Chưa hiểu rõ nguyên nhân bạo động ở Tây Nguyên, tôi chỉ nói một ý mà hơn 100 năm trước (1906) cụ Phan Châu Trinh khuyên chí sĩ Phan Bội Châu khi hai người cùng đi Nhật Bản: "Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bái vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu.” (Tạm dịch: Bất bạo động, bạo động ắt chết. Sùng bái nước ngoài chỉ có ngu thôi).
Tấn công vào cơ quan công quyền, giết chết một số cán bộ và thường dân, theo tin báo chí nhà nước, của một số đồng bào sắc tộc thiểu số là hành vi bạo động. "Bạo động tắc tử". Không phải là 9 người chết mà sẽ còn nhiều người nữa. Tòa sẽ tuyên tử hình một hay nhiều người tổ chức và tham gia bạo động.
Làm thế nào để tránh bạo động? Ngoại trừ vì động cơ bí mật nào khác, thì sự cảm thông giữa đồng bào với nhau sẽ là: Đối thoại. Không thể có đối thoại giữa người Kinh và người Thượng? Không. Thời VNCH, có khẩu hiệu Kinh-Thượng một nhà. Ở quê tôi, vùng Thường Đức, nay là Đại Lộc, hằng năm có những hội chợ, gọi là chợ phiên. Chợ tổ chức cho người sắc tộc (chúng tôi gọi người Thượng) và người Kinh, trao đổi phẩm vật, giao lưu văn hóa.
Quê tôi nằm sát vùng núi, ở đó, có nhiều người thuộc sắc tộc thiểu số sinh sống. Trước thời Pháp đô hộ, không hiểu vì sao, người Thượng đôi ba năm hay kéo nhau xuống làng mạc người Kinh ở để đâm một ai đó, ông bà chúng tôi gọi là "Mọi làm giặc". Tương truyền, năm nào mũi giáo của người "Mọi" có dính máu người Kinh, năm ấy sẽ được mùa lúa rẫy. Khi người Pháp cai trị, họ bèn phát cho một số lý trưởng (tương đương ấp trưởng bây giờ nhưng có con dấu - gọi là triện) mỗi người một khẩu shotgun (súng săn) với 2 viên đạn. Nếu có bắn, bọn Tây dặn, thì phải chĩa nòng súng lên trời, không nhắm vào người và tuyệt đối phải thu lại vỏ đạn nọp cho chúng. Mỗi khi có "Mọi làm giặc" (đâm người Kinh) thì lý trưởng sẽ mang súng ra, nổ một phát rõ to, "Mọi" sợ hãi bỏ chạy về núi rừng.
Tình trạng "làm giặc" chấm dứt thời Việt Minh. Nhiều người Kinh lên công tác ở miền Thượng. Họ học tiếng Thượng và tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ truong của Già Hồ. Thực dân Pháp là kẻ thù, không phải đồng bào Kinh anh em.
Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chính sách của Việt Minh, cử nhiều người "có chữ" (nghĩa là có học vấn) lên vùng cao gọi là "cán bộ miền Thượng" thuyết phục họ với khẩu hiệu Kinh Thượng Một Nhà và những buổi chợ phiên ở vùng đồng bằng là biểu hiện của chủ trương đoàn kết các dân tộc Kinh-Thượng.
Rồi chiến tranh xảy ra, người sắc tộc trên rừng, số theo Cách Mạng (Việt Cộng), số kéo ra vùng "quốc gia". Trong mọi hoàn cảnh, người Thượng đều gắn bó với người Kinh, dù ở hai chiến tuyến.
Những năm thanh bình sau 1954, khi Ngô Đình Diệm chấp chính, quê tôi là nơi người Kinh và người Thượng sống với nhau rất chan hòa. Có một số người mang sản vật miền xuôi lên đổi lấy sản vật miền núi. Cũng có những đoàn người Thượng mang "gùi" (ba lô đan bằng mây) đem đặc sản về xuôi để đổi lấy hàng tiêu dùng không sản xuất được. Những ngày Tết, họ thường kéo nhau xuống vùng xuôi, tìm đến những ai từng làm ăn với họ để thăm nhà và chúc Tết. Ăn uống no say, khi ra về, trong những chiếc gùi mây của đồng bào Thượng là bánh tổ, bánh tét, bánh ít, bánh in, có cả thịt muối mo cau. Quà tặng của người Kinh. Đương nhiên, người Kinh đều hiểu "Cho một nhận mười". Người Thượng sẽ không để người Kinh thiệt thòi bao giờ. Ra năm, khi các người "Buôn Thượng" (buôn bán với người Thượng) có tặng quà Tết sẽ nhận lại nào là nếp, nào là lá trầu, nào là giác (trầm hương), nào là hạt tiêu rừng, ớt rừng...
Mối giao hảo kéo dài cho đến khi có chiến tranh xảy ra. Kinh-Thượng không còn một nhà, mà tới "hai nhà" đối nghịch nhau.
Nhưng dù có hoàn cảnh nào, người Thượng cũng gắn bó với người Kinh. Không còn những trận giặc đâm người nữa.
Số đồng bào Thượng ở Quảng Nam không thể nhiều và đa sắc tộc như ở Tây Nguyên. Tôi không hiểu, khi người Kinh (từ vài tỉnh Nam Bắc trung bộ và phía Bắc) kéo nhau lên sinh cơ vùng người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, họ có cư xử hài hòa với nhau như người Quảng chúng tôi đối với đồng bào Thượng hay không?
Đổ máu giữa người Kinh và người Thượng là nỗi đau không chỉ của gia đình, thân nhân của những người bị chết (đã chết và sẽ chết) mà còn là nỗi đau của đất nước này: Hòa bình nhưng vẫn còn tiếng súng, vẫn còn máu đổ, máu của những đồng bào Việt Nam.
Cụ Phan ơi! Cụ yêu nước thật thông thái mà sao tuổi đời cụ quá ngắn. Cụ thật bất hạnh, quốc gia chẳng ai xứng kẻ kế thừa. Tư tưởng của cụ là chân lý sáng ngời nhưng bây giờ nó như gió thoảng mây bay. "Bất bạo động. Bạo động tắc tử".