Wednesday, September 18, 2024

Sách “Ung thư và con đường tôi chữa khỏi”. CHƯƠNG 18: THIỀN

                 Một trong những cách tôi được khuyên ngoài đời cũng như trong sách vở: Thiền giúp hỗ trợ sức khỏe bệnh nhân ung thư. Có người quá tin tưởng còn cho rằng, chỉ ngồi thiền, ung thư có thể được chữa khỏi. Tôi không tin như thế dù cũng có thể như thế nhưng ít có ai chứng minh thiền chữa lành các loại bệnh nhất là bệnh ung thư.

Tôi theo Kitô giáo nhưng rất yêu Phật giáo. Hồi ở bậc trung học, tôi có quen mấy tu sinh khi họ còn để “chỏm” tóc giữa đầu, gọi là chú tiểu. Ngồi thiền là nếp sinh hoạt thường xuyên của họ. Sáng, chiều, tối…ngày nào cũng như ngày nào, tôi thấy họ ngồi từng dãy dài trong một gian phòng rất rộng, mỗi người trên một khuôn vải nâu dày. Tò mò vào xem, tôi có cảm tưởng họ là những pho tượng đất, bất động; nếu không quan sát nơi bụng, thóp vào thở ra của họ, tôi tưởng là tất cả họ thành tượng gỗ như các tượng La Hán ở ngoại điện các chùa chiền.

Hồi nhỏ, tôi nghĩ ai theo đạo Phật cũng ngồi thiền. Lớn lên, tôi biết không phải thế. Tôi có nhận xét, các vị tu sĩ Phật giáo ở ngôi chùa có các chú tiểu tôi quen, mấy chục vị già trẻ, dù chỉ ăn toàn chay, sức khỏe tất cả đều rất tốt, dù bên ngoài, hình dáng họ thanh mảnh, không béo phì.

Mùa đông có vị không cần mặc áo ấm, họ vẫn không cảm thấy lạnh dù thời tiết miền Trung rất giá rét, những năm thập niên 1960; có năm giá lạnh đến nỗi “cá nhảy bờ”, nghĩa là cá chịu cái lạnh không thấu trong ruộng lúa, đành nhảy đại ra khỏi nước, rớt lên bờ; trẻ con chúng tôi hay đi ra đồng để “lượm” chúng nằm lăn như chết trên bờ ruộng.

Thiền mỗi ngày, chứ không phải tập thể dục, các vị tu sĩ này có sức khỏe tốt như thế, cái lạnh cũng không làm họ sổ mũi nhức đầu hay nhức các khớp chân tay? Ăn chay thời đó có lẽ “không đủ chất” như bây giờ: Tương đậu đen, đậu nành, xì dầu, đậu phộng, mè, mít non luộc, các loại rau, đậu hủ (khá hiếm thời đó; người ta ăn cả xác đậu nành sau khi làm sữa, trộn với đường “chữa chóng mặt”!). Liên tưởng như thế, tôi nghe lời khuyên bên ngoài và trên mạng: Tập thiền để “chữa” ung thư.

Ngồi bất động đôi ba phút đồng hồ đã chán chết, đằng này ngồi cả nửa tiếng, một giờ, ai mà chịu thấu. Ban đầu tôi nghĩ thế. Cái này y rằng “đau chân há miệng” hoặc “đau bệnh vái tứ phương”: Tôi ngồi thiền. Tôi nghĩ, biết đâu ngồi thiền có thể giúp mình sức khỏe chống chọi bệnh tật. Nếu thiền không hết bệnh thì cũng giúp mình thêm chút tĩnh tâm, bớt đi ám ảnh “ung thư là bản án tử hình”.

Thở ra, hít vào. Hít vào thở ra. Mắt nhắm nghiền. Ngồi xếp bằng như ông Phật trong chùa, bắt chân chéo như hướng dẫn theo sách. Đừng nghĩ gì hết. Ôi, sao mà nó khó, quá khó, Thiền ơi. Tôi có một cái mà cha mẹ truyền cho: Rất chịu khó và kiên định thực hiện cái gì đã quyết tâm. Và tôi thực tập thiền từ 10 phút, 20 phút, và 30 phút. Ngưỡng 30 phút là cố gắng phi thường. Nhiều khi tưởng đủ thời gian, mở mắt nhìn đồng hồ thấy chưa đủ giờ…Thiền tiếp. Khó như thế, người ta mới gọi là tập thiền, chứ không phải ngồi thiền. Ngồi thiền dành cho người tập thiền thành quả.

Thực sự ngồi thiền không gián đoạn một thời gian thì thiền mới gọi là thiền. Chập chờn như tôi, thiền sao đạt, huống chi mong thiền “chữa” bệnh. Năm ngày, một tuần, nửa tháng, một tháng…tôi có thể ngồi thiền 30 phút hoặc hơn. Tôi rất khâm phục ai ngồi thiền cả tiếng hay mấy tiếng đồng hồ. Các vị ấy thượng thừa rồi! Tôi duy trì thiền ấy trong suốt thời gian chữa trị bệnh gần 6 tháng. Khi hết bệnh, tôi lại không thực hiện đều đặn mỗi sáng. Chỉ thi thoảng mới làm. Đúng là “thôi chay, thầy như đất” hay “qua cầu rút ván”. Thiền biết đâu có đóng góp công trạng làm tôi khỏi bệnh? Có một điều tôi thấy mình bạc bẽo quá với thiền, khi hết bệnh, tôi hết ngồi thiền!

Tôi có quen một số bạn, thiền đối với họ là nếp sinh hoạt hằng ngày. Tiếp chuyện với những người quen ngồi thiền, bạn sẽ thấy thoải mái. Tâm trí của những “thiền giả” ấy, tôi cảm nhận, nó trong trắng, nhẹ nhàng, thanh thản, biểu hiện qua nụ cười, tiếng nói, gương mặt, và cử chỉ. Như vậy, chữa bệnh đâu chưa biết, thiền có thể chuyển hóa con người tôi từng có thời gian quen biết họ khá lâu.

Phật bảo ý nghĩ con người như ngựa hoang, khó mà kìm cương. Khi ngồi thiền, theo tôi tìm hiểu, ta nên tập chú suy nghĩ…đếm hơi thở. Nếu đếm “mỏi miệng” thì chỉ chú ý hơi thở, thở ra, hít vào của mình. Có người bảo kẻ hành thiền “thượng thừa” không hề có ý nghĩ nào trong đầu. Tôi thì chịu. Chỉ chú ý hơi thở cũng đã “bỡ hơi tai”. Khi bất chợt suy nghĩ gì đó, tôi liền quay lại chú ý hơi thở.

Có một điều sau này tôi mới biết, không chỉ ngồi thiền, tức tọa thiền; còn có hành thiền (đi thiền), ngọa thiền (nằm thiền) và không nhất thiết thiền phải ngồi xếp chân bắt vào nhau như tượng Phật. Ngồi trên ghế, lưng thẳng, chân buông thõng xuống đất cũng có thể thiền. Thật kỳ diệu, bây giờ tôi không ngồi thiền nữa, nhưng làm gì, đọc sách, đánh máy vi tính, xem phim tài liệu (tôi ít coi phim truyện) thậm chí ngồi trong nhà vệ sinh, tôi cũng để ý hơi thở, thở sâu, thở ra, hít vào nhẹ nhàng và đều đặn. Tôi để ý, ngay cả lúc chạy xe, khi chú ý đến hơi thở, tôi ít bị chia trí, chạy xe an toàn trong thành phố dày ken xe cộ ở Sài Gòn; tôi thấy không chú ý hơi thở, tôi hay nghĩ “toàn chuyện trên trời dưới đất”, không tốt cho an toàn giao thông.

Tôi khỏi bệnh ung thư không biết có phần “đóng góp” nào của mấy tháng thiền hay không; nhưng rõ ràng, nhờ tập thiền, tôi quan tâm rất nhiều đến hơi thở. Quý vị thử làm xem, lời tôi nói có đúng hay sai: Hít vào, thở ra thật thong thả, thật sâu, quý vị sẽ cảm thấy rất thoải mái. Não cần quý vị thở sâu, thở đều lắm đó. Tôi có dịch cuốn sách nói về não cho nhà sách Phương Nam, Sài Gòn, Build A Better Brain (Kiến tạo bộ não ưu việt – Tên “thương mại”: Suy nghĩ nhạy, tiếp thu nhanh).

Tác giả nhấn mạnh não cần dưỡng khí từ máu mang đến. Tập thể dục đều đặn, máu dễ dàng đem dưỡng khí nuôi não. Não không có dưỡng khí, người ta gọi “chết não”. Những ai đang chữa trị ung thư, hãy tập thiền, để hít thở thật sâu, mang dưỡng khí lên não. Thiền có hại gì đâu. Tôi tập mỗi sáng 30 phút, ngày nào cũng như ngày nào. Biết đâu, thiền đã có công “làm cách mạng” cho tôi trong thời gian chữa trị ung thư?

Tuesday, September 17, 2024

Ung thư và con đường tôi chữa khỏi. CHƯƠNG 18: NIỀM TIN.


Có rất nhiều niềm tin. Khi xuất hiện trên trái đất, con người đã có niềm tin. Nào thần gió, thần sấm sét, thần lửa…Cậy dựa vào một thế lực siêu nhiên nào đó, con người cảm thấy an toàn hơn. Người Việt Nam bắt đầu có niềm tin vào thế giới họ chưa hiểu từ rất sớm. Trời gọi là Ông Trời. Đất gọi là Thổ Công. Sông có thần Hà Bá. Núi có Thần Núi. Ngoài Ông Trời còn có Ông Bà. Trước 1975, ở miền Nam, trong phần kê khai trên giấy tờ nói về lịch sử cá nhân (lý lịch), có người ghi ở mục Tôn giáo: Lương (đạo ông bà). Chưa có thống kê chính thức và cập nhật về số lượng người theo các tôn giáo ở Việt Nam. “Đạo Ông Bà” có lẽ chiếm số đông, kế đến là đạo Phật, đạo Thiên Chúa… Tôi không có tham vọng nói đến cái uyên áo của mỗi tôn giáo nhưng tôi có thể nói, tôn giáo ảnh hưởng rất lớn, có thể nói rất tốt, đến những ai mắc bệnh nan y, trong tâm trí luôn ám ảnh cái chết không tránh khỏi nếu chữa trễ, chữa không khỏi: Ung Thư.

Đây là trải nghiệm cá nhân nhưng là trải nghiệm tôi thấy có hiệu quả cho một người mắc ung thư như tôi. Trong tất cả các nghi thức cúng kiến trong đời sống tâm linh của hầu hết người Việt Nam, cầu bình an khỏe mạnh là câu khấn nguyện có lẽ trong mọi nghi thức ấy. Nếu cầu chi được nấy, con người hạnh phúc xiết bao. Nhà thờ, nhà chùa, các đền đài, miếu mạo…hẳn không đủ chỗ cho người đến khấn nguyện. Nhưng có một điều, tôi nhận thấy, bất kể ai bước ra từ nhà thờ, nhà chùa, các đền đài “linh thiêng”, tất cả gương mặt họ đều hiện lên một niềm hy vọng, thể hiện trên nét mặt an bình; họ như trút hết âu lo, gửi chúng vào lòng bao dung của các bậc linh hiển. Chắc chắn trong ngày hôm đó, hay nhiều ngày sau, nhiều tháng sau – ai biết - người hành lễ còn giữ trong lòng một niềm tin, một hy vọng, về sức khỏe, gia đạo, ngay cả danh vọng, tình duyên.

Niềm tin vào một đấng thiêng liêng hay đấng toàn năng, đối với một người ung thư như tôi, theo Kitô giáo, là niềm tin có thật, càng về sau càng vững chãi. Đứng trong nhà thờ dự thánh lễ mỗi chúa nhật, tôi chăm chú nhìn lên thập tự giá, nơi một người đàn ông gầy trơ xương bị đóng đinh, máu chảy bên hông, máu rướm các chỗ đinh đóng vào tay, vào chân của ông trên gỗ thập tự giá. Người thanh niên 33 tuổi này là hóa thân của đức chúa Trời, xuống thế làm người. Ông bị đóng đinh vì một niềm tin của mình: Muốn cứu rỗi loài người. Ông bị giết vì người khác không tin vào niềm tin của ông.

Cái hình ảnh đau đớn ấy làm cho tôi thấy, cái đau đớn chịu đựng, sau lần đầu vô hóa chất, vơi nhẹ mỗi lần tôi đi lễ mi-sa ở nhà thờ. Tôi luôn cầu nguyện, tôi sẽ vượt qua khổ nạn của bệnh tật, không phải bị đóng đinh, đau đớn, trên thập tự giá hơn hai ngàn năm của người Đàn ông cứu chuộc kia. Tôi gửi gắm niềm tin chữa lành của tôi vào ông. Trong kinh thánh, cả bốn vị thánh tông đồ, đều ghi chép rất nhiều các phép chữa lành bệnh của đức chúa Jesus. Tôi chắc chắn tôi sẽ được ngài chữa khỏi. Lẽ dĩ nhiên, ngài là Chúa trong tín ngưỡng tôn giáo của riêng tôi.

Những người không theo đạo, hay theo đạo khác, những người mắc ung thư như tôi, họ có đấng thần linh nào của riêng mình để họ tin tưởng, gửi gắm niềm hy vọng được chữa lành bệnh nan y của mình hay không? Tôi không rõ nhưng tôi chắc chắn, niềm tin có thể giúp tinh thần tôi vững mạnh. Tinh thần tác động thể xác có lẽ ai cũng biết.

Người bệnh nan y muốn tinh thần mình vững mạnh nhờ niềm tin, hay chẳng có một niềm tin nào thì cũng sẽ khỏi bệnh? Tôi khó có câu trả lời cho họ, nhưng tôi có câu trả lời cho cá nhân mình: Mỗi lần nhận bánh thánh (nghi thức thánh lễ Công giáo), ngậm trong miệng cho đến khi bánh tan vào cơ thể, tôi cầu nguyện phần u nằm nơi cổ mình, nơi đáy lưỡi, một ngày nào đó sẽ phải tan theo, hay sẽ biến mất, nhờ miếng bánh mỏng như lá lúa, có kích cỡ của một đồng tiền xu, vị linh mục trong nhà thờ trao cho tôi mỗi khi tôi đến nhà thờ đi lễ. Có thể là duy tâm đối với người khác nhưng đối với tôi, đó là mong ước được đáp đền.

Nhà tôi theo đạo Công giáo khá lâu, từ lúc cha tôi (1902) lập gia đình sinh con đầu lòng năm 1928. Qua nhiều thay đổi lịch sử, gia đình tôi và con cái tôi vẫn giữ đạo. Nhưng thú thật, do ảnh hưởng các “triết thuyết” tôi tìm đọc khi vào đại học, niềm tin tôn giáo của tôi không mạnh mẽ, như bà xã và các con tôi (tôi có 5 người con).

“Có bệnh thì vái tứ phương”, tâm trạng của tôi khi mắc ung thư lại càng đúng như thế. Có lẽ, đối diện với cái chết ung thư (tôi nhắc lại, suy nghĩ chung của ai lần đầu phát hiện mình ung thư như thế; sự thật không phải ai ung thư cũng chết, khi tỷ lệ chữa khỏi ngày càng tăng nhờ tiến bộ y học), tôi càng tin…Chúa hơn, đi nhà thờ siêng hơn, cầu nguyện thành khẩn hơn. Thật sự là chân thành mộ đạo.

Khi chữa xong bệnh, mỗi lần nuốt thức ăn hay nuốt nước miếng, tôi có cảm giác nằng nặng ở đáy lưỡi (tôi thấy bác sĩ ghi theo dõi u đáy lưỡi lần đầu xét nghiệm). Độ năm sáu tháng sau, cái cảm giác nằng nặng ở đáy lưỡi nhẹ dần đi, và biến mất lúc nào tôi không rõ. Có lẽ do tác dụng của thuốc thời gian hơn nửa năm hay “tác dụng” của lời cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ, hay mỗi tuần lúc rước mình thánh Chúa trong nhà thờ? Nhưng tôi nghĩ, đó là niềm tin tôi sẽ được chữa lành. Tôi cho có tác dụng tâm lý từ niềm tin tôn giáo của tôi vào việc chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi không rõ nó có tác dụng tương tự đối với người bệnh ung thư khác, theo tôn giáo khác hay không. Nhưng với tôi, tôi tin là có. “Phước cho những ai không thấy mà tin” (Kinh Thánh).

Monday, September 16, 2024

HỌC SINH VÀ CỨU TRỢ

Qua nhiều lần cứu trợ thiên tai như bão lũ ở những nơi bị nạn, tôi không thấy sự xuất hiện của đội ngũ học sinh và sinh viên. Hay là chỉ mình tôi không thấy?

Hồi chúng tôi đi học, không có tổ chức đoàn thể trong học đường. Chỉ ở Sài Gòn thì Tổng hội Sinh viên là có tiếng thường gắn với sinh viên y khoa, tổng hội trưởng Huỳnh Tấn Mẫm.

Các tỉnh không thấy tổ chức hội học sinh. Có lẽ hồi ấy, chiến tranh luôn đè nặng cuộc sống nên ít ai quan tâm lập hội. Nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cần sự chung tay của mọi người, thì học sinh được "nhắm tới" đầu tiên. Tôi nhớ lại những năm là học sinh trường Bồ Đề, Hội An.

Ngoài tổ chức Thanh (Thiếu) Niên Phật Tử, học sinh thường tham gia các đợt (nay hay gọi là "phong trào") thiện nguyện. Giúp đỡ đồng bào tỵ nạn chiến tranh và nạn nhân bão lụt là chủ yếu. Học sinh thường tham gia việc phân phối hàng cứu trợ, thường là từ các cơ quan dân sự vụ Hoa Kỳ.

Nơi đến của học sinh là các trại tạm cư "tỵ nạn cộng sản". Họ là những người dân từ các quận (hồi đó không có huyện) tập trung vào vùng "an ninh" gần tỉnh lỵ Hội An, hoặc các quận lỵ. Thời điểm này, chiến tranh chưa khốc liệt. Có nhiều toán thiện nguyện do các huynh trưởng Phật giáo dẫn đầu đến tận nhiều quận vùng xa. Về sau, có một vài học sinh trong đoàn từ thiện bị chết vì đạn lạc hay dẫm phải mìn, việc cứu trở chỉ diễn ra ở thành phố, thực ra là ở ngoại ô Hội An như Ngọc Thành, Lai Nghi, Cẩm Hà (trên) và Cẩm Hà (dưới), khu này  về sau có thêm làng Hồi Chánh, nơi ở của những cán binh cộng sản đã "trở về với chính nghĩa quốc gia".

Tham gia những đợt thiện nguyện ấy thường là vào ngày chúa nhật, ngày lễ, nhất là nguyên ba tháng nghỉ hè. Dẫn đầu vẫn là những huynh trưởng Phật tử. Có cả các chú tiểu. Tôi còn nhớ trường Bồ Đề có chú Trần Văn Đệ, pháp danh Thị Kỉnh, chúng tôi hay gọi là chú Kỉnh. Hiện ông là hòa thượng đang tu hành ở một ngôi chùa VN lớn nhất nước Úc. Chính ông kể lại, từng chứng kiến một vài thành viên đoàn cứu trợ tỵ nạn chiến tranh bị mất mạng vì chiến tranh.

Tham gia thiện nguyện của học sinh tập trung chủ yếu vào cứu trợ bão lụt. Quảng Nam năm nào cũng có không bão thì lụt. Hội An nằm cuối sông Thu Bồn hứng nhiều trận lụt nhất. Những vùng ngoại ô hầu hết đều chìm trong nước lụt. Làm quen nhiều đời với lũ lụt, trừ năm Giáp Thìn, người dân ở đây đối phó rất điềm tĩnh trước thiên tai.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình không tránh kịp lên chỗ cao mắc kẹt lại khi nước lụt bao quanh nơi ở. Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào VN, khắc phục hậu quả thiên tai thuận lợi hơn. Họ dùng nhiều ca nô đi những vùng có người mắc kẹt để chở họ về chỗ an toàn của Hội An. Nơi xa, họ dùng trực thăng để bốc những người họ quan sát thấy ngồi trên nóc nhà kêu cứu. Dân nghèo thường ở nhà tranh. Nhà nào có Mỹ đến cứu nhà đó kể như mất trắng mái tranh vì sức gió từ các cánh quạt của trực thăng. Sau đó, người Mỹ rút kinh nghiệm. Họ sử dụng dây dài thả người xuống để kéo người bị nạn lên tàu. Sức gió cánh quạt không làm hỏng các mái tranh.

Học sinh chúng tôi được hướng dẫn đứng những chỗ quy định nơi cao ráo để giúp những người từ vùng lũ được ca nô hay máy bay trực thăng chở đến. Hoặc ẵm dùm em bé. Dắt phụ những trẻ con đi được, có em cóng vì ướt thì chúng tôi cõng họ. Hoặc ôm một cái...lồng tre bên trong có một chú heo con. Có người còn cầm theo chiếc...chiếu.

Các nơi họ ở trú qua cơn lụt là trường học của chính phủ hay của các cơ sở tôn giáo như Công giáo hay Phật giáo. Nơi đây, họ được đồng bào mang thức ăn đến như bánh mỳ, bánh ú. Đôi ba hôm lũ rút thì họ lại lục tục trở về. Có vài em học sinh phụ họ một quãng xa trước khi trở lại thành phố.

Về sau, chiến sự dần ác liệt. Công việc cứu trợ đồng bào tỵ nạn không còn. Việc cứu trợ lũ lụt không xảy ra nữa. Hầu hết dân chúng đều tập trung những khu định cư quanh thành phố. Hoặc ở nhờ nhà thân nhân. Khá giả hơn, họ thuê nhà thành phố để ổn định cuộc sống. Giá nhà thuê rất nhẹ. Có người cho ở không tiền những gia đình nghèo khổ. Hội An là thành phố nhỏ nhưng nó cưu mang rất lớn những mảnh đời bất hạnh của đồng bào các quận lỵ kéo về.

Thời gian học sinh tham gia công tác thiện nguyện không nhiều. Nhưng thời gian ấy giáo dục học sinh không ít. Cùng chia sẻ những khó khăn bước đầu của đồng bào tỵ nạn chiến tranh, cùng dầm mưa lội nước với những người tỵ nạn bão lụt, học sinh hình thành tức thì trong tâm hồn của mình tinh thần "máu chảy ruột mềm". Những việc làm của các em trước nỗi mất mát hay bất hạnh của đồng bào vùng quê chiến tranh, lũ lụt hun đúc trong trái tim họ lòng yêu quê hương đất nước.

Yêu tổ quốc bằng những việc làm cụ thể, nhỏ nhoi, gần gũi. Họ không yêu đất nước bằng khẩu hiệu to tát, bằng tượng đài nguy nga, bằng những cái bánh chưng khổng lồ, bằng những bát phở vĩ đại.

Chính những lúc đồng bào gặp hoạn nạn mới lộ rõ tấm lòng con người giả-chân. Mưa gió bão bùng chưa dứt hẳn mà một số chị em ăn mặc đẹp đẽ, khiêu vũ trên một đường phố Hà Nội. "Thông điệp" của họ là động viên người thủ đô vững vàng tinh thần chống chọi thiên tai.

Phải chi những người này, mỗi người cầm một cái chổi, quét dọn lá từ những cây ngã đổ chỗ họ nhảy múa. Hành vi dù của một nhóm nhỏ người, không đại diện cho ai, cũng cho thấy có cái gì đó không ổn trong giáo dục con người từ bé.

Không thấy học sinh hay sinh viên trực tiếp tham gia cứu trợ, tôi cảm thấy bùi ngùi, nhớ lại năm tháng chiến tranh ở Hội An, có những lần hăng hái đi theo các huynh trưởng tham gia cộng tác thiện nguyện.

Sunday, September 15, 2024

Đau thương LÀNG NỦ

Đây là ngôi làng (thuộc tỉnh Lào Cai) xảy ra thảm họa đất chùi, sau bão Yagi, vùi lấp nhiều nạn nhân, hiện người dân, quân đội, vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm. Cảnh tượng đau thương. Nhiều gia đình chưa tìm ra xác thân nhân. Nỗi đau của thiên tai.

Những cái chết đau thương khiến tôi nhớ đến trận lụt năm Giáp Thìn ở Quảng Nam.

Ngày ấy, ở vùng rừng núi Quảng Nam, việc đi lại rất khó khăn. Đại hồng thuỷ xảy ra. Lũ quét cực mạnh quét sạch làng mạc. Dòng nước tàn ác kéo người theo dòng sông chảy như thác lũ, trôi ra biển. Biệt tăm. Nhà cửa cung số phận. Có người còn thấy những chiếc nhà gỗ rường nguyên vẹn, bên trên có người ngồi. Nhìn thấy và bất lực. Đất bùn gần nơi vỡ “bờ đê” Hòn Kẽm- Đá Dừng vùi lấp cả ngôi làng Đông An, Trung Phước. Vẫn còn ngôi miếu đơn sơ tưởng nhớ 1481 người chết, ở một làng. Chỉ còn 19 người sống sót trở về sau cơn lũ kinh hoàng.

Đồng bào trong thời gian bi thảm không có phương tiện nào cứu giúp họ. Ở những ngôi làng dọc theo lưu vực sông Thu Bồn, người dân càng khốn đốn không kém: đối phó vởi bão, lũ chưa từng có.

Hình ảnh đau thương về trận lụt năm Giáp Thìn rất hiếm, có thể nói không có, tại nơi xảy ra thảm hoạ. Vì là năm 1964, sau sụp đổ của nền đệ nhị cộng hòa, nhiều vùng xảy ra lụt lội bị “mất an ninh”, nghĩa là du kích bắt đầu xuất hiện. Những nhà báo ở thủ đô không thể đến “hiện trường” sau thảm họa.

Saturday, September 14, 2024

SẠT LỞ

Có hai nguyên nhân gây sạt lở đất chôn vùi mạng sống trong các cơn mưa lũ: từ thiên nhiên và từ con người. Nhưng, con người là “thủ phạm” chính trong các tai ương này.

Đọc tin, có thầy giáo đưa học sinh tránh sạt lở. Hai giờ sau, nhà nội trú, một số phòng học đổ sập. Không có thương vong. Một trưởng làng 32 tuổi dắt bà con của mình tránh sạt lở (không phải tránh lũ). Sau 3 ngày tưởng là mất tích, 112 người vẫn còn sống, trở về trong sự lo lắng của hàng triệu đồng bào cả nước dõi theo cơn lụt sau bão Yagi.

Tất cả bà con may mắn ấy đều sinh sống cạnh núi rừng. Rừng lẽ ra sẽ bảo bọc họ. Nhưng không. Rừng trở nên tàn nhẫn: sạt lở giết người.

Nhìn bức ảnh chụp ngôi làng ở Lào Cai nơi cả trăm người thoát chết, chúng ta thấy gì? Loang lổ. Những nơi sạt lở như những vết thương trên thân thể người mẹ Thiên Nhiên.

CỨU TRỢ CHO "CỘNG SẢN" MIỀN BẮC

Ở miền Nam thuở trước ít nhắc đến lũ. Họ chỉ nhắc đến lụt. Như đại hồng thủy nhưng người ta vẫn gọi nó là “lụt năm Thìn” ở Quảng Nam. Vì không có số thống kê chính thức, số người chết và mất tích có thể ở mức 10.000.

 

SỐNG CHUNG VỚI LŨ.

Lũ lụt xảy ra ở Trung bộ  có lẽ thường xuyên hơn ở Bắc bộ. Nhìn cách đối phó thiên tai của đồng bào ngoài đó, tôi có cảm giác, họ không quen thuộc thiên tai là mấy so với người miền Trung. Khi lũ lụt rút đi, bùn non ở rất nhiều nhà đóng dày đôi ba tấc. Họ không quen "dọn bùn non" như người Trung, cụ thể là Quảng Nam. Khi nước lụt mấp mé rút khỏi nhà, người ta dùng chỗi hoặc trang cào bùn non ra khỏi nhà, khỏi sân, nhờ nước "mang" đi. (Trang, trong chữ trang trải, dụng cụ bằng gỗ có cán dài. Đầu cán là mảnh gỗ mỏng trên 2 phân hình chữ nhật, rộng chừng 2 tấc, dài 5 đến 6 tấc, dùng để cào lúa thành đống). Lợi dụng nước chưa rút hẳn (ở Quảng Nam gọi là "dựt"). Nước lụt rút, nền nhà, nền sân sạch bóng.

Đó chỉ là mẹo nhỏ. Khi có dự báo mưa hoặc bão, người Trung khá bình tĩnh. Ngày xưa, không có dự báo thủy văn, ông bà chúng tôi "nhìn trời" mà đoán thời tiết. Chẳng hạn ở vùng chúng tôi ở. Nếu mưa to, trời vần vũ, mây đen kịt, tôi nói mùa mưa bão, cha ông chúng tôi bảo chẳng phải lo: Bạo phát, bạo tàn. Nếu mưa lâm râm nhiều ngày, trời thường xuyên u ám, nước trên sông tràn bờ, ruộng lúa ngập nước mưa, không sâu, không nhanh lắm,nhưng không thấy rút (dựt): Coi chừng. Đó là hiện tượng sắp có lụt lớn, lúc 12 tuổi, tôi đã chứng kiến, 1964- Giáp Thìn.

Quê tôi không nằm theo lưu vực sông Thu Bồn. Lụt năm Thìn không gây ra chết chóc nhiều. Những làng cùng trong huyện chịu thiệt hại rất nhiều. Những làng ấy ở hạ lưu. Làng chúng tôi ở vùng thượng lưu, sông Côn, một con sông nhỏ chảy vào sông Vu Gia, sau đó nhập vào sông Thu Bồn, nơi xảy ra thảm nạn. Chưa có thống thống kê nhưng có hàng chục ngàn người bỏ mạng năm Thìn.

Vì sao, lụt năm đó lại gây thảm trạng? Mưa dai dẳng cả chục ngày kèm gió như bão. Nước sông thường đón nước từ rừng chảy ra, từ tốn, điềm đạm. Rừng trước 1964 ở đầu nguồn Quảng Nam hầu như nguyên vẹn, không có dấu vết khai thác mãnh liệt của bàn tay con người. Rừng điều hòa nước mưa, không gây lũ lụt bất ngờ.

Thu Bồn, con sông dài, nhiều nơi uốn lượn, hai bên bờ là những ruộng dâu xanh ngát, nước trong xanh, chảy qua nhiều đoạn núi rừng hùng vĩ, không kém phần nên thơ và lãng mạn. Bùi Giáng là người đã tắm sông Thu Bồn từ nhỏ. Những vần thơ mượt mà phát xuất từ một làng nhỏ ven sông. Sông Thu như cô gái e ấp của quê hương xứ Quảng.

Bỗng dưng, cô gái hiền lành trở thành bà già ác độc. Sông Thu hóa sông Hồng, dữ dội. Sông Hồng là nỗi kinh hoàng của người dân Bắc bộ sống hai bên bờ sông. Giang Văn Minh ví dòng sông như máu. "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"(Cột đồng  đến nay rêu đã xanh),. Ông đối lại "Đằng giang tự cổ huyết do hồng". (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Ngã trụ đồng thì tiệt dân ta).

Vì sao hiền hòa bỗng trở nên ác độc, con sông Thu? Đầu nguồn con sông có hòn núi bên cạnh những dãy đá- như một con đê chắn nước. Nước mưa từ nguồn đổ xuống nếu lưu lượng quá lớn thì hòn núi, dãy đá này sẽ ngăn lại, cho nước chảy từ từ về hạ nguồn.

Hòn núi và dãy đá kế bên như cổng ngõ của dòng sông có tên là Hòn Kẽm- Đá Dừng. Núi không phải có kẽm nhưng cứng như sắt. Hòn Kẽm- Đá Dừng nằm án ngự trên chỗ uốn của con sông sừng sững đến nỗi có câu ca dao, tác giả có lẽ là một người con gái, vì duyên phận phải lấy chồng xa, thương cha nhớ mẹ nhưng lại đem tỏ bày cùng người yêu không duyên số (bậu). "Ngó lên Hòn Kẽm -Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi".

Năm Giáp Thìn (1964) lịch sử ấy, Hòn Kẽm-Đá Dừng bị lở. Đá Dừng trốc gốc. Hòn Kẽm tan hoang. Nước như đại hồng thủy đổ vào Trung Phước (nay là Nông Sơn) cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm hàng ngàn mạng sống. Hiện còn một miếu thờ nghe đâu trên 1800 người mất tích. Thân xác cuốn về biển cả.

Nước lũ nhiều, nước lũ mạnh làm lở mất Hòn Kẽm-Đá Dừng - Một bảo chứng của thiên nhiên điều hòa dòng nước lũ.

Những năm trước 1964, núi rừng nguyên sinh không có sự tàn phá của con người, tại sao Quảng Nam lại có trận đại hồng thủy, nhấn chìm không biết bao nhiêu làng mạc, cướp mất không biết bao nhiêu mạng người?

Thiên nhiên nổi giận ư? Không có lẽ. Ngày nay, nếu có thiên tai như bão lũ, người ta có thể quy tội con người hủy hoại thiên nhiên nên phải nhận hậu quả. Nhưng ngày tháng thanh bình ấy, tại sao thiên nhiên lại nổi giận với trận lụt năm thìn?

Hay là do chu kỳ vũ trụ chuyển vần là 60 năm? 1904 lụt lớn ở Nam kỳ. 1964 lụt lớn ở miền Trung. Nay 2024 lụt lớn ở Bắc kỳ.

Con người có thể tiên đoán được việc mình làm trong 10 năm, 20 năm, 30 năm hay lâu hơn nữa. Nhưng con người không thể tiên đoán thiên nhiên sẽ như thế nào vào ngày mai chứ chưa nói đến năm sau.

Vậy, tốt hơn hết, hãy sống hòa hợp với thiên nhiên. Như chuyện rất nhỏ tôi nói ở trên: dựa vào dòng nước rút để rửa bùn và tạt nó khỏi nhà. Nước lụt rút đi, sân nhà sạch bóng.