Nhiều người mình đón khách Tây du lịch bằng những món ăn phải giống Tây. Họ sợ các bác mũi lỏ không quen nước mắm, ớt, tỏi, hành, các loại thức ăn thuần Việt. Té ra không phải. Ai cũng vậy, ăn phở riết thì muốn "thử" cơm. Có khi cơm nguội, cơm thừa cũng rất ngon. Của lạ mà. Tây cũng rứa.
Đó là lý do tôi thấy các tiệm bán đồ ăn Á rất đông khách tại Ý, Pháp, Đức, Phần Lan, mấy chỗ tôi đi qua. Đặc biệt là phở bò. Thịt bò có chỗ cắt lát vuông vắn như giấy bìa; có chỗ bỏ ra tô màu tươi của thịt vẫn còn đỏ hồng, khi trộn để ăn thì thịt mới chín. Có chỗ thịt xắt nhỏ miếng như nhưn bún Huế. Chỉ ở Đức, thịt thái đúng cách, ngang sớ, dầy miếng, hơi dai nhưng "nhai" được, rất hợp ý người mình, bởi đó là phở Nam Định chợ Đồng Xuân và đương nhiên các loại rau, gia vị ăn kèm rất đầy đủ. Có tiệm ớt không thấy, có khi cả chanh, chỉ có ngò gai, lá to tổ chảng; có tiệm lại có mỗi rau quế cũng to chà bá. Hành tươi củ, lá trụng nước sôi tuyệt đối không có. Tương ớt và giá sống chỗ nào cũng đủ, những cộng giá to mập như đầu chiếc đũa ăn.
Tiệm nào ở bốn nước tôi vào cũng đông khách Tây. Khác ta, Tây ăn phở rất lặng lẽ in như miễn cưỡng lắm. Thật ra, nhìn cách họ cầm đũa, cầm muỗng húp từng muỗng từ tốn, gắp con mì, lát thịt, bỏ miệng nhai nhỏ nhẻ, nhưng khi để ý nhờ mang kiến mát, tôi mới phát hiện, bát nào bỏ xuống chẳng còn một tí nước lèo (nước dùng). Nghe họ nói với nhau, không phải bằng tiếng Anh, nhưng tôi đoán, very good, ngon lắm, ngon lắm. Điều đặc biệt, không có tiệm phở nào dọn tăm xỉa răng, trừ nước Đức với chợ Đồng Xuân. Và thể tích bát phở phải nói là vĩ đại nhất VN; Tây nó to gấp đôi ta, bát phở cũng rứa. Giá trung bình ở các nước là 14 đến 15 đồng một tô (trên 350 ngàn).
Một điều tôi để ý một vài người Việt chúng ta thiếu tự tin (Trừ ở Berlin, chợ ta), khi để tên tiệm có "hơi hướm" Thái Lan. (Tôi không tiện nêu tên). Họ không có một biểu tượng nào để hãnh diện nói lên "Tôi là tiệm phở VN". Giữa sảnh lớn của tiệm là hình ảnh vì vua và hoàng hậu Thái Lan. Hình ảnh biểu tượng một nước Thái trong tiệm ăn Việt, đối với tôi, một cảm giác man mác buồn. Nghe con tôi nói, khi qua Nhật những năm đầu 2000, cháu phải mua nước mắm hiệu Phú Quốc nhưng sản xuất tại Thái Lan. Người Thái còn "ăn có" tiếng tăm của người Việt kia mà.
Tuy chỉ vài chỗ tôi đến, chưa phải là tất cả tiệm ăn Việt nước ngoài, lấy “tiếng” của người (Thái) để làm cho thương hiệu tiệm mình nhiều người để tâm khiến tôi tâm tư nhưng chủ tiệm thì không, do lợi ích kinh doanh thương hiệu "mượn" của một nước nổi tiếng về du lịch trên thế giới?
Dù sao, khi ở quê nhà, tôi nghĩ, thế giới nước nào cũng sẽ biết hai tiếng VN, một nước nhỏ “đánh thắng nhiều đế quốc to.”. Nhưng tôi lại nghĩ, khi qua đây, chính món phở mới là cách xiển dương nước Việt không thua gì chiến tranh với người Mĩ người Pháp người Trung Hoa. Phở sẽ ngang ngửa về danh tiếng với Pizza của Ý, Vang của Pháp, và cả Bia Tiệp, bia Đức, whisky Tô Cách Lan. Thấy mấy ông Tây bà đầm có người sì sụp húp nước lèo, tay quờ quạng với đôi đũa tre, bỏ cả cái nĩa truyền thống để tận hưởng hương vị món phở, tôi thật sự “tự hào “, người Việt đâu chỉ nổi tiếng đánh nhau đâu.
(Ảnh: Một lâu đài cổ ở Turku, cố đô Phần Lan. Hình minh họa chống trôi bài).