Wednesday, October 26, 2022

TẢN MẠN VỀ ĐỊA DANH


 

Không rõ từ năm nào, Sài Gòn đổi thành thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn gọn có 2 chữ, thành phố HCM dài hơn, tới 5 chữ. Nhưng dân thường hay gọi tên cũ, ít gọi tên mới, có lẽ họ làm biếng chăng.

Không biết khi nào thì cái tên Sài Gòn biến mất khỏi tâm trí người từng sinh sống ở thành phố lớn nhất nước này. Chứ ở quê tôi, tên địa phương cũ sống sừng sững như núi như non.
Nào là Đại Mỹ, Thạnh Đại, Thái Sơn, Mậu Lâm, Trung Đạo, Trúc Hà, Chấn Sơn (còn gọi Non Tiên vì có sông núi rất nên thơ), Hoằng Phước Bắc, Hà Tân, Đại An, Tịnh Đông Tây, Dục Đông...tên gọi bị đổi lại thôn 1, thôn 2, thôn 3...cho tới thôn 14 sau ngày "giải phóng". Nghe tên thật khoa học, toàn con số, nhưng khá khô khan.
Chừng mấy năm lại đây, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, địa danh mới trở lại tên cũ, như ở trên. Tôi là dân Trung Đạo, nghe dễ yêu hơn dân thôn 5, phải hông?
Tôi vào miền Nam sinh sống, một thời gian ở Đồng Nai. Tỉnh này có lẽ địa danh chỉ thêm chứ không thay đổi. Có một điều không hiểu nổi, ở đây, hầu hết cư dân đều gọi bệnh viện Thánh Tâm, không gọi đúng Bệnh viện huyện Thống Nhất.
Thánh Tâm trước 1975 là bệnh viện của đạo Công Giáo. Bác sĩ, nhân viên là linh mục, nữ tu sĩ ( gọi là soeur) có trong đội ngũ bệnh viện. Bây giờ bệnh viện do nhà nước quản lý. Đội ngũ y bác sĩ ở đây rất giỏi, có thể mổ não, bệnh nhân trong tỉnh không cần về Chợ Rẫy nếu cấp cứu chấn thương sọ.
Cũng khá ngạc nhiên, ở đây vẫn còn các sơ nấu cháo, cung cấp thức ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo, từ một nhà thờ sát bệnh viện. Hồi tôi điều trị ở đây, bệnh nhân theo công giáo đều có thể rước mình thánh Chúa mỗi sáng chủ nhật, có 1 vị linh mục mang Chén Thánh đi tới từng giường nằm bệnh nhân khắp bệnh viện, và tôi cũng ngạc nhiên, ban giám đốc BV ở đây không hề cấm cản hoạt động tín ngưỡng ở nhà thương.
Có thể thấy hành động yêu thương không phải của riêng tôn giáo nào. Chính quyền ở đây có đầu óc thông thoáng, tạo tình cảm thân thiện trong dân chúng bệnh nhân.
Có lẽ vì thế, cái tên cũ "bệnh viện Thánh Tâm" sống mãi trong tâm khảm của người dân, thay vì tên mới, tên đúng, có bảng hẳn hoi "Bệnh viện huyện Thống Nhất"?
Sài Gòn hay thành phố Hồ Chí Minh đều đáng yêu nếu những cái tên ấy nằm mãi trong tâm khảm người dân.
Tôi có nhận xét: ở miền Bắc ít thay đổi địa danh hơn ở miền Nam, tỷ như, trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn. Nhổn có ý nghĩa gì? Chắc chắn nó có ý nghĩa lịch sử. Nếu không, người ta thay mất đất cái tên đọc khá kỳ cục: Nhổn.
Cách mạng có nghĩa là thay đổi. Quê tôi, Hoằng Phước Bắc đổi thành thôn 8, nay thôn 8 trả lại tên Hoằng Phước Bắc. Quý vị thấy tên nào hay hơn, ý nghĩa hơn?
Tôi bỗng nhớ câu của cổ nhân, cha tôi hay nói: "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong". Cha tôi giải thích thêm: thiên không những là Trời, thiên còn là vũ trụ, quy luật cuộc sống.
Quy luật này suy rộng ra, cái đẹp, cái tốt sẽ còn mãi, cái không đẹp, không tốt sẽ qua mau. Làng tôi Trung Đạo hẳn đẹp hơn Thôn 5. Không đẹp, sao chính quyền địa phương đã phục hồi tên cũ?
Cái đẹp, cái tốt sẽ vĩnh cửu cho dù đôi lần bị vùi, đập, tả tơi.