Friday, June 23, 2023

PHẬT ĐẢN TẠI PHẦN LAN

Tôi không nghĩ ở nước giá lạnh Bắc Âu này lại có chùa Việt Nam. Phước Lâm giống tên chùa ở Hội An, thành phố nhỏ, tôi có quãng đời học trò đầy thơ mộng.

Tín hữu không nhiều nhưng toàn là người Việt nên ngôi chùa ấm cúng không gian Việt, phong cách Việt, tâm hồn Việt, vô cùng ấm cúng.

Vào đây, tôi nghe lại tiếng Việt thân yêu, gần hai tháng cách xa, chỉ toàn nghe tiếng líu lo của người bản xứ, một thứ âm thanh lạ hoắc, lạ hươ.

Đi rất nhiều chùa ở VN, tôi nhận ra ngôi chùa gần thủ đô Helsinki này mang dáng dấp những ngôi chùa tôi quen ở Hội An: sự tĩnh mịch.

Tĩnh mịch có thể là tính cách của người Phần Lan và có lẽ là “tính cách” của một ngôi chùa thuần túy Việt Nam, tôi thấy trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

Chùa Phước Lâm Phần Lan có khung cảnh “thiền đường”. Phía sau chùa có mảnh đất ươm xanh màu cỏ mượt. Bên hông chùa là một dãy đá cao tầm 2 mét, sừng sững bên trên những cây tùng cổ thụ, cỡ hai người ôm, tàng lá phất phơ, in bóng trên không, xa xa có làn mây trắng, bên trên là bầu trời xanh trong, nhìn lay động mà tĩnh mịch như cảnh trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.

Một ngôi chùa Việt trong khung cảnh Phần Lan, thông xanh cao vút, không gian tĩnh lặng, là cảm nhận yên bình của người Việt như tôi, tại một xứ Bắc Âu.

Phật không những là ngọn đuốc, ngài còn là cơ duyên, cơ duyên cho những người Việt gặp nhau xứ người.

Tôi cứ nghĩ gặp người Việt bán kem ở khuôn viên thư viện kỳ vĩ Helsinki là một phúc hạnh. Không ngờ, ở ngôi chùa có tên Phước Lâm, gặp cả mấy chục con người Phật tử đang tung kinh, không cần cân nhắc nghĩ suy, tôi biết chắc là đồng bào mình, Việt Nam.

Ôi, hạnh phúc cho một người theo kitô giáo gặp những người Phật giáo ở một nơi xa lạ. Xa lạ mà quen thuộc. Đây đúng là ngày Phật đản, như Chúa sinh ra đời đối với người theo catholic như tôi.