Saturday, June 24, 2023

BIA ĐỨC

Khi biết tôi đi du lịch châu Âu, một người khuyên, nếu có đến Berlin hãy thưởng thức bia Đức.

Không là người ghiền bia nhưng tôi có khiếu cảm nhận bia ngon, bia dở, có khi vì tửu lượng nằm dưới trung bình. Quả thật,lần đầu tiên trong lịch sử uống bia, tôi thấy lời giới thiệu của người quen là đúng đắn. Ngon quá.

Không biết tả thế nào để quý vị cảm nhận được hai chữ “ngon quá”. Trước khi ngụm một hớp bia, tôi ngửi ra cái mùi thơm của hoa bia (houblon) trong tâm trí, dù chưa từng trực tiếp thấy nó. Sự tưởng tượng bao giờ cũng phong phú. Mường tượng ra hoa houblon làm nên ly bia sủi bọt, vàng óng, thơm lừng, cái vị ngòn ngọt, đăng đắng, lâng lâng ở đầu lưỡi, để lại một cảm giác tê tái trước khi hớp bia nhẹ nhàng đi vào bao tử. Tiếng A sung sướng nho nhỏ kéo dài, không khác tiếng Um hạnh phúc của một thiền sư vừa đắc đạo.

Trà tam rượu tứ. Uống rượu cần phải có người đối ẩm, mà bia lại cần…khẩn thiết hơn. Lần đầu tiên uống bia tươi (draft) tại vương quốc bia với một người anh quen qua Facebook. Anh định cư trên 30 năm tại Đức. Gốc người Hà Nội, kỹ sư từng tu nghiệp ở Trung Quốc, trông anh rất lịch lãm, dù trước đây, anh từng là…hạt giống đỏ. Tôi quen một số trí thức miền Bắc. Anh là một trong những người cởi mở và tiến bộ nhất, trong suy nghĩ của tôi. Thích nghi trào lưu tiến bộ xã hội khi chủ nghĩa cộng sản chứng tỏ sai lầm không dễ có ở những người tôi quen khi biết họ trưởng thành dưới mái trường XHCN.

Khi tôi vừa đến phi trường Berlin, anh nhắn tin mời tôi cà phê. Tôi hăng hái nhận lời ngay. Sáng sớm 8 giờ, anh và chị, chạy chiếc Audi cáu cạnh đến khách sạn khi tôi chưa kịp mở cửa đón ông bà.

Sau cà phê, ông bà đưa vợ chồng chúng tôi thăm một số nơi nổi tiếng của Berlin. (Tôi sẽ hầu chuyện quý vị trong những ngày tới, cảm nghĩ của mình về nước Đức). Nào đài tự do, công viên rừng (chỗ Trịnh Xuân Thanh bị tó), khải hoàn môn Brandenburg, bức tường ô nhục…

Nhưng phần thưởng thức bia Đức, đối với tôi, mới là quan trọng. Bởi nơi uống là “quê hương” thứ hai của người Việt tại Đức. Chợ Đồng Xuân. Nó toạ lạc trên khu đất rất rộng hàng mấy mẫu tây. Vào chợ, ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Việt không phải tiếng Đức bởi đa phần chủ tiệm là người miền Bắc đến từ Đông Đức cũ.

Ở nước ngoài, nghe ai nói tiếng Việt, dù không quen, bạn vẫn có ngay cảm tình, tình quê hương. Tất cả các loại rau quả bán ở đây đều có như ở VN; hoặc nhập qua, hoặc trồng tại chỗ.

Anh chị mới gặp mời vợ chồng tôi ăn trưa, phở. Thật buồn cười, đi Tây lại thích ăn Ta. Hơn 1 tháng xứ người, cái chúng tôi nhớ nhất là cơm, đôi đũa, ớt, nước mắm và cá khô. Đặc biệt là các loại rau thơm.

(Như) rượu Hồng Đào (Quảng Nam) chưa nhấm đà say

Phở Nam Định tại đây ngon còn hơn phở tôi ăn ở Sài Gòn. Thiên vị chăng? Không. Vị phở đúng Bắc, không pha như ở miền Nam. Nhưng thật ra không ngon bằng bia uống kèm.

Mỗi tối, tôi đều uống một lon bia, ngay cả khi du lịch nước ngoài; bia như ở Phần Lan khá đắt, 4 đồng/ lon (chừng hơn 100 ngàn. Nhưng chưa thưởng thức bia tươi. Và phải nói ngay, bia đóng chai, đóng lon, hương vị không bao giờ bằng bia tươi (draft). Cái nước có vị vừa nồng, vừa thơm, vừa ngọt, vừa đắng, có màu vàng đậm, sủi tăm, như bọt nước sông mùa lũ, lại vừa tê tái, khiến bia tươi hơn hẳn bia đóng chai, đóng lon. Tôi không hiểu vì sao.

Từ tốn nhâm nhi ly bia, anh chị chủ mời thêm ly nữa; trong bụng rất ưng nhưng tôi nhẹ nhàng thoái thác. Ở đời, cái gì thiếu mới quý. Thèm mà không uống nữa, bia nó mới ngon. Quý hồ tinh, không quý hồ đa. Huống hồ tinh hoa ẩm thực: bia Đức.

Anh Duong Gia còn nói, nếu tôi sắp xếp được, anh sẽ dẫn đến chỗ uống bia nấu trực tiếp. Ở đây phải chờ để uống. Và không phải uống ly mà phải uống “thước”, gọi là bia thước. Cô phục vụ lực lưỡng sẽ khênh một khung gỗ to dài chừng 1 mét chứa trên đó 10 hay 12 ly bia to đùng. Uống bia thước phải có bạn bè. Mỗi ly bia gần như một lít.

Uống bia như uống nước, tôi nghĩ, nước giải khát. Đó là lý do bia Đức rất rẻ. Ở Ý, ở Pháp bia rẻ hơn ở Phần Lan nhưng không rẻ bằng Đức. Vào siêu thị, thấy 1 lon (nửa lít) để giá 0,6 rồi 0,7 rồi cao nhất là 1 đồng, tôi sửa lại mục kỉnh để quan sát cho tường, có đúng vậy không. Và đúng thật. Ôi, cái xứ hạnh phúc nhất thế giới (Phần Lan) bia đắt như vàng trong khi ở Đức bia bán như cho. Của rẻ, của hôi. Không dám đâu. Rẻ mà ngon, chỉ có bia Đức.

100 ngàn/lon bia Phần Lan

Bia còn ngon hơn khi gặp người đối ẩm ưng ý. Đúng là: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”(*). Tôi và anh Duong Gia chưa hẳn là hai bạn hiền. Nhưng hai người quý nhau qua Facebook là cả một niềm vui. Tứ hải giai huynh đệ. Huống hồ anh Bắc, tôi Nam, không chống nhau, nhờ hiểu nhau. Bia Đức sẽ không ấn tượng nếu không cùng anh đối ẩm, dù chỉ một ly .

Nhớ anh, tôi nhớ bia Đức. See you again. Berlin & You.

(*) Nguyễn Khuyến.