(Nhân trời mưa rả rích ở Đà Nẵng chưa về lại quê. Bài dài như mưa…dầm).
Trong cuốn A Brief History of Humankind (tạm dịch: Lược Sử Loài Người), Yuval Noah Hararai cho rằng: Lịch sử là câu chuyện kể. (History is a narrative). Tôi thì hiểu ‘chuyện kể’ là ‘tự tình’.
Làng xưa của tôi có lẽ cũng giống mọi ngôi làng quê tiêu biểu ở đất nước nhiều sóng gió này: có con sông chảy qua, có lũy tre, không biết trồng tự bao giờ, bao bọc gần trọn ngôi làng, không phải để chống lại quân giặc mà để che chắn tai ách thiên nhiên: những trận bão, những trận lụt, liên miên bất tận. Lũy tre làng không mang ý nghĩa xỏ xiên; nó bị gán ghép cái tên “trong lũy tre làng” hay “sau lũy tre làng”- một cách gọi miệt thị- để chỉ sự nhỏ nhoi, kém cỏi, quê mùa.
Dọc bờ sông là dãy tre làng dày đặc. Không có trận lụt nào khiến đất đai bị xói lở, trôi đi, để gây ra “dâu bể”: đất bồi thì ở, đất lở thì đi. Ở làng quê, đi thì biết đi đâu? Lũy tre trở thành chiến lũy.
Vì sao tre làng vẫn sống từ đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người không phải đời tre? Nếu phát hiện ai chặt tre hay bẻ măng tre, kẻ ấy sẽ bị làng phạt rất nặng. Phạt mang lại hiệu quả bảo tồn? Không. Chính lợi ích lũy tre mang lại là động lực để dân làng không “ăn“ măng để “mất” tre. Cây tre thân yêu và quý giá dường nào với dân làng.
Lũy tre còn mang lại không khí thanh bình. Chim cưỡng, chim cu thích đậu ở cành cao như cây gạo, cây đa, nhưng các bụi tre um tùm có khi là nơi chúng làm tổ, tổ chim non, ríu rít.
Mỗi chiều đi tắm sông, trẻ con chúng tôi còn thấy những bầy chim sả bay lượn từ các ngọn tre cao rồi đáp xuống bãi cỏ xanh có đàn trâu đang gặm cỏ xa xa bên dưới; (chim sả còn gọi chim trà trả, sống theo bầy, lớn gấp đôi chim sẻ, màu lông xanh biếc, có tiếng kêu giòn giã, vui tươi).
Có ai để ý tiếng gió thổi qua các bụi tre mọc dày đặc soi bóng xuống bờ sông? Tre vừa khẽ nghiêng mình vừa cất lên âm thanh vi vu như những nốt nhạc nhẹ nhàng và êm dịu. Bên các gốc tre là nơi sinh sống của những chú trùn con nho nhỏ, tên là trùn huyết, thân chúng đỏ như huyết. Chúng tôi bươi đất mùn ra bằng một que tre để nhặt lấy chúng. Dưới làn nước trong như gương của dòng sông là các chú cá bống, có nơi còn gọi cá bống cát vì chúng nằm sát mặt cát và có màu của cát phản ánh màu nước sông trong veo. Trùn đào từ vạt đất dưới bụi tre là mồi ngon của những chú cá bống.
Lịch sử- những tự tình, những câu chuyện kể - của làng tôi còn gì nữa không ngoài luỹ tre làng? Còn. Rất nhiều. Nhưng là những câu chuyện rất giống cổ tích.
Khi còn là những cậu bé vừa cắp sách đến trường, chúng tôi nghe cha mẹ hoặc ông bà kể lại những câu chuyện không khác chuyện thần tiên. Tất nhiên, tôi sẽ không nhắc lại những câu chuyện kể về…ma. Làng quê không bóng đèn điện, um tùm cây cối, chưa chiều thì đã tối, chuyện ma là đề tài gây sợ hãi nhưng hấp dẫn cho trẻ con trong gia đình quây quần sau mỗi bữa ăn tối.
Bằng cách cả quyết là có thật, ông nội tôi từng kể, cha tôi cũng từng kể, như bao nhiêu người già cả khác ở vùng quê heo hút, thường là nhiều câu truyện bắt đầu và kết thúc “như thật”.
Có ông Tám Đảnh từ đâu đến làng chuyên hành nghề “phù thủy”. Không phải là bà phù thủy đáng ghét ở phương Tây. Học nghề “thầy pháp” (như phù thủy) để chữa bịnh cho dân làng. Một bé trai sáu tháng tuổi lên cơn co giật vì sốt quá cao. Chắc là bị “ma bắt”. Thầy được mời tới. Chẳng một lời hỏi han sự tình, sờ trán và nhìn đứa bé một chút, thầy nắm hai chân nó xách hỏng lên, đi từ tốn đến lu nước đầy (quê tôi gọi là ảng nước), trước sự ngỡ ngàng và hốt hoảng của mọi người trong nhà, ông thả vào đó, thản nhiên bỏ đi, cũng chẳng có lời nào dặn dò. Sợ con chết ngộp, người cha vội vã ẵm cháu bé ra khỏi lu nước đầy. Lạ lùng thay, đứa bé không còn sốt nóng nữa. Nó khóc và đòi bú mẹ.
Một lần khác, thầy được mời đến chữa một người đàn ông lên “cơn điên” đập phá đồ đạc trong nhà. Thầy đến với một con roi mây dài, mảnh. Đưa tay rút một cộng tranh bên dưới mái nhà (ngày xưa nhà rất thấp) vào buổi sáng sương còn đẫm phía trên mái, thầy bật lửa (bằng đá đập nhẹ vào nhau tạo lửa cháy tiêm mồi- gọi là bùi nhùi) đốt, rồi điềm nhiên phóng lên mái nhà . Lạ thay, cọng tranh cháy hết (vì khô) nhưng không bắt lửa cháy lây. Mọi người hốt hoảng chạy ra xem, trên tay là các “gàu” nước chuẩn bị chữa cháy; trong số đó có cả người đàn ông bị “ma ám”. Sẵn roi mây trên tay, thầy quất lấy quất để vào mình “ông điên”. Đến khi người này la to: “ Đau quá, đau quá, xin thầy tha cho” thì thầy chỉ vào mặt ông, quát lớn: “Từ rày không được phá phách nữa, nghe chưa”. Nói xong, thầy bỏ đi với chiếc roi mây dài. Thầy không mong được trả ơn. Từ đó, người đàn ông “hết điên”.
Nhưng câu chuyện này mới lạ lùng hơn. Vào mùa nắng, ở làng quê người ta thường đi bắt ếch. Ếch mùa này thịt rất ngon. “Ếch tháng ba, gà tháng chạp”. Thầy đang làm nhà; có rất nhiều thợ vì nhà khá lớn- tới năm gian. “Nghe thầy từng gọi hồn, kêu vía; chúng tôi mong thầy gọi…ếch để bắt về nấu cháo đậu đen, thưa thầy được không?”. “Dễ ợt. Các anh cử một người ít nói nhất theo tôi. Chuẩn bị “oi” (giỏ đựng cá) cho to”. Đến một thửa ruộng khô nằm sát bờ tre rậm rạp, ra dấu người đi theo ngồi phía sau với lời dặn phải tuyệt đối im lặng, thầy bắt đầu cất lên âm thanh không khác gì tiếng kêu của ếch mùa giao phối. Tàn độ chừng nửa điếu thuốc lá, ếch bắt đầu từ các bụi tre nhảy ra, lệch ệch, con này nối con kia, những chú ếch bụ bẫm thân ướt đẫm như vừa mới tắm. Người đi theo vừa sợ hãi vừa ngạc nhiên nghĩ bụng: hay là ếch ma.
Không. Ếch thật. Khi bắt độ trên hai cục con, thầy đứng lên, ra hiệu cho người đi theo ra về. Ông thầy lầm rầm cái gì trong miệng, người đi theo không nghe rõ, rồi giơ tay cao về phía những bụi tre như chào từ biệt những con ếch trong đó chưa kịp nhảy ra.
Cha tôi (sinh 1902) còn kể thầy Tám Đảnh có thể đi qua sông bằng chiếc nón lá. Nếu có ai thấy mà la to, chiếc nón sẽ chìm. Cha tôi còn quả quyết ông nội tôi từng thấy hồi còn trẻ thầy phù thủy lướt qua mặt sông mà không cần nón lá
Gần 60 năm sau, lịch sử, quá khứ của làng tôi chỉ còn sống trong lòng những người tha hương như tôi qua các câu chuyện kể, những tự tình.
Kể cả lũy tre làng yêu dấu của tôi.
Chúng chỉ là lịch sử - câu chuyện tự tình. Nhìn bãi cát xô bồ vì lũ lụt, bãi cát vô tri, bên con sông đỏ quạch, cạn cợt, nơi có dòng nước trong veo với những chú cá bống ngày xưa, tôi không hình dung ra ở đâu là những bụi tre bao đời thầm lặng bảo bọc dân làng trong đó có tổ tiên tôi.
Lịch sử chỉ là chuyện kể thôi ư?