Monday, October 3, 2022

DĨ THỰC VI TIÊN? ( ăn là trên hết?)

 Đất nước Việt Nam hình thành như hôm nay là kết quả của các cuộc di cư. Biến cố lớn nhất tạo ra di cư: cái ăn’, kế đến mới là chiến tranh. Chiến tranh xảy ra nếu cái ăn có đủ, ít ai phải di cư. Người Việt gắn chặt với nơi chôn nhau cắt rốn. Điều tôi nói vẫn đúng đến ngày nay. Nhiều người nói giọng Trung, giọng Bắc đang ngày càng nhiều ở miền Nam, nhất là các thành phố, đô thị. Không ai di cư ra miền Bắc, miền Trung. Vì sao? Miền Nam dễ làm ăn, thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ, tinh thần con người khoáng đạt.

Tỉnh “nghèo “ như quê tôi Quảng Nam có những cuộc di cư như thế không? Ít ai để ý, ngay cả người Quảng, có những cuộc di cư nhỏ nhỏ nhưng “khốc liệt”, nhất là thời gian chống Pháp.
Vùng cực tây núi rừng Quảng Nam là nơi ’ đất lành chim đậu’ . Có vẻ khó tin nhỉ? Nhưng có thật. Cánh đồng Thường Đức (quận lỵ cũ gồm 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh) là Đồng Nai con và do đó, trở thành hậu phương kháng chiến thời Việt Minh. Dưỡng quân tại đây để VM đánh giặc tới cả Khu Tư (Huế- Bình Trị Thiên) qua dãy Trường Sơn.
Sau 1945, nạn đói và các cuộc bố ráp của Pháp vào các vùng giáp ranh Hội An khiến dân chúng bắt đầu tản cư lên quê tôi, vừa tránh chiến sự, vừa kiếm kế sinh nhai.
Nếu đi bộ, tránh đồn Tây, phải mất ba ngày đi qua Duy Xuyên, dọc theo sông Thu Bồn, rồi đi qua các rẻo núi cao trở xuống vùng Đồng Nai con. Nếu đi thuyền, thời gian cũng ba ngày, và mất hai ngày rưỡi với thuyền có bườm. Ruộng thì có chủ chỉ có bãi bồi ven sông, sát chân núi thì không. Mua có bạn, bán có phường, huống hồ sinh cơ nơi ở mới, cư dân hình thành từng nhóm nhỏ các lều trại bằng tranh, tre, nứa, lá (tro), thứ phẩm vật núi rừng có đầy dẫy.
Đất đai màu mỡ, khoai, sắn, bắp thu về không sao chứa xuể. Một số để ăn, một số chở về xuôi cho những người không đủ sức di cư như người già, trẻ em, kẻ đau ốm. Cá đánh bắt từ sông, ê hề. Thú rừng thì khó bắt hơn. Nhưng thỉnh thoảng có những bữa tiệc lớn từ đâu đưa tới: heo rừng, heo con, heo mẹ, heo đực chiếc (con đầu đàn). Vì không có cầu, lẫn không có ghe, để đi kiếm ăn hai bên bờ sông, heo rừng buộc phải lội qua sông theo bầy; đặc điểm của heo không bao giờ đi một mình (trừ heo đực chiếc, rất to, rất dữ tợn, có thể tấn công người).
Thân mình chìm dưới nước, chỉ một phần đầu và cái mõm dài đen trũi là nhô lên. Vì theo bầy, heo nối đuôi nhau qua sông; ở xa người ta tưởng tượng như có ai giăng một sợi dây to màu đen vắt qua hai bờ sông phủ đầy luống khoai, cây sắn, hai thứ đặc sản hàng đầu heo rừng rất thích.
Trên bờ, đố ai lại gần bầy heo rừng. Nhưng dưới sông, chúng rất yếu thế. Khi phát hiện bầy heo “quá cảnh”, người ta đánh động cho nhau, vội vã chèo thuyền tiếp cận. Thật tội nghiệp nhưng thịt heo là món ăn truyền thống, heo rừng lại là món ăn cao hơn truyền thống; chúng bị đánh chết bởi những chiếc dầm (tay chèo) gỗ kiền kiến săn cứng như sắt nguội.
Có lẽ không ai ăn được thịt heo rừng muối nhưng là dân tản cư từ vùng gần Hội An, muối họ mang theo rất nhiều, nó biến thành tủ lạnh giữ thịt ăn cả tháng trời cho đến khi có một “sợi dây đen to” nối qua sông lần khác. Heo rừng ăn sắn, ăn khoai của người trồng, người ăn lại thịt chúng: nhân quả mà, có chi là tội nghiệp.
Chỉ có tội nghiệp cho con người ngày nay, không hề trồng khoai, trồng sắn cho heo rừng nhưng lại khoái ăn thịt của chúng. Muốn hưởng quả nhưng chẳng gieo nhân nên núi rừng ngày càng cạn kiệt, cây rừng biến mất, cây tràm làm giấy thay vào. Đôi ba năm, tràm được đốn hạ, núi đốt trụi lũi để đất sạch trồng tiếp vụ sau, những cây rừng “mì ăn liền”.
Chuyện di cư xảy ra cách nay gần 70 năm, bây giờ, chỉ còn là chuyện đời xưa. Khi hết can qua, người di cư trở về quê quán. Nếu ở lại Đồng Nai con, lấy gì mà sinh sống. Hay là phá núi trồng tràm? Không được rồi. Xưa rừng là của chung, đất đai thuộc sở hữu toàn dân; nay rừng có chủ. Có những ông chủ sở hữu cả một cánh rừng bạt ngàn, cánh rừng tràm đấy ạ.