồng cây ngắn ngày này ở những nơi cao của núi rừng. Càng lên cao khả năng trồng keo tràm của người “kém thế” càng hạn chế. Trồng thì dễ nhưng khai thác thì khó. Người ta làm những con đường cho xe tải thu hoạch cây, chạy zigzag ôm theo các ngọn núi. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy các con đường trơ đất đá, hiện ra như mạng nhện, chìm nổi trong các ngọn núi phủ tràm keo, những con đường chở cây, được con người dùng máy ủi ra ra từ rất nhiều năm.

Đến đây, quý vị sẽ thấy, có “nhiều người” (quần chúng) hay “ít người” (kẻ lợi thế) sở hữu những vùng núi cơ man nào tràm và tràm, nào keo và keo?

Rừng nguyên sinh (như trước đây khoảng trên 20 năm) có phân tầng sinh thực rất rõ. Trên là các loại cây cao. Kế đến là các loại cây thấp hơn. Thấp nữa là các cây nhỏ hơn, chen lẫn với dây rừng bò chằng chịt. Cấu tạo rừng nguyên sinh là mái nhà cho các sinh vật khác như heo, mển, nai, voi, thậm chí cả cọp, các loài chim muông sinh sống, chen lẫn các con suối, con khe, quanh năm nước chảy róc rách. Cả một thế giới núi rừng sinh động.

Rừng là máy điều hòa không khí. Rừng là nguồn sống phong phú che chở con người. Nhiều người Việt đi du lịch các nước bảo tồn nhiên nhiên khá tốt, đều so sánh, ước chi 30 năm trước núi rừng VN được giữ gìn đến bây giờ như họ. Ngày nay, cây được trồng lại khắp nơi nhưng lại là loại cây ngắn ngày, cứ 4 hay 5 năm phải cắt tiệt, đốt sạch để trồng lại.