Quê tôi chỉ biết lũ sau 1975. Trước đó chúng tôi chỉ biết có lụt. Và chúng tôi gọi lụt bằng “cây lụt”. Cây xoài, cây mít, cây ổi…Thân thương, thương lắm. Cây lụt cũng vậy. Lũ nghe rất dữ dội. Và cũng đúng như thế. Khi thấy có nguy cơ, các đập thủy điện bắt đầu “xả lũ”. Chẳng ai nói xả lụt.
Ngoại trừ “trận” lụt năm Thìn, 1964, gây cảnh thảm thương, mọi cây lụt ở miền Trung, cụ thể ở quê tôi, rất “gần gũi” với người dân Quảng. Trong đó có tôi.
Qua
truyền thông, rõ nhất là báo chí “chính thống”, cây lụt của tôi biến thành cơn lũ của họ. “Lũ” sẽ kèm theo nhà cửa bị trôi, hoa màu bị hại, mạng sống bị mất. Cây lụt “hiền” lắm. Cứ sau tháng 8 âm lịch, vùng quê sẽ đón những cây lụt. Nhiều thì năm sáu cây, ít thì đôi ba cây. Mưa sẽ kéo dài một tuần hay 3 ngày. Tùy lượng mưa sẽ có những cây lụt to hay nhỏ. Nước lụt sẽ được đón chờ. Trẻ con chúng tôi đi “coi” lụt. Các bác nông dân sẽ “đứng trủ”, một loại lưới hình vuông, bốn góc nối với hai cộng tre nhỏ bằng ngón chân cái uốn cong giao nhau, điểm giao này cột chặt với một thanh tre đực (tre đặc ruột bằng ống thổi lửa) dài chừng 3 mét, đầu thanh tre tì vào đất, chừng 10 phút, người ta “cất” trủ, tức kéo lưới lên. Cá đang đi bị nằm trong lưới. Một cái gáo dừa có cán dài đưa ra để “hốt” trọn số cá trong đáy trủ. Cá dính lưới thường là cá con, gọi là cá “cấn” – cá con đủ loại.
Cây lụt sẽ “lớn” dần. Một hay hai ngày, lụt mới vào sân hay vào nhà. Trẻ con chúng tôi cắm một cây nhỏ ở mực nước dâng. Lụt sẽ “to” nếu chỗ cắm cây nước ngập nhanh. Lụt sẽ nhỏ nếu chỗ đó nước lên chầm chậm. Vì sao như vậy? Núi rừng quê tôi bao bọc lấy xóm làng.
Dãy Trường Sơn ôm ấp xóm làng dưới chân mình. Tầng tầng, lớp lớp các loại cây rừng, lớn có, nhỏ có; có cây trăm tuổi, có cây 50 tuổi, và có cây mới có trên trần năm bảy tháng; tất cả như là người ông, người cha, người con…ruột thịt với dân làng sống quây quần bên lưu vực các dòng sông , sông Côn, sông Cái, sông Vàng. Các thế hệ cây rừng giữ nước mưa, khi nhiều quá, họ mới cho chảy xuống sông. Sông không chứa đủ, nước phải tràn. Nước mưa càng nhiều, sông phải chia sẻ nước vào những cánh đồng lúa bạt ngàn. Rút không kịp, nước sông đành vào nhà người dân than mến của mình.
Những cây lụt càng “ngâm” lâu, những cánh đồng càng phì nhiêu; phù sa từ suối nguồn, lá rừng hoai mục từ rừng núi, ruộng đồng tươi tốt sau những cây lụt trong năm. Lụt còn giúp nông dân “giải quyết” chuột đồng, kẻ thù bất cộng đái thiên. Có lũ gặm nhấm, có tai họa. Nhiều năm thiếu lúa vì bọn gặm nhấm quá nhiều. Chúng như những quan tham, đục khoét tài sản nhân dân.
Lụt không hại nông dân. Lụt với nông dân là bạn. Chỉ có lũ mới là kẻ thù. Lụt đến, lụt đi, như quy luật ngàn đời. Lụt bắt đầu và lụt kết thúc, nhờ thiên nhiên, ở đây là núi rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn; người ta còn “hiểu” lụt như hiểu người yêu: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Làm cho cây lụt 23 tháng 10”. Qua tháng 10 âm lịch, lụt không còn nữa. Họa hoằn lắm gần cuối tháng mười (ngày 23) mới có một cây lụt “cuối cùng”. Lụt lớn đến nổi, trên mặt sông có những cây khô rất to, trôi vun vút như tên bắn. Dân làng kháo nhau ông bà lên nguồn lấy cây về để “làm nhà”.
Khi lụt dâng, người ta bắt đầu đi đánh cá. Kẻ “khá giả” mới sắm nhiều tay lưới. Người “trung lưu” bắt cá bằng lờ. Lờ có hình trụ dài tầm 5 tấc, ngang 2 tấc, có cửa (hom) 2 đầu, cá vào nhưng không ra được, đan bằng những cộng tre vót nhỏ như cây tăm (lờ trúm, lờ con), hoặc lớn hơn (lờ trung, lờ ống, lờ ngâm , có thể để dưới nước đôi ba ngày mới giở -tức thu lờ về), loại lo chuyên đánh bắt cá giếc, cá dưng, loại cá sống rất lâu dưới nước mà không sợ thiếu ô xy, khác với loại cá tràu (lóc), cá rô, cá trê. Mùa mưa nhiều, tức mùa lụt, chính là mùa người nông dân yêu thích: vừa có cá ăn, vừa có màu mỡ cho vụ mùa.
Người nông dân dự đoán lụt to hay lụt nhỏ tùy theo lượng mưa kéo dài nhiều ngày hay ít ngày, mưa to hay mưa nhỏ. Việc “dọn lụt” sẽ được quyết định hay không. Dân còn nghèo, ngoài các vật dụng liên quan nghề nông như cối xay, cối giã lúa, dừng, sàng, nong nia, thì lúa là tài sản quý giá nhất. Thường thì nhà nào cũng có gác lửng làm bằng những tấm gỗ dày, cứng cáp, nơi chứa những bồ lúa hay “dí” lúa, (tấm cót rộng 1 mét dài chừng 4 mét, đan bằng tre chẻ mỏng). Việc dọn lụt do đó không lấy gì làm vất vả. Vả lại, nước lụt dâng từ tốn không làm cho nông dân “trở tay không kịp” như những trận lũ ngày nay.
Lụt khác lũ – theo suy nghĩ nông dân – vì lụt hiền hòa và lũ dữ tợn. Cây rừng bị triệt hạ, cả già lẫn trẻ, thay vào bằng cây keo, cây tràm cho TQ mua làm giấy, đôi ba năm đốn sạch, đốt sạch để trồng tiếp. Lại còn những con đường ủi loang lỗ, chằng chịt trên núi, xe công nông có thể chạy đến tận nơi chuyển gỗ tràm, gỗ keo về các nhà máy để băm nhỏ cho dễ xuất. Hễ có mưa là có nước đỏ quạch đất núi trút xuống ào ào. Rừng không còn là bạn của dân nghèo. Rừng của những người có của ăn của để: rừng keo rừng tràm, một loại rừng “mì ăn liền”. Nước mưa hiền hòa trở thành dữ tợn: nó trở thành lũ quét. Quét hoa màu, quét vườn tược, quét cả nhà cửa. Lũ càng dữ tợn với các thủy điện xả lũ. Bàn tay con người còn mãnh liệt hơn bàn tay thiên nhiên. Xả lũ không phù hợp làm lụt ở vùng hạ lưu các dòng sông có đập thủy điện trở thành lũ, hung tợn, dũ dằn, có khi tàn khốc.
Phát triển để phục vụ con người nhưng phát triển gây hại cho nhóm người này đồng thời tạo lợi ích cho nhóm người khác cần phải cân nhắc. Lợi lớn hơn hay hại lớn hơn. Đó là suy nghĩ của các bậc điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Tầm “vi mô” ở người dân nằm trong tay tầm “vĩ mô” của lãnh đạo.
Lũ ngày nay có vẻ hiền hơn trước? Các đập thủy điện đầu nguồn có kinh nghiệm dự đoán thời tiết và xả lũ thích hợp, kịp thời gian, đúng quy trình khoa học . Tuy nhiên, quê tôi là nơi có nhiều thủy điện nhất nước. Không biết đây là niềm hãnh diện hay là nỗi lo âu. Tính toán xả lũ để làm các cây lụt hiền hòa hay dữ tợn, tất cả tùy thuộc vào con người – những ai đang giữ trọng trách điều hành thủy điện. Rất may, kể từ năm 2006, vừa lũ vừa bão, thủy điện thi nhau xả lũ, cả một ngôi làng gần thủy điện gần như bị lấp đầy bởi cát, đá, có chỗ lên đến mấy mét. Thiệt hại về người, về của đến mức chủ tịch nước Trương Tấn Sang than hành đi xe qua hơn 50 cây số từ Đà Nẵng lên đến quê tôi để “mục sở thị” tác hại của lũ trời, lũ người.
Từ đó về sau, các trận lũ dần dần hiền hòa, hình ảnh các cây lụt xa xưa đang dần hình thành: dân cư trong vùng gần thủy điện đĩnh đạc đón lụt trong tâm trạng không còn hoảng sợ trước lũ như năm 2006.
Tất nhiên, ngày nay của cải vật chất nhiều hơn, tốt hơn, việc dọn lụt của dân chúng càng nặng nề, càng vất vả hơn. Nhưng tất cả đều được chuẩn bị bình tĩnh hơn, và cẩn thận hơn. Nhưng vì nằm giữa hai con sông: sông Cái và sông Con, dân quê tôi vẫn còn “hồi hộp”: Thủy điện bên sông nào xả sớm, xả mạnh, dân làng sống hai bên bờ con sông ấy sẽ “đón” lũ sớm hơn, đương nhiên sẽ vất vả, nhọc nhằn hơn.
Người dân rất quen vào “tính nết” của các ông bà thủy điện. Ngày xưa sống chung với lũ thì ngày nay sống chung với thủy điện. Có thủy điện, có tiện ích. Người sử dụng điện khắp VN có lẽ sẽ không hiểu thấu nỗi lòng của người ở vùng “sản sinh” ra thủy điện. Lũ lụt trở thành “lẽ sống”. Năm nào cũng vậy. Năm bảy cây lụt là chuyện thường. Dân chỉ mong lụt không biến thành lũ. Trăm sự cũng trông mong vào sự xử lý thông minh của các ông thủy điện. Lũ sẽ thành lụt. Lụt rửa sạch thuốc trừ sâu rời khỏi ruộng đồng. Lụt trừ khử kẻ thù nông dân: loại chuột chuyên gặm nhấm. Lụt bồi bổ phù sa cho ruộng đồng. Mùa lụt, chợ quê bày bán nhiều loài cá trước đây gần như tuyệt chủng vì thuốc bảo vệ thực vật: cá giếc, cá dưng, cá gáy…
Tôi bắt gặp những đàn cò trắng bay lượn trên mặt nước khi lụt đang rút đi. Chúng đậu tương đối nhiều trên cồn chưa ngập nước có trâu đang gặm cỏ. Và đặc biệt, trong mùa lụt tôi gặp một đàn quạ mấy chục con: thật hiếm thấy mấy chục năm trở lại đây. Cò và quạ là hại loại chim rất thân thuộc với dân quê từ khi tôi còn năm bảy tuổi. Bẵng đi mấy chục năm, chúng lại trở về. Lũ thành lụt chăng?