Trong 2 từ trên, không rõ từ nào “tốt hơn” từ nào, nhưng có vẻ ông Thành kiến có lý lịch không trong sạch bằng ông Định kiến.
Bước vào một ngôi nhà mới xây xong, bề thế, khang trang, người thăm nếu ganh tị sẽ nghĩ “con chủ này, làm gì mà mau giàu thế, chắc là của cha mẹ để lại” nếu chủ nhà là thường dân. Nếu chủ ngôi nhà là một cán bộ, “thằng này chắc ăn hối lộ, chớ tiền đâu mà xây nhà to thế này”.
Những người ở miền Nam trước 1975 ban đầu thường không thiện cảm mấy những người từ miền Bắc vào; đa phần họ “quy tội” chính những người ngoài đó vào đây làm cho một số người trong họ đã gặp những khó khăn thua thiệt trong cuộc sống sau 30 tháng 4. Nhưng tất cả người Bắc đều… “khó ưa” sao?
Người Nam không phải là người Bắc?
Lãnh thổ miền Nam từ thời Nguyễn Hoàng được khai phá, mở rộng, làng xã được hình thành, không phải nhờ những người theo các chúa Nguyễn từ miền Bắc (Đàng ngoài) vào hay sao?
Chính chiến tranh, nội chiến Trịnh-Nguyễn, thực dân Pháp(chia nước ta làm 3 kỳ, có thể chế chính trị như một quốc gia riêng lẻ) và cuối cùng cái “ý thức hệ” đã chia rẽ chúng ta rất lâu, rất rộng, rất sâu, và từ đó, hễ ai là “miền Bắc”, “cộng sản”, “quốc gia” là bị “người bên kia” gọi bằng một cái tên nghĩ kỹ ra không phải cái tên đồng bào gọi nhau dù tất cả cùng một dân tộc, một đất nước, một tổ quốc. Lẽ ra chúng ta nên thấu hiểu lịch sử chính mình: một nước nhược tiểu vì vua chúa bất minh, vì ảnh hưởng đế chế phong kiến Trung Hoa, vì xâu xé bởi thế lực quốc tế; ban đầu người dân cùng nhau chung sức giành độc lập, về sau lại trở thành đối kháng nhau vì cái gọi là “ý thức hệ”, đánh nhau chí tử, núi xương sông máu, các cường quốc thêm củi, thêm lửa, thêm tiền, thêm hóa chất hủy diệt, chúng ta càng chết nhiều hơn.
Lịch sử rất huy hoàng “đánh thắng các đế quốc to”nhưng cũng rất bi thương, phải trả giá bằng mạng sống hàng triệu đồng bào. Người Nga, người Tàu, rồi người Pháp, người Mỹ và chính chúng ta, đã làm tan hoang đất nước mình.
Nhìn sự xích lại bên nhau, tuy còn nhiều việc phía trước, Nam Hàn và Bắc Hàn là nỗi niềm cho chúng ta suy nghĩ. Ước chi hơn 50 năm trước chúng ta làm được cái việc họ đang làm. Phúc hạnh cho dân tộc biết là dường nào.
Nhưng lịch sử không có “ước chi” và không bao giờ có “nếu mà”. Giờ đây, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, non sông nối liền một dải, sáng ở Hà Nội chiều có mặt Sài Gòn, liệu trong lòng của chúng ta có mảy may “thống nhất” nào không?
Chúng ta có thật sự đang sống ở một đất nước mọi người đều yêu thương nhau, xem nhau như cùng một nhà, cùng đồng bào hay không? Kẻ này gọi những người kia là bọn…“ba que”. Người kia gọi những người này “quân cộng sản”.
Những ngôn từ đó dành cho nhau dễ dàng như hít thở, hít vào thở ra, vô tư bình thản mà không thấy như vậy đã đè nặng lên tâm hồn nhau sao?
Còn một điều không thể không nói tới dù nó rất “nhạy cảm” và “nguy hiểm ”.
Đó là lá cờ, một biểu tượng tinh thần hết sức thiêng liêng.
Lá cờ vàng (hay bị gọi xách mé là “ba que”) bây giờ không còn phất phới ở Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn nằm trong tâm thức hàng chục triệu người miền Nam, vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng trong cuộc chiến vừa qua.
Lá cờ đỏ cũng là một biểu tượng hy sinh, niềm vinh dự của hàng chục triệu người và vì nó mà hàng triệu người bỏ mạng, hàng trăm ngàn người mất tích nơi rừng thiêng nước độc, thỉnh thoảng còn vang lên lời ai oán “ai biết xác liệt sĩ này nằm ở đâu xin báo cho gia đình chúng tôi...”.
Tại sao chúng ta cứ mãi nhắc đến những nỗi đau của đồng loại, bằng những tên gọi như tôi nhắc ở trên (dẫu không nhiều)? Chiến tranh vẫn còn sao? Vẫn còn những quan điểm gây chia rẽ sao? Vẫn còn có người xem nhau như thù địch sao?
Mẹ Việt Nam chẳng giây phút nào thanh bình dù tiếng súng đã im ắng mấy chục năm nay.
“Khép lại quá khứ không phải để quên nó đi nhưng để nó không ảnh hưởng tương lai”. Khó mà thực hiện mơ ước trên khi chúng ta hiện nay còn có quá nhiều thành kiến và định kiến xuất phát từ quá khứ đau thương.
Định kiến hay thành kiến đẻ ra từ vô minh. Ước chi vô minh bị triệt sản.