Tuesday, August 9, 2022

“PHẠM” CHÍNH TRỊ


Tôi để ý bài viết nào của tôi có hơi hướm...”chính trị”, ít người like, ít người còm. Nhiều người e dè, đắn đo, dù có người tâm tình, từng đọc nhiều bài “chính trị” khi họ gặp tôi “ngoài đời”. Bỗng nhớ chuyện hài: hai tù nhân hỏi nhau, vì sao vô tù. Một anh nói: tao giết người; anh kia buồn bã đáp: tao thường like vào những status của mấy “thằng phản động”. Làm gì có chuyện like lại bị ở tù, nhưng cũng có người sợ “dây dưa nguy hiểm” với những cái likes ảo mỗi ngày.
Chính trị, thực ra, có chi mà phải sợ hãi, nếu xét chính trị theo quan điểm thông thường, như ở những nước dân chủ phát triển. Làm chính trị ở những quốc gia như Mỹ chủ yếu là tranh cử vào những chức vụ dân cử, hay điều hành guồng máy quốc gia, công việc của các quan chức chính phủ ở tiểu bang hay liên bang. Nghĩa là, mọi hoạt động đều dựa vào hiến pháp, luật pháp.
Ở nước họ, người ta chỉ phạm luật, không có ai phạm...chính trị. Có thể chửi tổng thống, đốt cờ Mỹ, miễn là làm những điều luật pháp không cấm. Ở ta, nếu chửi người đứng đầu đất nước hay đốt cờ nước, xộ khám là điều không tránh khỏi, "phạm chính trị" rồi đó. Vì sao ở VN chúng ta sợ phạm chính trị hơn sợ phạm luật?
Dài dòng một chút. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhiều đảng phái được thành lập, hoạt động bí mật, lôi kéo và dẫn dắt quần chúng tham gia, đánh đổ ách cai trị thực dân, mưu cầu tự do, dân chủ cho đồng bào, quyền tự quyết cho dân tộc. Những người tham gia như vậy bị bọn thực dân coi là “hoạt động chính trị”; ngay cả người dân thường cũng gọi họ là những người “làm chính trị”. Họ gặp muôn vàn hiểm nguy, đã nhiều người đánh đổi cả mạng sống. Hoạt động chính trị nhẹ thì đi tù, nặng thì bị xử bắn, bị chặt đầu, như lãnh tụ Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học và các đồng chí. Chính trị như thế cực kỳ nguy hiểm. Làm chính trị, hoạt động chính trị, đồng nghĩa với tù đày và chết chóc.
Trong thời gian chiến tranh hai miền Nam- Bắc, chính trị mỗi miền cũng là nỗi kinh hoàng cho những ai liên quan về "chính trị" với ...phía bên kia. Chết chóc, tù tội...cũng vì làm chính trị. Chính trị gia đối lập như học giả Hồ Hữu Tường từng ở tù “mút chỉ”, thời “quốc gia” của tổng thống Ngô Đình Diệm, lẫn thời “cộng sản” của tổng bí thư Lê Duẩn.
Bây giờ đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ. Đất nước đầy đủ luật pháp hơn thời chiến rất nhiều. Nhưng hễ cái gì dính tới...chính trị, ai ai cũng lấm le, lấm lét như vi phạm pháp luật. Chính trị bây giờ có nhiều chỗ rất “nhạy cảm”, chớ léng phéng lại gần, lầm lẫn như thân thể phụ nữ, có những điểm cũng vô cùng nhạy cảm . Ai ai cũng ngó trước dòm sau...coi chừng "phạm chính trị", đụng tới “vùng nhạy cảm”.
Nhưng ít ai thấu hiểu, khi ăn một thức ăn nhiễm hóa chất độc hại, phải trả thêm mỗi kw điện mấy ngàn, lạm phát đồng tiền đang lưu thông, giá vàng lên xuống bất thường...tất cả là kết quả điều hành của toàn bộ hệ thống chính trị, phát xuất từ nền tảng chính trị.
"Chính trị" chi phối cuộc sống. Chính trị là "thống soái". Nhưng khó khăn một nỗi, người dân bây giờ không phải là ông chủ - muốn làm gì cũng được, hay muốn chi được nấy, dù được vinh danh, ca ngợi, ngay cả cán bộ cũng "là đầy tớ trung thành của nhân dân". Tui thì thực tiễn hơn, bắt chước các cụ ngày xưa, gọi quan(chức) là "phụ mẫu chi dân". Thể chế vua chúa nói cái này thật đúng, mà lại gọn, không màu mè như từ "đầy tớ". Nhưng nếu gọi là đầy tớ, đầy tớ ấy nên làm cái việc như cha mẹ (phụ mẫu). Cha mẹ thì luôn luôn thương yêu con cái, không làm họ phải lo âu, sợ hãi - quy luật muôn đời.
Tôi nói rứa có “phạm chính trị” không hỉ?
Nguyễn Long Chiến
(Bài cũ đăng lại)

Friday, August 5, 2022

ĐIỂM 0 (zero) TIẾNG ANH

Đó là số điểm của một học sinh ở Cà Mau trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2022. Rớt tốt nghiệp, không vào đại học, lý do có một môn bị điểm liệt tức dưới 1 điểm, dù điểm trung bình của em là 7/10 (Toán:8; ngữ văn:7,5; vật lý: 9,5; hóa:9; sinh:7,75; anh văn:0) . Nếu em "rủi ro" học ở miền Nam trước 1975, em đã có bằng tú tài, hệ số điểm thời ấy là 14/20 (hệ số 20 thay vì hệ số 10 như ngày nay). Quy chiếu theo cách phân hạng trong giáo dục VNCH, em thuộc hạng bình (từ 14 đến dưới 16/20). Một suất du học sẽ có sẵn dù tiếng Anh của em là ze-ro (vì ngủ quên). So sánh thì luôn khập khiễng. Hồi ấy, học sinh thi tú tài (cuối cấp): học gì thi nấy, kể cả môn thể dục. Không thi “trốn” môn như bây giờ. Tốt nghiệp và xét vào đại học chỉ căn cứ vào…6 môn, trong khi ở đại học, nền tảng cần học đòi hỏi rất nhiều môn học ở cấp trung học.

“Rớt tú tài , anh đi trung sĩ”. “Ta hỏng Tú ta hụt tình yêu. Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc. Đau lòng ta muốn khóc” . Tỷ lể đậu tú tài trước 1975 ở miền Nam rất thấp. Thấp nhưng cũng không đến nỗi. Rớt tú tài 1,thanh niên có thể theo học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức (chuẩn úy) hoặc trung sĩ nếu đăng lính (chỉ huy một tiểu đội, có khi một trung đội). Thi hỏng là sức nặng đè lên vai thanh niên thời chiến (đau lòng ta muốn khóc, ta đợi ngay đi (lính). Do đó, học sinh trung học chuẩn bi cho ngày thi rất cẩn thận và chu đáo. Thầy cô dặn không ôn bài trước ngày thi tối thiểu 3 hay 4 ngày. Gần thi ôn bài cũng vô ích lại khiến học sinh thêm lo lắng. Nghỉ ôn thi giống như lấy đà nhảy xa. Ăn uống cũng nên cẩn thận. Lỡ ngay ngày thi mà Tào Tháo rượt thì “ta hỏng tú tài ta đợi ngày đi” như chơi. Tôi chưa từng thấy học sinh nghỉ hay ngủ trong giờ thi kéo dài khoảng 3 ngày khá căng thẳng. Chỉ nghe tiếng giày của giám thị hành lang (người đi qua hành lang của các phòng thi) học sinh tim như rớt ra ngoài còn tâm trí đâu mà…ngủ như em học sinh Cà Mau. Có giám thị bảo nhiều em thi làm xong bài chừng 15 phút rồi gục lên bàn ngủ. Em học sinh giỏi kia bị điểm không, thầy cũng “tưởng như vậy”.
Hỏng thi là hệ quả do học sinh ngủ quên gây ra. Người ta không thể “kết án” người coi thi “thiếu lương tâm”. Sở giáo dục đúng khi cho rằng các giám thị làm tròn chức trách của mình.
Có người bảo lỡ học sinh ngất xỉu thì sao? Ngất xỉu cũng do bản than học sinh. Thầy cô giám thị không làm học sinh “xỉu” hay “đột quỵ”. Họ chỉ liên đới trách nhiệm khi không báo y tế nếu có học sinh bị ngất hay đột quỵ.
Về pháp lý là đúng như thế. Ai làm nấy chịu. Về đạo đức cũng vậy. Khi coi thi không ai đòi hỏi người coi thi phải đạo đức. Bởi hiểu đạo đức là “giúp đỡ” học sinh đang thi thì chỉ đứng gần thí sinh sẽ phạm quy chế thi. Không được đứng gần học sinh thì việc làm xong bài rồi ngủ và quên làm bài rồi ngủ chẳng khác nhau là mấy. Đề thi dễ quá thì hí hoáy mươi phút rồi ngủ học sinh đâu có toát mồ hôi như thế hẹ chúng tôi, dù có làm trước thời gian năm mười phút hay nửa tiếng chúng tôi vẫn đọc đi đọc lại cho thật kỹ hòng ngăn ngừa thiếu sót có thể dẫn đến…hỏng tú tài.
Pháp lý và đạo đức không ràng buộc thầy giáo coi thi chịu trách nhiệm tinh thần về việc học sinh quên làm bài trên giấy thi dù hoàn thành trên giấy nháp.
Nhưng đối với văn hóa, vâng, về mặt văn hóa, thầy coi thi đã không thể hiện văn hóa đúng mức. Coi thi là trách nhiệm cao quý. Giúp việc thi cử công bằng. Thấy học sinh hí hoáy làm bài tuy không đứng gần, người coi thi có thể quan sát họ, một cách hợp pháp. Không đứng gần nhưng không thể không quan sát. Lỡ có thí si gian lận thì sao? Không quan sát thì người coi thi không thể làm tròn trách nhiệm coi thi. Chưa làm bài mà ngủ sẽ khác với làm bài rồi mới ngủ chứ. Việc ngủ trong lớp học không thể được chấp nhận thì tại sao trong phòng thi “đó là chuyện bình thường”? Quy chế thi cần chặt chẽ vấn đề này. Người ra nôi dung thi cũng phải ý thức điều này. Đề không thể dễ đến nỗi nhoáng một chút là có thí sinh làm xong rồi cúi đầu ngủ. Đây cũng là lý do: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 10.700 thí sinh tham gia, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,12 %”. (Theo VN Express).
Tôi nói học sinh bị điểm không về môn tiếng Anh, không được vào đại học là do lỗi hoàn toàn của em. Có thể do quá căng thẳng, tâm lý chế ngự sinh lý, tinh thần lấn áp thể chất, làm trên giấy nháp nhưng học sinh ấy ngỡ là làm trên giấy thi và chìm vào giấc ngủ.
Nếu có một nền tảng văn hóa (tôi không nói đạo đức) người coi thi sẽ quan sát từng em một trong lớp. Nhất cử nhất động đều không qua con mắt trách nhiệm của thầy. Mà trong phòng thi đâu chỉ một người coi thi. Không đe dọa nhưng không có nghĩa là dửng dung trước tình huống của mỗi học sinh dưới sự coi ngó của mình. Nhắc nhở học sinh tuân thủ quy chế thi đồng nghĩa với việc giúp học sinh tỉnh táo trong lúc làm bài thi. Chỉ một cử chỉ “liếc mắt” thôi, thầy coi thi giúp em học sinh ngủ quên (do tâm lý) kia sẽ hoàn tất bài làm. Có thể người coi thi - trong lớp có học sinh giỏi nhưng hỏng vì điểm liệt do ngủ quên- làm đủ chức trách pháp lý, không ai có quyền yêu cầu quy chuẩn đạo đức của họ. Nhưng về nền tảng văn hóa họ chưa đủ tầm của một người thầy: hạn chế các sơ sót thấp nhất để học sinh có thể thể hiện hết năng lực của mình bằng một động tác QUAN TÂM.
Tôi từng thi hai đợt tú tài một và tú tài hai năm 1971, 1972. Hỏng tú tài là hỏng tương lai. Trong phòng thi có một học sinh vô ý đánh rơi bút bi xuống nền xi măng đầu bút hỏng. Viết không ra mực trong khi các bạn rào rào làm bài thi học sinh luống cuống và sợ hãi đến nỗi không biết lên tiếng với thầy giám thị hay hỏi mượn bút dự phòng của bạn. Thầy giám thị phát hiện và giúp đỡ em. Thầy cho em mượn chiếc bút. Thầy có thể không biết em cần bút. Thầy không có trách nhiệm cho em mượn bút. Mang bút dự phòng là trách nhiệm mỗi thí sinh đi thi. Cho em học sinh mượn bút (thầy không có bút dự phòng) kịp thời vì biết em cần bút: đó là văn hóa.
Mỗi năm cả nước nhốn nháo chuyện thi tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi mà một tỉnh “nông thôn” như Cà Mau, số người đỗ “tú tài” là 99,12 % thử hỏi cuộc thi ấy thế nào? Học sinh cực giỏi hay đề ra cực dở?
Theo tôi, tất cả học sinh trung học phổ thông không phải thi tốt nghiệp. Các trường hay các các sở xem học bạ để công nhận tốt nghiệp. Hãy để cho các trường đại học tự tuyển sinh viên đại học. Họ có trách nhiệm với sinh viên của mình. Họ không thể chịu trách nhiệm việc tuyển chọn sinh viên từ học sinh thi tốt nghiệp đậu gần 100%. Chắc chắn xã hội sẽ không mệt mỏi vì có chuyện học sinh ngủ quên trong phòng thi khiến cả nước như lên cơn sốt chỉ trích và rao giảng đạo đức.

Tuesday, August 2, 2022

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CHIA RẼ VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA? (Why are Vietnamese Split on the War in Ukraine?).

 Carl Thayer, người Úc, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, trả lời phỏng vấn, ngày 28 tháng 7 năm 2022. Luận điệu của Puitn đối với Ucraina năm 2022 không khác luận điệu của Đặng Tiểu Bình đối với VN năm 1979. Kỳ lạ thay, một số người Việt hiện nay lại ủng hộ t.ên xâm lược khát má.u này.

……………………………………………………………………

Từ khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ucraina, chúng tôi thấy người Việt chia rẽ quan điểm, kẻ ủng hộ, người chống đối.
HỎI: Ông giải thích ra sao về hiện tượng này? Ông nghĩ nó có ý nghĩa gì về mặt xã hội không?
ĐÁP: Chia rẽ trong cộng đồng người Việt về cuộc chiến Ucraina là hậu quả của trải nghiệm cá nhân như học tập, sinh sống, và làm việc ở Nga hoặc Ucraina. Nhiều người Việt gắn bó với các nước chủ nhà của mình. Đa số họ sống ở Liên Bang Nga và điều này thể hiện trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Lý do nữa, Liên Bang Xô Viết/Liên Bang Nga giúp đỡ VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và còn được nhiều người Việt coi như là bạn tin cậy.
HỎI: Chiến tranh VN gây chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ, hậu quả của nó kéo dài hằng thập kỷ. Ông có nghĩ hậu quả (tương tự) sẽ có trong lòng người Việt Nam về chiến tranh Nga-Ucraina?
ĐÁP: Sự so sánh thích hợp nhất sẽ là giữa một nước Mỹ chia rẽ và một nước Nga tương đối đoàn kết về hai cuộc chiến do chính phủ (Mỹ) chống VN và chính phủ (Nga) chống Ucraina. Cuốc chiến ở Ucraina có lẽ sẽ kéo dài. Về mặt vật chất, người Việt Nam chẳng ảnh hưởng gì. Họ sẽ chờ dấu hiệu từ nhà nước mình. Khó khan thật sự khi cuộc chiến chấm dứt. Chính quyền VN phải có quyết định làm thế nào để khôi phục quan hệ với Ucraina và đóng góp bao nhiêu cho việc tái thiết đất nước này.
HỎI: Tôi tiếp xúc người Việt sống ở Ucraina phục vụ trong quân đội chống lại quân Nga. Những người này có một tinh thần chiến đấu cao; ông có thể giải thích vì sao như vậy?
ĐÁP: Có những điểm tương đồng giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Nga của người Ukraine. Người Việt Nam biết rằng cuộc chiến của họ chống Mỹ sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, kể cả Ukraine. Họ cũng biết rằng Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra. Nói cách khác, họ cảm thông và muốn thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị xâm lược
HỎI: Còn ông, ông có đứng về phía chống đối Nga xâm lược Ucraina không? Tại sao ông lại ủng hộ hay chống đối?
ĐÁP: Tôi hoàn toàn chống đối cuộc chiến Putin xâm lược Ucraina. Cuộc chiến vô cớ, thể hiện vô cùng man rợ việc chống lại dân chúng không có khả năng tự vệ. Putin phát động cuộc chiến không chỉ chống Ucraina mà cả các thành viên cũ của Liên Bang Xô Viết. Ngoài ra, cuộc chiến của Putin còn muốn làm bất ổn châu Âu và phá hoại NATO. Tôi lo lắng nhất Nga là một cường quốc hạt nhân và vì Nga là nước độc tài do đó không hề có sự kiểm soát và đối trọng đối với việc làm của Putin.
HỎI: Ông có nhận xét gì về thái độ người VN về cuộc chiến này? Dường như tôi thấy họ ủng hộ Nga.
ĐÁP: Tôi thật lấy làm lạ về quy mô ủng hộ của dân chúng đối với Nga và đường lối tuyên truyền của Putin mà truyền thông VN, tuy không chọn bên, cho thấy những sự thật cơ bản của cuộc xung đột. Có vẻ tôi thấy người Việt ủng hộ đường lối của Putin đang thực hiện gần giống như luận điệu mà TQ đã sử dụng khi tấn công VN năm 1979. TQ lập luận, rằng họ thực hiện “cuộc phản công tự vệ” vì VN khiêu khích dọc biên giới, rằng Hoa kiều “bị trục xuất và bị đàn áp” vì vậy VN cần phải được dạy một bài học. “Hoa kiều” ở Ucraina là cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông.
HỎI: Chính quyền VN có phản ứng đúng mức về chiến tranh Nga-Ucraina hay không?
ĐÁP: VN đặt lợi ích vật chất của mình lên trên luật pháp quốc tế trong phản ứng đối với Nga xâm lược Ucraina bởi vì họ phụ thuộc Nga về vũ khí và kỹ thuật quân sự để tự bảo vệ mình. Lấy ví dụ, Nga cung cấp cho VN hơn 80% lượng mua sắm vũ khí từ 1995 đến 2021. VN còn phụ thuộc gấp nhiều lần vào di sản này bởi vì hầu hết chuyên viên kỹ thuật quân sự VN đều nói tiếng Nga và từng quen thuộc với công nghệ Nga.
Sau ngày Nga xâm lược Ucraina, quan tâm đầu tiên của VN là bảo vệ mạng sống của 7000 người Việt sinh sống tại Ucraina. Phát ngôn viên bộ ngoại giao VN tuyên bố: “VN quan tâm sâu sắc cuộc xung đột quân sự ở Ucraina. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế, tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực, bảo vệ dân chúng, duy trì đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.
VN đối mặt với tình thế khó xử khi buộc phải bỏ phiếu ba nghị quyết chống Nga đưa ra tại Đại hội đồng LHQ. Trước cuộc biểu quyết, đại sứ Nga tuyên bố rằng, bỏ phiếu cho những nghị quyết ấy được xem như là một hành vi không thân thiện. VN bỏ phiếu trắng trong nghị quyết lên án Nga xâm lược và hậu quả nhân đạo gây ra bởi chiến tranh. VN bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng nhân quyền LHQ. Trong cả ba nghị quyết, VN chiếm thiểu số trong các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng bỏ phiếu như VN nhưng chỉ là “một vỏ bọc ngoại giao”. Kể từ đó, VN duy trì vị trí khiêm nhường và trung lập.
Nguyễn Long Chiến dịch từhttp://srv/sruj/sbotphhh-kwbp/sstu/p2/kinhte/VNSplitUkraine_Thayer.pdf

Sunday, July 31, 2022

LÝ DO VIỆT NAM KHÔNG BẮT CHẸT CÁC ĐẠI GIA SIÊU GIÀU. (Why Vietnam doesn’t squeeze its super-rich tycoons)

 Tin đồn "cấm xuất cảnh" đối với người giàu nhất VN chẳng qua là cách "nắn gân" tài phiệt VN: "ngoan sống, mống chết". Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình; kinh tế VN không giống kinh tế TQ; các tài phiệt VN chả 'bõ bèn' gì so với tài phiệt TQ. Đó cũng là:

................................................

Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn VinGroup


“Không như Trung Quốc trấn áp các siêu doanh nghiệp, đảng CSVN cho phép các tài phiệt tư nhân yên ổn làm giàu”.
Bài của DAVID HUTT đăng trên Asiatimes ngày 29, tháng 7 năm 2022
So với sự trấn áp của đảng CSTQ lên giới doanh nghiệp tư nhân thường thấy ở TQ, các tài phiệt giàu có ở VN tương đối làm ăn dễ dàng dưới sự cai quản của cộng sản Hà Nội.
Vì vậy, khi mạng xã hội mới đây dấy lên tin đồn người giàu nhất VN, chủ tịch tập đoàn Vingroup ông Phạm Nhật Vương đang có vấn đề với giới cầm quyền, sự đồn đoán cấp kỳ quay quanh việc siết chặt- như kiểu của TQ- đối với công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam đang ở phía trước.
“Lò” đốt tham nhũng của đảng CSVN, khởi động từ năm 2016, “xử lý” hàng ngàn quan chức cán bộ đảng, mới đây nhất là tham nhũng và hối lộ nhân vụ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đầu tháng này, phát ngôn viên bộ công an bác bỏ tin đồn chung quanh ông Vượng gồm cả chuyện bị giới hạn xuất cảnh.
Vào đầu năm, bộ (CA) cũng bác bỏ tin “bị điều tra” đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC phất như diều, chủ hãng hàng không giá rẻ Bamboo Airway
Ông Quyết – người được coi là giàu nhất VN năm 2017 nhưng năm 2020 thì tài sản đi xuống – bị bắt ngay sau đó vì tội lũng đoạn thị trường chứng khoán liên quan đế cổ phần công ty của ông ta.
Thành viên cao cấp tại chương trình nghiên cứu VN của viện ISEAS-Yusof Ishak, ông Lê Hồng Hiệp, lập luận khả năng “Vượng không còn được sũng ái và sẽ bị chính phủ xử phạt là rất thấp”.
Vượng có an toàn hay không, câu hỏi vẫn dấy lên vai trò hiện nay giữa đảng Cộng sản và doanh nghiệp tư nhân giàu có của đất nước.
Năm 1986, Đảng đưa ra chương trình cải cách vơi tên “Đổi Mới”, chấm dứt sự kiểm soát của nhà nước lên toàn bộ nền kinh tế.
GDP của VN tăng từ 26 tỷ đô la Mỹ lên 271 tỷ trong năm 2020 khi quốc gia trở thành đầu tàu xuất khẩu.
Dựa theo một phỏng đoán, con số “siêu giàu” người Việt trên 30 tỷ đô la tăng 320% từ năm 2000 đến 2020, tỷ lệ nhanh nhất trên thế giới.
Các cuộc thăm dò cho thấy, dân chúng rất hồ hởi, khi ngày càng nhiều tư bản tích lũy trong một quốc gia do người cộng sản điều hành.
Viện nghiên cứu trí tuệ (think tank) Pew (Mỹ) đặt câu hỏi trên khắp thế giới với những người được hỏi, liệu họ có nhất trí “hầu hết mọi người giàu có hơn trong một nền kinh tế tự do, ngay cả có kẻ giàu người nghèo”. Ở Hoa Kỳ có 72,1% người đồng ý. ỞVN có tới 95,4%, con số thống kê lớn nhất trên thế giới.
Rõ ràng điều đó chỉ ra sự mâu thuẫn của một chế độ pha trộn tư bản-cộng sản đối với sự chia rẽ giàu nghèo. Năm 2013, tổng bí thư đảng CS cảnh báo “sự chia rẽ giàu nghèo đang cho thấy dấu hiệu ngày càng tồi tệ”.
Ông Lê Hồng Hiệp nói với Aisa Times, cho đến giờ này, các tài phiệt VN chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng “bởi vì chiến dịch nhắm đích trước hết vào các quan chức và các giám đốc công ty tham nhũng trong chính phủ”.
Chỉ gần đây một số doanh nghiệp bị nhắm tới. Nhưng đây là “chủ yếu những người có hoạt động kinh doanh phạm pháp chứ không phải Đảng cảm thấy quyền lực bị đe dọa”.
Em của ông Vượng, Phạm Nhật Vũ, bị bắt vào đầu năm 2019 vì tội hối lộ trong vụ đình đám liên quan mưu toan công ty tư nhân mua lại tập đoàn viễn thông nhà nước Mobiphone.
“Tuy nhiên, các công ty phải tuân thủ quy tắc của Đảng, tránh xa các hành vi làm ăn tham nhũng có thể đe dọa an ninh kinh tế đất nước hoặc đi ngược chính sách của Đảng”. Ông Hiệp nói tiếp: “Sau cùng, các quan chức Đảng và các đại gia địa phương giúp nhau đạt mục tiêu của mỗi bên: sự tồn tại chế độ và mở rộng tư bản”.
Các nhà phân tích suy đoán lãnh vực tư nhân và các tài phiệt VN – không giống ở TQ – hãy còn rất yếu về mặt chính trị, chẳng thể tạo ra đe dọa nào cho Đảng.
Giáo sư khoa chính trị đại học Oregon, ông Vũ Tường, cho biết: “Khu vực tư nhân còn quá yếu và quá phụ thuộc vào nhà nước, không như đồng nghiệp của họ ở TQ. Có rất ít các tài phiệt và tất cả họ tập trung vào đất đai và dịch vụ. Họ không những làm giàu nhờ quan hệ cá nhân và quan hệ chính trị mà còn phụ thuộc vào những quan hệ đó để sinh tồn và phát triển. Kinh doanh của họ có thể khống chế một lĩnh vực nhưng cũng rất dễ bị thay thế mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Theo thống kê của bộ tài chính năm 2020, có 96% doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, đa số trong đó chẳng đạt cỡ trung bình.
Ông Vũ còn nói, chẳng có tài phiệt nào có mối quan hệ quốc tế như các tài phiệt TQ gầy dựng qua rất nhiều năm.
Nhà phân tich này nói thêm, quan chức Đảng CSVN và các ông lớn lĩnh vực tư nhân đã có mối cân bằng “có đi có lại” (qui pro quo).
Đảng cần tư nhân để phát triển kinh tế, nhờ đó khẳng định tính chính danh trước nhân dân, và tư nhân cũng cần Đảng ổn định sự ưu ái, dễ dãi, tiếp cận thị trường.
Trước đại hội Đảng năm 2021, sự kiện diễn ra 5 năm một lần, các chính sách và chức vụ chủ chốt được quyết định, người ta tuyên bố Đảng mong muốn các công ty tư nhân chiếm hơn phân nủa nền kinh tế đến năm 2025, tăng chừng 42% so với năm 2020.
Đặc biệt hơn, Đảng muốn 1,5 triệu công ty tư nhân đóng góp trên 55% GDP vào năm 2025, so với 700.000 công ty chiếm 42% vào năm 2020.
Chủ tịch hội phụ nữ VN đại biểu Đảng bà Hà Thị Nga phát biểu ở đại hội: “Các công ty tư nhân phải là động lực cho nền kinh tế, đóng góp tăng trưởng cho GDP”.
Ông Hiệp nhận định: “Tiến tới trước, thay vì hạn chế khu vực tư nhân, có lẽ đảng CSVN muốn nuôi dưỡng tư nhân chắp cánh cho tăng trưởng kinh tế VN, giảm thiểu nguy cơ trở nên quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”.
Khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm xưởng VinGroup năm 2017, nơi mới có dây chuyền sản xuất xe hơi của tập đoàn, ông ta ca ngợi tập đoàn là “nhà tiên phong xây dựng thương hiệu xe hơi quốc gia”.
Nguyễn Xuân Phúc, nay là chủ tịch nước, công khai tầm quan trọng của tập đoàn VinGroup khi ông thăm xưởng máy năm 2019 lúc còn là thủ tướng.
Sau khi lái thử chiếc xe điện mới đầu năm 2019, ông tuyên bố với quần chúng “ưu tiên dung hàng VN”, một chỉ dấu cho thấy các ông lớn này rất quan yếu trong kế sách giảm thiểu lệ thuộc vào công ty vốn và đầu tư nước ngoài.
Chính phủ ông Phúc đưa ra các hạn chế nhập khẩu xe hơi năm 2018, một động thái làm an tâm VinGroup.
Đáp lại đối đãi này, người ta kỳ vọng các đại gia VN phải ngoan ngoãn và kín tiếng. Không như các đại gia khác, ông Vượng rất kín đáo trong việc mua sắm hoành tráng.
Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi với tờ báo quốc doanh Tuổi Trẻ, ông cho biết, quy tắc cốt lõi trong tập đoàn của ông là “yêu nước, kỷ cương, và đúng đắn”.
Tuy nhiên, quan hệ “có đi có lại” không phải là mãi mãi như đang thấy hôm nay. Khi các nền kinh tế phát triển và vươn tầm, áp lực cải cách chung đang tăng lên.
Tham nhũng và lạm quyền có lợi cho phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu, gồm cả sự chuyển đổi từ cộng sản sang tư bản, nhưng vấn đề trở nên gai góc khi các công ty tư nhân lớn mạnh và sự phân cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc.
Bởi vì VN thiếu nền pháp quyền đúng nghĩa hoặc không có quyền sở hữu tư nhân rõ ràng, tiềm năng xảy ra mâu thuẫn ngày càng tăng với nhận thức rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân thủ chung luật chơi như nhau.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích ở đại học Victoria, Wellington, sự trấn áp công khai lên khu vực tư nhân và các đại gia vẫn chưa thấy như ở TQ nhưng có dấu hiệu đang gia tăng.
“Giải quyết tham những trong khu vực tư nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là bài toán nan giải đối với Đảng bởi mô hình phát triển của nó, theo cách nào đó, dựa vào tham nhũng, hoặc tham nhũng ‘vặt’, tham ô hay ‘tiếp cận tiền’.
Ông Giang dự đoán: “Tham nhũng là dầu bôi trơn hệ thống. Kết quả cuối cùng sẽ là trừng phạt có chọn lọc một số doanh nghiệp để “dĩ giới” (răn đe), trong khi số khác, đặc biệt những ông lớn ‘khó đổ nổi’ sẽ không đụng đến”.
Nguyễn Long Chiến dịch.

Sunday, July 24, 2022

TÁI ÔNG THẤT MÃ (Chuyện đã 4 năm)

 Chủ tịch nước vừa ký quyết định đình chỉ công tác bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Nôm na ông ta bị cách chức. Hẳn ông ấy đang buồn thúi ruột. Đường hoạn lộ thênh thang bỗng dưng đóng lại. Về vườn.

Nếu được quen ông, tôi sẽ mời đi uống cà phê, và kể câu chuyện, những người như chúng tôi, được nghe ngay khi còn lò dò vào bậc trung học mấy mươi năm trước: Tái ông thất mã.
Tái ông rất giàu có, sinh một con trai duy nhất; khi biết cưỡi ngựa, người cha mua rất nhiều ngựa quý. Chàng thường xuyên luyện tập. Một hôm, có một con ngựa đẹp nhất đi mất. Hàng xóm chia buồn ngựa mất. Ông trả lời chưa hẳn là rủi. Mấy ngày sau, con ngựa lại trở về, dắt thêm một con khác, cực kỳ xinh đẹp. Hàng xóm chia vui. Ông nói chưa hẳn đã may. Và thật, con ông đã ham cưỡi con ngựa mới, chẳng may ngã té, gãy chân. Hàng xóm chia buồn, ông nói không hẳn rủi. Khi xảy chiến tranh, tất cả trai làng đi lính bỏ mạng gần hết, con ông không chết nhờ gãy giò, miễn lính. Hàng xóm mừng gia đình ông may mắn.
Câu chuyện không rõ đúng sai nhưng đúng ở chỗ: may - rủi, được - thua, thành công - thất bại là...quy luật, không lấy làm mừng khi được, không lấy làm buồn khi thua.
Lúc chiến tranh còn ác liệt trên đất nước mình, rủi may cũng rất nhiều. Những người sống chui nhủi trên rừng, sốt rét, đói kém, bị bom đạn Mỹ và đối phương săn lùng, mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, trong lúc đó, ở chỗ an toàn hơn nơi phố thị người ta sống ở đó, thật "may", những "người kia" thật "rủi". May mắn hơn thì nằm trong guồng máy chính phủ, tuy phải ra sa trường nhưng có lương, lỡ chết vợ con cũng còn tiền tử tuất, cuộc sống không phải như những "người ở núi".
Năm 1975, Hà Nội "giải phóng" Sài Gòn. Những người sống "chui nhủi" trên núi về thành phố cầm quyền. Những người ở thành phố tưởng thảnh thơi phải cơm đùm gạo gói, lên núi học tập cải tạo.
May rủi, sướng khổ...đổi thay, chẳng biết đâu mà lường. Những người ở trại cải tạo cũng bị sốt rét, có khi ăn không đủ no, khổ sở tứ bề. Từ sướng chuyển qua khổ thật đoạn trường. “May" qua "rủi" tức thì.
Nhưng có "rủi" mãi đâu. Chương trình ra đi có trật tự gì đó đã đưa hàng trăm ngàn người đói ốm và gia đình túng quẫn qua Mỹ, hình thành những Việt kiều...yêu nước, dù trước đây bị coi là..."bán nước". Cộng với hàng trăm ngàn người Việt đi vượt biên, họ, những người bị cải tạo kia đã gởi hàng chục tỷ Mỹ kim về thân nhân, gia đình , góp phần cho kinh tế đất nước. Con cháu họ trở thành những công dân xứ sở tự do, thành đạt hầu hết trên mọi lãnh vực, thậm chí có người còn là nhà khoa học, nhà phát minh sáng chế, những nhân vật kiệt xuất làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam.
Nội dung chuyện kể ở trên cũng tương tự nội dung câu chuyện Tái ông mất ngựa. Có tí xíu hơi hơi chuyện thời sự báo đăng mấy ngày nay.
Ông Trương Minh Tuấn một thời "hét ra lửa" với giới báo chí, trước thật may(lên chức vù vù), nay thật rủi (chưa hết giấc hòe đã mất chức), như một con hổ của Thế Lữ: “Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt". "Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua".
Thế mới biết: “Hữu thế bất khả ỷ tận". “Hữu phước bất khả hưởng tận".Những câu nói khôn ngoan của cha ông chúng ta ít được các quan chức hiện nay suy gẫm. Làm sao khi trở về làm dân, quan chức được người ta mừng rỡ, mời một ly nước, một ly rượu chân tình. Chứ không phải mới chỉ "đình chỉ công tác", người ta hồ hởi xúm vào nhíu mày đay nghiến, bỉ bôi, chửi bới. Chưa kể người dân còn hân hoan khi quan vào tù, nghỉ sống, chuyển qua từ trần.

Thursday, July 21, 2022

ĐÔI GUỐC



(Kỷ niêm một chuyến đi).
Về Tiên Phước, Quảng Nam, ghé thăm nhà lưu niệm chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.
Ngôi nhà ở từ bé của cụ trông nhỏ hẹp. Chung quanh là hàng rào chè tàu. Lối vào nhà cũng là hàng rào chè tàu, một loại cây lá rất nhiều và nhỏ như móng tay, cành mọc chi chít, nhưng mảnh khảnh dễ uốn, đan vào nhau rất kín, dân quê thường trồng làm hàng rào, cắt tỉa thẳng tắp.
Căn nhà rường toàn gỗ, thấp lè tè, chật hẹp, mái ngói móc âm dương, đặc trưng nhà cổ Quảng Nam, chứa các di vật quý: đôi guốc mộc, khăn đóng vải đen, và chiếc gối cũng bằng gỗ. Vật dụng đơn sơ nói lên cốt cách một nhà chí sĩ.
Người quản thủ ngôi nhà hãnh diện nói: mới có một vị thứ trưởng vào đây thắp nhang. Chúng tôi thấy nhang còn cháy, mùi quế rất thơm, vùng Tiên Phước rất giàu loại cây này.
Tôi thấy có trưng bày một bản gốc báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập năm 1927, kéo dài đến 1943 thì bị Pháp buộc đình bản.
Người ta bảo cụ có huy hiệu danh dự nhất là Huân chương sao vàng. Có người nhắc đến chức cao nhất quyền chủ tịch nước, thay ông Hồ Chí Minh đi hội nghị Fontainebleau 1946 khi cụ đang giữ bộ trưởng nội vụ chính phủ lâm thời.
Đối với tôi, vinh dự lớn nhất của cụ không phải là chức "vua" (tạm thời) mà chính là sự ra đời của báo Tiếng Dân. Dân ta bị cai trị bởi bọn thực dân, nhưng một tờ báo tư nhân lại được xuất bản có tuổi thọ khá dài và khá nhiều ấn bản (1766).
Sống trong nô lệ nhưng suy nghĩ tự do(ở đây là ngôn luận), đó là một sứ mạng của tờ báo. Sứ mạng hết sức hiếm có. Thời buổi 4.0, đố ai ở VN ra được một tờ báo tư nhân như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã làm gần 100 năm trước?
Nhà lưu niệm của cụ giá trị vì cụ là "quyền" chủ tịch nước hay là một nhà báo tiên phong? Tôi không thể trả lời. Giá trị nhà lưu niệm có nhờ ông thứ trưởng nào đó vừa ghé thăm hay sân nhà có cây khế "cổ thụ" một vị chủ tịch nước mới trồng vài năm trước? Nhà lưu niệm nổi tiếng nhờ cây khế của chủ tịch nước, hay chủ tịch nước nổi tiếng hơn nhờ trồng cây khế trong vườn nhà lưu niệm? Rồi sẽ có nhiều cây trồng "cổ thụ" của các bậc vương tướng khác mọc lên bên ngôi nhà bé nhỏ này? Đến đây để thăm nơi sinh thành một bậc chí sĩ hay để được vinh dự sờ vào các cây "cổ thụ" mới trồng?
Tôi ra về, lòng băn khoăn, đầu nghĩ vơ vẩn. Đôi guốc mộc của cụ Huỳnh có sánh được cây "đại mộc" kia không?

Wednesday, July 20, 2022

NGHĨA TỬ, NGHĨA TẬN?


Sáng, tập thể dục, tôi thấy nhiều người đứng chen chúc trên vỉa hè, họ đang “coi”đám ma.
Hai đoàn người đưa đám di chuyển ngược chiều: một đám tang theo nghi thức Công giáo, đám kia Phật giáo. Tiếng kèn tây mạnh mẽ như xé không gian át hẳn tiếng mõ gõ chậm rãi, tiếng đờn cò ò í e mệt mỏi nhưng bù lại là sự nổi bật của hình ảnh vị sư trang phục đỏ chói, rực rỡ, như Tam Tạng trong phim Tây du ký.
Đám ma lớn quá. Người bàng quan nhận xét, cả hai đoàn đưa tang. Xe cộ trên quốc lộ ngang thành phố đều ngưng, nhường cho hai đoàn người, nối tiếp cơ man nào xe lớn, xe con, đang chầm chậm đi qua. Tôi vội tiếp tục buổi sớm đi bộ của mình, không rõ bao lâu thì xe đang dừng được khởi hành đi tiếp.
Lúc ra Huế, ở một làng quê ngoại ô, tôi cũng chứng kiến một đám tang, không lớn như hai đám vừa gặp, nhưng cũng "rình rang" không kém. Trong căn nhà nhỏ lợp tôn fibro xi măng bằng các đòn tay thân tre, đang quàn một quan tài bên trên rất nhiều đèn cầy, đèn điện đang đỏ, phủ chung quanh toàn là hoa vải, hoa nhựa.
Tôi theo đoàn người quen, vào thắp nhang cho người đã khuất, một cựu sĩ quan không quân VNCH. Tiếng tụng kinh, tiếng nói chuyện trên các bàn ăn trong rạp dựng nhờ trên con hẻm khá rộng trước hiên nhà, hòa lẫn mùi khét khói nhang, mùi vàng mã đang đốt, mùi của đám đông người phục vụ tang quyến, khách viếng, tạo nên một không khí ngột ngạt, âm thanh chật chội, dưới mái tôn hầm hập nóng của một buổi trưa hè oi bức.
Len lỏi cho khỏi vướng bàn thờ, bàn đặt hoa quả và thức ăn đang cúng, chúng tôi đi quanh quan tài, sau khi đốt nhang bái biệt người quá cố, trước các người thân, trang phục tang chế mồ hôi ướt đẫm, mặt mũi bơ phờ, chậm chạp vái lạy trả lễ.
Đám ma như thế kéo dài đến ngày thứ chín, ngày tốt nhất cho an táng. Chúng tôi được mời cơm chính ngọ nhưng đều ân cần từ chối. Ai mà ăn nổi trong một đám ma khi nghe tiếng mời khản cả giọng vì khóc của người vợ tiều tụy vừa qua tuổi 70.
Vừa uống nước, vừa quan sát các bàn ăn, cái đang có người, cái chờ đủ người. Thức ăn trên bàn trong một đám ma không thiếu các loại thịt heo, gà, vịt, kể cả ca ri bò. Đương nhiên, mỗi bàn đều có 2 chai rượu trắng.
Tôi hỏi người địa phương, tang gia trong 9 ngày đều dọn ăn như thế hay sao. Vâng, họ phải trả hiếu thay cho người quá cố. Ai đến phụ giúp đều được mời cơm, bà con thân tộc, kể cả khách viếng là bà con, chòm xóm.
Người quá cố theo lời kể bạn bè có cuộc sống hết sức khó khăn vì bệnh tật và con cái nheo nhóc ngay sau ngày "giải phóng". Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng kia, tiền chữa trị ung thư một thời gian dài, đều là phần đóng góp của bạn đồng ngũ, kẻ Nam, người Trung, kẻ trong nước, người ở nước ngoài.
Số tiền phúng điếu của bạn đồng ngũ cũng kha khá nhưng không rõ có bù đắp nổi chi phí tang ma, hòm giỏ, tiền mướn thầy tụng kinh, kể cả cả 9, 10 ngày phục vụ cơm nước không; bước ra khỏi đám tang, tôi tự hỏi mình.
Phong tục ma chay -như các đám tôi vừa kể - có thực sự là phong tục cần được duy trì, "phát triển", cho nó đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam?
Đãi đằng ăn uống, tổ chức rình rang, đôi đám còn phô trương thanh thế giàu có, đẳng cấp quan chức về tang ma, hiếu hỷ, hiện nay trong xã hội chỉ là cá biệt? Có nhất thiết phải coi ngày, coi giờ chôn cất? Và có nên kéo dài đám ma 9, 10 ngày vì chờ "ngày tốt" để chôn, để người thân mồ yên, mả đẹp, con cháu giàu có hanh thông?
Ở các thành phố lớn, lựa chọn hỏa thiêu đang có chiều hướng phát triển. Có gia đình không phải coi ngày tốt để chôn, họ "nghèo" hơn, "thất bại" hơn những người chọn giờ chôn cho người chết? Các nước tiến bộ chôn người sau khi chết không quá 24 hay 48 giờ, không coi giờ chôn, ngày chôn, họ kém hơn người Việt Nam chúng ta?
Tốn kém cho đám ma sau đó còn nhiều hơn vì xây mồ to, mộ lớn, có cả mái che, có nơi ngôi mộ như một lăng tẩm nguy nga.
Kéo dài việc quàn quan tài chờ ngày chôn cất quá lâu, liệu điều kiện vệ sinh, thân người thối rữa nhung nhúc vi trùng, có ảnh hưởng những người chung quanh hay không? Kẻ giàu "trả hiếu" đủ đầy, phủ phê cho người chết, còn người nghèo thì sao? Sống đầy rẫy chia rẽ giàu nghèo, chết vẫn còn chia rẽ thêm sao?
Vai trò của nhà chức trách ở đâu trong việc chấn chỉnh phong tục ma chay ngày càng méo mó trong mọi tầng lớp nhân dân?
Ông Hồ Chí Minh có câu nói rất chí lý: cán bộ đi trước, làng nước theo sau.
Liệu có cán bộ nào sẽ thực hiện chôn cất người thân quá cố của mình đơn giản như mong muốn của vị chủ tịch nước là hỏa táng, không tổ chức linh đình, như ghi trong di chúc của ông?
Nghĩa tử chưa phải là nghĩa tận.