Sunday, January 28, 2024

LUẬT RỪNG

Người ta thường nghĩ “chơi luật rừng” là chơi không có luật, chơi không đúng luật, chơi kiểu mạnh được yếu thua. Luật rừng thường kèm theo sức mạnh. Không kèm sức mạnh, luật rừng trở thành vô dụng. Nai, mển (mang), cáo, chồn, heo, gấu… đều bị anh chúa tể sơn lâm khuất phục nhờ sức mạnh “cọp beo”.

Tôi lân la hỏi chuyện những người dân sống gần như cả đời với rừng thì được biết, luật rừng rất chi là rõ rệt, không phải ỷ mạnh là hơn. Trong rừng, cây đứng của chung, cây nằm có chủ (tôi nói rừng khi chưa xuất hiện ông kiểm lâm). Cây nằm không phải là cây ngã do trốc gốc vì bão hay gốc bị mối mọt phá hỏng. Cây đó có người đốn hạ. Thậm chí, cây nào có dấu băm bằng rựa hay bằng rìu – một ký hiệu có ai đó thấy trước và “xí phần” – người đến sau không được động đến vì cây đã “có chủ”. Tất nhiên, người đi rừng không bao giờ “đánh dấu sở hữu” mọi cây họ chọn. Cây đánh dấu sẽ có giá trị “trong ngày” và không có hiệu lực cho các ngày hôm sau.

Khi phát rẫy trồng hoa màu ở một ngọn đồi, người ta chỉ làm đến đỉnh đồi và dừng lại ở đó, nhường phần cho ai ở phía bên kia đồi phát lên; không có chuyện từ đỉnh phát xuống chân đồi lấy trọn ngọn đồi làm của mình. “Luật rừng” duy trì như thế từ đời này sang đời khác. Không có trường hợp “chơi hết” ngọn núi, ngọn đồi như bây giờ.

Luật rừng “quy định” nhiều chuyện nhỏ nhặt hơn. Vào rừng đốn cây ở lại nhiều đêm, người ta không bao giờ tự tiện “ị” xuống khe, suối mà phải mang rựa, rìu theo, dùng thay cuốc, giấu kỹ phần thải loại của mình. Khi về, trại dựng để ở, làm bằng lá lợp, sập nằm, kể cả đá kê làm ông táo…đều phải để nguyên, không được phá; người ta hiểu để cho ai đó vào rừng sử dụng về sau.

Người xưa “sở hữu” rừng cũng đều theo “luật rừng”. Có những vùng núi mọc rất nhiều cây dầu - cây cho một loại nhựa trong suốt, gọi là dầu rái, dùng để trét ghe hay phết lớp mỏng bên ngoài nón lá để ngăn nước mưa. Phần núi cây dầu khai thác có chủ gọi là “vườn dầu”, thường có đường biên “ước lệ” quy định giữa những người khai thác dầu với nhau, khi là một con khe, khi là “bằng mắt” mà không có hàng rào hay cọc mốc rõ ràng.

Tất nhiên, dù khai thác dầu (gọi là hơ dầu, dùng ngọn lửa đưa qua miệng cây, khai thông các mạch gỗ, nhựa cây chảy ra đọng ở phần khoét sâu vào thân cây gọi là máng dầu) không cùng một lần, không ai “ăn cắp” (lấy trộm nhựa dầu ở vườn khác). Mọi người đều phải tuân thủ luật rừng.

Đốt rừng trồng cây tràm “ngắn ngày".

Vùng núi quê tôi phải nói là mênh mông, phong phú các loại cây rừng thuộc hàng danh mộc từ rất xa xưa. Nhờ luật rừng, người dân khai thác rất trật tự tài nguyên thiên nhiên mang lại. Không hề có vụ thưa kiện nào liên quan đến rừng nhờ ai cũng tôn trọng luật rừng, truyền từ đời này đến đời khác, thế hệ sau cho chí thế hệ trước.

Luật rừng ấy có còn duy trì đến ngày nay hay không? Xin trả lời ngay: không. Luật rừng bây giờ được thay thế bằng luật pháp. Rừng hiện nay từ chân núi đến đỉnh núi đều có chủ, với giấy chứng nhận quyền “sử dụng” rừng được pháp luật bảo hộ.

Cây thiên nhiên như lim, gõ, kiền kiền, chò, mùn, sơn huyết, sơn sừng, huỷnh, huỳnh đàn, sến, mít nài, xoay (có trái xoay)…chỉ còn trong các câu chuyện kể của các người có tuổi, người già, từng gắn bó với núi rừng trùng điệp. Sự xuất hiện của loại cây “ngắn ngày”, còn gọi là mì ăn liền như keo, tràm (nguyên liệu làm giấy Trung Quốc tiêu thụ hầu hết) làm đảo lộn…luật rừng.

Có người không rõ bằng cách nào sở hữu hàng vài chục hectare, có người gần như cả mấy ngọn núi; có người chỉ sở hữu đôi ba mẫu, đa phần gần chân núi. Chỉ có “người giàu” mới có khả năng trồng cây ngắn ngày này ở những nơi cao của núi rừng. Càng lên cao khả năng trồng keo tràm của người “kém thế” càng hạn chế. Trồng thì dễ nhưng khai thác thì khó. Người ta làm những con đường cho xe tải thu hoạch cây, chạy zigzag ôm theo các ngọn núi. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy các con đường trơ đất đá, hiện ra như mạng nhện, chìm nổi trong các ngọn núi phủ tràm keo, những con đường chở cây, được con người dùng máy ủi ra ra từ rất nhiều năm.

Đến đây, quý vị sẽ thấy, có “nhiều người” (quần chúng) hay “ít người” (kẻ lợi thế) sở hữu những vùng núi cơ man nào tràm và tràm, nào keo và keo?

Rừng nguyên sinh (như trước đây khoảng trên 20 năm) có phân tầng sinh thực rất rõ. Trên là các loại cây cao. Kế đến là các loại cây thấp hơn. Thấp nữa là các cây nhỏ hơn, chen lẫn với dây rừng bò chằng chịt. Cấu tạo rừng nguyên sinh là mái nhà cho các sinh vật khác như heo, mển, nai, voi, thậm chí cả cọp, các loài chim muông sinh sống, chen lẫn các con suối, con khe, quanh năm nước chảy róc rách. Cả một thế giới núi rừng sinh động.

Rừng là máy điều hòa không khí. Rừng là nguồn sống phong phú che chở con người. Nhiều người Việt đi du lịch các nước bảo tồn nhiên nhiên khá tốt, đều so sánh, ước chi 30 năm trước núi rừng VN được giữ gìn đến bây giờ như họ. Ngày nay, cây được trồng lại khắp nơi nhưng lại là loại cây ngắn ngày, cứ 4 hay 5 năm phải cắt tiệt, đốt sạch để trồng lại.

MÙA COVID, MÙA YÊU THƯƠNG VÀ THẤU HIỂU

Covid là dịch, coi như giặc, “dẹp dịch như dẹp giặc”, bảo yêu thương, thấu hiểu, đúng là hâm, quá hâm?

Covid xuất hiện đảo lộn trật tự thế giới. Không có nó, Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn mong cho người dân nước này du lịch nước kia, càng nhiều càng tốt. Nay cũng vì covid, quan hệ hai nước có tiền nhiều nhất thế giới trở nên u ám như trời không có nắng. Kinh tế xây dựng bao nhiêu năm của nhân loại như đổ sông đổ biển. Từ tỷ lệ phát triển “dương” % nay có nước “âm” phần trăm.

Covid không phải là loại dịch mang lại nhiều cái chết khủng khiếp nhưng ai cũng sợ nó khủng khiếp. Nước Mỹ tiến bộ nhất cũng trên 157 ngàn người bỏ mạng. Nhưng so với dân số, số người chết đứng hàng thứ sáu sau cả nước Anh. Tỷ lệ người chết so với người nhiễm vi rút tính đến hôm nay chỉ khoảng 3,2%, tức 100 người dính covid thì chỉ có hơn 3 người chết, không phải ai xét nghiệm dương tính đều phải chết.

Nhưng vì sao người ta sợ nó một cách khủng khiếp?

-Nó là sát thủ vô hình và vô tình. Chỉ đứng gần nhau, người ta cũng có thể bị cách ly, theo dõi 14 ngày, chưa kể có khi 1 tuần sau, vô bệnh viện thở bằng máy trước khi trút hơi cuối cùng. Từ thằng dân cho chí tổng thống, covid không phân biệt đối xử một người nào. Nó rất song phẳng. Ai cũng có thể bị quơ một lưỡi hái nó mượn của tử thần.

-Tốc độ lây lan khủng khiếp, nghe nói, nay có thể nhanh gấp 3 mức lây so với lần đầu xuất hiện.

-Hành động ngăn chặn covid của con người lại làm cho con virus này thêm phần khủng khiếp: một người dính nó, có khi cả trăm, cả ngàn, cả chục ngàn người gần đó, hay liên quan đến nó, đều phải bị cách ly xã hội (cụm từ này tự nó có “lịch sử rùng rợn” rồi – tù nhân lãnh án tử thường được báo diễn tả nhẹ nhàng “sẽ bị cách ly khỏi xã hội vĩnh viễn”, tức đi bán muối). Mọi sinh hoạt xã hội sẽ bị ngưng trệ vì sự cách ly ngăn ngừa dịch lan tràn.

-Trong mùa dịch bệnh, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, bà con, thân tộc, bạn bè, người hàng xóm…ai cũng có thể là “con bệnh” (như ai đó giả sử) cần phải đề phòng. Cha mẹ mang lại cuộc sống cho con nhưng cha mẹ (mắc dịch, nhiễm vi rút) cũng có thể mang lại cái chết cho những người mình rứt ruột sinh ra. Hành vi âu yếm trước đây như ôm hôn, bắt tay, kề tai thầm thì những lời yêu đương (nếu là trai gái đang yêu) nay phải bị chấm dứt – không biết đến bao giờ. Cha có chết vì dịch thì con cũng đứng xa mà khóc, không cầm được tay, nghe trăn trối những lời cuối khi trút hơi thở vĩnh biệt cõi trần.

-Trước đây khi mắc bệnh, người ta trông cậy đến y tế, đội ngũ bác sĩ, y tá. Họ là những thiên thần áo trắng, vị “cứu tinh” của bệnh nhân. Bệnh viện là nhà thương mang lại nối kết con người với con người; nhưng bây giờ (ở một vài địa phương) bệnh viện cũng có thể là nơi chia cách con người: không ai được đến, không ai được đi (ngoại trừ những trường hợp quá đặc biệt) vì quỉ covid đã ám một nơi chốn mang trong mình một nhiệm vụ cao quý: cứu người. Thêm vấn nạn: covid cũng đã cướp sinh mạng thiên thần áo trắng (Bs Lượng, Vũ Hán).

-Tổn thất vật chất do dịch gây ra có thể đo đếm, phục hồi được, một ngày nào đó; tổn thất tinh thần có đo đếm được không, và bao lâu thì con người có thể phục hồi lại được?

Người ruột thịt cũng có thể là kẻ sát nhân nếu lây dịch cho người khác. Chúng ta không rõ thời gian cách ly chấm dứt khi nào khi dịch bệnh hiện nay chưa có dấu hiệu được kiềm chế, nhất là đợt tái bùng phát lần này.

Nỗi sợ hãi càng lớn khi hai thành phố dẫn đầu đất nước trong tâm trạng lo âu, sẵn sàng lao mình vào cuộc chiến, chống “kẻ thù địch” xâm nhập âm thầm, len lỏi, chực chờ cơ hội bùng phát, tàn phá trái tim, lá phổi của quốc gia.

Tổ quốc có “sa” vào nguy cơ bùng phát dịch hay không? Chưa ai có thể chắc chắn trả lời được. Nhưng mỗi người dân đều có câu giải đáp, tôi chắc chắn như thế, nếu:

-Tự bảo vệ mình: rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn. Không ra ngoài khi không thật cần thiết. Nên cử mỗi nhà một người, tự nguyện ra ngoài, xử lý các nhu cầu thiết yếu cho đời sống gia đình hằng ngày. Người này cần tự bảo vệ mình như mang khẩu trang, rửa tay sau tiếp xúc, đứng xa người khác 2 mét nếu được...

-An ủi, động viên nhau, nhất là các bậc trưởng thượng lớn tuổi như ông bà, cha mẹ đang cách ly, giãn cách.

-Tạo cho mình các niềm vui nho nhỏ trong thời gian cách ly hay giãn cách xã hội (social distance) như lên face (nhớ đừng phát tán những gì mình không chắc chắn đúng, hay gây hoang mang, lo sợ cho người khác); đọc sách, báo. Chơi đàn, thậm chí học đàn, hay ca hát (nhớ đừng hát vào các loa kẹo kéo đinh tai nhức óc).

-Ăn uống, tập thể dục, nâng cao thể trạng. Khi tiếp xúc ai (tốt hơn nên ngưng tiếp xúc) phải nghĩ đến bản thân (có thể lây vi rút) và người khác, nhất là người cao tuổi có bệnh nền (bị ta lây cho họ).

-Cách ly hay giãn cách xã hội cho đến lúc này là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn ngừa dịch bệnh trong khi chưa có vaccine. Mọi người phải xác định như vậy.

-Sau cơn mưa trời lại sáng. Nghĩ như thế chúng ta sẽ không bi quan hay hoang mang, sợ hãi. “Số khá, bĩ rồi thời lại thái. Cơ thường, đông hết hẳn sang xuân (*)

Mùa Covid, mùa yêu thương, mùa thấu hiểu, sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn nếu chúng ta làm những việc “tầm thường” như tôi vừa nói. Tầm thường vì mỗi ngày chúng ta đều nghe, và ai ai cũng biết, cũng nói.

Nếu cách ly tốt, giãn cách tốt, giữ vệ sinh cá nhân tốt trong thời gian có đại dịch, chúng ta đã yêu trọn vẹn bản thân, nhờ đó, mới có thể yêu gia đình, đồng bào, đồng loại, không cần phải đao to búa lớn hay phải “ngạo nghễ Việt Nam”.

(*) Nguyễn Công Trứ;

Ảnh: vô rừng tránh Cô Vi.

DẾ

Dế, không phải tên gọi chiếc điện thoại Nokia khi lần đầu có mặt ở VN.  Dế cũng không "thành danh" như trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký. Dế thời @, dế của bia, của nhậu.

Trong bức hình, quý bạn sẽ thấy những điểm trắng lỗ chỗ trên bãi cỏ ven sông, có hai con trâu đang thẫn thờ gặm cỏ. Đó là những hang dế bị đào và các chú dế đã nằm chen chúc trong 1 chai nhựa đựng nước lọc. Mỗi con 1000 đồng, bán cho các quán nhậu.

Người ta tìm ra hang rất dễ nhờ các đụn cát nhỏ li ti trong một cái lỗ lớn hơn ngón chân cái. Một hay hai nhát cuốc, hang dế hiện ra rõ ràng. Người ta dùng 1 sợi cáp dài độ 8 tấc, to hơn dây thắng xe máy, xoắn vào hang; ở đầu dây là một lò xo thép cỡ con dế, có đầu nhọn sắc. Chỉ một hai động tác chưa quá 1 phút, con dế được lôi ra. Nắm lò xo vặn ngược, chú dế nằm gọn trên tay, người ta cho chú vào miệng chai. Vết thương xuyên bụng có lẽ không làm dế đau lắm, chú nhảy mấy cái, rồi chen lấn với những chú dế khác cũng đang tranh chỗ trong lòng chai chật chội.

Một buổi người bắt dế có thể thu được 2 đến 3 chục con. Dế sẽ có mặt tại các quán nhậu. Các chị có ăn dế không? Không, dế bán lấy tiền đi chợ, đâu dám ăn. Mùa dế chỉ kéo dài một đôi tuần rồi chấm dứt. Dế đâu còn mà đào, bắt.

Lúc tôi còn 5,7 tuổi, dế không để nhậu mà để...chơi, đá dế, chọi dế. Cứ 2 trẻ mới đủ sức thay nhau đào một hang dế. Chúng tôi chọn dế trống, không chọn dế mái. Nhìn hang dế, trẻ con chúng tôi biết ngay, anh nào trống, chị nào mái, dưới hang. Đất sủi ra hang dế trống to, nhiều, không nhỏ nhoi, ít oi như hang dế mái. Khi thấy một hai mụn lá non ăn dở, ngưng đào, dùng que tre nới rộng hang, và cho tay vào, nhẹ nhàng kéo chú dế khỏi chỗ trú cuối cùng.

Dế đào mới dùng để đá. Dế "đổ nước" vào hang để bắt, đá rất tệ. Chắc là uống nước quá nhiều hay sao ấy. Dế này dùng để đổi bi cho bạn nào không đào được dế bằng cuốc.

Đối với trẻ, dế đá hấp dẫn hơn dế nướng. Sân đá có hình tròn đường kính nửa tấc, sâu 1 tấc, đào nơi đất mịn, không lở. Hai chú dế trống (như hình) được trẻ con nắm chặt sợi râu, quay nhè nhẹ vài vòng, rồi thả một lần vào vũ đài. Hai càng to bên hông của hai chú dế bắn ra những tiếng tanh tách, chúng đang đá mạnh vào nhau. Chừng đôi ba phút, chúng tôi thấy bên dưới đôi cánh, một màng trắng của đôi "cánh phụ" rung lên, dế cất tiếng gáy thật oai phong, lẫm liệt.

Những chú dế cứ thế đá vào nhau tanh tách, tiếng dế gáy càng lúc càng gấp rút, ngắn dần, và một chú bỗng nhảy khỏi "hang vũ đài": dế còn lại đã thắng. Chú chậm chạp đi quanh một vòng, đôi mắt như nhìn lên chúng tôi đầy kiêu hãnh. Và, một tiếng gáy nữa vang lên như một hồi kèn thắng trận.

Những chú dế đá được lũ trẻ con mang về nhà, bỏ vào một lon sữa bò có nắp đậy. Dế sẽ dành sức cho các trận đấu tiếp theo. Lá bọ xít (cứt lợn) là món ăn ưa thích của những chú dế đá.

HẠT ƯƠI

Ươi còn gọi hạt đười ươi, hạt đười ươi. Chưa có cắt nghĩa vì sao hạt này có tên loại khỉ. Vê tác dụng đối với sức khỏe con người, theo y học dân tộc, hạt ươi là một vị thuốc có tính hàn, vị ngọt, mang lại tác dụng giải độc, thanh nhiệt, làm mát gan, loại bỏ độc tố gây hại cho cơ thể ra ngoài. Ngoài ra, hạt ươi còn có tác dụng làm dịu cổ họng, hạ nhiệt, giảm sốt hiệu quả. Đặc biệt, vị thuốc này còn có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về xương khớp rất tốt như đau lưng, thoái hóa cột sống, đau vai gáy, gai cột sống, đau thần kinh tọa, viêm khớp…

Giá mỗi ký năm năm trước đây là 150.000 bán tại rừng nhưng có thể cao hơn rất nhiều khi bán đi nơi khác. Một ngày, người ta có thể thu hoạch cả 10 ký; mùa ươi do đó kéo dài rất ngắn bởi ai ai cũng thi đua đi hái ươi.

Có một điều nghịch lý, càng về sau sản lượng hạt càng thấp: để thu ươi, người ta dùng cưa máy cắt hạ, do cây ươi rất cao, đôi ba chục mét, có những cây to cả hai, ba người ôm. Vùng thu ươi, cây ngã ngổn ngang chồng lên nhau, gấp trăm lần bom Mỹ thả xuống trong chiến tranh. Kiểm lâm là tề thiên đại thánh thì mới có thể quản lý những vùng có cây ươi và ngăn cản người đi hái ươi trái phép.

HÃNH TIẾN

Những người ngồi trên "ngai vàng", bên chiếc bàn gỗ "kỳ vĩ" có lẽ cảm thấy vinh dự chăng?

Người xem cho là hình ảnh phản cảm. Tôi thì nghĩ hình ảnh rất thật, nói lên một thái độ - vô cùng hãnh tiến của một số người. Giá trị chiếc bàn nói lên giá trị người ngồi bên nó?

Giá trị này ở đâu mà có? Chắc chắn, các quan chức, các vị tu sĩ, ngay cả ông vua kia, không tự mình làm ra tiền mà sắm. Tiền thuế, tiền "cúng dường" là cuả người khác, hãnh diện gì khi đó không phải là của mình.

ĐỘNG VI BINH, TỊNH VI DÂN

Việt Nam là nạn nhân bị xâm lược cả ngàn năm của bá quyền Trung Quốc. Người dân lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Động vi binh, tịnh vi dân, chiến tranh thành lính, hòa bình thành dân. Tiền nhân chúng ta khái quát “chiến tranh nhân dân’ như vậy từ rất xa xưa trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Người dân quê yêu quý người chiến sĩ, thời kháng chiến chống thực dân Pháp:

“Hò rì, gò tắt, hò quanh

Dừng trâu đứng lại tiễn anh lên đường”. (*)

Ngày xưa như thế, ngày nay thì sao? Trên đất liền, chiến tranh nhân dân tỏ ra hết sức hiệu quả. Trên biển, nếu có chiến trận, động vi binh được không? Thế trận nhân dân bây giờ bắt đầu bằng việc “Trao tặng cờ tổ quốc cho ngư dân”, đặng “khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc”.

Trung Quốc tuyên bố  chủ quyền gần 80% diện tích biển Đông, ngay trước mũi của đất nước Việt Nam. Sự có mặt của hàng chục, hàng trăm ngàn ngư thuyền cắm cờ Việt Nam chắc chắn là “nỗi lo” cho láng giềng hữu nghị.

Ngày 22 tháng 1 năm 2021, Bắc Kinh thông qua Luật hải cảnh, cho phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” kể cả vũ khí để ngăn ngừa và ngăn chặn tàu bè nước ngoài. Sau vài hôm, một đội tàu chiến của Hoa Kỳ thực thi nhiệm vụ thường xuyên, “tự do lưu thông hàng hải” đi trên biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc không dám ho he với Mỹ.

Vậy, nước nào là đối tượng đầu tiên cho việc TQ có thể “sử dụng vũ khí”? Không khó để có câu trả lời. Hàng trăm ngàn lá cờ trao cho ngư dân VN, chắc chắn có hàng trăm ngàn ngư thuyền: bất cứ tàu nào lưu thông trên biển đều phải cắm cờ quốc gia mình. Trước đây, tàu thuyền ngư dân bị đâm chìm; bây giờ có cần như thế không? Khỏi cần. Bây giờ không cần đâm mà chỉ có bắn, nếu ngư dân trên ngư thuyền không nghe lệnh, rời khỏi “lãnh thổ” mênh mông của Bành trướng; biển ta thành ao nhà của họ.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, mấy chục binh sĩ VNCH tử trận. Cái chết của các liệt sĩ ấy không ngăn được mưu đồ bành trướng. Năm 1988, một phần của Trường Sa cùng chung số phận, nhiều liệt sĩ bỏ mạng nơi biển đảo vì không được "nổ súng trước” với lực lượng hùng hậu của bạn vàng yêu quý

.

Góa phụ của tử sĩ trận chiến Hoàng Sa 1974.

Và, gần như toàn bộ biển Đông, cửa ngõ ra thế giới, bị đe dọa bây giờ bằng vũ khí, thái độ của Việt Nam sẽ như thế nào đây? Phillipines vừa ra công hàm phản đối hành động ngang ngược của bá quyền Trung Quốc. Đài Loan thì sao? Bà tổng thống Thái Anh Văn phản ứng ngay lập tức khi tàu oanh kích của TQ bay qua không phận tranh chấp. Các máy bay chiến đấu cất cánh “nghênh địch”, bám sát tàu đối phương. Nhìn qua ảnh, chiếc tàu như châu chấu đang bám theo chiếc xe. Châu chấu đá xe, đá một cách dũng mãnh.

Saturday, January 27, 2024

MẢNHTƯỜNG CÒN LẠI

Nhìn hình bên dưới, phần tường còn lại không thể gọi bức tường. Bề dày chừng 43 cm, tương đương một thước ta, (thước mộc), bề đứng chưa quá 6 tấc, và bề dài hơn một mét, đây là phần còn lại của tòa miếu Ông, bị Việt Minh cho phá hủy năm 1946, trong chiến tranh chống thực dân Pháp, thời kỳ tiêu thổ kháng chiến.

Miếu Ông nằm trong hàng loạt di tích lâu đời khác của làng Trung Đạo, nơi sinh cơ đầu tiên của tộc Nguyễn chúng tôi từ Nghệ An vào, có lẽ sau thời châu Ô và châu Rí là của cầm cưới công chúa Huyền Trân. Tổ tiên từ "vùng đất học" của chúng tôi đã gầy dựng những công trình không khác nơi họ chôn nhau cắt rốn: đình trung, chùa, miếu Bà, và tất nhiên cả từ đường Nguyễn trường. Ông tổ khai cư, khai canh, Nguyễn Trường Sanh, về làng Mạng Lâm, Phù Lưu Trường, Nghệ An "lén" mang hài cốt thân phụ Nguyễn Trường Thọ vào.

Ông nội tôi kể lại  với con là cha tôi ( sinh 1905), các kiến trúc ấy ông từng thấy khi lên 9, 10 tuổi, tuổi có thể nhận biết. Ngày xưa, các tư liệu đều ghi bằng chữ Hán, chữ "thánh hiền". Mỗi năm một lần chạp mả, người ta mới được giở "phú ý" (gia phả) ra xem, ghi thêm tên con cháu mới sinh trong năm.

Các sắc phong, di chỉ của triều đình ban cho làng cũng được giữ kỹ lưỡng, đương nhiên, tất cả cũng đều bằng Hán tự. Chính vì kính sợ tiên nhân, chẳng ai dám hỏi, hay tìm đọc các dữ liệu của họ tộc, cũng có nghĩa là của làng; Trung Đạo của tộc Nguyễn, Hà Tân (quê mẹ nghệ sĩ hài Hoài Linh) của tộc Ngô, hay Trúc Hà của tộc Tăng...Đương nhiên, làng xuất hiện nhiều tộc sinh sống khi trải qua nhiều đời.

Chính tại "sợ" ông Hán tự, chữ của "thánh hiền" này, hậu duệ chúng tôi không rõ năm xuất hiện các kiến trúc văn hóa thuần túy của làng, của dòng tộc nơi đất mới. Nhưng đây không phải lý do chính, lý do chính là của ông "tiêu thổ kháng chiến". Phá hết, đốt hết, kể cả các tư liệu bằng Hán tự, lưu trữ như tôi nói.

Nhiều làng quê của chúng tôi nằm trong vùng "tự do", không nằm trong vùng "bị chiếm" (Tây kiểm soát) nên các kiến trúc cha ông chúng tôi dày công gầy dựng phải bị phá hủy, không để bọn giặc Pháp lấy làm chỗ trú đóng mỗi lần "đi càn" (hành quân tiêu diệt VM) vùng tự do.

Thật sự, bọn Pháp không khi nào ở lại lâu nơi đây. Họ không thể ở vào vị trí bất lợi, địa danh quận Thường Đức sau này, vì du kích và người dân trốn lánh ở những cánh rừng sẽ xuống núi bao vây đánh úp nếu họ trụ lại. Tiêu thổ kháng chiến - đồng không, nhà trống  - chẳng tác dụng với bọn Pháp có đầy đủ xe, tàu chở quân dụng, yểm trợ mỗi lần hành quân. Họ đâu cần lương thực, chỗ trú đóng. Việc phá hủy các công trình công cộng như chùa, đình, miếu, từ đường... để chống địch là lý do kém thuyết phục. Còn ngôi nhà tư nhân của những người hết sức giàu có thì sao? Nhiều người sở hữu ngôi nhà còn to hơn đình trung (nơi hội họp) tại sao không bị phá hủy?

Phong kiến, có lẽ 2 chữ này là động cơ sâu xa, khiến các công trình xây dựng nhiều đời của làng mạc bị san bằng, đập phá - không phải chỉ mỗi ngôi làng của ông bà chúng tôi, cả hàng chục làng như thế,  một vùng hết sức rộng lớn, "vùng tự do".

Cha tôi tham gia Việt Minh, làm trưởng ban đỡ đầu Dân Quân vùng "bị chiếm" (vùng Tây kiểm soát, có các chiến sĩ thoát ly tham gia kháng chiến trong vùng của chúng tôi), chứng kiến cảnh tiêu hủy các công trình công cộng đó.

Vì lợp ngói, tường xây bằng vôi trộn nhớt cây bời lời (quê tôi hồi xưa nhiều vô kể) dày như trong ảnh, và các cột gỗ lim, gỗ trai, gỗ mun...đứng "dày đặc", nhằm chống đỡ trính, xuyên to lớn (đà ngang, đà xiên) bên trên có đòn tay đóng rui mè (lách, xi-don) lợp ngói âm dương, việc đốt cháy kéo dài cả tháng, mới tiêu hủy toàn bộ các công trình. Rơm làm bổi, bên ngoài chất chà rang (loại cây bụi nhiều cành nhỏ, dùng thả kén nuôi tằm), và củi khô; lửa thiêu cháy các cây gỗ, trính, xuyên, đòn tay, rui mè làm sập phần ngói âm dương xuống tung tóe trên nền gạch;  sự tiêu hủy "tàn tích phong kiến" đã "thành công tốt đẹp". Đá tảng, gạch, ngói chưa bể;  cột, kèo, đòn tay, cửa gỗ, ban thờ...còn chưa cháy hết được dân chúng tranh nhau lấy về nhà khi lửa chưa tắt hẳn; những làn khói u buồn bay lên, tổ tiên chúng tôi hẳn phải nương theo làn khói ấy, ngậm ngùi rời bỏ chốn trần gian đầy tục lụy. Đó là kết cục tang thương của miếu Ông làng Trung Đạo.

Khởi đầu cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp bằng việc tiêu hủy những công trình "phong kiến" thuở ấy báo hiệu nhiều biến thiên còn kinh hoàng, khủng khiếp hơn về sau, không chỉ có vật chất, mà cả mạng sống, hàng triệu sinh linh.

Tôi đứng nhìn phần tường vôi còn lại, che khuất dưới hai cây duối mọc hoang dại, um tùm, tăm tối, lòng buồn vời vợi. Ngôi miếu Ông hùng vĩ của dòng họ Nguyễn làng Trung Đạo chúng tôi đôi ba năm nữa sẽ không còn một dấu vết nào, tất cả sẽ thành tro bụi.