Monday, December 11, 2023

BƯỚC GẦN ĐỊA NGỤC

Tôi không nói đây là địa ngục nhưng khi vào chữa trị ung thư ở đây, địa ngục có nghĩa là bệnh nhân sẽ bước vào đó nhiều hơn bước ra. Vì sao?

Người bệnh phát hiện mình ung thư , đa phần là giai đoạn cuối. Người nghèo đâu có tiền để tầm soát ung thư.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, cựu giám đốc bịnh viện ung bướu:

Ung thư biết sớm chữa lành

Ung thư để trễ trở thành nan y.

Mỗi ngày có cả hàng ngàn người đến Ung bướu Sài Gòn để khám bệnh. Đa số là bịnh nhân chuyển lên từ bịnh viện các tỉnh. Và cũng đa số bịnh nhân ở giai đoạn cuối hay gần cuối. Tôi điều trị bịnh ung thư ở đây hơn 10 năm trước. Người mắc bệnh hầu hết đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, nơi sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Bịnh ung thư qua quá trình khám và chữa trị kéo dài khá lâu. Khi nghe nhân viên gọi bịnh nhân, tên tuổi, quê quán, tôi mới biết họ đến từ nhiều vùng quê các tỉnh.

Điều đó nói lên cái gì? Người nghèo hay người ở nông thôn mắc ung thư nhiều nhất. Nếu không có bảo hiểm, điều trị ung thư rất tốn kém. Tôi chứng kiến có toa thuốc cho loại ung thư giá 60 triệu mỗi lần vô thuốc. Trung bình một người ung thư vô 5 đến 8 lần hoá chất tuỳ theo bịnh nặng nhẹ. Sau hoá chất, không hết bịnh, có trường hợp phải xạ trị, tức là “chiếu tia “ phóng xạ nguyên tử. Nếu hoá rồi xạ mà không hết, cái chết đôi ba tháng sau sẽ không tránh khỏi. Địa ngục cũng sẽ mở rộng nếu bịnh nhân nào tiếp tục chữa trị “phác đồ 2”, nghĩa là lần đầu không hiệu quả. Tôi chữa ung thư gần 6 tháng tại bệnh viện ung bướu những người chữa lần 2 đều ít thấy chữa tiếp, có khi về nhà đã lìa trần.

Hoá chất tiêu diệt tế bào ung thư đồng thời tiêu diệt sức khỏe của người bịnh và hệ thống miễn nhiễm của họ. Dễ chết khi chữa trị ung thư lần 2 là như thế. Tôi nhắc lại, ung thư dẫn đến cái chết dễ dàng nhanh chóng nếu phát hiện trễ. Tôi biết mình ung thư cũng chỉ là tình cờ khi thấy có khối u nhỏ trong bẹn, không đau, không nhức. U nào đau nhức khi mới thấy đều không đáng lo bằng các khối u “hiền lành “.

Tất nhiên tôi không là bác sĩ chữa bịnh ung bướu. Quý vị không nên nghe lời khuyên của tôi. Tôi muốn trao đổi trải nghiệm của một bịnh nhân may mắn không vào địa ngục.  Trước khi phát hiện bịnh tính tình tôi rất nóng nảy. Tôi từng đánh người trẻ, khỏe hơn tôi vì anh ta gây hấn trước với hành động quá mức. Tôi có thể đập chén đập bát nếu người trong gia đình trái ý mình. Tôi từng đập bàn đáp trả thủ trưởng bắt ép tôi, trù dập tôi.

Tôi không tin, nóng nảy làm tôi mắc ung thư. Nhưng rõ ràng, nóng giận làm con người giảm sút sức đề kháng, và đây là thời cơ tế bào ung thư phát triển vì sức đề kháng bị giảm sút.

Ăn uống, môi trường sống, di truyền có thể gây ra ung thư nhưng theo tôi, sự nóng giận chính là nhân tố quyết định. No mất ngon, giận mất khôn, có thể, nhưng nóng giận khoa học chứng minh khiến con người mất sức đề kháng. Khi bịnh ung thư, tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn, tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh và tôi biết được, bịnh ung thư hình thành rất lâu trong cơ thể.

Một đời người, có tới 6 đến 8 lần tế bào ung thư xuất hiện, và tạo hóa rất hoàn chỉnh, ông tạo ra sức miễn nhiễm cơ thể, các lần tế bào ung thư xuất hiện đều bị cơ thể tiêu diệt. Vì lý do nào đó,cơ thể lão hoá, hoặc bị xáo trộn bởi lối sinh hoạt không theo quy luật: ăn nhiều vận động ít, thịt nhiều ít trái cây rau củ, lạm dụng rượu, hút thuốc, căng thẳng nhiều hơn tìm lấy phút giây thư giãn, thiếu yêu thương vợ con, cha mẹ, bạn bè, nhiều sân hận....Ung thư hay các bịnh khác xuất hiện từ đó.

Một tình thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Minh mẫn để sống theo quy luật đất trời. Tráng kiện để bịnh tật chậm đến hay ít đi. Thể dục là con đường duy nhất giúp chúng ta không phải đến nhiều lần những nơi như trong ảnh minh họa. Khi tôi mắc ung thư, trước đó tôi tập thể dục trên 20 năm. Người trẻ hơn tôi 20 tuổi, cùng một loại bịnh, cùng chữa một lần, cùng một bác sĩ, ở Ung Bướu thật đau đớn, anh đã không còn: anh uống rượu thường xuyên, người Bến Tre, và không tập thể dục đi bộ như tôi mỗi ngày.

Sinh lão bịnh tử là quy luật nhưng mắc bịnh người chữa lành người không cũng theo quy luật: cơ thể con người luôn luôn cần vận động, trí óc, tinh thần, cần đầy đủ thức ăn lành.

Bịnh xuống, Steves Jobs, ông tổ Apple: tôi có rất nhiều tiền nhưng tôi không mua nổi cái giường bịnh tôi đang nằm.

Khi bịnh xuống, tiền tài, danh vọng không thể giữ theo mình vào bịnh viện.

Tôi ở gần địa ngục một thời gian. Vài chuyện tôi kể. Khi vô hoá chất,người bịnh buồn đi tiểu. 2,3 lít nước pha hoá chất chuyền vào người. Mấy chục người trong 1 phòng, khi vô nước nhiều đều phải lũ lượt kéo nhau vào nhà vệ sinh. Một tay phải nâng cao chai đựng dịch truyền, một tay cởi nút quần nếu là nam, kéo quần xuống nếu là nữ; nhà vệ sinh rất ít so với người đi vệ sinh. Cửa nhà vệ sinh không đóng vì bịnh nhân nối đuôi nhau và cũng không đóng được vì người chỉ có 2 tay: 1 cầm chai nước và 1 giữ chiếc quần!  Và hàng chục người đi tiểu đi tiêu mà không kịp múc nước dội, cái hôi hám nồng nặc ngần nào, chưa kể khi vào phòng vô thuốc ung thư , quý vị phải đi chen qua lớp lớp người, ngồi dọc hành lang, cầu thang, và lối đi chính trong bịnh viện.

Ảnh chụp trước hiên một bịnh viện ung bướu cách đây 12 năm. Giờ điều kiện vật chất chắc khá hơn nhiều. Trích 1 chương trong sách tôi viết.

Còn nhiều chuyện “tế nhị “ nữa, vì mang ơn các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây cứu chữa lành bịnh,tôi không tiện nói ra. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại đúng và cũng đúng ở đây, nơi chữa trị ung thư còn thiếu thốn cho người nghèo VN. Nếu bịnh trở lại,tôi nói với gia đình sẽ chấp nhận cái chết và không bao giờ vào nơi này lần thứ hai.

Khi quý vị bước chân qua cổng bịnh viện ung bướu, quý vị sẽ không còn thấy tham, sân, si nữa. Cái chết và sự sống rất gần gũi. Nhìn những cháu bé 5,7 tuổi, đầu không sợi tóc vì hoá chất chữa ung thư, nước da xanh mướt, mắt ngơ ngác mất sạch lông mày, quá xót xa, các cháu không còn gì sức sống, tôi  không cầm được nước mắt. Người lớn như tôi, lần thứ 3 trên 8 lần vô hoá chất, tôi muốn chọn cái chết cho yên bình hơn là chịu đựng sức nóng của hoá chất 5 lần kế tiếp.

Các em đầu xanh non dại, tội tình chi mà phải mang lấy căn bịnh hiểm nghèo. Tôi từ địa ngục ra, lòng mình thanh thản. Tôi không còn sân hận như trước. Cuộc sống vô thường,tôi chỉ ý thức khi trở về từ cái chết, thật sự từ bịnh viện ung bướu, nơi bước gần đến địa ngục.

Các con tôi khuyên, ba thôi đừng lên Facebook nữa. Nhiều người lớn tuổi mạ lỵ ba, chỉ vì ba khác quan điểm với họ. Ba gần 70 tuổi,những thằng con nít cũng chửi ba, người tuổi cha, tuổi ông của họ, chúng con rất khó chịu. Công khổ viết cho họ đọc, kết bạn họ, để ba bị họ mạ lỵ chửi bới, vô ích, bất nhẫn quá.

Vâng, chọn bạn mà chơi,dù là bạn Facebook. Nhưng tôi không lấy đó làm phẫn uất. Con người mà. Hỷ, nộ, ái, ố...Tôi không giận họ,tôi chỉ thương cho họ, bị giáo dục nhồi sọ quá lâu, “theo sống, chống chết” từ chiến tranh mà ra, dù người theo hay chống đều con Hồng cháu Lạc, theo và chống -mâu thuẫn-  là quy luật để tiến hoá.

Tôi chỉ mong 1 lần trong đời,họ hãy ghé lại những bịnh viện ung bướu, có lẽ họ sẽ bớt đi sân hận trên đất nước vốn quá nhiều sân hận qua mấy chục năm chiến tranh, theo đuổi chủ nghĩa.

Saturday, December 9, 2023

TẮM TÂY, TẮM TIÊN

Phần Lan thuộc Bắc Âu, giá lạnh. Không vì giá rét, họ không gần gũi với sông nước quanh năm băng giá. Khi khí hậu ở tầm 16 độ, người mình nghe giá buốt, người họ lại hân hoan. Các tiệm kem phải sắp hàng mới mua được. Ngồi dưới nắng ngoài sân quán (17, 18 độ), vào giữa trưa, họ mút kem, ăn kem ngây thơ như trẻ con Việt Nam mình, tôi thấy, có cả ông, bà có cháu nội, cháu ngoại. Tắm đối với họ dường như một đặc ân. Nhà nào cũng có sauna, kể cả nhà cho thuê. Biển không đẹp, không thuận lợi như VN, họ chỉ tắm hồ bơi và ao thiên nhiên. Tôi gọi ao để dễ hình dung. Ao của họ, có cái như biển Hồ, Campuchia. Phần Lan có tới 187.888 cái ao rộng 5 sào tây (acre) trở lên. Nhưng tắm ao không bằng tắm hồ, hồ bơi.

Giá vé người lớn 7 euro, già như tôi bằng trẻ con, 7 đồng hai người. Dân Tây coi trọng trẻ như già. Họ thấy tôi và nói, ông già kia hưu trí, giá bằng trẻ con. Tóc bạc rất lợi hại chỗ này.

Giá cả chẳng là vấn đề. Một ký ớt 17 đồng thì tắm hồ bơi 3,5 đồng một người tuổi hưu không phải là chuyện đáng nói. Vào tắm hồ mới quan trọng.

Mỗi người vào tắm được phát một chiếc đồng hồ nhựa nhưng chẳng có giờ ngày, chỉ là mặt tròn như mặt đồng hồ. Áp mặt này vào cột đứng ở cổng có cây quay. Đèn xanh báo, người đi qua. Chẳng thấy ai soát vé. Đồng hồ đeo tay không số này sẽ mở ngăn tủ giữ áo quần, các vật quý như vàng bạc, điện thoại, không sợ bị người khác lấy trộm, đồng hồ đeo trên tay là password mở ngăn tủ. Không ai mở được ngoài người đeo đồng hồ.

Phần này mới quan trọng. Trước khi xuống hồ bơi, mọi người đều phải tắm. Có sẵn dầu gội, xà bông. Nam, nữ khi vào hồ bơi đều có lối riêng. Chỗ tắm là những ngăn cách biệt bởi vách tường, và không có cửa ở mỗi ngăn đó. Chỉ cần chạm tay vào vào tường, có hình bàn tay, nước ấm sẽ tuôn ra, một phút hay hai gì đó, vòi nước sẽ ngưng. Không có tình trạng nước chảy mãi. Muốn tắm tiếp thì chạm lần nữa vào hình bàn tay trên tường.

Lần đầu tắm ở đây, tôi rất ngại ngùng. Hàng trăm ngăn tắm sắp xếp như xương cá, thẳng góc theo lối đi ở giữa, lối dẫn ra hồ bơi. Ai cũng ở truồng.

Sau khi tắm, người ta mới mặc đồ tắm, ra cửa dẫn vào hồ bơi.

Ảnh minh họa (trên mạng).

Hồ bơi chia ra hai thứ. Mùa giá rét, tắm trong nhà, nước hồ được hâm nóng ở nhiệt độ thích hợp. Mùa không giá rét, chưa hẳn là ấm nóng, như hôm nay 17 độ, hồ tắm sẽ ở ngoài trời. Kích thước hồ bơi không khác kích thước hồ thi đấu quốc gia, như hồ Rạch Miễu, Sài Gòn. Hồ chia ra ba khu vực. Một cho người lớn. Một cho trẻ có người lớn đi kèm. Một cho trẻ có người lớn nhưng họ chỉ đứng trên hồ, nước rất cạn. Nước ở hai hồ sau ấm hơn. Nước ở hồ người lớn lạnh thấu xương theo cảm nhận của tôi. Tây tắm được, ta thua họ sao. Nhưng khi ở dưới nước hồ bơi, chúng ta không cảm thấy lạnh là mấy.

Hồ bơi có nước không mang mùi javel, rất giống nước thường. Đáy hồ, thành hồ, đường ray quanh hồ đều làm bằng thép không rỉ, ta hay gọi là I nốc. Ngăn hồ dài 50 mét bằng những luồng có dây dài với những khoanh nhựa màu xanh, thiết kế không gây sóng cho luồng bên cạnh khi có người bơi. Hồ bơi nào cũng rứa không cứ chi hồ bơi bên Tây. Tui muốn nói ấn tượng của mình ở đây khi bơi chung luồng có mấy bà Tây, không phải ông Tây. Khi bơi, tôi không thua họ dù chỉ biết bơi chó, nghĩa là chẳng giống ai. Bơi qua lại, thấy nhau, dù không phải như trên đường đi, moi, moi, chào, chào nhé, tiếng Phần Lan, họ và tôi xem nhau như người đồng hướng, hướng bơi qua lại, chứ không phải đồng hương.

Nhìn gương mặt bất kỳ người phụ nữ phương Tây, tôi thấy ra, họ khá đẹp. Da trắng, mũi cao, gương mặt không mụn màn, môi mỏng, miệng nhỏ, và đôi mắt, đôi mắt xanh, đúng là xanh, không một người châu Á nào có được.

Nhưng khi cùng nhau rời hồ bơi, tôi mới tá hỏa. Không phải thấy là đúng. Phụ nữ Phần, không rõ các nước khác, trẻ có thân hình săn chắc, khỏe mạnh. Phụ nữ sồn sồn, thiệt tình mà nói, họ sồ sề quá. Nhìn họ, tôi chỉ thấy bụng, mà không thấy gương mặt đáng yêu như ở hồ bơi. Ngắm phụ nữ đứng tuổi Phần Lan, tôi mới sực tỉnh, phụ nữ Việt Nam, dẫu ở tuổi sồn sồn, ai ai cũng đẹp.

Tắm xong, người ta vào lại chỗ tắm lúc đầu. Lần này, người tắm sẽ vào xông hơi, sauna, trước khi ra về. Chỗ tắm lại mới là điều làm tôi suy nghĩ. Nam, nữ tắm riêng. Không rõ nữ thế nào. Nam thì…mắc cỡ quá.

Những ngăn tắm kéo dài hàng trăm chỗ tắm. Khi đi về chỗ gửi đồ, bạn phải đi qua hàng trăm chỗ tắm, chỗ nào cũng trống hươ, trống hoác.

Và là người đi tắm, dù nặng nề luân lý Á đông, tôi cũng phải nhập gia tùy tục. Họ không bận quần khi tắm, không lẽ mình khác người? Nghĩa là mặc quần khi bọn Tây cởi truồng?

Tôi vốn con rồng cháu tiên, rất tự trọng, có thể nói là luôn luôn gìn giữ bản sắc dân tộc, không để bọn Tây khi dễ, họ cởi truồng khi tắm mà mình lại không.

A, nhưng có điều này, cần kiểm chứng. Nhất là khi con người ta không có gì để giấu, tắm cởi truồng mà.

Có thống kê nào đó, về chiều dài của quý đàn ông. Việt Nam, đàn ông bị xếp…ngắn nhất thế giới, ấy là đo lúc của quý…bắn máy bay.

Nhưng sai tét lét. Thống kê ấy là của bọn thế lực thù địch. Thấy ta thắng Tàu, thắng Pháp, thắng Mỹ, chúng bèn chê của quý đàn ông VN, để thỏa mãn thói ghen ăn tức ở?

Mà đúng là như rứa. Khi đi về chỗ để áo quần, tắm trước khi về, tôi đi ngang qua hàng trăm chỗ tắm của bọn Tây. Dù tôi không muốn ngó, hàng trăm thằng Tây cởi truồng cũng

không thoát khỏi cái nhìn quan sát của tôi, để kiểm nghiệm xem, hễ to người là to của…quý.

Điều tôi khẳng định, quy tắc đó sai. Chỉ đi thoáng qua, và chỉ nhìn thoáng qua, của quý của bọn Tây chưa chắc to hơn của quý xứ ta. Nhiều thằng có của quý nhỏ và khô như những củ khoai từ thiếu nước, thiếu phân, nhăn nheo, như bị héo dây. Có ông Tây của quý to nhưng chẳng dài. Có ông dài nhưng chẳng to. Cũng có ông người sao “của” vậy nhưng không chiếm đa số. Hay là tôi nhận định sai? Trời lạnh 17, 18 độ cái gì mà chẳng teo? Chẳng có câu “lạnh teo chim” hay sao?

Tôi thấy rằng, ai nói gì kệ họ, ai nhận xét gì mặc họ. Trần thế đứng núi này trông núi nọ là bản chất của con người. Đàn ông luôn quan tâm đến của quý của mình. Đàn bà luôn quan tâm đôi gò bồng đảo. Đó là lẽ thường. Chỉ có bất thường khi mình mặc cảm những điều mình có. Chẳng hạn Tây “to” hơn ta. Tôi chứng kiến bằng mắt, không phải nhất thiết như thế. Người to chưa chắc của to. Người nhỏ chưa chắc của nhỏ. To hay nhỏ, cái nào đem lại hạnh phúc là OK. Tôi rút ra kinh nghiệm này là nhờ đi tắm Tây, tắm Tiên. Không được chụp hình chỗ tắm. Tôi đành nói chẳng có sách, mách chẳng có chứng.

NỤ CƯỜI

Nụ cười nổi tiếng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam được một nhà báo Nhật ghi lại, truyền thông nhà nước gọi là 'nụ cười Võ Thị Thắng'.

Vì sao cười cũng nổi tiếng? Cười thể hiện tâm tính con người. Tâm vui thì cười vui. Tâm an thì cười an. An là niềm mong mỏi lớn nhất của loài người.

Không có dịp đi nhiều nhưng tôi có nhận xét, người Việt ít cười nhất: đó là ở các cửa khẩu sân bay.

Lần đầu tiên bước xuống phi trường Phần Lan, cửa ngõ dẫn vào các nước trong cộng đồng châu Âu, tôi hết sức lo lắng. Nghe nói có trường hợp khách phải trở về nước khi không đáp ứng đầy đủ câu hỏi của an ninh khi nhập cảnh. Và gần đúng như thế thật. Câu đầu tiên, ông có nói tiếng Anh được không? Chút chút, tôi đáp. Ông qua đây làm gì? Thăm con. Ông có thể chứng minh? Đây, thư mời. Còn gì nữa? Vé máy bay khứ hồi; giấy bảo hiểm y tế Swisscare. Welcome. Và nụ cười nở trên gương mặt ông Tây ban đầu trông lạnh như tiền.

Có visa Phần Lan, quý vị đi bất kỳ nước nào trong EU cũng được. Ở nhiều nước, an ninh sân bay đều cười và hello (chào) khi cầm passport nhìn vào mặt khách nước ngoài như tôi. Thậm chí lúc du lịch bằng tàu thuỷ qua Estonia, hàng ngàn người xuống tàu từ hải cảng Helsinki, nhân viên an ninh hải quan vẫn chào từng người với nụ cười trên môi.

Ở thủ đô Tallinn, lúc vào tham quan bảo tàng đặt trong một lâu đài cổ, khi mua vé, con tôi được hỏi, ông bà kia (chỉ tay về phía tôi và vợ) có đi chung không? Có. Họ nở một nụ cười chào và nói: người già được miễn phân nửa tiền vé, dù con tôi không rõ có quy định đó. Tóc bạc thật lợi ích (chứ không phải bất lợi: tóc bạc sớm, sinh lý yếu!). Cầm vé, chúng tôi rời quầy thì họ khuyến mãi thêm nụ cười nữa, rất tươi: Have a good trip, chúc chuyến đi vui. Không rõ dân mũi cao da trắng có ưu ái như chúng tôi hay không.

Một lần cười nữa nhưng lại “cười ra nước mắt”, tại sân bay Paris. Ở nước người tôi luôn nhớ nước mình. Thật ra là nhớ nước mắm. Đi thăm các nước châu Âu, chúng tôi luôn mang theo nước mắm; thiếu nó, bữa ăn dù có 'cao lương' cũng mất đi ý nghĩa;  chất lỏng không quá 100 ml. An ninh sân bay hỏi có nước gì trong va li xách tay không. Tôi nói ‘le nước mắm’ (từ điển La Rousse có từ này). Anh ta cười và đưa tay lên mũi ra vẻ hiểu nước mắm, chắc là hôi lắm, đối với người Pháp. Chẳng may, nước mắm lại đựng trong cái chai có một nhãn hiệu khác. Xin lỗi ông, chúng tôi phải giữ chai này lại. Thế là khi từ Pháp qua mấy ngày ở Đức, chúng tôi phải nhịn thèm nước mắm. Và anh chàng Tây nở nụ cười tươi như xin lỗi chúng tôi vì phải thu lại món ăn quốc hồn quốc túy của người VN; tôi nói, 'cười ra nước mắt' là rứa.

Có sân bay, người ta soát xét rất kỹ. Chẳng hạn khách phải dang chân thật rộng, khuỳnh tay ngang hông để máy soi chiếu qua; xong, bước qua một bên, họ kiểm tra tiếp. Một thằng Tây to như núi, cúi xuống sờ vào vai, vuốt vào tay, kể cả ống quần của tôi. Tuy không mang cái gì “quốc cấm”, tôi cũng run run, lo sợ. Sau đó, họ khoát tay cho đi, và không quên nở nụ cười goodbye như thân mật lắm. Dù sao, nụ cười không rõ thế nào, tôi vẫn vui, không mất đi cảm tình vì phải nhìn gương mặt an ninh sân bay 'đằng đằng sát khí'.

Sau ba tháng ở xứ người, đi đây đi đó, tuy chỉ 4,5 nước, tôi mới thấy nước mình, nụ cười rất là tiết kiệm, ở cửa vào đất nước. Đứng gần một giờ ở cửa khẩu sân bay, người nước ngoài rất nhiều, tôi có thời gian quan sát rất kỹ an ninh nhập cảnh. Họ rất nghiêm nghị. Gương mặt căng ra, đầy chất công vụ quan trọng. Chẳng thấy một nụ cười. Tôi tự hỏi, hay là công việc kiểm tra an ninh cần một bề ngoài như vậy khi có người ngoại quốc sắp vào quốc nội?

Và nếu đúng như vậy thì khi kiểm tra xong visa, họ cũng nên nở một nụ cười nhẹ, đờ-mi cũng đặng, để người ta có cảm tình ngay với một đất nước vốn có danh là hiếu khách. Cười không những đem lại ấn tượng tốt ban đầu cho du khách, cười còn có thể giúp các anh chị phụ trách an ninh sân bay bớt đi căng thẳng vì mỗi ngày phải tiếp xúc với hàng ngàn người ra vào cửa khẩu. Thái Lan từng mở các khóa tập cười cho cảnh sát. Thì tại sao nhà nước không khuyên các nhân viên của mình nở một nụ cười đúng lúc trong công việc căng thẳng của họ mỗi ngày?

Trong hiểm nguy đối diện với tù tội, và có thể là cái chết, tiền bối của họ - bà Võ Thị Thắng -  còn nở nụ cười, huống hồ đất nước mình ngày nay thanh bình, nụ cười chốn công quyền lại trở nên khan hiếm?

CHIM DỒNG DỘC

Tuổi thơ vùng quê của tôi gắn liền với những chú chim non, trong đó có dồng dộc, (hay là dòng dọc?). Đó là loại chim có màu sắc nổi bật hơn chim sẻ, giống chim cũng rất gần gũi. Nếu so sánh tài khéo thì tổ của chim dồng dộc là một tác phẩm độc đáo. Tổ chim hình tròn, chóp nhỏ, có một ống dài bên dưới. Khi thấy cuối ống “loe” ra, trẻ chúng tôi biết là chim con trưởng thành, đủ lông đủ cánh, nghĩa là có thể bay theo mẹ một quãng đường ngăn ngắn. Bên cạnh tổ đẻ trứng, nở con là tổ “giải trí”. Phần dưới tổ có một quai ngang, như xích đu, chim sẽ đong đưa qua lại. Chỉ có chim dồng dộc mới nghĩ ra chỗ chơi cho mình và các chú chim non.

Tổ chim dồng dộc đan bằng những sợi lá lát (làm chiếu) tướt mảnh, nhỏ dài. Ở quê tôi, có những đầm rộng mọc đầy cây lát. Trên bãi xanh ngọn lát lô nhô những chiếc đầu màu vàng, trong tiếng xào xạc của gió là tiếng ríu rít của chim, những con chim đang hồi làm tổ. Có con đang tước lá, có con đang cất mạnh đôi cánh bay lên, chiếc lá trong miệng, hướng về nơi làm tổ.

Dồng dộc ít làm tổ dưới thấp. Những bụi tre cao là nơi lý tưởng, vừa thoáng đãng vừa mát mẻ, gió lộng đủ đầy. Cành tre đong đưa những tổ chim lay động; những tổ chim làm cho bụi tre vốn thân thuộc trở nên thân thuộc hơn: nhà của chim. Đặc điểm nữa là chim dồng dộc sống rất cộng đồng. Không bao giờ chúng làm tổ đơn lẻ. Chim cũng giống người thích sống quây quần bên nhau thành xóm, thành làng; xóm chim, làng chim. Mùa hè có lẽ là thời gian dồng dộc gầy tổ. Nắng ấm và gió mát là hai yếu tố xây dựng tổ ấm, sinh con đẻ cái?

Ấn tượng với tôi nhiều nhất là chỗ tụ tập của những tổ chim dồng dộc. Cả một vùng quê chỉ có một chỗ trở thành “thị trấn” của loài chim đáng mến này: Vườn ông hương Đài, làng Trúc Hà (ngôi làng vừa có cây đa được công nhận di sản quốc gia).

Chim làm tổ dày ken, không những trên bụi tre sau ngôi nhà ngói lớn mà còn trên cả cây bòng sum suê (một giống bưởi nhưng trái to hơn) trước cái sân khá rộng. Nhìn có khi không phân biệt đâu là trái bòng đâu là tổ chim. Chim nhiều đến nổi chúng rất dạn dĩ. Chúng tôi đứng bên hàng rào chè tàu quan sát rất gần mà chim vẫn điềm nhiên bay lượn vào ra tổ (chè tàu: một loại cây bụi có lá nhỏ nhiều cành nhánh đan san sát, tôi thấy có ở dinh Bảo Đại, Đà Lạt). Chủ nhà rất yêu quý chim. Đất lành chim đậu. Mà thật, bà chủ thi thoảng bắc thang lên bụi tre, cây bòng để “tỉa” bớt tổ chim và bán cả chim con lẫn tổ cho trẻ con chúng tôi, mỗi đồng một cái. Một tô mì Quảng chừng 3 đồng (thời ông Ngô Đình Diệm).

Nuôi dồng dộc là một kỳ công. Muốn chúng quyến luyến mình, chúng tôi thường chọn những con mới vừa “ra ràng” nghĩa là bụng chúng không còn có cục phân đen nhìn được qua làn da mỏng chưa phủ đủ lông. Lông tơ và lông vũ còn chen nhau. Thức ăn ban đầu cho chim non là gạo nhai từ miệng, vừa mịn, vừa có nước miếng (nước dãi), cho chim dễ nuốt. Chúng cũng ăn có lẽ ngày ba bữa như trẻ con. Nhưng thường thường, khi chúng kêu thì cho ăn nếu bữa đó người nuôi không đến trường đi học. Nhìn chúng nuốt thức ăn từ động tác “mớm” mồi của trẻ con, chúng tôi rất hạnh phúc, không khác chi, lúc còn bé mẹ mớm cơm cho con. “Miệng nhai cơm trắng lưỡi lừa cá xương”.

Khi lớp lông phủ gần kín, thức ăn cho chim không còn là bột gạo nhai. Cào cào hay châu chấu, những con nho nhỏ, cho vừa miệng chim. Không để chúng “hóc xương”. Ruộng đồng bát ngát. Thức ăn cho chim con rất dồi dào. Hồi ấy, không có thuốc diệt sâu rầy. Giống lúa mùa, năng suất không bằng “thần nông”, kháng sâu bệnh rất tốt. Trên đường đi học về, bãi cỏ, bờ mương là chỗ có rất nhiều thức ăn cho chim non.

TINH THẦN KỶ LUẬT

Có việc phải về Đồng Nai, chập choạng tối, một chiếc xe máy chạy ngược chiều tông thẳng vào xe tôi. “Khổ chủ” văng vào lề, người gây tai nạn nằm sóng soài ngoài lộ. May mắn, cả hai vô sự. Chỉ xe tôi lãnh thẹo: vỡ nát áo trước. Trên đường về lại Sài Gòn, thấy xe máy nào chạy ngược chiều, tim tôi muốn rớt ra ngoài. Rất nhiều người chạy lề trái chiều. Họ xem thường mạng sống và vô tâm trước sự an toàn của người khác.

Ảnh xe bị vỡ nát áo ngoài.

Vì sao người Việt rất tùy tiện trong lối sống, thể hiện nhiều nhất ở ngoài đường, bây giờ người ta hay gọi “tham gia giao thông”? Ngoài chạy ngược phía đúng của người khác, người ta còn thi nhau chạy xe lên lề khi có kẹt xe. Làm như thế, tình trạng ùn ứ tăng lên và kẻ phá luật đi đường chính là thủ phạm mà họ không nghĩ tới, họ chỉ nghĩ tới bản thân họ. Vì sao như thế?

Truyền thông luôn ra rả “văn hoá giao thông”. Văn hóa không chỉ có phát trên loa đài, in trong sách báo, hay đưa vào nghị quyết thì xã hội sẽ…có văn hóa. Cần một hay hai thế hệ, những tập quán tốt mới trở thành nếp sinh hoạt con người, ta hay gọi là văn hóa.

Tính “vô kỷ luật” rất thường thấy trong các hành vi của người Việt Nam (tôi không nói tất cả).

Cái căn tính ấy, theo một giải thích tôi nghe cách đây 50 năm, của thầy Huỳnh Văn Quảng, tiến sĩ tâm bệnh học đầu tiên của miền Nam tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông dạy môn tâm lý giáo dục cho sinh viên chúng tôi ở khoa Anh, trường đại học sư phạm Sài Gòn.

Từ bé trẻ con VN không sống theo một khuôn khổ nhất định. Lúc khóc thì mẹ đưa vú cho bú, không định kỳ một thời gian nhất định như người phương Tây ( hay như một số bà mẹ trẻ tiến bộ thời nay). Ngay cả đi vệ sinh, các bà mẹ Việt ngày xưa không tập bé đi bô vào giờ nhất định. Mà tội nghiệp, thời ấy làm gì có bô nhựa. Ăn cũng vậy. Trẻ không được tập ăn đúng bữa. Giờ ngủ cũng thế. Mẹ ngủ là con ngủ hoặc con ngủ là mẹ ngủ. Giờ giấc lung tung.

Thầy tôi nói, từ nhỏ như vậy, con người Việt đã sống rất “tự do” theo nghĩa muốn gì được nấy. Nên chuyện vượt đèn đỏ khi vắng cảnh sát ở ngã tư hay không thấy có nhiều xe là chuyện năm 1972 ở đô thành Sài Gòn đã có chứ không phải bây giờ mới có. Không khác nhau cái tính vô kỷ luật; chỉ khác nhau, mức độ năm sau nhiều hơn năm trước, thế hệ sau tràn lan hơn thế hệ trước.

Gia đình và nhà trường (nhất là nhà trường) góp phần rất lớn vào căn tính vô kỷ luật của mọi công dân trong xã hội. Chương trình giáo dục ngày nay là gánh nặng đè lên vai học sinh; nhiều cái gánh nặng không cần thiết như ca tụng lãnh tụ lúc bé rồi chính trị Mác Lê-nin khi trưởng thành.

Văn hoá giao thông, hiện tượng đi lại của xe cộ mỗi ngày ở mọi thành phố, hình thành từ học đường không được chú trọng. Vứt rác ngoài đường là ví dụ. Trẻ mẫu giáo học trong các trường quốc tế ý thức rất tốt việc tìm chỗ bỏ rác. Cháu tôi lúc 5 tuổi, cầm giấy rác trên tay thắc mắc với ông nội thùng rác ở đâu trong một quán ăn khi cháu thăm ông ở quê. Vất đại xuống đất đi con. Bà chủ quán vui vẻ chỉ dẫn. Cháu lắc đầu không chịu. Tôi phải dỗ dành và lấy chỗ rác ấy cho vào túi đem về nhà.

Giáo dục giúp hình thành văn hóa, văn hóa giao thông. Khen Tây không khác khen hoàng tử tốt áo. Nhưng tôi cũng muốn nhắc đến họ. Trong ba tháng ở Phần Lan, tôi quan sát rất nhiều sinh hoạt của trẻ con. Trẻ Phần không bụ bẫm, mập tròn, phúng phính, đẹp như trẻ con tôi gặp ở Sài Gòn. Đứa nào cũng gầy gầy. Chúng đi bộ hoặc đi xe đạp từ nhỏ. Ra đường nhiều, chúng làm quen với luật đi đường rất sớm. Cháu nội gái hơn 3 tuổi của tôi biết các vạch vôi trắng là chỗ được phép băng qua đường. Mỗi một tuần, trường mẫu giáo phải cho học sinh ra khỏi trường một lần, kể cả mưa tuyết khắc nghiệt. Trong các lần đi “dã ngoại”, các cháu được hướng dẫn băng những con đường không có đèn đỏ, xe hơi qua lại liên tục.

Khi thấy người chuẩn bị qua đường ở vạch vôi trắng, xe hơi, kể cả xe buýt ưu tiên, xe công cụ, đều dừng lại, nối thành đoàn, chờ các em nhảnh nha đi, vừa chuyện trò vừa đùa nghịch. Văn hoá giao thông phát xuất từ bé cho đến già, chính là chỗ này: nhường nhịn, không đua tranh, không muốn chiếm phần tiện nghi về mình.

Giao thông đô thị là vấn nạn hàng đầu đối với nhà chức trách nào có lương tâm; chứ không phải là trách nhiệm nhiệm kỳ, xong việc lãnh đạo thì phủi tay về nhà với chiếc huân chương “hoàn thành công tác”.

Kẹt xe là trở ngại rất lớn cho nền kinh tế vì sự trì trệ; thiệt hại của nó vô hình nên ít ai nghĩ tới để có một sách lược lâu dài to lớn. Nhưng tai nạn giao thông là nỗi bất hạnh đau đớn nhất cho con người, cả người có, lẫn người không tôn trọng luật lệ giao thông.

Tôi bị tông xe, không có thiệt hại về người cũng vì có kẻ đi sai luật. Nhưng hàng mấy chục người chết mỗi ngày trên đất nước chuyển động nhanh chóng này có làm cho người ta nghĩ đến văn hóa giao thông - tức là văn hóa nhường nhịn- để xã hội ngày một an toàn hơn. Hãy bắt đầu từ giáo dục, nghĩa là từ mẫu giáo.

Trẻ con cần dạy dỗ tinh thần thượng tôn pháp luật nhiều hơn là mênh mông kính yêu  lãnh tụ. Lớn lên khi ra đời, chúng thực hành mọi việc với một tinh thần kỷ luật, trong đó có tôn trọng kỷ luật khi  tham gia giao thông. Làm được như thế lãnh tụ nếu còn sống cũng mỉm cười hài lòng chứ không phải ở trên cao mỉm cười mãi mãi bằng các tượng đài chót vót. Đi đúng luật chính là yêu mình, yêu người. Tai nạn giao thông sẽ không còn là nỗi bất hạnh ám ảnh người lái xe trên mọi miền đất nước.

BẢO TỒN.

(Nhân phát hiện một sắc phong của vua Quang Trung).

Người dân 3 miền Trung, Nam, Bắc cùng một đất nước nhưng có đặc điểm không giống nhau, tôi muốn nói về tinh thần giữ gìn di sản quá khứ. Tinh thần bảo tồn quá khứ có phần nổi trội hơn ở người miền Bắc.

Vì sao? Qua nhiều biến động chính trị khắc nghiệt của lịch sử, chùa chiền đình đền miếu mạo ở các làng mạc còn duy trì nhiều hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhận xét của tôi có thể hạn hẹp nhưng điều chắc chắn chiến tranh tác động rất lớn ở miền Nam nhất là miền Trung hơn ở miền Bắc. Việc bảo tồn di sản do đó rất khó khăn.

Một loại di sản có sức sống nhưng  lại tiềm ẩn, gần “vô danh” trong dân: các sắc phong của nhà vua qua các thời đại. Ở một ngôi làng nhỏ của vùng Chu Lai, tôi tình cờ phát hiện một sắc phong của Nguyễn Huệ cho ông Ngô Hào Hy, chánh lãnh hầu của vua Quang Trung.

Sắc phong dịch Việt ngữ

Chỉ hơn 230 năm, bản sắc phong đã ở trong tình trạng hư hỏng, có chỗ bị mối ăn. Với con dấu của vua Quang Trung, bản di chỉ  này mang nhiều giá trị lịch sử không chỉ trong dòng họ của gia đình họ Ngô ở làng Phú Quý (nay thuộc Tam Mỹ Đông, Núi Thành, Quảng Nam).

Chánh lãnh hầu là chức quan rất lớn chỉ huy một đơn vị quân đội vốn hùng mạnh dưới triều vua Quang Trung. Như vậy, những ngôi làng khác hình thành khi châu Ô và châu Rí là lãnh thổ của Việt Nam, liệu có còn những chứng tích lịch sử như sắc phong giống trong một ngôi nhà tuềnh toàng mà tôi vừa phát hiện sáng nay? Chắc chắn còn rất nhiều. Sắc phong của vì vua nổi tiếng có tài thao lược hàng đầu trong lịch sử cận đại có giá trị gấp chục lần những bằng khen của các vị vua ngày nay vì sự hiếm hoi và mang đậm dấu ấn lịch sử.

Bảo tồn của nhân dân có lẽ rất phong phú và đa dạng không hẳn chỉ mỗi sắc phong. Chẳng hạn: Ở chính ngôi làng vùng đồng bằng (Phu Quý) này có một cánh rừng khoảng 10 hectare duy trì cho đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Làng Đa Phú (cũ) ở cạnh cũng có cánh rừng cùng diện tích.

Cứ mỗi 5 năm, dân làng đứng ra cắt những cây nhỏ bán làm củi đốt lấy tiền sung quỹ. Dân làng có quyền lấy cây cành khô về đun, không được chặt cây sống. Đó là cách bảo tồn thiên nhiên của cha ông chúng ta. Bảo tồn thiên nhiên chấm dứt sau 1975 với những quy hoạch trồng rừng. Cây cổ thụ hàng mấy trăm năm như mít nài, cồng, cầy, cốc, sao…trở thành tài sản gỗ cây của  nhóm người chức quyền hay giàu có.

LIU ĐIU

Là một loại rắn rất hiền lành, sống dưới nước, thường ẩn mình trong bùn khi ao đìa tát cạn. Chúng ăn cá nên có vẻ bụ bẫm, thân tròn, dài chừng 5 tấc, ngang nhỉnh hơn ngón tay cái. Dân quê ngày xưa thỉnh thoảng bắt nó ăn thịt. Phong trào “con gì cũng ăn” thời xưa ở quê tôi không có. Họa hoằn lắm, liu dìu mới trở thành thức nhắm rượu (nay gọi là mồi nhậu).

Liu điu nổi tiếng không vì là thức ăn đặc sản. Nó nổi tiếng nhờ mấy câu thơ của Lê Quý Đôn:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo

Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba

Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.

Mỗi câu thơ có gọi tên một loại rắn- trừ câu thứ 7. Liu điu, hổ lửa (rắn học trò?), mai gầm, rắn ráo (rắn lãi ?), hổ mang: những cái tên đứng vào “sách đỏ”, nghĩa là gần như bị xoá sổ. Liu điu là loài rắn không còn ai thấy nữa. Tôi hỏi rất nhiều người và câu trả lời: tiệt chủng.

Từ khi chiến tranh chấm dứt, số phận của các loài sinh vật hoang dã như voi, cọp, beo, gấu, heo rừng, trăn nước, nai, mang (mển) cheo, chồn ngày càng ảm đạm theo sự phát triển kinh tế và lòng tham của con người. Chúng chỉ còn lại trong những câu chuyện kể. Thiên nhiên bị con người khuất phục “ta sống, mày phải chết”. Một quy luật tàn nhẫn.

Ở một nước nhỏ vùng Bắc Âu thời gian non 3 tháng, tôi có nhận xét, con người ở đây không hề có ý niệm ăn thịt rừng, đương nhiên kể cả chim chóc. Ở VN, ăn thịt rừng là một đặc ân. Một đẳng cấp. Khi núi rừng phát triển phong phú và giàu sản vật, con người không đông đúc, ăn thịt thú rừng không làm cho núi rừng nghèo đi sinh vật: phương tiện lùng bắt thú thô sơ. Giáo, bẫy, hầm, chó săn…chẳng khi nào làm giảm số lượng thú khi sinh nhiều hơn tử.

Ấy là rừng núi. Còn ruộng đồng thì sao? Cùng chung số phận. Vì cái đói rồi đến cái ăn, bát cơm là số một. Con người nhiều lên khi ruộng đồng thu hẹp (vì cần đất cho xây dựng, nhà ở chiếm đa phần).

Tăng năng suất bằng mọi giá là nguyên do đẩy ruộng đồng vào môi trường huỷ diệt thiên nhiên. Vì tham lam và thiếu tầm nhìn, con người biến ruộng một mùa, hai mùa lên ba mùa mỗi năm và chỉ tiêu thi đua: năm sau cao hơn năm trước. Quan chức sẽ thăng tiến khi thành tích của họ ngày càng lên cao- có thể là lên đỉnh của biểu đồ parabol. Các loại thuốc tiêu diệt sâu rầy được áp dụng triệt để. Tôi có biết một thời thuốc DDT- chất cấm trên thế giới- vẫn còn sử dụng ở nông thôn một số năm sau “giải phóng”. Thuốc 666 diệt sâu đục thân (không rõ của nước nào) được sử dụng rộng rãi dù người dân được khuyến cáo phụ nữ có thai cần phải tránh xa. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra: người ta uống 666 để tự tử.

Và thế là bùn đất ruộng đồng- chỗ sinh sống của con liu điu trong bài thơ- trở thành tử địa. Rắn nước bắt nhái bén, cá nhét vàng ươm (giống cá kèo nhưng đẫy hơn, ngon hơn), ốc. lươn, cua… biến mất vì thuốc bảo vệ thực vật, mà không có gì bảo vệ động vật. Ngay cả con đỉa, một loại vật có sức sống mãnh liệt (dai như đỉa) nay hầu như không còn. Tất cả chết đi để cây lúa còn sống.

Mâu thuẫn giữa cái ăn (lúa gạo) với sinh vật không có chỗ dung hòa?

Không hẳn. Tôi có dịp đi hái dâu Tây ở các đồng dâu Phần Lan. Trái dâu chín nằm khuất dưới các lớp lá xanh ngát. Xen lẫn cây dâu là một loại cỏ, ban đầu tôi không nghĩ là cỏ trồng. Đó là loại cỏ “đuổi sâu bướm “. Mùi hoặc màu của chúng ngăn cản các loại sâu chuyên phá hại trái dâu? Nếu dâu phun thuốc thì không chủ vườn nào dám để khách ăn tự do, không mất tiền khi hái dâu “ trải nghiệm”.

Tây làm được thì thì ta cũng làm được. Không thể trồng loại cây đuổi sâu rầy, chúng ta có thể tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm cho các sinh vật hữu ích được không? Chắc chắn là được.

Hôm qua, khi lội qua các bờ ngăn những đám ruộng rất xa chỗ dân cư dẫn vào vài vị mộ tổ tiên tôi có ý định cùng tộc họ di dời lên nơi cao ráo, tôi gặp vài con rắn nước. Biết chúng hiền lành nhưng tôi vẫn sợ. Dẫm lên chúng. Có con rất bụ bẫm. Có con khá dài so với sự hiểu biết của mình. Rắn sống được thì các sinh vật khác có thể sống được. Như nhái hay ếch con- thức ăn của chúng. Ếch nhái có thì chắc cá cua sẽ có.

Biết đâu con liu điu một ngày nào đó sẽ không phải chỉ có tên trong văn học? Mà có thực ngoài ruộng đồng- ngoài đời.

Để trả lại thiên nhiên những gì con người huỷ hoại, chúng ta cần hành động. Bởi thiên nhiên đa dạng sinh vật thi con người sẽ đa dạng cuộc sống. Mìn đánh cá, kích điện dí chết cá, trùn trên đất, keo dính chim, thuốc sâu rầy nguy hại…cần coi như hàng quốc cấm. Quan chức nếu có tâm tốt, có tầm nhìn xa thì hãy quyết liệt bảo vệ sinh vật ruộng đồng- cấm tiệt các thứ vừa nói- trong đó có con liu điu yêu quý của tôi. Con cháu đời sau sẽ tri ân quý vị.