Sáng, tập thể dục, tôi thấy nhiều người đứng chen chúc trên vỉa hè, họ đang “coi”đám ma.
Hai đoàn người đưa đám di chuyển ngược chiều: một đám tang theo nghi thức Công giáo, đám kia Phật giáo. Tiếng kèn tây mạnh mẽ như xé không gian át hẳn tiếng mõ gõ chậm rãi, tiếng đờn cò ò í e mệt mỏi nhưng bù lại là sự nổi bật của hình ảnh vị sư trang phục đỏ chói, rực rỡ, như Tam Tạng trong phim Tây du ký.
Lúc ra Huế, ở một làng quê ngoại ô, tôi cũng chứng kiến một đám tang, không lớn như hai đám vừa gặp, nhưng cũng "rình rang" không kém. Trong căn nhà nhỏ lợp tôn fibro xi măng bằng các đòn tay thân tre, đang quàn một quan tài bên trên rất nhiều đèn cầy, đèn điện đang đỏ, phủ chung quanh toàn là hoa vải, hoa nhựa.
Tôi theo đoàn người quen, vào thắp nhang cho người đã khuất, một cựu sĩ quan không quân VNCH. Tiếng tụng kinh, tiếng nói chuyện trên các bàn ăn trong rạp dựng nhờ trên con hẻm khá rộng trước hiên nhà, hòa lẫn mùi khét khói nhang, mùi vàng mã đang đốt, mùi của đám đông người phục vụ tang quyến, khách viếng, tạo nên một không khí ngột ngạt, âm thanh chật chội, dưới mái tôn hầm hập nóng của một buổi trưa hè oi bức.
Len lỏi cho khỏi vướng bàn thờ, bàn đặt hoa quả và thức ăn đang cúng, chúng tôi đi quanh quan tài, sau khi đốt nhang bái biệt người quá cố, trước các người thân, trang phục tang chế mồ hôi ướt đẫm, mặt mũi bơ phờ, chậm chạp vái lạy trả lễ.
Đám ma như thế kéo dài đến ngày thứ chín, ngày tốt nhất cho an táng. Chúng tôi được mời cơm chính ngọ nhưng đều ân cần từ chối. Ai mà ăn nổi trong một đám ma khi nghe tiếng mời khản cả giọng vì khóc của người vợ tiều tụy vừa qua tuổi 70.
Vừa uống nước, vừa quan sát các bàn ăn, cái đang có người, cái chờ đủ người. Thức ăn trên bàn trong một đám ma không thiếu các loại thịt heo, gà, vịt, kể cả ca ri bò. Đương nhiên, mỗi bàn đều có 2 chai rượu trắng.
Tôi hỏi người địa phương, tang gia trong 9 ngày đều dọn ăn như thế hay sao. Vâng, họ phải trả hiếu thay cho người quá cố. Ai đến phụ giúp đều được mời cơm, bà con thân tộc, kể cả khách viếng là bà con, chòm xóm.
Người quá cố theo lời kể bạn bè có cuộc sống hết sức khó khăn vì bệnh tật và con cái nheo nhóc ngay sau ngày "giải phóng". Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng kia, tiền chữa trị ung thư một thời gian dài, đều là phần đóng góp của bạn đồng ngũ, kẻ Nam, người Trung, kẻ trong nước, người ở nước ngoài.
Số tiền phúng điếu của bạn đồng ngũ cũng kha khá nhưng không rõ có bù đắp nổi chi phí tang ma, hòm giỏ, tiền mướn thầy tụng kinh, kể cả cả 9, 10 ngày phục vụ cơm nước không; bước ra khỏi đám tang, tôi tự hỏi mình.
Phong tục ma chay -như các đám tôi vừa kể - có thực sự là phong tục cần được duy trì, "phát triển", cho nó đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam?
Đãi đằng ăn uống, tổ chức rình rang, đôi đám còn phô trương thanh thế giàu có, đẳng cấp quan chức về tang ma, hiếu hỷ, hiện nay trong xã hội chỉ là cá biệt? Có nhất thiết phải coi ngày, coi giờ chôn cất? Và có nên kéo dài đám ma 9, 10 ngày vì chờ "ngày tốt" để chôn, để người thân mồ yên, mả đẹp, con cháu giàu có hanh thông?
Ở các thành phố lớn, lựa chọn hỏa thiêu đang có chiều hướng phát triển. Có gia đình không phải coi ngày tốt để chôn, họ "nghèo" hơn, "thất bại" hơn những người chọn giờ chôn cho người chết? Các nước tiến bộ chôn người sau khi chết không quá 24 hay 48 giờ, không coi giờ chôn, ngày chôn, họ kém hơn người Việt Nam chúng ta?
Tốn kém cho đám ma sau đó còn nhiều hơn vì xây mồ to, mộ lớn, có cả mái che, có nơi ngôi mộ như một lăng tẩm nguy nga.
Kéo dài việc quàn quan tài chờ ngày chôn cất quá lâu, liệu điều kiện vệ sinh, thân người thối rữa nhung nhúc vi trùng, có ảnh hưởng những người chung quanh hay không? Kẻ giàu "trả hiếu" đủ đầy, phủ phê cho người chết, còn người nghèo thì sao? Sống đầy rẫy chia rẽ giàu nghèo, chết vẫn còn chia rẽ thêm sao?
Vai trò của nhà chức trách ở đâu trong việc chấn chỉnh phong tục ma chay ngày càng méo mó trong mọi tầng lớp nhân dân?
Ông Hồ Chí Minh có câu nói rất chí lý: cán bộ đi trước, làng nước theo sau.
Liệu có cán bộ nào sẽ thực hiện chôn cất người thân quá cố của mình đơn giản như mong muốn của vị chủ tịch nước là hỏa táng, không tổ chức linh đình, như ghi trong di chúc của ông?
Nghĩa tử chưa phải là nghĩa tận.