Sunday, December 3, 2023

PHÓNG SINH

Cứ đến mùa Vu Lan thì vấn đề phóng sinh nổi lên. Chê nhiều hơn khen việc phóng sinh. Nhìn bức hình bên dưới, nhiều người bất bình. Ốc bỏ vào bao, chất thành đống, bên cạnh là vị sư với chiếc mõ, có lẽ đang tụng kinh, cho nhiều sinh linh trong bao ni- lông “siêu thoát” khỏi bàn tay con người. Ốc có thể chết khi nằm chồng lên nhau, chen chúc, ngột ngạt. Đổ xuống ruộng thành đống có khi chúng còn chết nhiều hơn, nhanh hơn.

Rằm tháng bảy là dịp “xá tội vong nhân”. Phóng sinh kiểu này là tích tội hơn xá tội. Có người biện lẽ, kẻ có tâm đã bỏ tiền ra mua dồn nhiều ốc ở chợ mang về đây trong các bao, gánh, để sư tụng kinh đặng thả vào ao hồ, sông suối. Nếu thực lòng yêu mến sinh linh- như loài ốc này- người ta có thể mua gom rồi trực tiếp phóng sinh mà không cần đem đến chùa hay mời sư thêm lời tụng niệm.

Nhưng ở đời, ít ai làm chuyện bao đồng hay không công. Phóng sinh cần ghi hình, cần chứng tỏ cho thiên hạ thấy cái lòng quảng đại yêu thương của người làm chuyện phóng sinh. Và tôi đoan chắc, đa phần những người thế này làm “từ thiện” chỉ để cầu trả ơn, không phải “thi ân bất cầu báo”.

Phóng sinh nên là biểu tượng. Nhà chùa hay các vị sư chỉ cần một nghi lễ đơn giản: thả một con chim lên trời hay một con cá xuống nước nhân rằm tháng bảy là đầy đủ ý nghĩa. Thả hàng trăm con chim, hàng mấy trăm con cá, vô hình trung, khuyến khích việc đánh bắt chim cá để bán lấy tiền vào dịp phóng sinh.

Trước một số cổng chùa, tôi thấy người ta bày bán rất nhiều chim. Nghe tiếng kêu yếu ớt, khẩn cầu, nhìn bộ lông rời rã với đôi mắt van xin của những chú chim vật vã trong các chiếc lồng sắt: Ai nỡ nào bày ra chuyện phóng sinh? Chức sắc của một số ngôi chùa để làm như thế, các vị có động lòng trắc ẩn mà suy nghĩ gì không?

Có cầu ắt có cung. Càng “tổ chức” phóng sinh nhiều càng có người lùng bắt chim muông- hiện nay có loài gần như tuyệt chủng.

Đạo Phật- tôi chưa nghĩ đến Phật giáo- là đạo của Từ Bi và Trí Huệ. Việc phóng sinh bị lợi dụng, biến dạng, phô trương…cần được xem xét lại. Nếu tin con người có nhiều kiếp thì xin quý vị nên  làm phước ở kiếp này: Hãy ngừng việc tổ chức lễ phóng sinh như cách làm hiện nay - Phóng sinh, không khéo, trở thành sát sinh.

No photo description available.

BẠN TRẺ VÀ YOGA.

Tôi có duyên quen nhiều bạn, bạn già đáng kính và bạn trẻ đáng yêu, nhất là bạn trẻ phụ nữ. Duyên có lẽ từ kiếp trước, hai bạn trẻ là người dạy Yoga.

Yoga phát xuất từ Ấn Độ. Không quốc gia nào có nhiều nghịch lý bằng. Một quốc gia có hàng ngàn ngôn ngữ nhưng lại lấy tiếng của kẻ đô hộ mình làm ngôn ngữ chính; đất nước thương yêu con người nhưng lại có quá nhiều giai cấp, hàng mấy trăm giai cấp. Không quốc gia nào đông dân bằng và cũng không quốc gia nào có tôn giáo ảnh hưởng thế giới ở mọi thời đại bằng đạo Phật. Và không quốc gia nào mà con dân trong đó xem cái chết thân xác nhẹ tựa lông hồng nhờ niềm tin của một tín ngưỡng khác: “Cát bụi trở về cát bụi”, chết là thiêu xác thành tro bụi. Một quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu thăm dò đáp xuống, thành công, ở cực nam của mặt trăng, một nỗ lực, mà nước Nga “vĩ đại”- quốc gia đầu tiên trên thế giới có tàu bay vào vũ trụ- cũng chào thua khi tàu của họ banh xác vì không đáp nổi xuống một vị trí mong muốn; thất bại ê chề.

Dông dài như thế để thấy rằng Yoga- “sản phẩm” của Ấn Độ- có tầm quan trọng cho sức khỏe của loài người. Yoga có hít vào, có thở ra, có định tâm, có tịnh trí không khác chi Thiền. Còn hơn cả Thiền, Yoga chữa được bệnh tật.

Tôi không nói Yoga chữa lành tất cả các chứng bệnh kể cả nan y, như ung thư hay suy tim. Có mấy ví dụ Yoga thay đổi sức khỏe của người luyện tập bài bản. Mẹ người “bạn trẻ” của tôi ở Vũng Tàu (Bila Bila), chẳng may bị tai biến. Chị ở tuổi 60. Bệnh viện lớn không làm cho chị lành hẳn. Chị tập Yoga do con chị hướng dẫn. Con dạy mẹ chứ không phải mẹ dạy con: Yoga. Không cần thuốc men, sức khỏe của một người tai biến phục hồi gần như bình thường sau 3 tháng luyện tập.

Ảnh: Cô giáo Bila, Vũng Tàu.

Tôi không nêu nhiều ví dụ “ Yoga chữa lành bệnh” đầy rẫy trên mạng. Tôi chỉ nói trường hợp chắc chắn chữa lành của môn này mà tôi biết được. Một xơ công  giáo 50 tuổi, mắc chứng mất ngủ, tay chân luôn rã rời, tóc rụng gần như trui, ăn không thấy ngon. Soeur cầu nguyện hằng đêm với Chúa nhưng vẫn không khỏi binh. Bà bèn tìm đến lớp Yoga do cô bạn nhỏ của tôi phụ trách (người trong ảnh) ở Hoà Khánh, Đà Nẵng.

ĐỊA DANH: Muốn thay thì đổi?

Địa danh luôn gắn liền cuộc sống. Quê tôi tên Thường Đức. Hễ ai nhắc đến tên Thường Đức, ký ức tràn về trong tôi, có thể nói, ào ào như thác lũ. Có thể, giới trẻ quê hương tôi cảm thấy lạ lẫm với hai từ Thường Đức. Thậm chí mấy bác (tôi không gọi là mấy chú) bộ đội miền Bắc khắc hai chữ Thượng Đức, không làm cho giới trẻ thắc mắc là sai, trên tượng đài ghi nhớ gần 1000 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chiếm quận lỵ Thường Đức năm 1974.

Địa danh qua các niên đại, qua các thời kỳ, qua các triều đại, không thay đổi, chứng tỏ xứ sở mang địa danh đó có một chiều sâu văn hóa. Ở Hà Nội, tên Nhổn rất ngô nghê, chưa thấy phổ thông trong từ điển tiếng Việt, nhưng rất oai phong như trong tên gọi Trung tâm thể dục thể thao quốc gia Nhổn.

Tại sao không sửa lại hay đặt lại một tên gọi “hoành tráng” hơn? Không. Vì Nhổn là tên gọi của lịch sử. Nó có từ lâu đời. Nó thân yêu như “cái lớn, cái bé”, như “thằng cu, con hĩm.

Người Việt, nói trắng ra, người Việt theo chủ nghĩa cộng sản, rất khoái thay đổi địa danh. Từ hồi Việt Minh, họ đã thực hiện việc thay đổi địa danh. Chẳng hạn: Quảng Nam có tên gọi là Hoàng Diệu. Huế có tên là Nguyễn Tri Phương. Sau đó, hai cái tên ấy lặn lờ theo biến cố lịch sử.

Quê tôi có tên (tính trong xã Lộc Bình): Đại Mỹ, Thạnh Đại, Thái Sơn (Đoài Sơn), Mậu Lâm, Trung Đạo, Trước Hà (không phải Trúc Hà), Chấn Sơn (Non Tiên), Hoằng Phước Bắc, Hà Tân, Đại An, Hội Khách, Tân Đợi, Hà Dục Tây, Tịnh Đông, Hà Dục Đông.

Ông Việt Minh đổi lại, cho dễ nhớ, bình dân, có tính quần chúng: Thôn 1, thôn 2, thôn 3…cho chí thôn 15. Và sau đó, không biết có thằng hay ông nào hoài cổ, hay am hiểu văn hóa, lại gọi đúng cái tên trước thời kỳ Việt Minh. Rồi cách mạng vùng lên, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các thôn làng của xã tôi (Lộc Bình thành Đại Lãnh) trở lại các tên bình dân dễ nhớ dễ hiểu: Thôn 1 cho chí thôn 15.

Rồi một hôm, một tháng, hay một năm đẹp trời nào đó, mấy cái thôn làng mang tên các con số khô khan ấy bỗng trở về tên xưa thật thân ái: Đại Mỹ, Thái Sơn,Hà Dục Đông…

Ôi, có thể gọi là “châu về hiệp phố “. Đổi rồi thay, thay rồi đổi, để việc thay đổi ấy phù hợp với trào lưu cách mạng. Chỉ tội cho người dân, nay tên này, mai tên nọ trong các loại giấy tờ chứng minh. Lộc Bình, Thường Đức, Quảng Nam phải đổi thành Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngày nay, quê quán tôi phải sửa thành Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam.

Tôi chưa tới 100 năm tuổi nhưng địa danh, nơi tôi sinh ra và lớn lên, thay đổi biết bao lần! Quý vị đồng hương chớ vội lên án tôi “nói xấu quê hương”. Vì không có dịp đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều nguồn địa danh, tôi đành lấy chỗ mình biết chắc, để nói lên một điều: Sự thay đổi địa danh có mang lại lợi ích gì không? Và ai, cấp thẩm quyền nào, có quyền thay đổi địa danh? Sự thay đổi ấy có làm xáo trộn lịch sử hay không, khi Hoàng Diệu là tên của tỉnh Quảng Nam? Lịch sử dễ hiểu khi địa danh dễ hiểu, nghĩa là, sông Hát giang (thực ra Hát giang hay sông Hát là đủ nghĩa) hai ngàn năm trước hay hai ngàn năm sau vẫn không thay đổi. Chúng ta biết chắc đoạn sông nào là nơi Trưng Trắc, Trưng Nhị gieo mình tuẫn tiết. Lịch sử gắn chặt với địa danh thì lịch sử ấy mới có tính kế thừa và liên tục.

Người Nga dưới thời cộng sản thay tên thành phố Petersburg thành Leningrad, để tưởng nhớ vị thiên tài cộng sản V.I. Lenin. Xui rủi cho Liên Bang Xô Viết,  xuất hiện mông xừ Gorbachev “phản chủ “, liên bang một thời thách thức thế giới, thách thức đế quốc Mỹ, sụm bà chè chớp nhoáng. Leningrad một sáng tối trời trở thành Peterburg. Ôi, dâu bể đổi dời. Địa danh Peterburg chứ không phải Leningrad đời đời sống mãi trong sự nghiệp nước Nga (không phải nước Nga của Putin đâu hỷ).

Ce rendre à Ceasar ce qui partient à Ceasar. Hãy trả cho Xê-da cái gì của Xê-da. Thay đổi địa danh hãy sờ trán mà suy nghĩ: Có nên không? Tôi xin lấy ví dụ từ quê tôi. Xin nói lần nữa: Lấy việc biết chắc để làm ví dụ không phải là mang quê mình ra để “bêu riếu”. Tôi đoan chắc “ở đâu cũng rứa”.

Làng Thái Sơn ( có tên là Đoài Sơn, đẹp như non Đoài) và làng Chấn Sơn (còn gọi là làng Non Tiên, núi có tiên giáng), có chủ trương, hợp nhất thành một vì dân số, dù hai làng nằm theo bờ sông nhưng cách nhau rất xa (có 3 làng chen ở giữa nhưng những làng này nằm bên kia bờ sông).

Tên mới cho ngôi làng hợp nhất này là gì? Rất rắc rối và phức tạp. Cả hai làng đều không chấp nhận lấy tên của làng kia làm tên làng mới. Giải pháp đưa ra: Chấn Thái Sơn, cái tên nghe rất hay, rất kêu, nhưng vô cùng lạ lẫm. Chấn Thái Sơn có ý nghĩa gì trong tiếng Việt? Chấp nhận “chủ trương của trên” nhưng dân làng Chấn Sơn vẫn ghi phía sau bảng hiệu mới Chấn Thái Sơn là làng Chấn Sơn cũ, để không quên cái ký ức mấy trăm năm tên làng xuất hiện.

Câu chuyện nhỏ của quê tôi có là câu chuyện của đất nước này? Tách rồi nhập, nhập rồi tách, giờ lại tách chuyển thành nhập. Nghe người ta phản ứng dữ dội tách nhập- nhập tách gì đó 2 quận ở Hà Nội, một trong những cái tên lịch sử lâu đời sắp bị xoá sổ, nhà chức trách bèn vội vã trấn an sẽ giữ nguyên tên gọi cũ của 2 địa danh. Vì là hai địa danh thủ đô nên có biệt đãi không xóa tên để nhập địa giới hành chánh mới. Vậy, các nơi khác khi nhập thành đơn vị hành chánh lớn hơn, liệu có được “chiếu cố “ như hai cái quận gì đó ở Hà Nội không ? Chắc là không.

Sẽ có những địa danh mới cho những đơn vị hành chánh mới. Người ta dựa vào lý lẽ: Càng tiến hóa nhân loại càng thay đổi. Địa danh dẫu có là Hát giang lịch sử thì có sá gì. Cần thì đổi ngay.

Viết đến đây tôi mới sực nhớ nước Mỹ. Đúng là một quốc gia kém thay đổi. Washington D.C. ( District of Columbia, quận Columbia) là thành phố “oắt con” so với các thành phố lớn của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ mà lại là thủ đô nước Mỹ- một cường quốc hàng đầu thế giới. Nếu Biden còn sáng suốt như người Việt Nam, ông ta phải lấy New York, thành phố lớn nhất nước để biến nó thành thủ đô USA hùng vỹ.

Nhưng không. Người Mỹ quá chậm tiến. Họ không chịu thay đổi theo sự lớn mạnh của thế giới. Ngay cả cái hiến pháp cổ lỗ sĩ, hồi Bảo Đại chưa sinh, vẫn giữ nguyên một chữ không thay. Người Mỹ còn bày đặt đưa ra cái gọi là “ Tu chính án” tầm phào gì đó để bổ sung cho hiến pháp xưa như trái đất. Nếu chẳng may làm tổng thống Mỹ, a lê hấp, tôi họp chi bộ, ý lộn, họp quốc hội lưỡng viện, một hiến pháp mới sẽ gấp rút ra đời. Nghị sĩ hay hạ nghị sĩ nào không thò bút ký, tôi sẽ đưa vào tù năm phút sau với tội “cố ý làm trái “ hoặc nhận quà trên mức tình cảm.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không phải muốn thay đổi - ở đây là địa danh, chứ không phải hiến pháp-  là được: Vouloir, c’est pouvoir. Muốn là được. Tôi thấy ở quê Quảng Nam tôi, nay một phần là Đà Nẵng, người ta rất có chiều sâu văn hóa: Không thay đổi tên đường bằng nhiều tên cho khớp với nhiều con đường xây mới trong một đô thị luôn luôn thay mới.

Có địa phương nào một tên nhưng chỉ mấy chục con đường nhưng người ta không bao giờ nhầm lẫn? Chỉ có Đà Nẵng. 32 con đường mang tên Hoà Phú nhưng đâu đó rõ ràng: Hoà Phú 1 cho đến Hoà Phú 32. Tôi không rõ có Hoà Phú 33 trở lên hay không. Hoà Phú là địa danh. Người ta muốn có nhiều đường nhưng không muốn mất địa danh. Con số làm cứu cánh. Hòa Phú thuộc Hoà Khánh, trước đây thuộc Hòa Vang…Người Quảng Nam hôm nay luôn tôn trọng quá khứ- nhất là các địa danh. Đại Lộc quê tôi có nào là: Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Đồng, Đại Hoà, Đại An…hàng mấy xã bắt đầu bằng chữ Đại, Đại Lộc, có từ lúc Bảo Đại chưa ra đời.

Chạy xe trên đường thấy tên Hoà Phú 32, tôi ngẫu hứng viết status này và mong ước các nhà hoạch định chính sách quốc gia, làm sao giảm bớt việc thay đổi địa danh khi nghĩ đến việc tách hay nhập địa giới hành chính. Nhỏ như Washington D.C., người Mỹ của thủ đô vẫn điều hành trôi tròn 50 bang khổng lồ. Đâu cứ đơn vị hành chánh càng to thì guồng máy hành chính càng mạnh. Tôi nghĩ, guồng máy càng nhỏ thì sự quản trị đất nước sẽ càng vững mạnh. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Thay đổi địa danh cho phù hợp với quy mô địa giới hành chánh sẽ gây xáo trộn đời sống người dân cả nước. Họ còn phải bươn chải để lo cho đời sống còn chật vật của mình. Mọi thay đổi không phải là tốt cả. An cư mới lạc nghiệp, ông bà ta có nói.

KIM BỒNG VÀ HUẾ

Đặt hai địa danh gần nhau, một ngôi làng quê và một chốn kinh thành, tôi sắp kể câu chuyện duyên nợ của cả hai: mộc Kim Bồng (1) và mỹ thuật gỗ Huế.

Nhiều người nghĩ rằng, Huế đi trước Kim Bồng về mọi cái chứ không chỉ là nghề mộc. Mỹ thuật cố đô khác một trời một vực với nghề thợ mộc làng quê. Nhưng sự đời tréo ngoe không như người ta nghĩ. Nghề mộc làng Kim Bồng có trước mỹ thuật gỗ của kinh thành Huế.

Kim Bồng là một làng của tỉnh Quảng Nam. Nghề mộc không xuất phát từ Huế. Cũng như mọi nghề thủ công khác, nghề mộc Quảng Nam xuất phát từ một tỉnh nào đó của miền Bắc, có thể là Thanh Hoá hay Nghệ An gì đó, hai địa phương có nhiều người theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Trong mọi gia phả (tôi không nói hầu hết) dòng họ ở Quảng Nam, những người đầu tiên có mặt trong vùng Thuận Quảng đều phát xuất từ “đàng Ngoài”. Nghề mộc, do đó, cũng theo chân người Việt vô Nam.

Ảnh: Tay nghề thợ Kim Bồng.

Trước khi Gia Long thống nhất sơn hà, nhà Nguyễn đã bắt đầu xây dựng các kiến trúc của họ ở nơi sau này gọi là Phú Xuân rồi kinh đô Huế. Trịnh Nguyễn phân tranh, các thợ chạm trổ, điêu khắc gỗ cho cung điện ở Huế không thể tuyển từ địa phương của “địch” vì lý do chiến tranh. Ngôi làng mộc Kim Bồng nằm trên một “hòn đảo” bao quanh bởi cuối con sông Thu Bồn là nguồn cung cấp những nghệ nhân nghề mộc đầu tiên cho Huế. Lý do: “Thủ đô” không thể hội tụ những những anh chàng “thợ mộc”; nó là nơi dành cho giới áo mão cân đai. Giới “chân lấm tay bùn” khó mà chen vai thích cánh chốn “triều ca”.

Nhưng vì sao mỹ thuật gỗ Huế nổi tiếng hơn nghề mộc Kim Bồng? Dễ hiểu thôi. Nông dân làm sao mà so đọ với quan viên. Ông tổ nghề mộc Huế của làng Mỹ Xuyên là một vị quan lại. Ông trực tiếp chỉ huy việc xây dựng phần mộc của cung điện Huế. Thấy tài hoa tay nghề những người thợ Kim Bồng,  ông mon men tìm hiểu và học hỏi.

Nhờ có óc quan sát nhạy bén và hai bàn tay tinh tế, khi cáo quan về dân, ông tổ chức cho dân làng cái nghề mà sau này đóng góp rất nhiều cho cung điện hoàng gia. Tất nhiên, những nghệ nhân trai trẻ Kim Bồng, “ thấy cô gái Huế, chân theo không rời”, là những người giúp vị quan này phát triển nghề mộc, để làng Mỹ Xuyên nổi tiếng ngày nay.

Vì sao tôi cả quyết nghề mộc Huế “di cư “ từ Quảng Nam? Không phải là “nghe kể”. Tác phẩm tiêu biểu cho xây dựng gỗ (không bằng bê tông, cốt thép như ngày nay) là nhà rường cổ Quảng Nam. Hiện nay, huyện Tiên Phước còn sót năm bảy cái có tuổi thọ hàng mấy trăm năm tuổi. (Ngô Đình Khôi, anh ruột tổng thống Ngô Đình Diệm, lúc tại chức từng hỏi mua một ngôi nhà tại đây nhưng không mua được).

Một cái tủ thờ bằng gỗ quý có tuổi thọ hơn 200 năm (ảnh), hiện còn để nơi chính điện của nhà thờ tộc Huỳnh, làng Cẩm Kim, Hội An, tức xưa kia là làng Kim Bồng. Lúc có mặt tại đây năm 1652, họ Huỳnh bắt đầu lập một cái nhà thờ tộc thô sơ. Và mấy chục năm sau, một ngôi nhà thờ tộc “kiên cố” được dựng lên, chiếc tủ thờ xuất hiện thời đó.

QUÊ HƯƠNG

“Quê hương là chùm khế ngọt.

Cho con trèo hái mỗi ngày”.

Thi sĩ Đỗ Trung Quân tài hoa của tôi đã “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì là “khế ngọt” nên người ta cứ “hái” mỗi ngày cái quê hương còn lắm nỗi lo toan.

Đối với tôi, quê hương là khác. Khi xa đất nước dù đôi ba tháng, tôi vẫn thấy nhớ quê quay quắt. Cái quê đó là cuộc sống ồn ào sôi động của Sài Gòn đang vươn vai lớn mạnh. Khi về lại căn nhà nhỏ trong cái đô thành chen chúc người và người đó, tôi lại nhớ một cái quê khác, và những năm tháng sống gần bóng mát của những cánh rừng cao su xanh bát ngát, mênh mông. Rồi quê nhà, nơi còn giữ chiếc rốn nhỏ hơn bảy mươi năm trước, cái làng Trung Đạo lại canh cánh trong tôi.

Ảnh: Con sông quê.

Tôi có cảm giác Đỗ Trung Quân không đúng khi viết: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”. Khi rời đất nước, quê tôi là Việt Nam. Khi ở Sài Gòn quê tôi là Đồng Nai. Và khi ở miền Nam quê tôi là miền Trung, rõ hơn là Quảng Nam, rõ thêm chút nữa, là làng Trung Đạo. Tôi có tới hai người mẹ, yêu thương hai bà như nhau, sinh dưỡng đạo đồng, tại sao lại “chỉ một mẹ thôi”?

Quê hương là nơi mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị, các cháu tôi yên nghỉ. Quê hương là con đường lên xuống của ngôi làng. Quê hương là lối đi ra bờ sông, bến sông, ra ruộng đồng, cồn bãi, núi non. Rất giản dị. Không nhớ quê hương trong lúc vùi đầu sinh kế xứ người, vì lưu lạc phương xa; chẳng ai trách “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người”

Mở ngoặc chỗ này: Hai câu thơ  trên sai hoàn toàn. Không có một người VN nào mà quên quê hương, tôi xin khẳng định. “Không lớn nổi thành người “ là câu dạy dỗ trẻ con. Không nghe tao, mày sẽ chẳng nên người. Mọi người phải nhớ quê hương. Đứa mô không nhớ “sẽ không lớn nổi thành người”. Văn dĩ tải đạo không có nghĩa người sáng tác văn học phải răn dạy người khác: phải yêu cái này cái nọ. Yêu hay ghét là tình cảm tự nhiên. Kẻ nào dạy người khác yêu và ghét, kẻ đó là giả nhân giả nghĩa.

Trở lại quê hương. Ăn một món canh cải, món “rau sống” (rau ghém) món cá kho nghệ, món thịt heo luộc xắt lát(*) làm theo cung cách của những người thân trước nay không rời khỏi ngôi làng, hay rời thời gian ngắn, tôi cảm thấy trong ngần ấy thứ, cái hương vị đặc biệt, cái mà tôi từng ăn từ thuở mới tập ăn: hương vị quê hương, không phải trong từng trang sách vở, cái hương vị của tình thương gia đình, dòng tộc, làng trên xóm dưới; cái hương vị không phải một mình tôi cảm nhận, cái hương vị mà bất kỳ ai, trở về quê hương, đều cảm nhận như tôi. Món ăn ấy không phải thuộc hàng “cao lương mỹ vị”; nó là món ăn của quá khứ. Quá khứ là tài sản duy nhất của những người trở về quê hương khi chiến tranh thay đổi mọi thứ và hoà bình thay đổi mọi cái. Món ăn ấy có người cha, người mẹ, người anh, người chị…những người thân, từng ngồi bên nhau trong quá khứ, quá khứ đầy binh đao và biến loạn. Chiến tranh có thể giết chết con người, tàn phá xóm làng, nhưng chiến tranh không thể giết chết hình ảnh những người thân yêu và tàn phá kỷ niệm- những giây phút yên bình, rất hiếm đối với người VN khi đất nước bị loang lỗ bởi đạn bom.

NỊNH

Ai cũng nghĩ nịnh là xấu nhưng thật ra nịnh rất tốt trong một số trường hợp. Chẳng hạn như Tú Xương:

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Không hiểu sao ông bà xưa có câu “ Đàn ông miệng quắp râu vô. Ham ăn với vợ, hàm hồ với con”. Râu là đặc trưng của nam giới. Quắp râu vô, nhiều người lầm tưởng “râu quắp” là tướng xấu; họ không hiểu ông bà ta dùng từ “quắp” diễn tả ý nghĩa cao xa hơn, không phải râu “quắp” là râu “cong” vào. Đàn ông khí thế nhờ “râu” (không hẳn ai cũng có râu thật: “nam tu nữ nhũ”) nhưng râu mà quắp vô, nghĩa là như “co quắp”, giống như đầu hàng trước khó khăn: ham ăn, hàm hồ, đúng là bản chất. Cái ông đại tá nhà báo nào đó nghĩ “mặt dơi mõm chuột” là tướng xấu mà không hiểu ý nghĩa sâu xa của nó đâu có khác “quắp râu vô”. Đó là một biểu tượng, một ước lệ, không phải là sự thật.

Vuốt râu nịnh vợ….Ai mà không nịnh vợ, tây văn minh, nó còn nịnh vợ hơn ta, rất nhiều; họ gọi là nịnh đầm (dame). Nếu tinh ý, quý vị sẽ thấy trên Facebook trước đây, ngoài like, chàng trai Mark còn cho dislike, thích và không thích. Nay chỉ còn like không có dislike. Mỹ thống lĩnh thế giới không phải họ giàu mà là họ khôn.Dale Carnegie nổi tiếng với cuốn “ How to Win Friends and Influence People” (Đắc nhân tâm, Nguyễn Hiến Lê dịch, cái tên ngắn mà quá hay) có nói nên khen không nên chê, khác với những người cộng sản Việt Nam, phê bình và tự phê bình, nghĩa là chê người và chê luôn mình (tự phê).

Phê và tự phê, chê nhiều hơn khen, là vũ khí xây dựng Đảng nhưng cũng bị một số người lợi dụng, đấu đá nhau nhiều hơn xây dựng, mấy chục năm nay.

Khen nhiều thường được cho là nịnh.

Carnegie bảo: Khen đúng không phải là nịnh. Thủ trưởng ngu thấy mẹ, nhưng cấp dưới khen nức nở, đó là nịnh. Thủ trưởng thông thái, cấp dưới nhận định thông thái, ấy là khen, khen đúng, khen thật.

“Chống diễn biến, chống chuyển hóa” hay chống “tự diễn biến, chống tự chuyển hóa” là cuốn cẩm nang xiển dương và nâng cao chủ trương của chế độ. Cuốn sách ca ngợi chủ trương của Đảng (viết hoa) và nhà nước. Nhưng người chủ biên lại tự diễn biến, tự chuyển hóa. Hóa ra ông ta không khen ngợi chế độ nhưng là nịnh bợ chế độ, để nuốt nhẹ, nuốt êm, mấy trăm ngàn đô la tiền của “đế quốc Mỹ” in ra.

Kết quả của công trạng nịnh bợ đã đưa người chủ biên sớm vô tù ngồi gỡ lịch, “gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài xem ngày tháng dần qua”.

Nịnh, như vậy có thể chia làm hai: nịnh "trong sáng" (Tú Xương, và tất cả những đàn ông nịnh vợ, nịnh đầm, có cả tôi) và nịnh "không trong sáng" (một số siêu nịnh đang thở như leo dốc, heo hắt trong tù và một số còn nhảnh nha hí hửng bên ngoài).

ÔNG hay THẦY hiệu trưởng?

Vì sao tôi đặt câu hỏi ấy? Ông chắc chắn uy quyền hơn thầy, thời nay. Trước 1975, học sinh gọi hiệu trưởng là thầy mà không hề gọi là ông. Thầy hiệu trưởng – hay bất cứ thầy, cô nào- cũng gọi học sinh mình là trò. Người học sinh ‘ê càng’ nhất và sợ hãi nhất của mỗi trường là ông… giám thị. Nhưng học sinh vẫn gọi là thầy giám thị mà không gọi là ông giám thị.

Thời ‘thai nghén’ chế độ VNCH, có một vài thầy giáo (hồi đó không hiểu tại sao rất ít cô giáo) – chưa nói tới giám thị- có lúc sử dụng…roi mây hay thước kẻ (bằng gỗ vuông 1 phân dài 5 tấc) để… “giữ gìn trật tự” trong trường học; nhất là các lớp tiểu học và trung học đệ nhất cấp (cấp 2) và thi thoảng ở cả trung học phổ thông. Quất vào mông hay khẻ vào bàn tay lật ngửa những học sinh “quậy phá” (*) là chuyện không hiếm. Chúng tôi vẫn yêu mến gọi thầy giám thị.

Vì sao gọi là ông hiệu trưởng, thời buổi bây giờ? Bởi ông thì quyền uy hơn thầy lắm lắm. Ở Buôn Ma Thuột, theo báo VNExpress điện tử, số ngày 5 tháng 10: Ông hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đông Du cho phép “lục cặp, soát người học sinh”. Trích: “Mỗi buổi sáng, khi bước vào cổng chính, các học sinh (…) phải để bảo vệ, giám thị, giáo viên kiểm tra cặp, túi áo khoác và dùng máy quét an ninh xem có vật cấm hay không”.

Tôi không rõ nhà trường quy định ‘vật cấm’ là vật gì nhưng ông hiệu trưởng Lê Ngọc Sơn “khẳng định không thấy quy định nào của ngành giáo dục cấm kiểm tra tư trang của học sinh trước khi vào trường. Đây là nội dung quy định đã được trường thực hiện 10 năm qua” (trích báo). À ra thế. Không cấm là cứ làm. Có nhận xét chỗ này: Một, tình hình an ninh trong học sinh ở trường này có vấn đề nghiêm trọng. Hai, nhà trường như an ninh sân bay: sử dụng máy dò kim loại.

Một “ông” hiệu trưởng khác của trường Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) thì ‘sắt máu’ hơn khi ra tối hậu thư buộc phụ huynh của một em học sinh phải lên trường để giải quyết vụ phát ngôn “làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường”. Nếu không thì trường sẽ “từ chối” giáo dục con của phụ huynh này. Nói trắng ra là đuổi học.

Một chuyện khác. Ông hiệu trưởng trường Đa Phúc, Nguyễn Duy Hiền, đòi ‘xử lý nghiêm’ học sinh quay clip vụ cô giáo bạo hành một nữ học sinh báo mới đăng gần đây. Một clip đau lòng.

Học sinh trong ba trường trên cho thấy: Họ như những chú cừu non, ngơ ngác trong sân cỏ nhà trường. Ai cũng có thể cho họ ‘roi vọt’, đe nẹt, kỷ luật, thậm chí đuổi học.

Không hiểu tất cả các ngôi trường khác trên lãnh thổ VN này có vị nào như các “ông” hiệu trưởng kia?

Tôi thấy nhớ mấy “thầy” hiệu trưởng của chúng tôi thời xưa. Một đời đi học, tối thiểu mỗi học sinh phải gặp ít nhất ba thầy hiệu trưởng. Chẳng có vị nào quyền uy như ba ông hiệu trưởng kể trên. Cả ‘hung thần’ cầm roi, cầm thước giữ gìn ‘kỷ cương trật tự, chúng tôi vẫn gọi là “thầy giám thị”.

(*) “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà lỵ.