Ve chai là từ sử dụng ở miền Nam để chỉ phế liệu có thể tái chế được. Ve không chừng là cái chai nhỏ và chai là cái ve bự. Ve dầu Nhị Thiên Đường hay chai rượu đế.
Tưởng chỉ ở VN mới bán hay mua ve chai, không ngờ Tây nó cũng có. Trẻ cho chí già, ai cũng có thể đi bán ve chai. Chủ vựa ve chai không phải là người mà là máy.
Ở Pháp, Phần Lan, máy mua ve chai đặt trong siêu thị; ở Ý tôi thấy bên ngoài trạm metro; tôi không rõ ở Đức.
Tây mua ve chai rất kén chọn. Họ không mua các tông, giấy vụn, sắt, thép, nhôm, nhựa như Ta. Chỉ có vỏ lon bia, lon hoặc chai nước ngọt, chai rượu Tây. Giá có ghi trên lon hoặc chai (xin xem hình, chữ số khoanh tròn có mũi tên).
Chai nhựa 1,5 lít là 10.000; chai 0,5 lít: 2500 đồng; lon bia nhôm: 3700 đồng. Nếu mang ba thùng vỏ bia sang đây, mấy bác nhà mình có thể đổi một thùng bia Sài Gòn.
Cách bán ve chai rất khỏe, không cần đếm lon; có một cái ống dẫn có lỗ tròn, cứ từ từ bỏ hết lon này đến lon khác, máy tự động tính tiền. Hết lon, chai, màn hình sẽ hiện lên tổng số tiền, và 5 giây sau, một phiếu ghi tiền in ra; có một bồn rửa tay sẵn xà phòng bên cạnh giúp rửa sạch tay; người bán cầm phiếu bước vài bước lại chỗ quầy tính tiền và đổi lấy Euro. Trẻ con được khuyến khích đi bán ve chai để ý thức được rác tái chế vừa giúp giữ môi trường trong sạch, vừa có tiền kẽm bỏ bùng binh.
Trẻ con Tây làm quen với việc phân loại rác và có trách nhiệm với rác từ khi còn học mẫu giáo. Một trong những môn học quan trọng của trẻ em là biết cách thức đối phó với các loại rác thải. Lon, chai nhờ thu mua giá cao nên chuyện vất chúng bừa bãi trên đường phố sau những lễ hội hoàn toàn không có xảy ra. Ve chai rất quan trọng với họ. Rất khác ta, ai bán hay mua ve chai thường không được coi trọng. Sá gì thứ rác rưởi!