Friday, October 21, 2022

TRỐNG

 Không phải là trống vắng mà là trống đánh. Như tiếng trống trường gần gũi vì ai cũng có thời đi học.

Quảng Nam tính ra có nhiều cái “nổi tiếng”; không chỉ “hay cãi” đâu hỷ. Đó là “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều. Ghé ông Google có thấy làng nghề Lâm Yên hình thành hơn 200 năm, phát xuất từ Hải Dương, miền Bắc, đến nay nghề làm trống truyền đến 6 đời (thế hệ). Nhưng “mục sở thị”, tôi vào nhà một nghệ nhân, anh cho biết mình là đời thứ bảy ở làng làm trống bán cho cả nước nhất là các tỉnh phía Nam.
Có lẽ không ai tin nhưng người đàn ông này (tầm 50 tuổi, từ chối chụp ảnh) cho biết vừa bán cho một doanh nhân ở Đồng Nai một chiếc trống dài…6 mét rưỡi! Miệng trống có đường kính 2.3 m, bụng trống 2,8m với giá 3,5 tỷ (riêng tiền mua cây là 2,5 tỷ, loại gụ Châu Phi qua cảng Hải Phòng). Mất hàng mấy tháng mới hoàn thành chiếc trống “khổng lồ” này. Chiếc nhỏ hơn (trong hình) chừng 1 tháng, giá 120 triệu, miệng trống 1,3 m, bụng 1,6 m và thân trống dài 2,1 m.
Vì sao người ta không làm trống có mặt lớn hơn 2,3 m (có lẽ lớn nhất nước)? Đáp: Không có con trâu nào đủ lớn để cho da bịt đủ mặt trống lớn hơn. Mặt trống tôi cứ nghĩ làm từ da bò nhưng “bé cái nhầm”, không phải.
Lâm Yên là tên lâu đời của xã Lộc Hoà (VNCH), nay là Đại Minh (CHXHCNVN). Nếu “hai ông” sau dẹp nghề làm trống lâu đời thì ông Lâm Yên đã bị xoá sổ “bụi đời”. May mắn, vật phẩm văn hoá truyền thống phục hồi, trong đó có TRỐNG, CHIÊNG, cái tên cha ông đặt cho tên làng mới có cơ duyên sống lại.
Lâm Yên có chung số phận của nhiều ngôi làng bị chiến tranh tàn phá ác liệt nhất của tỉnh Quảng Nam và có thể nhất nước, vì nó nằm ở vùng B, vùng “oanh kích tự do”, (free fire zone) khác với vùng A thuộc quân đội Sài Gòn.
Người ta kể năm 1965, sau thời gian quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, du kích vùng “tự do” (Việt Cộng kiểm soát) chưa hình dung ra sức mạnh lợi hại của máy bay trực thăng. Họ chạy trốn Mỹ hành quân càn quét bằng cách núp vào các cánh đồng trồng bắp, từng toán, từng toán. Hẳn là tránh được đối phương. Ai ngờ, trực thăng Mỹ, với sức gió cực mạnh phát ra từ các cánh quạt, cây bắp ngã rạp sát mặt đất, “các đồng chí bị lộ”, rõ mồn một, và đau đớn thay, những chàng trai tuổi đôi mươi không có người nào còn sông để trở về với gia đình. Tỉnh “bà mẹ Việt Nam anh hùng “ nhiều nhất nước có lẽ do sự hy sinh quá lớn của những thanh niên ở buổi đầu chiến trận.
Và ác liệt của chiến tranh không làm mất đi truyền thống của làng Lâm Yên nửa thế kỷ sau: những chiếc trống làm bằng thân cây nguyên khối, không phải những mảnh gỗ mít ghép lại như thời xưa. Việc “gọt “ cho tròn, cho đều, cho cân đối khối gỗ to thành chiếc trống “quá khổ”, độ dày vỏ trống, cách thuộc da, phơi khô, bịt miệng trống, với các công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự bền bỉ, tính kỹ thuật, tay nghề đặc biệt, không dễ ai cũng làm được, để có tiếng trống vang lên vừa hùng vĩ vừa lay động vừa khí khái cho xứng với trống Lâm Yên danh tiếng.
Ăn giỗ ở nhà một người bạn, nhìn những hàng cau cao vòi vọi trong những khuôn vườn của một vùng chiến tranh đẫm máu ngày xưa, bắt gặp khối cây để chế tác nên trống để bên đường, tôi mừng rỡ, sức sống của dân tộc này vẫn còn mãnh liệt, từ đây, trống Lâm Yên đi ra mọi miền đất nước. Không chỉ là tiếng trống trường. Biết đâu đó là tiếng trống “ra quân”, khơi dậy trong lòng mọi người VN, tiếng trống thiêng từ quá khứ, nếu không như tiếng trống Mê Linh thì cũng là “ Trống đồng Ngọc Lũ”.
Làng Lâm Yên và tiếng trống Lâm Yên. Tiếng trống danh tiếng đang vang xa, vang xa…