(Khá dài trên 4700 từ không dành cho đọc giả ít thì giờ).
Phần I
Trong chuyến đi du lịch châu Âu, nước tôi muốn đến là Ý, Pháp và Thụy Sĩ. Lý do nhiều người biết: Ý, Pháp có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Nào là Đấu trường cổ La Mã hàng ngàn năm tuổi còn như nguyên vẹn. Vatican có đức Giáo hoàng, với nhà thờ thánh Phê-rô kỳ vĩ, lấy tên vì tông đồ tin cẩn của Jesus, thi hài chôn ở đó (Ý). Nào tháp Effeil ngạo nghễ, bảo tàng Louvre vĩ đại, đồi Monmartre lãng mạn rồi con sông Seine thơ mộng (Pháp). Thụy Sĩ thì khỏi chê. Người ta hay kháo “Đẹp như Thụy Sĩ”. Một đất nước mà mọi túi tiền quý giá trên thế giới đều muốn đem về đó để gởi, chưa kể cái nổi tiếng nhất hành tinh “đồng hồ Thụy Sĩ”.
Nhưng tôi chọn Đức thay vì Thụy Sĩ”. Đó là vì Bức Tường Bá Linh, dấu vết của một thời đen tối trong lịch sử chia cắt bởi chiến tranh. Đặc biệt, ở đó có nhiều người Việt từ hai miền Nam – Bắc, do hoàn cảnh chiến tranh, sinh sống và học tập ở hai miền Đông và Tây nước Đức.
Nghe thì buồn cười nhưng đó là sự thật tự đáy lòng.Tôi muốn biết một đất nước có hoàn cảnh như đất nước tôi: từng bị chia cắt và chữa lành vết thương chiến tranh như thế nào.
Lý do chia cắt thì nhiều, nhưng hàng đầu, phải kể là ý muốn của các cường quốc, dưới hình thái “ý thức hệ”, một bên gọi là khối cộng sản và một bên là khối tự do (thật ra là tư bản).
Sự chia cắt giống nhau nhưng hoàn cảnh chia cắt khác nhau. Đức của Hitler là nước bại trận. Bên thua cuộc phải chịu khuất phục bởi bên thắng cuộc. Chia để trị. Những nước thắng trận phân làm 2 phe, một đứng đầu là Liên Xô và bên kia là Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp (thực sự ông này chỉ “ăn có” mà thôi). Đông Đức theo cộng sản và Tây Đức theo tư bản, cũng giông giống Nam- Bắc Triều Tiên và Việt Nam (VNCH và VNDCCH).
Lằn ranh chia cắt, thay vì con sông, lại là bức tường; trước 1975, chúng tôi hay nghe báo chí phương Tây gọi là Bức Tường Ô Nhục (vì làm theo lệnh của Liên Xô, nước chiếm đóng). Tuy xây năm 1961 nhưng bức tường Berlin là biểu tượng chia cắt đất nước khi Đức bị tách làm đôi năm 1945.
Việt Nam không bị chia cắt như Triều Tiên hay Đức bởi sự áp đặt trực tiếp của các cường quốc thắng trận đệ nhị thế chiến. Nhưng hiệp định Geneve năm 1954, theo một số tư liệu lịch sử, cũng không phải là ý muốn của người Việt Nam, mà là của Pháp ( phía sau là Mỹ) và Trung Cộng. Có dư luận cho rằng, phía Việt Minh bị Chu Ân Lai “hù dọa”, đại để, “nếu không ký hiệp định, Mỹ nó nhảy vào như ở Triều Tiên, các đồng chí sẽ không có chỗ dung thân”. Một số người suy nghĩ, sự lật lọng của Mỹ và ông Ngô Đình Diệm, không tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc, dẫn đến chia đôi đất nước, tạo cớ cho người Mỹ và “chư hầu” đem quân vào, cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra sau đó.
Một người bình thường như tôi cũng thấy điều ấy chưa thỏa đáng. Lý do, nếu không rắp tâm chia cắt Việt Nam thì sự tranh luận về “biên giới” - tức là vĩ tuyến nào - sẽ không quyết liệt trong thương nghị giữa Pháp và Việt Minh, đồng thời Mỹ và Bảo Đại (lãnh đạo chính phủ Quốc gia Việt Nam) đã ký vào hiệp định Geneve 1954. Lý do không ký: Mỹ tham dự hội nghị với tư cách là quan sát viên; họ không đồng ý các điều khoản của hiệp định vì sẽ nó gây nguy cơ cho lợi ích chiến lược của mình ở Đông Nam Á và sẽ tạo điều kiện cho sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại cũng không ký vào hiệp định vì cho rằng nó sẽ gây chia cắt Việt Nam và đẩy quốc gia này vào thế nguy hiểm. Quốc gia Việt Nam ủy quyền cho Pháp tham gia trực tiếp đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng không đồng ý với kết quả cuối cùng. Đó cũng là lý do khiến gần một triệu người bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả cha ông, gánh gồng nhau vào Nam để mong có cuộc đời mới. Họ trốn chạy chính phủ Việt Minh (thực ra là cộng sản).
Nếu chia cắt tạm thời để tổ chức tổng tuyển cử theo điều khoản hiệp định hòa bình, thì chẳng người dân nào muốn rời bỏ quê hương bổn xứ với số lượng khổng lồ như vậy đối với một đất nước lúc đó chỉ có khoảng 27, 5 triệu người.
Như vậy, việc chia cắt đăt nước của Đức và Việt Nam đều đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân hai nước. (Tôi chắc chắnTriều Tiên cũng vậy. Các nước nhược tiểu, bại trận là trò chơi trên bàn cờ quốc tế).
Đến Đức để du lịch, tôi muốn “tai nghe mắt thấy” bức tường Berlin, để lý giải tại sao, chỉ cần xô ngã nó, một nước từng là nạn nhân của các cường quốc, như nước tôi, trở thành một nước hoàn toàn thống nhất, hoàn toàn hòa giải và hòa hợp dân tộc, rồi trở thành nước hùng mạnh nhất châu Âu. Họ không phải đánh nhau chí tử hàng thập kỷ, hàng triệu người bỏ mạng, đất nước hứng hàng triệu tấn đạn bom, hàng trăm ngàn lít hóa chất khai quang…và điều quan trọng nhất, người Đức ngày nay có còn thù hằn nhau, cay cú nhau, chửi bới nhau, chì chiết nhau, chia rẽ nhau, mỗi lần có một sự kiện nào đó liên quan đến sự chia cắt đất nước họ trong quá khứ hay không?
Qua tìm hiểu, tôi thấy ra một điều tréo ngoe và ngộ nghĩnh. Tréo ngoe ở chỗ: Nếu Tây Đức được Đông Đức giải phóng, liệu nước xã hội chủ nghĩa này có bỏ ra 2000 tỷ Mỹ kim để giúp đồng bào mình nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần như Tây Đức đã làm? Bởi họ quá nghèo và chưa chắc họ muốn. Tây Đức tư bản cần phải bị trừng phạt theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Và ngộ nghĩnh ở chỗ: Đó là tiền đóng góp (chủ yếu) của dân Tây Đức gọi là “thuế đoàn kết” (Solidaritätszuschlag). Đến năm 2021, thuế này chỉ đóng đối với ai có thu nhập trên 109.000 euros/năm.
Vì sao “nước” tư bản bóc lột Tây Đức lại hào phóng như vậy?
Có mấy lý do: Đức là một dân tộc thực sự gắn bó nhau, ý thức hệ - nói trắng ra, chủ nghĩa cộng sản - không chia cắt được họ. Họ có chung một quá khứ, oai hùng, với ngọn cờ “dân tộc thượng đẳng” dưới sự khởi xướng và khích động bởi trùm phát xít Hitler. Nước Đức sẽ hùng mạnh hơn nếu họ không gây chiến tranh xâm lược, bị đồng minh và Liên Xô đánh bại. Sau khi chia rẽ họ dễ dàng đoàn kết. Là dân châu Âu nhưng họ “học Việt Nam” rất giỏi câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Chứng kiến sự xây dựng kỳ vĩ của người Đức tại Berlin, tôi thật sự nể phục. Nghe nói các thành phố khác quy mô xây dựng, có chỗ, còn bỏ xa thủ đô Berlin như Frankfurt am Main hoặc München. Chưa đi Mỹ, tôi không hình dung, có đại lộ nào người ta trồng hai hàng cây to ở giữa những làn xe xuôi ngược? Đến thủ đô, theo lời một người bạn tôi, vấn đề đau đầu nhất là chỗ đỗ xe. Pháp, Ý, Phần Lan xe hơi rất nhiều nhưng chả bõ bèn gì nước Đức, xe hơi nhiều như kiến. Đường sá thênh thang, vậy mà, người ta lại còn cải tạo đại lộ cho …hẹp hơn để… dành đường cho người đi bộ và đi xe đạp!
Từ chỗ, lúc bức tường sụp đổ, mỗi người Đông Đức được phép đổi một mác của mình để lấy một mác của Tây Đức, đối với ai có dưới 4000 đồng; người có trên 4000 đồng phải đổi hai đồng để lấy một. Họ chẳng “khôn” “như người VN, nhờ đổi giùm ăn huê hổng lúc đổi tiền sau ngày “giải phóng”.
Giờ đây, mức sống của hai miền chưa hẳn như nhau nhưng đời sống tinh thần của họ đều hưởng thụ các phúc lợi công cộng không khác nhau.
Chuyện nhỏ nhưng giá trị không nhỏ; nó chứng tỏ người ta chăm lo tận tình đời sống tinh thần của người nghèo Đông Đức. Tôi không đề cập chuyện cấp nhà cho người vô gia cư, đối xử với phụ nữ và trẻ con, chuyện trợ cấp xã hội, chuyện y tế, giáo dục…Những biểu hiện của một nước giàu có và văn minh, ai ai cũng biết. Bạn quen của tôi, anh Dương Già, ở Berlin trên 30 năm, kể chuyện vui nhưng có thật.
Anh có sở thích nuôi nhiều loại chim vẹt (ở Quảng Nam gọi là chim két). Nay không được phép vì có luật bảo vệ chim muông. Chỉ được phép nuôi chim vẹt Hồng Công vì nó không nằm trong danh sách bảo tồn. Nhưng người nuôi phải có giấy chứng nhận của thú y. Và chỉ được nuôi một con. Một ví dụ khác. Nếu nhà có chuột, chính quyền cấm bắt chúng bằng kẹp, tức bẫy chuột. Người dân chỉ được phép diệt chuột bằng thuốc…độc. Vì sao? Để chuột không dãy giụa đau đớn trên bẫy có hàng răng nhọn hoắc. Chuột phải có quyền chết không đau đớn. Nó giống thuốc độc dành cho tù nhân chịu án tử hình. Chuột cũng như người cần bị giết một cách êm thấm. Thế mới nhân đạo, thế mới văn minh!
Một thành phố lớn như Berlin lại có một công viên rừng như rừng. Trong đó có suối, có khe như sông nhỏ, có bãi cỏ, có thú rừng, có chim muông.
Chỗ rừng chạy dọc theo những đại lộ được rào bằng thép không gắn gai nhọn để ngăn thú hoang có thể gặp tai nạn như xe…cán lên người.
Đi khắp thành phố, tôi không thấy nơi nào dựng tượng Helmut Kohl, có thể ví như vị cha già dân tộc, với công trạng thống nhất nước Đức và có chính sách rõ ràng trong vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc; không rõ chính phủ Đức có ban thành luật hay không, một chính sách cụ thể, như vụ đổi tiền, một ăn một cho người nghèo, hay cấp tiền cho dân Đông Đức qua Tây Đức mua hàng hóa tư bản giãy chết khi bức tường mới bị đập phá đang thu dọn.
Ở một chỗ quan trọng trên một đại lộ, tôi thấy có tượng Karl Marx- và Friedrich Engels (ông đứng, ông ngồi. Phải chi họ “đứng” hết thì hay) ở quận Mitte trung tâm thủ đô. Nó được xây dựng bởi chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) vào năm 1986, bằng tiền tặng của Trung Quốc.
Ở một số nước, khi lên cầm quyền, giai cấp cai trị mới thường hay đập phá những thành quả hay những biểu tượng tinh thần của giai cấp cai trị trước, nhất là các tượng đài, gọi là “hành động cách mạng”. Nếu đã là cách mạng thì tượng hai ông tổ cộng sản, người gián tiếp chia rẽ nước Đức này cần nên…hạ bệ. Nhưng ở Đức thời thống nhất, tôi thấy là không. Bạn tôi chỉ một nhà máy sát chợ Đồng Xuân (ở thủ đô) rất cũ kỹ có cột thoát khoái cao tận trời xanh đang bỏ hoang. Tại sao không đập để xây cái khác, bạn tôi nói, người Đức muốn giữ lại kỷ niệm một thời rất tự hào của những công nhân Đông Đức.
Ở phần Đông Berlin, anh chỉ cho tôi những tòa chung cư cao ngất, trông rất cổ lỗ và thô kệch, chúng vẫn còn đươc sử dụng. Anh nói, nhiều người Đức còn tưởng nhớ công lao ông bí thư trị vì lâu nhất, người hăng hái ủng hộ việc xây lên bức tường ô nhục, Erich Honecker. Chính nhờ ông, dân lao động Đóng Đức không phải ở nhà mướn, chật vật như công nhân ta ở Việt Nam.
Sự hòa giải nằm sâu trong tâm trí của mỗi người dân Đức chứ không phải chỉ ở chủ trương hay chính sách.Trong khi một tướng lĩnh chế độ VNCH ở tù tới 17 năm trời không xét xử (Lê Minh Đảo) thì ở một nước “lệ thuộc” đế quốc Mỹ cọp beo, Erich Honecker, cựu lãnh đạo Đông Đức, và Erich Mielke, cựu trưởng cơ quan an ninh Stasi chuyen đi đàn áp nhân dân, bị đưa ra xét xử vì tội ác chống nhân loại và giết người. Tuy nhiên, họ không bao giờ phải chịu án phạt vì lý do sức khỏe hoặc được tha bổng.
Có thể nước Đức không trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu, kéo dài quá lâu như ở VN nên họ có lòng bao dung hơn chăng? Nhưng để một nửa nước Đức nghèo khổ, thiếu dân chủ tự do, sai lầm trong kinh tế, quản trị xã hội một cách toàn trị, theo hùa Liên Xô (ủng hộ xây bức tường chia cắt đất nước), rồi ra lệnh bắn chết những ai vượt tường qua Tây Đức (171 người chưa kể hàng tram số khác không ai hay biết) để đoàn tụ gia đình hay tìm kiếm tự do, thủ tiêu người chóng đối, lại không lãnh án một ngày tù nào trong song sắt? Ở phòng triển lãm di tích lịch sử bức tường Bá Linh có một bàn chông sắt (duy nhất trưng bày trong các dụng cụ dã man của sự chia cắt). Tên của bàn chông ấy được người Đức gọi là Stalin’s Lawn, luống cỏ của Stalin.
Tại sao họ không đặt tên bàn chông theo danh tính vị bí thư cộng sản hàng đầu của Đông Đức mà là của Liên Xô? Bởi họ nghĩ, có “ông anh cả” là có “chông” có “gai”. Dân Đức bội ơn quá. Không như ở VN:
“Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”.
Tại sao người Đức lại “chỉ tay” về Stalin người đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, lừng danh một thuở? Đó cũng là lý do, tôi trộm nghĩ, giải thích tại sao người Tây Đức xử sự rất nhân bản đối với người Đông Đức, ngay cả đối với người “đã rước” chủ nghĩa cộng sản về áp đặt cho đồng bào mình ở một nửa đất nước.
Có thể người Đức là chủng tộc nằm ở châu Âu, văn minh cao, có nền văn hóa lâu đời, nên sự hành xử của họ đối với “kẻ thù” rất là nhân ái? Không hẳn. Ở châu Á, có một nước bé nhỏ sát nách chúng ta. Thái độ đối xử với một chính quyền diệt chủng của chính quyền sau đó còn nhân bản hơn nước Đức thống nhất. Xét xử mấy đao phủ giết hang triệu đồng bào, người ta cũng nấn ná, cho đến khi tay trùm giết người bị chết. Lẽ ra phải xử bắn họ tức thì để cho nạn nhân bị đập đầu đến chết mỉm cười nơi chin suối. Những người tham gia chính quyền Khmer đỏ hầu hết đều được lưu dung.
Lịch sử trong nhà trường Campuchia nhắc rât ít tội ác của bọn khát máu nhất hành tinh, nghe đâu, chỉ mấy dòng bên ảnh của Polpot, đại khái “người này chịu trách nhiệm hằng triệu cái chết của đồng bào Khmer”.
Tầm nhìn chứ không hẳn là lòng bao dung nhân ái của những vị lãnh đạo quốc gia như ở Đức, ở Miên, làm cho quốc gia họ ngày càng phát triển nhờ sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết dân tộc.
Hận thù gác lại để dân tộc vươn lên. Không phải quên đi quá khứ nhưng đừng để nó cản trở tương lai. Đức, Miên có lẽ may mắn có những vị nguyên thủ quốc gia có tầm nhìn vĩ đại. Nếu gặm nhấm quá khứ, khơi gợi mãi thương đau, Campuchia đã không đoàn kết dân tộc dễ dàng. Thân thiết với Trung Cộng nhưng cho con du học Mỹ, trường quân sự West Point hàng đầu thế giới, Hunsen là lãnh đạo có trí tuệ.
Khi quan sát những hình ảnh vẽ trên những đoạn bức tường Berlin còn chừa lại, tôi thấy nhận định của tôi có cơ sở: không có hình ảnh nào gợi lại quá khứ chia cắt đau thương. Toàn là những bức vẽ nghệ thuật, nghe đâu, có dành một đoạn cho các họa sĩ Nhật Bản, một đất nước vừa là kẻ gây ra chiến tranh vừa là nạn nhân chiến tranh (của bom nguyên tử).
Trong tòa nhà trưng bày chứng tích bức tường chia cắt, những hình ảnh, lời thuyết minh (tiếng Anh cũng có), tôi cảm nhận, sự thật lịch sử nhắc lại, nỗi ân oán gác vào một chỗ để tút ra bài học cho thế hệ tương lai, hiểu rõ giá trị của một đất nước không có bức tường chia cắt nào.
Phần II
Đông Đức và Tây Đức nhắc tôi nhớ đến miền Bắc và miền Nam. Nước tôi bị các cường quốc đối nghịch ý thức hệ cố tình chia cắt, mặc kệ mong muốn chân chính “Nước VN là một, dân tộc VN là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” (Hồ Chí Minh thì phải).
Nước Đức thống nhất trong hòa bình nên không có sự mâu thuẫn giữa con người Đông và Tây (Đức)? Không. Mâu thuẫn của họ rõ rệt ở các điểm:
• Về kinh tế: Người Đông Đức có thu nhập thấp hơn, thất nghiệp cao hơn và năng suất kém hơn so với người Tây Đức. Nhiều người phía Đông phải di cư sang phía Tây để tìm việc làm, trong khi nhiều công ty lớn đặt trụ sở ở phía Tây. Nhiều người Tây Đức cho rằng người Đông Đức lười biếng, không thích ứng với kinh tế thị trường, trong khi người Đông Đức lại nói người Tây Đức tham lam và muốn phá hỏng văn hóa và giá trị của mình.
• Về chính trị: Người Đông Đức có xu hướng ủng hộ các đảng cánh tả hoặc cánh hữu cực đoan hơn so với người Tây Đức. Nhiều người Đông Đức cảm thấy bị bỏ rơi và bất bình đẳng bởi chính quyền liên bang và các cơ quan nhà nước, trong khi người Tây Đức lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa xã hội ở nước Đức thống nhất.
• Về nhận thức: Người Đông Đức và người Tây Đức vẫn có những khác biệt về lịch sử, giáo dục, văn hóa và giá trị xã hội. Người Đông Đức tự hào về mình và mặc cảm họ là những công dân hạng hai, trong khi nhiều người Tây Đức lại coi mình là chuẩn mực và không quan tâm đến cuộc sống của người Đông Đức.
Mâu thuẫn ấy có giống như mâu thuẫn của những người ở miền Bắc và miền Nam sau 1975? Hay sự mâu thuẫn còn sâu sắc hơn và cay đắng hơn?
Tôi không dám so sánh ở từng phương diện. Việc ấy ngoài tầm hiểu biết cá nhân. Quan trọng hơn, mọi sự so sánh đều “nguy hiểm”. So sánh giữa một bên thắng cuộc và một bên thua cuộc không bao giờ có được sự đồng thuận dẫu cho sự so sánh ấy có khoa học đi chăng nữa. Mà tôi cũng không thể là nhà khoa học xã hội có thể đưa nhận định đúng đắn và vô tư.
Tôi chỉ thấy một điểm này. Nước Đức thống nhất trong mâu thuẫn (như nêu ở trên) nhưng mâu thuẫn ấy không có tính chất “một mất, một còn”. Ví dụ: Không một con em nào của những tướng tá hay quan chức VNCH nằm trong guồng máy điều hành cấp trung, cao của chế độ từ năm 1975 cho đến nay. Nhưng ở Đức, một người trong lò đào tạo thanh niên cộng sản, bà Angela Merkel, lại làm đến chức thủ tướng, chính trị gia có công đưa kinh tế Đức vào tốp đầu cộng đồng các nước châu Âu và hùng mạnh trên thế giới.
Vì sao sự đóng góp của một cá nhân vào sự phát triển của đất nước không căn cứ vào lý lịch quá khứ của bản thân người đó? Nếu Đông Đức giải phóng Tây Đức, liệu một người ở Bonn (thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức) có thể đảm nhiệm vai trò thủ tướng? Và, để câu hỏi thêm rốt ráo, tôi có thể nêu ra, nếu VNCH giải phóng VNDCCH thì một người xuất thân là đoàn viên thanh niên cộng sản HCM có được ứng cử vào cương vị tổng thống một nước VN thống nhất không?
Không có câu trả lời, tôi chắc thế, vì chuyện đó không xảy ra. Chế độ Sài Gòn bị sụp đổ chứ không phải chế độ ở Hà Nội.
Đôi khi tôi nghĩ người Đức bao dung hơn người Việt. Nhưng nghĩ kỹ, không phải chỉ là bao dung. Chính trí tuệ của họ. Nếu ở VN một ông Việt mang dòng máu Tây có thể làm được bí thư xã hay không (tôi không nói cỡ thủ tướng)? Không bao giờ. Nhưng ở Đức thì có; một ông Tây gốc Việt (Philip Rosler) sinh ở Bạc Liêu (nay là Sóc Trăng) làm đến chức phó thủ tướng, chủ tịch của một đảng phái mạnh, người quyền lực thứ hai của một đất nước hung mạnh nhất châu Âu. Ông Tây gốc Việt này làm lớn nhờ lòng bao dung và nhân ái của người Đức chăng? Không. Tài năng chính là nấc thang dẫn ông lên đỉnh cao danh dự. Và trí tuệ người Đức.

Lãnh đạo có tầm nhìn hòa giải quốc tế. Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt tự nguyện quỳ gối xin lỗi nhân dân Ba Lan năm 1970, trước tượng đài ghi dấu 5 triệu người (có 3 triệu người Do Thái) bị Đức quốc xã giết chết.
Nước Việt Nam thống nhất; những tinh hoa nước Việt trên khắp thế giới xuất thân là con em những người trưởng thành dưới chế độ VNCH có ai được trọng dụng trong chính quyền, kể cả trong xã hội? Có nhưng rất ít, và hầu như không đáng kể. Có một ông giáo sư Việt kiều nào được bổ nhiệm làm hiệu trưởng một trường trung học, tôi chưa nói một trường đại học cấp quốc gia. Tôi muốn nói trọng dụng một cách chân thành.
Chắc quý vị đều biết một số người tôi nêu ra đây.
- Về quân sự, người Mỹ gốc Việt đang hoạt động trong quân đội Mỹ. Họ là:
• Thiếu Tướng Viet Xuan Luong, chỉ huy quân đội Mỹ tại Nhật Bản.
• Thiếu Tướng Lapthe Flora, chỉ huy lực lượng liên quân chống khủng bố ở Châu Phi.
• Thiếu Tướng William H. Seely III, giám đốc tình báo của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ; (cha Mỹ/mẹ Việt)
• Đô Đốc Binh T. Nguyen, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, chỉ huy lực lượng hải quân NATO tại Nam Âu.
- Về khoa học:
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã tham gia vào dự án chế tạo hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford, lớp tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của hải quân Hoa Kỳ.
Bà Dương Nguyệt Anh chế tạo ra hơn 11 loại vũ khí cung cấp cho hải quân Mỹ; từng lãnh đạo một nhóm gần 100 nhà khoa học, kỹ sư để phát triển và triển khai loại bom nhiệt phân tử đầu tiên của Mỹ trong một thời gian kỷ lục chỉ 67 ngày, kể từ khi quyết định can thiệp vào Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Đỉnh cao khoa học mà người Việt nắm giữ ở cơ quan NASA là (cựu tư lịnh không quân VNCH) ông Nguyễn Xuân Vinh. Ông đã nghiên cứu về các quỹ đạo tối ưu cho các phi thuyền vũ trụ và các phương pháp điều khiển tối ưu cho phép bay vào không gian. Ông cũng đã tham gia vào các chương trình Apollo (từng đáp xuống mặt trăng), Skylab và Voyager.
Đó là tôi chưa nói người Việt (xuất phát từ miền Nam) thành công trong các lĩnh vực khác, ví dụ thi ca thì có Ocean Vương (triển vọng chiếm Nobel văn chương), tiểu thuyết có Nguyễn Thanh Việt, điện ảnh có Trần Anh Hùng…
Nói chung hầu hết “núm ruột” từ VN rất thành công trong mọi lĩnh vực ở những nước cưu mang họ, đứng đầu là Mỹ, nước đón nhận nhiều nhất người từ VNCH (rồi con em họ), cũng là nước bị Việt Công “đánh” cho tơi tả.
Tôi viết dông dài không ngoài mục đích: Tinh hoa nước Việt có bị phân biệt đối xử không? Có một dòng chia buồn nào trên truyền thông dành cho nhà khoa học nằm trong tốp đầu thế giới khi ông qua đời? Vì lý lịch xuất thân của ông hay sao?
Cuộc chiến chấm dứt gần nửa thế kỷ, sự chia cắt trong lòng người Việt vẫn còn. Đó là một sự thật xót xa. Tôi không đào bới quá khứ để khoét sâu chia rẽ, khơi lại hận thù dân tộc. Mỗi năm mỗi nhức nhối với ngày 30 tháng 4. Nhức nhối đến nỗi một lãnh tụ nổi tiếng của cách mạng cũng phải tán thán “hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn”. Ai vui, ai buồn? Ai ai cũng biết.
Bức tường Bá Linh sụp đổ nhưng tinh thần đoàn kết của dân tộc Đức không hề sụp đổ. Con sông Bến Hải nối liền một dải sợn hà nhưng liệu lòng người có chảy cùng một dòng sông? Nước Đức thống nhất và nước Đức hùng mạnh. Đông Đức “cộng sản” và Tây Đức “quốc gia” xem bức tường chia cắt hai nước là kỷ niệm buồn, một bài học lịch sử. Còn chúng ta, những người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, có còn bức tường nào sừng sững hơn bức tường một thuở ấy không?
Có một ngày nào đó, những người Việt trước ở Đông Đức (học hành, lao động) sẽ cùng những người Việt ở Tây Đức (vượt biên, du học) sẽ có mặt chung trong một sự kiện lịch sử của nước nhà? Ở nước Đức thống nhất có khi nào một cái tết truyền thống có sự tham dự chan hòa của những người Việt ra đi từ hai miền Nam-Bắc?
Khi đi thăm bức tường Bá Linh và tìm hiểu người Việt tại Đức (đồng bào ở các nước khác như Mỹ, Canada, Úc…, tôi chưa có dịp tiếp xúc) tôi rất buồn khi thấy nó, dù chỉ còn lại một phần. Nỗi buồn còn đó, nỗi buồn cho dân tộc tôi, biết khi nào Nam Bắc mới thực “một nhà”, không còn bức tường nào chia cắt, ở Đức cũng như ở Việt Nam và trên toàn thế giới?
Và đến khi nào, tinh hoa nước Việt ở bất cứ đâu trên trái đất này dù gốc gác là “quốc gia” hay “cộng sản” đều được trân quý như nhau. Khi người Việt trở thành bó đũa (trí tuệ) không thể tách rời, khi ấy nước Việt mới trở nênhùng mạnh.
Lịch sử không thể đổi thay nhưng chúng ta không thể mở ra một thời đại mới với một trang sử mới hay sao?
1qEhrpOhKhfUuqf6AwUwvEmK3QR-6W5RrC_SUIu6LQSE