Saturday, October 15, 2022

CHỐNG LŨ



Dân Việt có truyền thống “chống” rất lâu đời. Ngày xưa chống Tàu, gần hơn chống Pháp, gần nhất là chống Mỹ. Chưa kể cả nước đang sục sôi chống tham nhũng.
Vì quyết liệt như thế, ngày nay người ta còn chống cả…Trời. Có cái ban lập ra để chống lại thiên nhiên: Uỷ ban phòng chống lụt bão trung ương.
Phòng thì rất tốt. Chống cũng nên xem lại. Chống lụt, chống bão, sao to tát quá. Ở quê tôi, trong đó có làng Hà Tân, người ta “tránh” chứ không chống “bão lụt”. Không khác với dân Nam bộ sống chung với lũ, người dân ở đây sống chung với lụt.
Trừ trận lụt năm Giáp thìn 1964, và trận bão kèm xả lũ năm 2006, quê tôi coi lụt như…”pha”, một tiếng lóng thay cho “chẳng nhằm nhò gì”.
Nằm sát quận lỵ Thường Đức cũ, (Quảng Nam) Hà Tân là ngôi làng chịu đựng nhiều nhất không chỉ chiến tranh mà cả thiên tai. Năm 1974, trận đánh cấp quận lỵ đầu tiên trên lãnh thổ VNCH xảy ra tại ngôi làng này. Phải mất hơn 10 ngày, quận lỵ mới thất thủ. Quân giải phóng hy sinh gần 1000 người, tức chừng 10 đại đội. Quân “Nguỵ” và dân thường không rõ bao nhiêu nhưng cứ thượng tuần tháng 8 âm lịch, các chợ trong khu vực đều khan hiếm thịt heo. Vùng quê tôi coi thịt heo là món chủ đạo cho bữa ăn “thịnh soạn”. Sẽ có hàng chục, có thể là hàng trăm gia đình mua thịt về làm…đám giỗ cùng một thời gian, vì thân nhân bị chết trong trận đánh ác liệt, có người không tìm ra xác hay bị mất tích khi tháo chạy do thất trận.
Điều đó làm cho người dân quê tôi càng quen đối phó với tai ương, của trời cũng như của người. Và lũ lụt đối với họ cũng vậy. Khi có mưa to kéo dài, chính quyền địa phương sẽ thông báo chừng chừng mực nước lên của hai con sông chạy ngang qua làng, một ở hướng bắc, sông Con, một ở hướng nam, sông Cái. Duy nhất ở quê tôi, một ngôi làng có hai con sông bao bọc gần như ba phần tư đất đai của dân làng. Tôi chưa nói, Hà Tân này có một lúc hai tượng đài kỷ niệm về một chiến thắng, cái nhỏ cấp địa phương, cái lớn cấp quốc gia.
Người ta “sống chung” với lũ lụt như thế nào?
Sáng nay, lúc 1 giờ, loa thôn thông báo: bà con dậy “dọn lụt”. Thực sự, buổi chiều hôm trước, dân đã “dọn” đồ đạc lên gác cao xong xuôi đâu vào đấy. Có nhà dùng ròng rọc kéo vật dụng, hàng hoá trên một cái sàn gỗ chắc chắn. Chỉ cần bật công tắc điện, mọi thứ sẽ đưa lên gác, một người ở sẵn bên trên chuyển vào nơi cất giữ. Nhiều nhà sử dụng máy phát điện; thông thường có lụt lớn, điện sẽ bị cắt vì sự an toàn. Lụt sẽ chia cắt các địa phương, việc đi lại rất khó khăn. Thiếu điều kiện hơn, nhiều nhà buộc những chiếc thùng phuy lại, đặt những tấm ván kết liên với nhau, vật dụng thiết yếu để sẵn bên trên, nước lên, “bè” lên.
Nghe TV báo bão, báo lụt, ở xa, chúng ta thấy xót xa cho những đồng bào của mình nằm trong vùng ảnh hưởng. Nhưng ở cùng với họ, tôi thấy lũ lụt lại rất…gần gũi với bà con. Họ thật sự sống chung với lũ lụt. Họ không chống lũ lụt, họ không chống lại thiên nhiên, họ sống với thiên nhiên.
Chỗ nào ngập nước (cục bộ) thì người ta lo chuyện ngập nước. Chỗ nào chưa ngập, và biết chắc rất khó ngập nhờ địa hình cao, người ta “thưởng thức” thời gian “rảnh rỗi” bằng cách tụ tập uống cà phê bàn chuyện trên trời dưới đất, đương nhiên không sót chuyện thời sự Ukraina và Nga. Phụ nữ có người nhóm lửa…”đúc” bánh xèo. Trời rầm rập từng cơn gió lạnh, mưa từng hồi đập mạnh lên mái nhà, có lúc lại rả rích bên ngoài, gia đình quây quần bên nhau, cầm những chiếc bánh nghi ngút khói chấm nước mắm ớt đưa vào miệng nhai. Cái béo ngậy của bánh đem lại năng lượng để người ta sống chung với lũ lụt. Bánh xèo dễ làm; có sẵn bột gạo thơm, chỉ cần giá, nấm, thịt heo ba chỉ, dầu phụng, những thực phẩm quen thuộc, và một bếp củi, người ta có một bữa ăn thay cơm ngon miệng.
Lụt thì có đông chợ không? Có. Ở khu nào nước không bao giờ ngập trong làng. Lạ lùng ở chỗ, tất cả xe máy đều tập kết vào những chỗ này, cả ngày lẫn đêm, chẳng cần khoá cổ, khoá xích. Chưa hề có vụ mất cắp xe nào kể từ khi xe máy trở thành phương tiện đi lại thông thường của người dân, mỗi nhà tối thiểu một chiếc.
Thật ra, chợ “đông” rất khiêm nhường. Chừng năm bảy người bán và hơn chục người mua. Sáng nay, nhà tôi mua vài cái bánh ít, vài cái bánh chưng cho gia đình bà chị, và mọi người không cần phải ăn mì gói dự trữ từng thùng phòng lụt ngâm lâu.
Chuẩn bị ra về, tôi bắt gặp một cụ già, tuổi như tầm mẹ vợ tôi (gần 90) đang hối hả tới “chợ” với một chiếc rổ nhựa bên hông. Bà ngồi kế một người phụ nữ khác đang bán hai trái thơm (dứa) chín vàng. Trên chiếc rổ nhựa cũ là ba bó môn mới cắt, quấn bằng ba cọng cỏ dài, có nhét kèm mấy chiếc lá lốt. Môn ngọt nấu với mọi loại cá đều ngon. Không cá thì lá lốt thay cá. Mỗi bó …5 ngàn. “Chị mua hết hả?“. “ Dạ, con mua hết”. Thoáng ngạc nhiên, bà cụ cầm tờ 20 ngàn và ngượng ngùng: “Lồm ren có noăm ngoàn thối cho chị đây”. (Làm sao có 5 ngàn thối cho chị đây). “Bà khỏi thối cho con”. Chúng tôi ra về, lòng vừa ái ngại, vừa sung sướng, chỉ với 20 ngàn, một cụ già không phải ngồi lâu để chờ bán 3 bó môn dại có lẽ sáng nay mới tìm cắt.
Thiên nhiên không bao giờ làm cho người dân quê tôi kinh hoàng nếu các đập thủy điện đừng biến lụt thành lũ. Thủy điện cần những người điều hành không những lương tâm mà còn phải trí tuệ.
Sống với lũ lụt khác xa với chống lũ lụt. Người dân quê tôi rất hiểu điều đó. Ba bó rau của bà cụ cũng thể hiện “triết lý”ấy.