Friday, June 23, 2023

PHẬT ĐẢN TẠI PHẦN LAN

Tôi không nghĩ ở nước giá lạnh Bắc Âu này lại có chùa Việt Nam. Phước Lâm giống tên chùa ở Hội An, thành phố nhỏ, tôi có quãng đời học trò đầy thơ mộng.

Tín hữu không nhiều nhưng toàn là người Việt nên ngôi chùa ấm cúng không gian Việt, phong cách Việt, tâm hồn Việt, vô cùng ấm cúng.

BẠO ĐỘNG TẮC TỬ

Chưa hiểu rõ nguyên nhân bạo động ở Tây Nguyên, tôi chỉ nói một ý mà hơn 100 năm trước (1906) cụ Phan Châu Trinh khuyên chí sĩ Phan Bội Châu khi hai người cùng đi Nhật Bản: "Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bái vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu.” (Tạm dịch: Bất bạo động, bạo động ắt chết. Sùng bái nước ngoài chỉ có ngu thôi).

Tấn công vào cơ quan công quyền, giết chết một số cán bộ và thường dân, theo tin báo chí nhà nước,  của một số đồng bào sắc tộc thiểu số là hành vi bạo động. "Bạo động tắc tử". Không phải là 9 người chết mà sẽ còn nhiều người nữa. Tòa sẽ tuyên tử hình một hay nhiều người tổ chức và tham gia bạo động.

Làm thế nào để tránh bạo động? Ngoại trừ vì động cơ bí mật nào khác, thì sự cảm thông giữa đồng bào với nhau sẽ là: Đối thoại. Không thể có đối thoại giữa người Kinh và người Thượng? Không. Thời VNCH, có khẩu hiệu Kinh-Thượng một nhà. Ở quê tôi, vùng Thường Đức, nay là Đại Lộc, hằng năm có những hội chợ, gọi là chợ phiên. Chợ tổ chức cho người sắc tộc (chúng tôi gọi người Thượng) và người Kinh, trao đổi phẩm vật, giao lưu văn hóa.

Quê tôi nằm sát vùng núi, ở đó, có nhiều người thuộc sắc tộc thiểu số sinh sống. Trước thời Pháp đô hộ, không hiểu vì sao, người Thượng đôi ba năm hay kéo nhau xuống làng mạc người Kinh ở để đâm một ai đó, ông bà chúng tôi gọi là "Mọi làm giặc". Tương truyền, năm nào mũi giáo của người "Mọi" có dính máu người Kinh, năm ấy sẽ được mùa lúa rẫy. Khi người Pháp cai trị, họ bèn phát cho một số lý trưởng (tương đương ấp trưởng bây giờ nhưng có con dấu - gọi là triện) mỗi người một khẩu shotgun (súng săn) với 2 viên đạn. Nếu có bắn, bọn Tây dặn, thì phải chĩa nòng súng lên trời, không nhắm vào người và tuyệt đối phải thu lại vỏ đạn nọp cho chúng. Mỗi khi có "Mọi làm giặc" (đâm người Kinh) thì lý trưởng sẽ mang súng ra, nổ một phát rõ to, "Mọi" sợ hãi bỏ chạy về núi rừng.

Tình trạng "làm giặc" chấm dứt thời Việt Minh. Nhiều người Kinh lên công tác ở miền Thượng. Họ học tiếng Thượng và tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ truong của Già Hồ. Thực dân Pháp là kẻ thù, không phải đồng bào Kinh anh em.

Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chính sách của Việt Minh, cử nhiều người "có chữ" (nghĩa là có học vấn) lên vùng cao gọi là "cán bộ miền Thượng" thuyết phục họ với khẩu hiệu Kinh Thượng Một Nhà và những buổi chợ phiên ở vùng đồng bằng là biểu hiện của chủ trương đoàn kết các dân tộc Kinh-Thượng.

Rồi chiến tranh xảy ra, người sắc tộc trên rừng, số theo Cách Mạng (Việt Cộng), số kéo ra vùng "quốc gia". Trong mọi hoàn cảnh, người Thượng đều gắn bó với người Kinh, dù ở hai chiến tuyến.

Những năm thanh bình sau 1954, khi Ngô Đình Diệm chấp chính, quê tôi là nơi người Kinh và người Thượng sống với nhau rất chan hòa. Có một số người mang sản vật miền xuôi lên đổi lấy sản vật miền núi. Cũng có những đoàn người Thượng mang "gùi" (ba lô đan bằng mây) đem đặc sản về xuôi để đổi lấy hàng tiêu dùng không sản xuất được. Những ngày Tết, họ thường kéo nhau xuống vùng xuôi, tìm đến những ai từng làm ăn với họ để thăm nhà và chúc Tết. Ăn uống no say, khi ra về, trong những chiếc gùi mây của đồng bào Thượng là bánh tổ, bánh tét, bánh ít, bánh in, có cả thịt muối mo cau. Quà tặng của người Kinh. Đương nhiên, người Kinh đều hiểu "Cho một nhận mười". Người Thượng sẽ không để người Kinh thiệt thòi bao giờ. Ra năm, khi các người "Buôn Thượng" (buôn bán với người Thượng) có tặng quà Tết sẽ nhận lại nào là nếp, nào là lá trầu, nào là giác (trầm hương), nào là hạt tiêu rừng, ớt rừng...

Mối giao hảo kéo dài cho đến khi có chiến tranh xảy ra. Kinh-Thượng không còn một nhà, mà tới "hai nhà" đối nghịch nhau.

Nhưng dù có hoàn cảnh nào, người Thượng cũng gắn bó với người Kinh. Không còn những trận giặc đâm người nữa.

Số đồng bào Thượng ở Quảng Nam không thể nhiều và đa sắc tộc như ở Tây Nguyên. Tôi không hiểu, khi người Kinh (từ vài tỉnh Nam Bắc trung bộ và phía Bắc) kéo nhau lên sinh cơ vùng người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, họ có cư xử hài hòa với nhau như người Quảng chúng tôi đối với đồng bào Thượng hay không?

Đổ máu giữa người Kinh và người Thượng là nỗi đau không chỉ của gia đình, thân nhân của những người bị chết (đã chết và sẽ chết) mà còn là nỗi đau của đất nước này: Hòa bình nhưng vẫn còn tiếng súng, vẫn còn máu đổ, máu của những đồng bào Việt Nam.

Cụ Phan ơi! Cụ yêu nước thật thông thái mà sao tuổi đời cụ quá ngắn. Cụ thật bất hạnh, quốc gia chẳng ai xứng kẻ kế thừa. Tư tưởng của cụ là chân lý sáng ngời nhưng bây giờ nó như gió thoảng mây bay. "Bất bạo động. Bạo động tắc tử".

PHỞ TA Ở TÂY

Nhiều người mình đón khách Tây du lịch bằng những món ăn phải giống Tây. Họ sợ các bác mũi lỏ không quen nước mắm, ớt, tỏi, hành, các loại thức ăn thuần Việt. Té ra không phải. Ai cũng vậy, ăn phở riết thì muốn "thử" cơm. Có khi cơm nguội, cơm thừa cũng rất ngon. Của lạ mà. Tây cũng rứa.

Đó là lý do tôi thấy các tiệm bán đồ ăn Á rất đông khách tại Ý, Pháp, Đức, Phần Lan, mấy chỗ tôi đi qua. Đặc biệt là phở bò. Thịt bò có chỗ cắt lát vuông vắn như giấy bìa; có chỗ  bỏ ra tô màu tươi của thịt vẫn còn đỏ hồng, khi trộn để ăn thì thịt mới chín. Có chỗ thịt xắt nhỏ miếng như nhưn bún Huế. Chỉ ở Đức, thịt thái đúng cách, ngang sớ, dầy miếng, hơi dai nhưng "nhai" được, rất hợp ý người mình, bởi đó là phở Nam Định chợ Đồng Xuân và đương nhiên các loại rau, gia vị ăn kèm rất đầy đủ. Có tiệm ớt không thấy, có khi cả chanh, chỉ có ngò gai, lá to tổ chảng; có tiệm lại có mỗi rau quế cũng to chà bá.  Hành tươi củ, lá trụng nước sôi tuyệt đối không có. Tương ớt và giá sống chỗ nào cũng đủ, những cộng giá to mập như đầu chiếc đũa ăn.

Tiệm nào ở bốn nước tôi vào cũng đông khách Tây. Khác ta, Tây ăn phở rất lặng lẽ in như miễn cưỡng lắm. Thật ra, nhìn cách họ cầm đũa, cầm muỗng húp từng muỗng từ tốn, gắp con mì, lát thịt, bỏ miệng nhai nhỏ nhẻ, nhưng khi để ý nhờ mang kiến mát, tôi mới phát hiện, bát nào bỏ xuống chẳng còn một tí nước lèo (nước dùng). Nghe họ nói với nhau, không phải bằng tiếng Anh, nhưng tôi đoán, very good, ngon lắm, ngon lắm. Điều đặc biệt, không có tiệm phở nào dọn tăm xỉa răng, trừ nước Đức với chợ Đồng Xuân. Và thể tích bát phở phải nói là vĩ đại nhất VN; Tây nó to gấp đôi ta, bát phở cũng rứa. Giá trung bình ở các nước là 14 đến 15 đồng một tô (trên 350 ngàn).

Một điều tôi để ý một vài người Việt chúng ta thiếu tự tin (Trừ ở Berlin, chợ ta), khi để tên tiệm có "hơi hướm" Thái Lan. (Tôi không tiện nêu tên). Họ không có một biểu tượng nào để hãnh diện nói lên "Tôi là tiệm phở VN". Giữa sảnh lớn của tiệm là hình ảnh vì vua và hoàng hậu Thái Lan. Hình ảnh biểu tượng một nước Thái trong tiệm ăn Việt, đối với tôi, một cảm giác man mác buồn. Nghe con tôi nói, khi qua Nhật những năm đầu 2000, cháu phải mua nước mắm hiệu Phú Quốc nhưng sản xuất tại Thái Lan. Người Thái còn "ăn có" tiếng tăm của người Việt kia mà.

Tuy chỉ vài chỗ tôi đến, chưa phải là tất cả tiệm ăn Việt nước ngoài, lấy “tiếng” của người (Thái) để làm cho thương hiệu tiệm mình nhiều người để tâm khiến tôi tâm tư nhưng chủ tiệm thì không, do lợi ích kinh doanh thương hiệu "mượn" của một nước nổi tiếng về du lịch trên thế giới?

Dù sao, khi ở quê nhà, tôi nghĩ, thế giới nước nào cũng sẽ biết hai tiếng VN, một nước nhỏ “đánh thắng nhiều đế quốc to.”. Nhưng tôi lại nghĩ, khi qua đây, chính món phở mới là cách xiển dương nước Việt không thua gì chiến tranh với người Mĩ người Pháp người Trung Hoa. Phở sẽ ngang ngửa về danh tiếng với Pizza của Ý, Vang của Pháp, và cả Bia Tiệp, bia Đức, whisky Tô Cách Lan. Thấy mấy ông Tây bà đầm có người sì sụp húp nước lèo, tay quờ quạng với đôi đũa tre, bỏ cả cái nĩa truyền thống để tận hưởng hương vị món phở, tôi thật sự “tự hào “, người Việt đâu chỉ nổi tiếng đánh nhau đâu.

(Ảnh: Một lâu đài cổ ở Turku, cố đô Phần Lan. Hình minh họa chống trôi bài).

Thursday, October 27, 2022

SỐ NÀO ĐẸP?


 

Số có từ 1 đến 9 rồi 0. Từ đây sẽ có số chục, số trăm, số ngàn, số trăm cho đến số triệu, số tỷ và tỷ tỷ…

Con số là phát minh tuyệt vời của nhân loại. Càng tuyệt vời hơn, chúng đang nằm trên bàn nghị sự của quốc hội VN: bảng số xe.
Sẽ có tranh luận sôi nổi số tiền đem về cho ngân sách khi bảng số xe đẹp được đấu giá, có lẽ, bởi các đại gia chuộng xe ‘khủng ‘, không rõ số tiền có đáng với thì giờ quý báu của các đại biểu nhân dân?
Tại sao có con số (ở đây là bảng số xe) đẹp, nghĩa là, nó mang về cho chủ xe sự may mắn?
Tại mê tín.
Người giàu trên thế giới có ai chọn xe số đẹp không? Chắc tôi chưa rõ. Nhưng ở Trung Quốc thì đầy. Thấy xe nào mang biển số có con 8 càng nhiều, người ta biết chủ xe là ai - chắc chắn là đại gia hoặc “con đồng chí nào” đó. Số 8 có âm “bát” là phát, phát lộc, phát tài, phát quan…
Xe bảng số may mắn có may mắn không? Tôi từng thấy nhiều bảng số xe chưa kịp bôi (để che) khi gây ra hay gặp tai nạn- toàn số đẹp.
Sự mê tín ảnh hưởng đến suy luận, ngoài số 8 còn có số 7. 3 chìm 7 nổi, 9 lênh đênh. Số 6 gần đồng với xấu (âm miền Bắc). Hoặc giả, người ta dựa vào “sinh, lão, bịnh, tử” - gọi là “trực” - để tính các con số cộng lại trong bảng số xe trừ cho 10 nếu trên 10. Tổng số 15 thì số để tính “trực” là 5, ứng với “sinh”, nếu là 6 ứng với “lão”, 7 ứng với “bịnh”, số 8 ứng với “tử”.
Ta sẽ thấy quan điểm về số đẹp mâu thuẫn: số 6 có người cho xấu, có người cho đẹp. Số 8 (bát # phát) ứng với tử lại coi là tốt. Số 9 đẹp (sinh) lại là số lênh đênh (hoặc long đong).
Quan điểm như thế phát xuất từ sự mê tín- tức là sự vô minh.
Quốc hội là “tinh hoa” của đất nước lại đem chuyện mê tín (bảng số đẹp) ra bàn, người dân như tôi chỉ còn biết thở dài. Còn bao nhiêu chuyện đại sự của quốc gia như thức ăn hằng ngày của nhân dân có đủ an toàn không, chẳng thấy đại diện người dân nói đến.
Tôi xin thở dài lần nữa.

Wednesday, October 26, 2022

TẢN MẠN VỀ ĐỊA DANH


 

Không rõ từ năm nào, Sài Gòn đổi thành thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn gọn có 2 chữ, thành phố HCM dài hơn, tới 5 chữ. Nhưng dân thường hay gọi tên cũ, ít gọi tên mới, có lẽ họ làm biếng chăng.

Không biết khi nào thì cái tên Sài Gòn biến mất khỏi tâm trí người từng sinh sống ở thành phố lớn nhất nước này. Chứ ở quê tôi, tên địa phương cũ sống sừng sững như núi như non.
Nào là Đại Mỹ, Thạnh Đại, Thái Sơn, Mậu Lâm, Trung Đạo, Trúc Hà, Chấn Sơn (còn gọi Non Tiên vì có sông núi rất nên thơ), Hoằng Phước Bắc, Hà Tân, Đại An, Tịnh Đông Tây, Dục Đông...tên gọi bị đổi lại thôn 1, thôn 2, thôn 3...cho tới thôn 14 sau ngày "giải phóng". Nghe tên thật khoa học, toàn con số, nhưng khá khô khan.
Chừng mấy năm lại đây, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, địa danh mới trở lại tên cũ, như ở trên. Tôi là dân Trung Đạo, nghe dễ yêu hơn dân thôn 5, phải hông?
Tôi vào miền Nam sinh sống, một thời gian ở Đồng Nai. Tỉnh này có lẽ địa danh chỉ thêm chứ không thay đổi. Có một điều không hiểu nổi, ở đây, hầu hết cư dân đều gọi bệnh viện Thánh Tâm, không gọi đúng Bệnh viện huyện Thống Nhất.
Thánh Tâm trước 1975 là bệnh viện của đạo Công Giáo. Bác sĩ, nhân viên là linh mục, nữ tu sĩ ( gọi là soeur) có trong đội ngũ bệnh viện. Bây giờ bệnh viện do nhà nước quản lý. Đội ngũ y bác sĩ ở đây rất giỏi, có thể mổ não, bệnh nhân trong tỉnh không cần về Chợ Rẫy nếu cấp cứu chấn thương sọ.
Cũng khá ngạc nhiên, ở đây vẫn còn các sơ nấu cháo, cung cấp thức ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo, từ một nhà thờ sát bệnh viện. Hồi tôi điều trị ở đây, bệnh nhân theo công giáo đều có thể rước mình thánh Chúa mỗi sáng chủ nhật, có 1 vị linh mục mang Chén Thánh đi tới từng giường nằm bệnh nhân khắp bệnh viện, và tôi cũng ngạc nhiên, ban giám đốc BV ở đây không hề cấm cản hoạt động tín ngưỡng ở nhà thương.
Có thể thấy hành động yêu thương không phải của riêng tôn giáo nào. Chính quyền ở đây có đầu óc thông thoáng, tạo tình cảm thân thiện trong dân chúng bệnh nhân.
Có lẽ vì thế, cái tên cũ "bệnh viện Thánh Tâm" sống mãi trong tâm khảm của người dân, thay vì tên mới, tên đúng, có bảng hẳn hoi "Bệnh viện huyện Thống Nhất"?
Sài Gòn hay thành phố Hồ Chí Minh đều đáng yêu nếu những cái tên ấy nằm mãi trong tâm khảm người dân.
Tôi có nhận xét: ở miền Bắc ít thay đổi địa danh hơn ở miền Nam, tỷ như, trung tâm huấn luyện quốc gia Nhổn. Nhổn có ý nghĩa gì? Chắc chắn nó có ý nghĩa lịch sử. Nếu không, người ta thay mất đất cái tên đọc khá kỳ cục: Nhổn.
Cách mạng có nghĩa là thay đổi. Quê tôi, Hoằng Phước Bắc đổi thành thôn 8, nay thôn 8 trả lại tên Hoằng Phước Bắc. Quý vị thấy tên nào hay hơn, ý nghĩa hơn?
Tôi bỗng nhớ câu của cổ nhân, cha tôi hay nói: "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong". Cha tôi giải thích thêm: thiên không những là Trời, thiên còn là vũ trụ, quy luật cuộc sống.
Quy luật này suy rộng ra, cái đẹp, cái tốt sẽ còn mãi, cái không đẹp, không tốt sẽ qua mau. Làng tôi Trung Đạo hẳn đẹp hơn Thôn 5. Không đẹp, sao chính quyền địa phương đã phục hồi tên cũ?
Cái đẹp, cái tốt sẽ vĩnh cửu cho dù đôi lần bị vùi, đập, tả tơi.

Tuesday, October 25, 2022

LỊCH SỬ là một câu chuyện kể?

 


(Nhân trời mưa rả rích ở Đà Nẵng chưa về lại quê. Bài dài như mưa…dầm).

Trong cuốn A Brief History of Humankind (tạm dịch: Lược Sử Loài Người), Yuval Noah Hararai cho rằng: Lịch sử là câu chuyện kể. (History is a narrative). Tôi thì hiểu ‘chuyện kể’ là ‘tự tình’.
Tự tình rất gần gũi bởi đó là nhà (xưa) của tôi, làng cũ của tôi, và quê nhà của tôi. Mỗi lần nghĩ về nơi chôn nhau cắt rún, những câu chuyện kể hay những tự tình yêu mến ấy hiện ra, sâu thẳm trong tâm trí.
Làng xưa của tôi có lẽ cũng giống mọi ngôi làng quê tiêu biểu ở đất nước nhiều sóng gió này: có con sông chảy qua, có lũy tre, không biết trồng tự bao giờ, bao bọc gần trọn ngôi làng, không phải để chống lại quân giặc mà để che chắn tai ách thiên nhiên: những trận bão, những trận lụt, liên miên bất tận. Lũy tre làng không mang ý nghĩa xỏ xiên; nó bị gán ghép cái tên “trong lũy tre làng” hay “sau lũy tre làng”- một cách gọi miệt thị- để chỉ sự nhỏ nhoi, kém cỏi, quê mùa.
Dọc bờ sông là dãy tre làng dày đặc. Không có trận lụt nào khiến đất đai bị xói lở, trôi đi, để gây ra “dâu bể”: đất bồi thì ở, đất lở thì đi. Ở làng quê, đi thì biết đi đâu? Lũy tre trở thành chiến lũy.
Vì sao tre làng vẫn sống từ đời này sang đời khác, tôi muốn nói đời người không phải đời tre? Nếu phát hiện ai chặt tre hay bẻ măng tre, kẻ ấy sẽ bị làng phạt rất nặng. Phạt mang lại hiệu quả bảo tồn? Không. Chính lợi ích lũy tre mang lại là động lực để dân làng không “ăn“ măng để “mất” tre. Cây tre thân yêu và quý giá dường nào với dân làng.
Lũy tre còn mang lại không khí thanh bình. Chim cưỡng, chim cu thích đậu ở cành cao như cây gạo, cây đa, nhưng các bụi tre um tùm có khi là nơi chúng làm tổ, tổ chim non, ríu rít.
Mỗi chiều đi tắm sông, trẻ con chúng tôi còn thấy những bầy chim sả bay lượn từ các ngọn tre cao rồi đáp xuống bãi cỏ xanh có đàn trâu đang gặm cỏ xa xa bên dưới; (chim sả còn gọi chim trà trả, sống theo bầy, lớn gấp đôi chim sẻ, màu lông xanh biếc, có tiếng kêu giòn giã, vui tươi).
Có ai để ý tiếng gió thổi qua các bụi tre mọc dày đặc soi bóng xuống bờ sông? Tre vừa khẽ nghiêng mình vừa cất lên âm thanh vi vu như những nốt nhạc nhẹ nhàng và êm dịu. Bên các gốc tre là nơi sinh sống của những chú trùn con nho nhỏ, tên là trùn huyết, thân chúng đỏ như huyết. Chúng tôi bươi đất mùn ra bằng một que tre để nhặt lấy chúng. Dưới làn nước trong như gương của dòng sông là các chú cá bống, có nơi còn gọi cá bống cát vì chúng nằm sát mặt cát và có màu của cát phản ánh màu nước sông trong veo. Trùn đào từ vạt đất dưới bụi tre là mồi ngon của những chú cá bống.
Lịch sử- những tự tình, những câu chuyện kể - của làng tôi còn gì nữa không ngoài luỹ tre làng? Còn. Rất nhiều. Nhưng là những câu chuyện rất giống cổ tích.
Khi còn là những cậu bé vừa cắp sách đến trường, chúng tôi nghe cha mẹ hoặc ông bà kể lại những câu chuyện không khác chuyện thần tiên. Tất nhiên, tôi sẽ không nhắc lại những câu chuyện kể về…ma. Làng quê không bóng đèn điện, um tùm cây cối, chưa chiều thì đã tối, chuyện ma là đề tài gây sợ hãi nhưng hấp dẫn cho trẻ con trong gia đình quây quần sau mỗi bữa ăn tối.
Bằng cách cả quyết là có thật, ông nội tôi từng kể, cha tôi cũng từng kể, như bao nhiêu người già cả khác ở vùng quê heo hút, thường là nhiều câu truyện bắt đầu và kết thúc “như thật”.
Có ông Tám Đảnh từ đâu đến làng chuyên hành nghề “phù thủy”. Không phải là bà phù thủy đáng ghét ở phương Tây. Học nghề “thầy pháp” (như phù thủy) để chữa bịnh cho dân làng. Một bé trai sáu tháng tuổi lên cơn co giật vì sốt quá cao. Chắc là bị “ma bắt”. Thầy được mời tới. Chẳng một lời hỏi han sự tình, sờ trán và nhìn đứa bé một chút, thầy nắm hai chân nó xách hỏng lên, đi từ tốn đến lu nước đầy (quê tôi gọi là ảng nước), trước sự ngỡ ngàng và hốt hoảng của mọi người trong nhà, ông thả vào đó, thản nhiên bỏ đi, cũng chẳng có lời nào dặn dò. Sợ con chết ngộp, người cha vội vã ẵm cháu bé ra khỏi lu nước đầy. Lạ lùng thay, đứa bé không còn sốt nóng nữa. Nó khóc và đòi bú mẹ.
Một lần khác, thầy được mời đến chữa một người đàn ông lên “cơn điên” đập phá đồ đạc trong nhà. Thầy đến với một con roi mây dài, mảnh. Đưa tay rút một cộng tranh bên dưới mái nhà (ngày xưa nhà rất thấp) vào buổi sáng sương còn đẫm phía trên mái, thầy bật lửa (bằng đá đập nhẹ vào nhau tạo lửa cháy tiêm mồi- gọi là bùi nhùi) đốt, rồi điềm nhiên phóng lên mái nhà . Lạ thay, cọng tranh cháy hết (vì khô) nhưng không bắt lửa cháy lây. Mọi người hốt hoảng chạy ra xem, trên tay là các “gàu” nước chuẩn bị chữa cháy; trong số đó có cả người đàn ông bị “ma ám”. Sẵn roi mây trên tay, thầy quất lấy quất để vào mình “ông điên”. Đến khi người này la to: “ Đau quá, đau quá, xin thầy tha cho” thì thầy chỉ vào mặt ông, quát lớn: “Từ rày không được phá phách nữa, nghe chưa”. Nói xong, thầy bỏ đi với chiếc roi mây dài. Thầy không mong được trả ơn. Từ đó, người đàn ông “hết điên”.
Nhưng câu chuyện này mới lạ lùng hơn. Vào mùa nắng, ở làng quê người ta thường đi bắt ếch. Ếch mùa này thịt rất ngon. “Ếch tháng ba, gà tháng chạp”. Thầy đang làm nhà; có rất nhiều thợ vì nhà khá lớn- tới năm gian. “Nghe thầy từng gọi hồn, kêu vía; chúng tôi mong thầy gọi…ếch để bắt về nấu cháo đậu đen, thưa thầy được không?”. “Dễ ợt. Các anh cử một người ít nói nhất theo tôi. Chuẩn bị “oi” (giỏ đựng cá) cho to”. Đến một thửa ruộng khô nằm sát bờ tre rậm rạp, ra dấu người đi theo ngồi phía sau với lời dặn phải tuyệt đối im lặng, thầy bắt đầu cất lên âm thanh không khác gì tiếng kêu của ếch mùa giao phối. Tàn độ chừng nửa điếu thuốc lá, ếch bắt đầu từ các bụi tre nhảy ra, lệch ệch, con này nối con kia, những chú ếch bụ bẫm thân ướt đẫm như vừa mới tắm. Người đi theo vừa sợ hãi vừa ngạc nhiên nghĩ bụng: hay là ếch ma.
Không. Ếch thật. Khi bắt độ trên hai cục con, thầy đứng lên, ra hiệu cho người đi theo ra về. Ông thầy lầm rầm cái gì trong miệng, người đi theo không nghe rõ, rồi giơ tay cao về phía những bụi tre như chào từ biệt những con ếch trong đó chưa kịp nhảy ra.
Cha tôi (sinh 1902) còn kể thầy Tám Đảnh có thể đi qua sông bằng chiếc nón lá. Nếu có ai thấy mà la to, chiếc nón sẽ chìm. Cha tôi còn quả quyết ông nội tôi từng thấy hồi còn trẻ thầy phù thủy lướt qua mặt sông mà không cần nón lá
Gần 60 năm sau, lịch sử, quá khứ của làng tôi chỉ còn sống trong lòng những người tha hương như tôi qua các câu chuyện kể, những tự tình.
Kể cả lũy tre làng yêu dấu của tôi.
Chúng chỉ là lịch sử - câu chuyện tự tình. Nhìn bãi cát xô bồ vì lũ lụt, bãi cát vô tri, bên con sông đỏ quạch, cạn cợt, nơi có dòng nước trong veo với những chú cá bống ngày xưa, tôi không hình dung ra ở đâu là những bụi tre bao đời thầm lặng bảo bọc dân làng trong đó có tổ tiên tôi.
Lịch sử chỉ là chuyện kể thôi ư?

Sunday, October 23, 2022

PHÁ DỄ HƠN XÂY

 


Học lịch sử, tôi để ý sau các cuộc “cách mạng”, tàn phá dễ thấy hơn xây dựng. Và cuộc cách mạng nào cũng đem lại máu xương. Tôi không nói các cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật.

Sáng nay đọc status của một vị giáo sư uy tín. Chỉ là một đoạn văn ngắn hóm hỉnh và tinh nghịch nhưng có rất nhiều còm bên dưới, đa phần tập trung phê phán một facebooker có tên Quang Thắng. Nhìn hình trong status, giông giống chiếc phễu, anh ta viết, đáp lại một trưởng lão vào tuổi ông nội, ông cố: “Cái ống để ông Trang ngậm đầu nhỏ để chị, em “rót” nước vào mồm Mạc Văn Trang”.
Trong khi tôi đang viết status, số “bình luận” từ 47 vọt lên 81 bên dưới cái còm của ông Quang Thắng. Nghe đâu, cũng từ các bình luận, người ta biết anh này ở Huế (chưa chắc người Huế, vì trong cái còm khác anh ta dùng 'sỏ lá' thay vì 'xỏ lá') tốt nghiệp đại học sư phạm, nghĩa là đang làm nghề dạy học.
Không phân tích “nhân cách” một “kỹ sư tâm hồn”, tôi muốn nói đến sự “tàn phá” sau “cách mạng”. Đó là sự tàn phá đạo đức. Có thể còm chỉ trích người thầy của ngôn ngữ “không ai ngờ tới” sẽ vọt lên 100. Nội dung các chỉ trích này là lên án thái độ bất kính của một người thầy trẻ với một vị thầy già.
Nhưng có những chỉ trích lại…đi quá xa. Chẳng hạn: (Facebooker Tâm Tình Cuối Tuần): “CÁI ĐÁM DÂN MỌI MIỀN TRUNG chúng mày chỉ bít (biết) ăn nói mất dạy, bố láo ăn cắp. KHINH!” (hết trích).
Một người nói sai lại được “sửa sai” bằng một người nói quá…sai. Cái ông Quang Cảnh hỗn láo nào đó không thể đại diện cho cả miền Trung đáng yêu của tôi và hàng chục triệu người khác.
Sự tàn phá (chỉ ở một status) cho thấy một thực trạng đau xót: cái xấu dễ lan tỏa hơn cái tốt. Chỉ có một cái còm “xấu” mà có tới hàng trăm cái còm phản bác. Nếu xét đến sự chú ý thì một câu nói “thông tuệ”, một đoạn văn “uyên bác” trong một status thì câu “mất dạy” của vị tốt nghiệp đại học kia đang được chú ý gấp 10, gấp 100. Và trong những còm đáng “chú ý” ấy không thiếu một số còm đáng…buồn (như tôi trích ở trên).
Tôi ngờ rằng, chính câu nói “mất dạy” ấy lại là ý muốn sâu xa của tác giả: Tạo sự chú ý. Y biết câu nói đó là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức thông thường của bất kỳ một người Việt nào. Tới đây, ta đã hiểu vì sao có kẻ muốn “đốt đền” đến thế.
“Hàm huyết phún nhân ố ư tại khẩu” (ngậm máu phun người máu trây miệng mình). “Chửi” thô lỗ “thằng mất dạy” không phải là giải pháp hữu hiệu. Đừng quan tâm anh ta, đó là cách để anh ta biết ra sự xấu hổ. Càng bị “chửi”, anh ta càng còm những câu “mất dạy” hơn về sau. Nhưng “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” (Nguyễn Đình Chiểu) lại là thái độ sống tôi đoan chắc của đa số những người Việt chân chính. Chẳng “tha” cái bất bình nhưng lại gây thêm bất bình khác - như câu “CÁI ĐÁM DÂN MỌI MIỀN TRUNG” - sẽ dễ dẫn đến cái tôi nói ban đầu là sự “tàn phá” khủng khiếp hơn.
Nói để dẫn đến tan vỡ dễ hơn nói để đem lại dựng xây. Ác nỗi: Ai cũng thích “dễ”, chẳng ai muốn “khó”.
Xem thêm Facebooker Mạc Van Trang