Lúc là học sinh, chúng tôi được giải thích “ảo tưởng thị giác”; hai vòng tròn bằng nhau nhưng hình màu đen nhìn nhỏ hơn hình màu trắng. Lớn lên, tôi thấy cái ‘ảo tưởng’ này không mất. Điển hình, tôi và một người bạn. Anh lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng nhìn trẻ hơn tôi 4 tuổi. Đến chỗ đông người, vẻ mặt của anh cũng cho người nhìn cái cảm giác một gã đàn ông bảnh trai dù tuổi ngoại thất tuần. Đương nhiên, anh được người khác chú ý nhiều hơn, nhất là cánh phụ nữ. Tôi không muốn so bì bên ngoài nhưng tôi muốn nói ý nghĩ con người không phải lúc nào cũng “vô tư”. Ý nghĩ thường hình thành do tình cảm, tập quán, hay thành kiến mỗi cá nhân. Sâu xa hơn là từ…giáo dục.
Nga của Putin là nước Nga đang bị thế giới tẩy chay. Nga của tay độc tài này khác Nga của Khrushchyov hay Gorbacheve càng khác xa nước Nga của Chiến Tranh và Hòa Bình hay Nga của Sông Đông Êm Đềm. Nhưng Nga của Putin vẫn là niềm tự hào và hãnh diện của một số (hay đa số?) người Việt Nam. Hành động ngang ngược của quốc gia này đối với một quốc gia khác vẫn được họ cổ võ. Quân xâm lược không bị lên án. Tuyên bố sáp nhập bằng trưng cầu giả hiệu lãnh thổ một nước có chủ quyền vẫn nhận “phiếu trắng” (đồng nghĩa: không biết, không nghe, không thấy). Nếu sau này có một nước lớn nào đó mang quân xâm lược một nước nhỏ – ví dụ là Việt Nam – thì thái độ các nước “bỏ phiếu trắng” sẽ được người Việt “phản đối” hay “hoan nghinh”?
Nhìn lại ví dụ tôi dẫn chứng ở trên. Chỉ bên ngoài thôi, tình cảm hay ý nghĩ của con người hình thành – thích hay không thích, yêu hay không yêu huống hồ chi tình cảm và ý nghĩ của một bộ phận (hay hầu hết?) người Việt chúng ta yêu thich nước Nga (của Putin) sâu đậm đến nỗi quên đi lẽ công chính: xâm lược phải bị lên án. Việt Nam chóng quên đất nước mình từng bị xâm lược rồi sao? Binh vực Nga (của Putin) là binh vực xâm lược. Sự nhầm lẫn ấy phát xuất từ đâu?
Cũng không khó để nhận ra nó. Số người Việt “thăng tiến” trong xã hội ngày nay đa phần là con cháu những người trước đây từng “hàm ân” Liên Sô. Bên cạnh việc bảo trợ giáo dục, đào tạo, vị anh cả khối xã hội chủ nghĩa viện trợ từng ký bo bo, từng viên đạn, từng chiếc xe tang, từng chiếc hỏa tiễn, từng chiếc máy bay cho miền Bắc tiến hành “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Thành quả “giải phóng miền Nam” là thành quả của sự viện trợ “không hoàn lại” (?) của Liên Sô đứng đầu là Nga.
Vì vậy, “ủng hộ” Nga “xâm lược” là thể hiện tình cảm “ăn quả nhớ người trồng cây”? Không hẳn như thế. Ủng hộ (tôi nhắc lại của một số người) Nga và Putin không hẳn hoàn toàn từ động cơ “vật chất” (khí tài chiến tranh, vũ khí giết người) mà từ “tinh thần” - sự giáo dục bền bỉ ở học đường khi trẻ mới chập chững bước vào mẫu giáo về Liên Sô (hay là Nga) anh em.
“Ông Lê Nin ở nước Nga,
Mà em cứ ngỡ như là Việt Nam”. (*)
Hoặc là:
“Vui biết mấy khi con tập nói.
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”.(*)
Và thống thiết hơn nữa:
“Xta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”.(*)
Khi gieo vào đầu óc trẻ con những tư tưởng hàm ơn như thế, có thể nói hàng trăm năm sau, tư tưởng ấy khó bề thay đổi.
Nhiều người cho rằng, tình cảm nước Nga dành cho Việt Nam (cụ thể là miền Bắc VN) quá sâu đậm trong quá khứ. VN ứng xử với Nga (của Putin) bằng thái độ “im lặng” cũng là điều dễ hiểu.
Tôi không nghĩ như thế. Trong thâm tâm, VN vẫn không thể chấp nhận hành động một nước mang quân xâm lược một đất nước có chủ quyền. Điều ấy trái với đạo lý: nước lớn không có quyền bắt nạt nước nhỏ. Điều ấy còn trái với luật pháp quốc tế được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Campuchia là nước lớn hay nước nhỏ? Vì sao họ dám lên án Nga sáp nhập lãnh thổ đất nước có chủ quyền? Bởi vì Campuchia không mang trong mình tâm thế của một nước “nhược tiểu”: hàm ơn và “mở miệng mắc quai”.
Đến khi nào con người cất lên tiếng nói công chính mà không phải dè dặt “trông trước dòm sau” thì khi đó tâm thế nhược tiểu của con người không còn nữa: Người Việt anh dung như đã từng anh dũng tuyên bố hằng mấy trăm năm trước:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư”(**)
Giáo dục trong sáng (có thể đối nghịch với giáo dục tuyên truyền) sẽ khiến các thế hệ hiện nay và mai sau có cái nhìn đúng đắn về lịch sử nước nhà. Trẻ con không còn ê a Lê-Nin hay Xít-ta-lin. Bằng cái nhấp chuột, chúng sẽ hiểu ra sự thật từng giai đoạn lịch sử. Quá khứ sẽ không thể chi phối tương lai nếu quá khứ ấy được soi rọi bằng trí tuệ chứ không phải tình cảm, bằng tâm thế ngẩng cao đầu đĩnh đạc chứ không phải tâm thế cúi mình trước sức mạnh. (Uy vũ bất năng khuất).
Sẽ không còn “trí thức” nào binh vực cho Putin độc tài. Yêu nước Nga chứ không yêu Putin. Cần nhớ lại bài học vỡ lòng: ảo tưởng thị giác luôn luôn là…ảo tưởng.
Chú thích:
(*) Thơ Tố Hữu
(**) Dịch nghĩa: “Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
(Bản dịch của Lê Thước và Nam Trân)
Ảnh: Người bạc tóc hơn lại nhỏ tuổi hơn.