Saturday, August 20, 2022

“THƯA CÔ, Trò ni đánh em. Thưa thầy, trò A giựt bút chì của em”



Hồi học tiểu học rồi lên đệ thất (lớp 6), lũ học sinh chúng tôi thường trông cậy vào thầy, cô để phân xử những hành vi của bạn học mỗi khi có mâu thuẫn hay có gì đó ”bất công”. Học sinh cũng có thể “tự xử “ như thụi nhau thậm chí vật nhau nếu không có thầy hay cô khi ở ngoài trường, ngoài lớp. Bạo hành đến nỗi bạn học quỳ xuống xin tha nhưng vẫn bị đánh tiếp là điều cả đời đi học tôi chưa từng biết, chứ chưa nói từng thấy. Việc này vừa xảy ra hôm qua ở Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, chốn kinh kỳ nổi tiếng thanh lịch từ ngàn xưa.

Điều đáng buồn hơn, em học sinh bị đánh không được bạn bè can ngăn. Có em quay clip tung lên trên mạng. Ở lứa tuổi lớp 5 vừa qua lớp 6, các em đã ý thức việc làm tàn nhẫn ấy chưa? Chắc chắn là có. Có, nhưng các em vẫn làm. Tuy là chuyện “cá biệt” nhưng “dĩ nhứt suy chi” (lấy một suy ra ) chúng ta- những người lớn- có thấy cái gì đó xót xa không? Một em bé quỳ xuống đất xin tha. Em khác đánh tới tấp. Người Việt nổi tiếng có truyền thống đánh nhau suốt chiều dài lịch sử lập nước và giữ nước. Đánh nhau từng có lúc là…lý tưởng. Đánh Tàu, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh ‘Nguỵ’ , Bắc đánh Nam, Nam đánh Bắc (Trịnh Nguyễn phân tranh)…
Trẻ như Lê Văn Tám tự tẩm xăng đốt kho nhiên liệu địch. Cũng có em dùng dầu Nhị Thiên Đường bôi vào mắt thằng Mỹ rồi giựt lấy súng khi thằng xâm lược đang lấy tay dụi mắt vì cay… Cũng có em vào đồn Mỹ giả bộ chơi với chúng rồi nhân sơ hở, lén lấy súng đem về cho cách mạng… Những câu chuyện lịch sử ấy ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ em qua sách giáo khoa, có hay không, tôi không rõ lắm. Nhưng đánh bạn , một cách tàn nhẫn, trong trường học, trước thái độ bàng quan của các bạn học khác, với trẻ em hơn 9,10 tuổi, là vấn đề đau lòng cho người lớn. ”Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của Nguyễn Đình Chiểu không còn là tiêu chí đạo đức ? Lục Vân Tiên không là gì so với Lê Văn Tám?
Chuyện xảy ra ở Hà Nội chỉ là chuyện nhỏ? Nhưng có thực sự nhỏ không khi đạo đức, khởi đầu từ giáo dục, lại xảy ra ở lứa tuổi còn quá nhỏ thế này.
Buổi sáng tôi chẳng thấy bình an khi đọc tin như thế. Buồn vô hạn.

Friday, August 19, 2022

CHÚ XE BUÝT

 Ở Singapore, xe buýt được gọi bằng bác vì xe buýt là người quán xuyến việc đi lại hầu hết cư dân xứ sở Sư tử này. Ở VN, xe buýt được gọi bằng chú vì chú thì đâu uy vũ bằng bác, chứng minh, sau đít xe buýt thấy có có câu: “Xin lỗi đã làm phiền khi phải ra vào trạm”, trong khi ở đất nước nhỏ như đảo Phú Quốc kia, trên lề đường có bảng nhắc nhở “đây là quãng đường dành cho xe buýt vào ra đón trả khách, đề nghị không được đỗ xe”.

Ở Sài Gòn, xe buýt như những đứa con nghèo, chỉ những người nghèo mới gần gũi nó. Hành khách xe buýt hoặc không sở hữu một chiếc xe máy, hoặc không bao giờ có xe hơi, và xe buýt với giá rẻ hợp với túi tiền eo hẹp của họ.
Những tuyến xe buýt ngoài nội thành, tức các tỉnh, cũng là những cứu tinh cho những người nghèo hay những người không có phương tiện đi lại khác.Nếu không tin, anh chị hãy thử đi xe buýt các tỉnh: những chiếc xe cà tàng có những cửa kính đẩy qua lại, phải là những người có sức khỏe mới đẩy nổi, những cánh cửa cũ hay nhưng cánh của cổ cũng không khác nhau, nhưng thật diệu kỳ, hầu như xe lúc nào cũng chen chúc khách.
Xe có máy lạnh nhưng chúng đã ngừng hoạt động lúc Bảo Đại về nước. Không khí bên ngoài là nguồn cung cấp dưỡng khí cho những hành khách nghèo trung thành với xe buýt chen chúc trên xe.
Khác với ở Sài Gòn, xe buýt ở tỉnh - có một số - sẽ không dừng trả hay đón khách ở những trạm xe buýt quy định. Không khác một bác nông dân nhà quê, hứng thì ra đồng, không hứng thì về nhà rủ năm ba anh em làm một vài xị lai rai: xe buýt có ai đón thì ngừng, có ai xuống cũng ngừng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của những thượng đế nghèo khó.
Nhưng khi ngồi trên xe buýt ngoại tỉnh, quý vị sẽ thấy những thượng đế nghèo này thật dễ thương (tôi ít đi xe buýt thành phố). Những ông cụ, những bà cụ, tay xách nách mang những túi hành lý, chắc là áo quần cũ hay một ít quà của ai đó, khi cày cục bước lên cửa xe, những thượng đế dễ thương đang ngồi, là các cô các chú trẻ như học sinh, sinh viên, người nắm tay, kẻ xách giỏ, nếu phụ xe không kịp giúp những hành khách lọm khọm này. Sẽ có một hay hai em học sinh hay thanh niên, thanh nữ công nhân đứng lên, nhường chỗ ngồi, việc mà một thế hệ, chừng 30 năm trước, sau những năm “giải phóng”, rất ít hay không hề xảy ra vì nguyên tắc: tiêu chuẩn ai cũng như nhau, vé xe buýt đâu có ghi người già được người trẻ nhường ghế.
Ở miền Bắc thời xưa có nhiều người đi xe buýt không, tôi không rõ, nhưng nếu có, chắc chắn, trong xe buýt cũng như trong xã hội, mọi người đều bình đẳng, mọi người đều như nhau, ai cũng 19 cân hay 13 cân gạo ăn, để duy trì mạng sống, thì không có lý do gì, tôi suy luận, có chuyện người 19 cân gạo nhường chỗ ngồi cho người 13 cân, người 13 cân nhường cho người không có cân nào tem phiếu.
Tôi thỉnh thoảng đi xe buýt ở tỉnh và nhận thấy rằng, trên xe đã hình thành trở lại một nét văn hóa, trước 1975 đã có, nhường ghế cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ dắt trẻ hay bồng con. Cũng có cảnh "lên trước ngồi trước" không san sẻ cho người già yếu lên sau nhưng tôi ít gặp hay tôi chưa gặp trên xe buýt vùng quê. Cũng may, những người có tinh thần tương thân tương ái, ngày càng nhiều theo tôi nhận xét, nhường nhịn chỗ ngồi cho nhau, dù hành trình trên một chiếc xe buýt không lâu, chưa tới đôi ba tiếng đồng hồ trong một lộ trình từ tỉnh về trung tâm thành phố.
Văn hóa, phải nói là văn hóa, trên xe buýt đang được hình thành. Những người miền Nam sống với tem phiếu không được lâu như những đồng bào miền Bắc; họ không hình thành cố định một "nếp văn hóa tiêu chuẩn": “Bắt ở trần phải ở trần. Cho may ô mới được phần may ô (áo lót)”. (Nhại thơ Nguyễn Du: Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao).
Ông tổ Các Mác nói rất đúng: vật chất quyết định tinh thần. Nhưng trong xe buýt hay trong “văn hóa xe buýt”, không thấy vật chất quyết định tinh thần. Những người đi trên xe buýt đều cư xử với nhau rất đẹp: nhường chỗ tốt nhất cho những người “yếu thế nhất” như đã nói ở trên. Có người nói giá vé xe buýt quá rẻ, người ta không nề hà chuyện nhường nhịn, chia sẻ cho nhau. Vật chất chỗ này không quyết định tinh thần. Không đâu, tôi nói tinh thần quyết định vật chất: tinh thần của những người có cha ông họ, hay bản thân họ đã đi xe buýt từ lúc VNCH mới thành lập (thời Ngô Đình Diệm, học sinh đi xe buýt không mất tiền), cái tinh thần đó vẫn duy trì, và trở lại mạnh mẽ trong những năm gần đây, khi xe buýt đang ngày càng góp mặt đáng kể trong các phương tiện giao thông.
Người trẻ nông thôn miền Nam, bây giờ đâu hẳn ai cũng vô tâm, không phải nhờ được nhường ghế trên xe buýt, tôi đề cao họ. Bất cứ trong môi trường nào cái tốt đẹp sẽ nổi trội nếu môi trường đó thấm đẫm một văn hóa, đã được gầy dựng lâu dài trước đó, cho dẫu đó chỉ là văn hóa đi xe buýt.
Xe buýt phải là và sẽ là phương tiện giao thông chủ yếu trong tương lai, nếu người ta quan tâm đến việc xây dựng một văn hóa san sẻ, nhường nhịn, ngoài chuyện giải quyết nạn kẹt xe chứ không phải chăm chăm xây dựng "văn hóa thành tích" với những cổng chào bề thế, ở những chữ “khu phố văn hóa”, hầu mong cả thành phố văn hóa khi con đường nào cũng chực chờ kẹt xe và kẹt xe.
Chú sẽ thành bác, bác xe buýt.

Monday, August 15, 2022

Vĩnh biệt thầy PHẠM PHÚ LỢI


 

Lớp thanh niên thi tú tài trước năm 1975, ở Hội An, không học sinh nào không học thầy Phạm Phú Lợi. Là người dạy môn triết hay nhất của trường Trần Quý Cáp, thầy tạo dấu ấn sâu sắc với học sinh chúng tôi. Dấu ấn ấy không phải là sự xuất thân của thầy, trong một gia đình dòng dõi nổi tiếng khoa bảng, bố là giáo sư, cụ cố là Phạm Phú Thứ, danh nhân của đất Quảng nổi tiếng với Ngũ Phụng Tề Phi (*). Anh ruột thầy công tác lãnh đạo ở bộ giáo dục VNCH. Con trai thầy là trưởng ban Việt ngữ đài VOA, Hoa Kỳ. Hình ảnh ghi nhớ mãi trong long học sinh chúng tôi: nét tinh anh cộng với tài hoa của một ông thầy dạy triết đẹp trai, có vầng trán rộng, nụ cười luôn luôn nở trên đôi môi đỏ, và nước da trắng như còn phảng phất nét thư sinh.

Môn triết là môn quan trọng nhất đối với ban C lớp 12 (đệ nhất), sau đó mới là ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp). Các môn thi tùy theo ban mà có hệ số điểm từng môn khác nhau. Ví dụ, triết ban C có hệ số 4, nghĩa là 10 điểm sẽ thành 40 chục điểm. Môn toán, lý, vạn vật (sinh) có hệ số 1. Ngoại trừ điểm không (zero), nếu môn triết đạt 15 điểm (hệ số trên 20 không như 10 như hiện nay) mà các môn kia mỗi môn chỉ một điểm thì tổng cộng bốn môn bằng 64 điểm. Điểm trung bình (64/4) là 16, việc thi đậu tú tài sẽ rất dễ dàng gấp nhiều lần nếu môn chính có điểm cao.
Sự quan trọng của môn chính (như triết ban C) nên có thầy dạy giỏi thì kết quả thi của học sinh sẽ rất khả quan. Học sinh thường giỏi ở những môn có người dạy giỏi. Thầy Phạm Phú Lợi của chúng tôi không những “dạy giỏi” mà còn dạy “hấp dẫn”. Tiết học gần 120 phút của thầy trôi đi nhanh chóng. Thầy cười chào chúng tôi để ra khỏi lớp nhưng chúng tôi vẫn còn tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Lứa tuổi mới biết yêu lại được thầy dạy Tâm lý học thì tuổi thanh xuân "thăng hoa" biết mấy. Ở lớp 12, chúng tôi phân biệt "thời gian" khác với “kỳ gian”. Thời gian có thể là 60 phút nhưng kỳ gian có thể là 6 phút hoặc 600 phút, tùy tâm trạng mỗi người. Ngồi nói chuyện bên người yêu 60 phút ngắn còn hơn 6 phút. Lúc chuẩn bị lên bảng trả bài, 6 phút dài hơn 600 phút. Thời gian tâm lý khác với thời gian vật lý, thầy dạy đó là “kỳ gian”. Các câu chuyện minh họa cho các tiết dạy triết làm cho buổi học thêm khởi sắc. Những câu chuyện thường ngày nằm trong nôi dung bài giảng tưởng khô khan nhưng sinh động: ai cũng thấy chuyện "triết học" như chuyện "đời thường".
Tôi nhớ câu chuyện thầy kể (có lẽ bây giờ đã nhiều người nghe nhưng thuở ấy rất ít). Có hai vị sư trẻ chuẩn bị lội qua một con suối khá rộng, khá sâu để về chùa. Cùng lúc có một cô gái trẻ đẹp cũng muốn lội qua nhưng khá do dự, ngần ngừ vì sợ nước chảy xiết. Thấy thế một vị sư trẻ cúi xuống bảo cô gái leo lên lưng cho thầy cõng qua suối. Cô gái cám ơn và mỉm cười chấp nhận. Về đến chùa khá xa, hơn mấy tiếng đồng hồ sau, vị sư đồng hành cất tiếng trách móc bạn mình: “Người tu hành không nên chạm vào da thịt phụ nữ huống hồ gì thầy lại cõng cô gái trên lưng”. Vị sư trẻ đáp lại: “Tôi bỏ cô gái bên bờ suối ngay lúc đó. Sao thầy còn ‘mang’ cô ấy cho đến bây giờ”. Thầy mỉm cười ý nhị. Ở lứa tuổi chớm 18, nghe câu chuyện triết lý ấy chúng tôi hiểu thầy muốn gởi gắm trong đó một khái niệm bên nhà Phật: chánh niệm là lẽ tu hành.
Cũng ở lớp 12, chúng tôi còn được thầy dạy các môn “triết” khác như Luận lý học, Siêu hình học, Đạo đức học (mỗi môn có riêng một cuốn sách dày độ trên 200 trang). Chưa vào đại học chúng tôi hiểu thế nào là Tam đoạn luận, với ví dụ phổ biến: Mọi người ai cũng chết. Socrate là người. Ông ta cũng phải chết. Với trí óc non nớt của học sinh, nhưng bằng kiến thức thâm sâu, kinh nghiệm sư phạm nhiều năm, thầy giới thiệu cho chúng tôi hiểu rõ những khái niệm cơ bản trình bày trong các cuốn sách giáo khoa môn triết lớp 12.
Chúng tôi ham học môn triết vì thầy dạy rất sinh động và hấp dẫn. Khái niệm trừu tượng trở nên rõ ràng. Môn triết “đi vào đời sống” học sinh chúng tôi. Lên đại học, kiến thức cơ bản chúng tôi tích lũy được, mở rộng ra hơn, nhờ những tiếp thu thầy dạy hồi trung học. Thầy dạy giỏi nên chúng tôi nhớ lâu.
Nhưng những ký ức về thầy không phải hạn chế trong môn học hấp dẫn của thầy về triết. Hình ảnh của thầy chính là ký ức – không dễ gì phai. Thầy có thói quen hút thuốc Craven A con mèo đen (không đầu lọc). Hình như thầy nối điếu này sang điếu khác mỗi khi vào“cao trào” giảng dạy, chúng tôi đang há ngoác mồm bên dưới nhìn chăm chăm vào thầy. Thầy cười sau câu chuyện kể là chúng tôi cười theo như vỡ trận. Mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của thầy như cuốn hút chúng tôi bằng sức hấp dẫn, không phải cách diễn đạt đề tài, mà bởi kiến thức uyên bác của thầy. Chúng tôi có được cái nhìn “triết lý” về đời sống cũng bắt nguồn tư những bài giảng của thầy. Ngồi trong lớp, đôi lần tiếng còi báo động có pháo kích của VC vào thành phố, chúng tôi chẳng buồn để ý nếu đang nghe thầy giảng bài.
Tôi là học sinh không giỏi môn triết cho lắm nhưng được thầy “tin dùng” nhờ có giọng to khỏe. Sau mỗi bài dạy, thầy đọc bản tóm tắt của thầy nghĩ ra (hay soạn sẵn trong đầu, tôi không rõ, không phải theo sách giáo khoa). Tôi có nhiệm vụ lặp lại lần thứ hai mỗi câu thầy đọc. Có lẽ thầy bận…hút thuốc chăng? “Em có giọng đọc rất truyền cảm”. Lời khen của thầy làm tôi sung sướng nức nở. Tôi càng cất to giọng, sang sảng lặp theo câu của thầy vừa đọc cho các bạn chép vào vở. Các đoạn tóm tắt không dài nên chúng tôi thấy rất dễ nhớ. Khi dạy, thầy đề cập vấn đề mênh mông như sông như biển . Khi chấm dứt bài giảng, thầy cô đọng những điểm chính yếu nhỏ lại như suối như khe. Đặc biệt thầy không bao giờ gọi chúng tôi lên bảng để trả bài. Nhưng mọi học sinh trong lớp đều rất khá môn triết thầy dạy có lẽ vì yêu thầy, vì thích môn học mới mẻ, lần đầu học sinh chúng tôi được dạy khi bước vào đời.
Hôm nay, nghe tin thầy mất, tôi buồn nhưng không cảm thấy bất ngờ. Lúc dạy chúng tôi gần 50 năm trước, thầy nói cuộc sống là vô thường. Dạy triết nhưng thầy dạy chúng tôi những tư tưởng thâm trầm của nhà Phật. Thầy thường nhắc câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” với nụ cười hồn hậu rộng mở.
Tôi vẫn còn nhớ lời thầy dạy: Mọi người, ai cũng phải chết. Socrate là người. Ông cũng phải chết. Chúng tôi nhớ thầy cười rất tươi với tam đoạn luận này. Và bây giờ, trong giấc ngủ bình yên, như lẽ vô thường, thầy sẽ không chết, và giống ông Socrate, thầy sống mãi trong lòng chúng em, những học sinh trường Trần Quý Cáp Hội An. Chúng em vẫn thấy thầy mỉm cười mãn nguyện: Cả cuộc đời hi sinh cho tâm hồn học sinh chúng em, chắp cánh qua môn triết của thầy.
(*) "Ngũ phụng tề phi" (khắc trên tấm biển vua ban). Năm người đồng hương Quảng Nam đỗ đại khoa một lần năm 1898. Đó là các ông: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Sunday, August 14, 2022

COVID ƠI, COVID! - Nhiệt liệt kỷ niệm một năm ngày ra đời bài COVID ni

 Covid không chỉ gây đảo lộn trật tự xã hội, cướp đi nhiều mạng sống, phá hủy thành tựu kinh tế, mà còn đưa con người vào một tình trạng: không tin lẫn nhau.

Tỷ lệ cái chết nó gây ra so với các loại bệnh có vẻ không cao; nhưng nó đem lại "cái chết" tinh thần, nỗi hãi hùng cho nhân loại: khi nó hiện hữu, tình người dường như mất đi.
Các nước lớn, nhỏ trên thế giới thay đổi thái độ đối với Trung cộng, sau khi biến cố Vũ Hán xảy ra, từ bạn hữu nay trở nên dè chừng, lo sợ, có lúc như thù địch khi covid có mặt, gieo rắc kinh hoàng, không nước nào tránh khỏi.
Con người đi ngược lại bản năng "bầy đàn" có sẵn; họ phải tách khỏi nhau, cách ly xã hội, có nơi, còn phong tỏa nghiêm ngặt (lockdown). Bày tỏ yêu thương: bắt tay, ôm hôn, ôm ấp, thăm thú nhau, gặp gỡ nhau...tất cả đều cấm kỵ, trong thời gian covid khống chế. Bao lâu thì hết? Rất khó đoán, nếu vaccine chống nó chưa xuất hiện đại trà.
Cách ly xã hội tác động đến tận từng nhà, từng người. Ông bà được con cái cảnh báo nghiêm khắc: ba, mẹ không được tiếp khách, không được ra khỏi nhà, không được ôm hôn con cái chúng. Đa số người chết đều có bệnh nền, tuổi càng lớn, bệnh nền càng cao. Thân nhân không được cầm tay người chết mang vi rút, người quen, bạn bè, thân tộc...cũng không dám thấp thoáng, dù muốn nhìn mặt họ, một lần cuối trong đời.
Con người thời covid dường như không còn là con người nghĩa tình như thuở trước. Tôi len lén ra đứng bên lề đường, một buổi tối ở thành phố covid đang "tàn phá", bất chợt thấy một phụ nữ mặt mũi bịt kín, 1 cháu bé tầm 2 tuổi ngồi trước xe máy, đánh rơi một cái thùng giấy to, dây cột nó quấn vào bánh xe, xe ngã không mạnh lắm, nhờ chị thắng kịp. Cháu bé văng ra ngoài, đường vắng xe, cháu thật may mắn. Tôi vội vã chạy đến giúp đỡ người bị nạn, nhưng người phụ nữ ngồi bật dậy, cũng vội vã khoát tay về phía tôi, khoát lia lịa, ra hiệu từ chối; lý do quý vị thừa biết, cô ta thấy tôi tóc bạc, người già "nguy hiểm" lắm, biết đâu đã có mầm covid. Cô ta sợ cho con, cho cô, nên cô cũng sợ luôn tôi, ông già muốn ra tay nghĩa hiệp Lục Vân Tiên.
Con người thời covid, ai ai cũng có thể là..."địch", thế lực thù địch. Nhà nước bảo chống dịch như chống giặc, giặc thì có địch, mầm bệnh vô hình, người nào cũng có thể mang, "địch" trong người chứ còn gì nữa?
Có ai sống trong vùng "phủ sóng" của covid-19 mà không lo sợ ngày đêm? Nỗi sợ càng lớn hơn khi mỗi ngày 2, 3 lần, loa thôn, loa phường, loa xã...oang oang cảnh giác cho người dân phải cảnh giác dịch bệnh. Ở vùng quê có dịch, mỗi chiều, ngoài ngõ, đôi ba chiếc xe của nhân viên công lực chạy qua, chạy lại, tay loa, tay gậy, nhà nào họ cũng dòm vào, xem có ai tụ tập đông người, đánh cờ hay uống rượu. Nhiệm vụ của họ là đúng đắn nhưng người dân cảm thấy không khí như chiến tranh, chống dịch là chống giặc.
Khi ở trong các vùng dịch bị phong tỏa, đời sống vật chất con người bị hạn chế -chịu đựng được, dân Việt ngàn đời quen chịu đựng, đời sống tinh thần thật sự là bức bối. Người thân yêu cũng có nguy cơ là thù địch, vì họ có thể mang mầm covid. Gia đình không còn là chỗ dựa tinh thần, nơi gặp gỡ yêu thương, vì ai ai cũng phải cách ly để ngăn ngừa dịch bệnh.
Cách ly, giãn cách xã hội (social distance) là biện pháp tối ưu trong khi chưa có vaccine. Hãy chịu đựng, chịu đựng, và chịu đựng khi covid còn ẩn khuất, chưa bị tiêu diệt khỏi trần gian.
Có một chi tiết, ít ai để ý. Thế giới đã không đảo điên vì dịch nếu nơi phát sinh ra chúng - Trung cộng - có dân chủ.
Quý vị ngạc nhiên ư? Có gì khó hiểu. Khi vi rút xuất hiện, các nhà "khoa học" ( bác sĩ) cảnh báo, một chủng mới rất nguy hiểm, chính quyền Vũ Hán tôn trọng tiếng nói của sự thật, không bắt giữ đe nẹt họ ban đầu; những quan chức cộng sản không đợi "chỉ đạo" từ Bắc Kinh, mới ra tay hành động, kịp thời, quyết liệt như khi dịch bùng phát, thì con quỉ giết người covid kia không thể chạy theo hàng triệu người rời khỏi địa ngục, lên máy bay đi khắp thế giới, gieo họa khắp hành tinh.
Khi có nền dân chủ thật sự, Trung cộng sẵn sàng mở cửa ổ dịch, đón các nhà khoa học uy tín đến đó, chung tay với nhà khoa học địa phương, chắc chắn mầm dịch không vượt ra phạm vi một thành phố. Có gì tại Vũ Hán mà ông Tập Cận Bình muốn che giấu? Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu - vì độc tài.
Thôi, nhân loại cũng nên vui vẻ vác thánh giá mà đi. Covid gây tai họa cho nhân loại nhưng cũng khiến nhân loại hiểu ra: an lành nhờ minh bạch và dân chủ, nói màu mè hơn, khi sự thật được cất tiếng nói, nhân loại sẽ bớt đi khổ nạn.
Nếu bác sĩ Lượng ở Vũ Hán cất lên được tiếng nói của sự thật, sự thật được lắng nghe kịp thời, thì covid đâu là kiếp nạn mọi người đang phải mang, trong đó có người dân Sài Gòn. Và tôi, giờ này không ngồi bó gối, “gặm một nỗi căm hờn trong Covid”.
Covid ôi, cô đơn!

Tuesday, August 9, 2022

“PHẠM” CHÍNH TRỊ


Tôi để ý bài viết nào của tôi có hơi hướm...”chính trị”, ít người like, ít người còm. Nhiều người e dè, đắn đo, dù có người tâm tình, từng đọc nhiều bài “chính trị” khi họ gặp tôi “ngoài đời”. Bỗng nhớ chuyện hài: hai tù nhân hỏi nhau, vì sao vô tù. Một anh nói: tao giết người; anh kia buồn bã đáp: tao thường like vào những status của mấy “thằng phản động”. Làm gì có chuyện like lại bị ở tù, nhưng cũng có người sợ “dây dưa nguy hiểm” với những cái likes ảo mỗi ngày.
Chính trị, thực ra, có chi mà phải sợ hãi, nếu xét chính trị theo quan điểm thông thường, như ở những nước dân chủ phát triển. Làm chính trị ở những quốc gia như Mỹ chủ yếu là tranh cử vào những chức vụ dân cử, hay điều hành guồng máy quốc gia, công việc của các quan chức chính phủ ở tiểu bang hay liên bang. Nghĩa là, mọi hoạt động đều dựa vào hiến pháp, luật pháp.
Ở nước họ, người ta chỉ phạm luật, không có ai phạm...chính trị. Có thể chửi tổng thống, đốt cờ Mỹ, miễn là làm những điều luật pháp không cấm. Ở ta, nếu chửi người đứng đầu đất nước hay đốt cờ nước, xộ khám là điều không tránh khỏi, "phạm chính trị" rồi đó. Vì sao ở VN chúng ta sợ phạm chính trị hơn sợ phạm luật?
Dài dòng một chút. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhiều đảng phái được thành lập, hoạt động bí mật, lôi kéo và dẫn dắt quần chúng tham gia, đánh đổ ách cai trị thực dân, mưu cầu tự do, dân chủ cho đồng bào, quyền tự quyết cho dân tộc. Những người tham gia như vậy bị bọn thực dân coi là “hoạt động chính trị”; ngay cả người dân thường cũng gọi họ là những người “làm chính trị”. Họ gặp muôn vàn hiểm nguy, đã nhiều người đánh đổi cả mạng sống. Hoạt động chính trị nhẹ thì đi tù, nặng thì bị xử bắn, bị chặt đầu, như lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học và các đồng chí. Chính trị như thế cực kỳ nguy hiểm. Làm chính trị, hoạt động chính trị, đồng nghĩa với tù đày và chết chóc.
Trong thời gian chiến tranh hai miền Nam- Bắc, chính trị mỗi miền cũng là nỗi kinh hoàng cho những ai liên quan về "chính trị" với ...phía bên kia. Chết chóc, tù tội...cũng vì làm chính trị. Chính trị gia đối lập như học giả Hồ Hữu Tường từng ở tù “mút chỉ”, thời “quốc gia” của tổng thống Ngô Đình Diệm, lẫn thời “cộng sản” của tổng bí thư Lê Duẩn.
Bây giờ đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ. Đất nước đầy đủ luật pháp hơn thời chiến rất nhiều. Nhưng hễ cái gì dính tới...chính trị, ai ai cũng lấm le, lấm lét như vi phạm pháp luật. Chính trị bây giờ có nhiều chỗ rất “nhạy cảm”, chớ léng phéng lại gần, lầm lẫn như thân thể phụ nữ, có những điểm cũng vô cùng nhạy cảm . Ai ai cũng ngó trước dòm sau...coi chừng "phạm chính trị", đụng tới “vùng nhạy cảm”.
Nhưng ít ai thấu hiểu, khi ăn một thức ăn nhiễm hóa chất độc hại, phải trả thêm mỗi kw điện mấy ngàn, lạm phát đồng tiền đang lưu thông, giá vàng lên xuống bất thường...tất cả là kết quả điều hành của toàn bộ hệ thống chính trị, phát xuất từ nền tảng chính trị.
"Chính trị" chi phối cuộc sống. Chính trị là "thống soái". Nhưng khó khăn một nỗi, người dân bây giờ không phải là ông chủ - muốn làm gì cũng được, hay muốn chi được nấy, dù được vinh danh, ca ngợi, ngay cả cán bộ cũng "là đầy tớ trung thành của nhân dân". Tui thì thực tiễn hơn, bắt chước các cụ ngày xưa, gọi quan(chức) là "phụ mẫu chi dân". Thể chế vua chúa nói cái này thật đúng, mà lại gọn, không màu mè như từ "đầy tớ". Nhưng nếu gọi là đầy tớ, đầy tớ ấy nên làm cái việc như cha mẹ (phụ mẫu). Cha mẹ thì luôn luôn thương yêu con cái, không làm họ phải lo âu, sợ hãi - quy luật muôn đời.
Tôi nói rứa có “phạm chính trị” không hỉ?
Nguyễn Long Chiến
(Bài cũ đăng lại)

Friday, August 5, 2022

ĐIỂM 0 (zero) TIẾNG ANH

Đó là số điểm của một học sinh ở Cà Mau trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2022. Rớt tốt nghiệp, không vào đại học, lý do có một môn bị điểm liệt tức dưới 1 điểm, dù điểm trung bình của em là 7/10 (Toán:8; ngữ văn:7,5; vật lý: 9,5; hóa:9; sinh:7,75; anh văn:0) . Nếu em "rủi ro" học ở miền Nam trước 1975, em đã có bằng tú tài, hệ số điểm thời ấy là 14/20 (hệ số 20 thay vì hệ số 10 như ngày nay). Quy chiếu theo cách phân hạng trong giáo dục VNCH, em thuộc hạng bình (từ 14 đến dưới 16/20). Một suất du học sẽ có sẵn dù tiếng Anh của em là ze-ro (vì ngủ quên). So sánh thì luôn khập khiễng. Hồi ấy, học sinh thi tú tài (cuối cấp): học gì thi nấy, kể cả môn thể dục. Không thi “trốn” môn như bây giờ. Tốt nghiệp và xét vào đại học chỉ căn cứ vào…6 môn, trong khi ở đại học, nền tảng cần học đòi hỏi rất nhiều môn học ở cấp trung học.

“Rớt tú tài , anh đi trung sĩ”. “Ta hỏng Tú ta hụt tình yêu. Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc” . Tỷ lể đậu tú tài trước 1975 ở miền Nam rất thấp. Thấp nhưng cũng không đến nỗi. Rớt tú tài 1,thanh niên có thể theo học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức (chuẩn úy) hoặc trung sĩ nếu đăng lính (chỉ huy một tiểu đội, có khi một trung đội). Thi hỏng là sức nặng đè lên vai thanh niên thời chiến (đau lòng ta muốn khóc, ta đợi ngay đi (lính). Do đó, học sinh trung học chuẩn bi cho ngày thi rất cẩn thận và chu đáo. Thầy cô dặn không ôn bài trước ngày thi tối thiểu 3 hay 4 ngày. Gần thi ôn bài cũng vô ích lại khiến học sinh thêm lo lắng. Nghỉ ôn thi giống như lấy đà nhảy xa. Ăn uống cũng nên cẩn thận. Lỡ ngay ngày thi mà Tào Tháo rượt thì “ta hỏng tú tài ta đợi ngày đi” như chơi. Tôi chưa từng thấy học sinh nghỉ hay ngủ trong giờ thi kéo dài khoảng 3 ngày khá căng thẳng. Chỉ nghe tiếng giày của giám thị hành lang (người đi qua hành lang của các phòng thi) học sinh tim như rớt ra ngoài còn tâm trí đâu mà…ngủ như em học sinh Cà Mau. Có giám thị bảo nhiều em thi làm xong bài chừng 15 phút rồi gục lên bàn ngủ. Em học sinh giỏi kia bị điểm không, thầy cũng “tưởng như vậy”.
Hỏng thi là hệ quả do học sinh ngủ quên gây ra. Người ta không thể “kết án” người coi thi “thiếu lương tâm”. Sở giáo dục đúng khi cho rằng các giám thị làm tròn chức trách của mình.
Có người bảo lỡ học sinh ngất xỉu thì sao? Ngất xỉu cũng do bản than học sinh. Thầy cô giám thị không làm học sinh “xỉu” hay “đột quỵ”. Họ chỉ liên đới trách nhiệm khi không báo y tế nếu có học sinh bị ngất hay đột quỵ.
Về pháp lý là đúng như thế. Ai làm nấy chịu. Về đạo đức cũng vậy. Khi coi thi không ai đòi hỏi người coi thi phải đạo đức. Bởi hiểu đạo đức là “giúp đỡ” học sinh đang thi thì chỉ đứng gần thí sinh sẽ phạm quy chế thi. Không được đứng gần học sinh thì việc làm xong bài rồi ngủ và quên làm bài rồi ngủ chẳng khác nhau là mấy. Đề thi dễ quá thì hí hoáy mươi phút rồi ngủ học sinh đâu có toát mồ hôi như thế hẹ chúng tôi, dù có làm trước thời gian năm mười phút hay nửa tiếng chúng tôi vẫn đọc đi đọc lại cho thật kỹ hòng ngăn ngừa thiếu sót có thể dẫn đến…hỏng tú tài.
Pháp lý và đạo đức không ràng buộc thầy giáo coi thi chịu trách nhiệm tinh thần về việc học sinh quên làm bài trên giấy thi dù hoàn thành trên giấy nháp.
Nhưng đối với văn hóa, vâng, về mặt văn hóa, thầy coi thi đã không thể hiện văn hóa đúng mức. Coi thi là trách nhiệm cao quý. Giúp việc thi cử công bằng. Thấy học sinh hí hoáy làm bài tuy không đứng gần, người coi thi có thể quan sát họ, một cách hợp pháp. Không đứng gần nhưng không thể không quan sát. Lỡ có thí si gian lận thì sao? Không quan sát thì người coi thi không thể làm tròn trách nhiệm coi thi. Chưa làm bài mà ngủ sẽ khác với làm bài rồi mới ngủ chứ. Việc ngủ trong lớp học không thể được chấp nhận thì tại sao trong phòng thi “đó là chuyện bình thường”? Quy chế thi cần chặt chẽ vấn đề này. Người ra nôi dung thi cũng phải ý thức điều này. Đề không thể dễ đến nỗi nhoáng một chút là có thí sinh làm xong rồi cúi đầu ngủ. Đây cũng là lý do: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 10.700 thí sinh tham gia, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,12 %”. (Theo VN Express).
Tôi nói học sinh bị điểm không về môn tiếng Anh, không được vào đại học là do lỗi hoàn toàn của em. Có thể do quá căng thẳng, tâm lý chế ngự sinh lý, tinh thần lấn áp thể chất, làm trên giấy nháp nhưng học sinh ấy ngỡ là làm trên giấy thi và chìm vào giấc ngủ.
Nếu có một nền tảng văn hóa (tôi không nói đạo đức) người coi thi sẽ quan sát từng em một trong lớp. Nhất cử nhất động đều không qua con mắt trách nhiệm của thầy. Mà trong phòng thi đâu chỉ một người coi thi. Không đe dọa nhưng không có nghĩa là dửng dung trước tình huống của mỗi học sinh dưới sự coi ngó của mình. Nhắc nhở học sinh tuân thủ quy chế thi đồng nghĩa với việc giúp học sinh tỉnh táo trong lúc làm bài thi. Chỉ một cử chỉ “liếc mắt” thôi, thầy coi thi giúp em học sinh ngủ quên (do tâm lý) kia sẽ hoàn tất bài làm. Có thể người coi thi - trong lớp có học sinh giỏi nhưng hỏng vì điểm liệt do ngủ quên- làm đủ chức trách pháp lý, không ai có quyền yêu cầu quy chuẩn đạo đức của họ. Nhưng về nền tảng văn hóa họ chưa đủ tầm của một người thầy: hạn chế các sơ sót thấp nhất để học sinh có thể thể hiện hết năng lực của mình bằng một động tác QUAN TÂM.
Tôi từng thi hai đợt tú tài một và tú tài hai năm 1971, 1972. Hỏng tú tài là hỏng tương lai. Trong phòng thi có một học sinh vô ý đánh rơi bút bi xuống nền xi măng đầu bút hỏng. Viết không ra mực trong khi các bạn rào rào làm bài thi học sinh luống cuống và sợ hãi đến nỗi không biết lên tiếng với thầy giám thị hay hỏi mượn bút dự phòng của bạn. Thầy giám thị phát hiện và giúp đỡ em. Thầy cho em mượn chiếc bút. Thầy có thể không biết em cần bút. Thầy không có trách nhiệm cho em mượn bút. Mang bút dự phòng là trách nhiệm mỗi thí sinh đi thi. Cho em học sinh mượn bút (thầy không có bút dự phòng) kịp thời vì biết em cần bút: đó là văn hóa.
Mỗi năm cả nước nhốn nháo chuyện thi tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi mà một tỉnh “nông thôn” như Cà Mau, số người đỗ “tú tài” là 99,12 % thử hỏi cuộc thi ấy thế nào? Học sinh cực giỏi hay đề ra cực dở?
Theo tôi, tất cả học sinh trung học phổ thông không phải thi tốt nghiệp. Các trường hay các các sở xem học bạ để công nhận tốt nghiệp. Hãy để cho các trường đại học tự tuyển sinh viên đại học. Họ có trách nhiệm với sinh viên của mình. Họ không thể chịu trách nhiệm việc tuyển chọn sinh viên từ học sinh thi tốt nghiệp đậu gần 100%. Chắc chắn xã hội sẽ không mệt mỏi vì có chuyện học sinh ngủ quên trong phòng thi khiến cả nước như lên cơn sốt chỉ trích và rao giảng đạo đức.

Tuesday, August 2, 2022

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CHIA RẼ VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA? (Why are Vietnamese Split on the War in Ukraine?).

 Carl Thayer, người Úc, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, trả lời phỏng vấn, ngày 28 tháng 7 năm 2022. Luận điệu của Puitn đối với Ucraina năm 2022 không khác luận điệu của Đặng Tiểu Bình đối với VN năm 1979. Kỳ lạ thay, một số người Việt hiện nay lại ủng hộ t.ên xâm lược khát má.u này.

……………………………………………………………………

Từ khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ucraina, chúng tôi thấy người Việt chia rẽ quan điểm, kẻ ủng hộ, người chống đối.
HỎI: Ông giải thích ra sao về hiện tượng này? Ông nghĩ nó có ý nghĩa gì về mặt xã hội không?
ĐÁP: Chia rẽ trong cộng đồng người Việt về cuộc chiến Ucraina là hậu quả của trải nghiệm cá nhân như học tập, sinh sống, và làm việc ở Nga hoặc Ucraina. Nhiều người Việt gắn bó với các nước chủ nhà của mình. Đa số họ sống ở Liên Bang Nga và điều này thể hiện trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Lý do nữa, Liên Bang Xô Viết/Liên Bang Nga giúp đỡ VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và còn được nhiều người Việt coi như là bạn tin cậy.
HỎI: Chiến tranh VN gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ, hậu quả của nó kéo dài hằng thập kỷ. Ông có nghĩ hậu quả (tương tự) sẽ có trong lòng người Việt Nam về chiến tranh Nga-Ucraina?
ĐÁP: Sự so sánh thích hợp nhất sẽ là giữa một nước Mỹ chia rẽ và một nước Nga tương đối đoàn kết về hai cuộc chiến do chính phủ (Mỹ) chống VN và chính phủ (Nga) chống Ucraina. Cuốc chiến ở Ucraina có lẽ sẽ kéo dài. Về mặt vật chất, người Việt Nam chẳng ảnh hưởng gì. Họ sẽ chờ dấu hiệu từ nhà nước mình. Khó khan thật sự khi cuộc chiến chấm dứt. Chính quyền VN phải có quyết định làm thế nào để khôi phục quan hệ với Ucraina và đóng góp bao nhiêu cho việc tái thiết đất nước này.
HỎI: Tôi tiếp xúc người Việt sống ở Ucraina phục vụ trong quân đội chống lại quân Nga. Những người này có một tinh thần chiến đấu cao; ông có thể giải thích vì sao như vậy?
ĐÁP: Có những điểm tương đồng giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Nga của người Ukraine. Người Việt Nam biết rằng cuộc chiến của họ chống Mỹ sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, kể cả Ukraine. Họ cũng biết rằng Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra. Nói cách khác, họ cảm thông và muốn thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị xâm lược
HỎI: Còn ông, ông có đứng về phía chống đối Nga xâm lược Ucraina không? Tại sao ông lại ủng hộ hay chống đối?
ĐÁP: Tôi hoàn toàn chống đối cuộc chiến Putin xâm lược Ucraina. Cuộc chiến vô cớ, thể hiện vô cùng man rợ việc chống lại dân chúng không có khả năng tự vệ. Putin phát động cuộc chiến không chỉ chống Ucraina mà cả các thành viên cũ của Liên Bang Xô Viết. Ngoài ra, cuộc chiến của Putin còn muốn làm bất ổn châu Âu và phá hoại NATO. Tôi lo lắng nhất Nga là một cường quốc hạt nhân và vì Nga là nước độc tài do đó không hề có sự kiểm soát và đối trọng đối với việc làm của Putin.
HỎI: Ông có nhận xét gì về thái độ người VN về cuộc chiến này? Dường như tôi thấy họ ủng hộ Nga.
ĐÁP: Tôi thật lấy làm lạ về quy mô ủng hộ của dân chúng đối với Nga và đường lối tuyên truyền của Putin mà truyền thông VN, tuy không chọn bên, cho thấy những sự thật cơ bản của cuộc xung đột. Có vẻ tôi thấy người Việt ủng hộ đường lối của Putin đang thực hiện gần giống như luận điệu mà TQ đã sử dụng khi tấn công VN năm 1979. TQ lập luận, rằng họ thực hiện “cuộc phản công tự vệ” vì VN khiêu khích dọc biên giới, rằng Hoa kiều “bị trục xuất và bị đàn áp” vì vậy VN cần phải được dạy một bài học. “Hoa kiều” ở Ucraina là cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông.
HỎI: Chính quyền VN có phản ứng đúng mức về chiến tranh Nga-Ucraina hay không?
ĐÁP: VN đặt lợi ích vật chất của mình lên trên luật pháp quốc tế trong phản ứng đối với Nga xâm lược Ucraina bởi vì họ phụ thuộc Nga về vũ khí và kỹ thuật quân sự để tự bảo vệ mình. Lấy ví dụ, Nga cung cấp cho VN hơn 80% lượng mua sắm vũ khí từ 1995 đến 2021. VN còn phụ thuộc gấp nhiều lần vào di sản này bởi vì hầu hết chuyên viên kỹ thuật quân sự VN đều nói tiếng Nga và từng quen thuộc với công nghệ Nga.
Sau ngày Nga xâm lược Ucraina, quan tâm đầu tiên của VN là bảo vệ mạng sống của 7000 người Việt sinh sống tại Ucraina. Phát ngôn viên bộ ngoại giao VN tuyên bố: “VN quan tâm sâu sắc cuộc xung đột quân sự ở Ucraina. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực, bảo vệ dân chúng, duy trì đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.
VN đối mặt với tình thế khó xử khi buộc phải bỏ phiếu ba nghị quyết chống Nga đưa ra tại Đại hội đồng LHQ. Trước cuộc biểu quyết, đại sứ Nga tuyên bố rằng, bỏ phiếu cho những nghị quyết ấy được xem như là một hành vi không thân thiện. VN bỏ phiếu trắng trong nghị quyết lên án Nga xâm lược và hậu quả nhân đạo gây ra bởi chiến tranh. VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ. Trong cả ba nghị quyết, VN chiếm thiểu số trong các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng bỏ phiếu như VN nhưng chỉ là “một vỏ bọc ngoại giao”. Kể từ đó, VN duy trì vị trí khiêm nhường và trung lập.
Nguyễn Long Chiến dịch từhttp://srv/sruj/sbotphhh-kwbp/sstu/p2/kinhte/VNSplitUkraine_Thayer.pdf