Thursday, August 15, 2024

Sách “Ung thư và con đường chữa khỏi của tôi”. Chương 1.

                                                                THAY LỜI TỰA

Đây không phải cuốn sách nghiên cứu ung thư. Đây là cuốn sách ghi chép tâm trạng của một bệnh nhân ung thư, may mắn chữa khỏi - sau những tháng ngày điều trị “gian khổ” - một căn bệnh quái ác (giai đoạn ba), tưởng đã cướp đi mạng sống của người mang nó cách nay 8 năm (*).

Mỗi năm số lượng người mắc căn bệnh này không hề dừng lại. Ung thư là nỗi lo ngấm ngầm trong xã hội, và cũng nỗi lo mênh mông đối  với người chẳng may mắc bệnh. Ngăn chặn ung thư được không?

Không thể hoặc chưa thể? Chữa ung thư được không? Có thể chữa khỏi và ngày càng nhiều triển vọng chữa khỏi. Những trang viết, quý vị sẽ đọc, nói lên khả năng “có thể” và cái “triển vọng” đó từ kinh nghiệm bản thân một người bệnh chữa khỏi và khỏe mạnh. Hy vọng sống sót sau chữa trị ung thư ngày càng tươi sáng nhờ những tiến bộ khoa học, và nhất là, nhờ sự ý thức ngày càng nhiều

của mỗi người chúng ta: tránh bớt những nguy cơ có thể dẫn đến ung thư và kịp phát hiện sớm.

Mục đích ghi chép này không phải là hướng dẫn cách phòng tránh ung thư; mục đích chính của nó là chia sẻ những trải nghiệm của một bệnh nhân ung thư. Người viết không có tham vọng truyền đạt kinh nghiệm cách chữa trị ung thư của mình. Chỉ có bệnh viện mới có thẩm quyền và điều kiện chữa trị ung thư.

Mỗi loại bệnh ung thư mỗi khác; cơ thể con người cũng có cơ địa mỗi khác; lấy kinh nghiệm đối phó ung thư của bệnh nhân này làm kinh nghiệm đối phó ung thư cho bệnh nhân khác là điều không thể. Đối với tôi, và nếu giả dụ có thể, thì đó chỉ là tham khảo.

Chia sẻ lo âu, trao đổi trải nghiệm, đặt hy vọng vào niềm tin sẽ đẩy lùi được bệnh dù là ung thư nhờ y khoa, nhờ hỗ trợ của người thân, và trên hết nhờ nỗ lực của chính bệnh nhân. Đó là chủ đích của cuốn sách này. Nhưng nếu chữa lành bệnh ung thư là một may mắn thì may mắn ấy phải là kết quả từ sự tận tâm của bác sĩ, gia đình, và bản thân người bệnh. Dù chữa khỏi hay không chữa khỏi, người bệnh ung thư cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật: chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu, để giành lại sự sống, dứt khoát không bao giờ đầu hàng.

Và một điều hiển nhiên, không phải ai mắc ung thư đều phải chết. Nếu như thế, các bệnh viện ung thư có mặt để làm gì? Ngày càng nhiều người chữa khỏi ung thư. Đó là sự thật

                                           

                                                      ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN

(Riêng tặng người mới phát hiện mình bệnh ung thư)

Nghe hai từ ung thư, quý vị sẽ phát khiếp. Khi nhận xét cái gì quá trầm trọng, như sự xuống cấp đạo đức qua những vấn nạn tràn lan: giết người, cướp của, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, người ta hay nói xã hội như là ung thư...giai đoạn cuối. Hết  thuốc chữa.

Bệnh ung thư do đó, khi phát hiện, bệnh nhân dễ bị suy sụp tinh thần, vì mới đầu, ai cũng quan niệm nó sẽ dẫn đến cái chết. Không thế người ta đâu có đem nó ra làm đề tài, để tỏ thái độ về một cái gì  bất khả vãn hồi, làm như nó là một “định mệnh”- cái chết.

Nhưng theo một trong các chuyên gia đầu ngành, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng:

“Ung thư biết sớm chữa lành

Ung thư để trễ trở thành nan y”.

Tôi không phải là bác sĩ hay một chuyên gia ung thư nhưng tôi có “thẩm quyền” bàn về vấn đề này bởi tôi cũng là người... từng sống với ung thư.

Thông thường đến bệnh viện, tây cũng như ta, người ta chỉ chú ý đến “bệnh” chứ ít chú ý đến “người” mắc bệnh. Họ chú ý những phương án đề ra để chữa cái bệnh của người mắc mà không để ý, hay để ý rất ít, tinh thần của người bệnh.

Có lẽ do bệnh viện nước ta người bệnh đến quá nhiều. Các bác sĩ phải bù đầu với công việc khám chữa, không còn hơi sức, thời gian, để tâm nhiều đến tinh thần của người mắc bệnh. Mà bệnh ung thư là loại bệnh cần rất nhiều sự chữa trị tinh thần. Thông thường bệnh phát hiện rất trễ vì đây là loại bệnh tiến triển âm thầm, ban đầu không có, hoặc có mà rất ít, những triệu chứng dễ thấy cho đến khi nó lộ ra hiển hiện hay người ta tình cờ phát hiện ra nó khi thăm khám một bệnh khác. Cho nên, việc lưu ý thân thể mình trước những hiểm nguy của căn bệnh chết người này là rất quan trọng, cần thường xuyên để ý, bằng việc theo dõi những biểu hiện có dấu hiệu của ung thư, nhưng chắc chắn nhất nếu có điều kiện, nên tầm soát định kỳ.

Đây không phải là lý do bài viết. Tôi muốn nói đến tâm lý, tâm trạng, của một người nghi mắc, hay đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Tinh thần suy sụp. Đó là điều xảy ra đầu tiên. Lúc nào người mắc ung thư cũng suy nghĩ đến bệnh, đến cái chết trước mắt. Con cái, cha mẹ, vợ chồng sẽ thế nào đây khi thiếu vắng mình. Còn biết bao nhiêu việc chưa hoàn tất khi  ở tuổi đời mình… chưa phải chết. Những thân nhân, bè bạn, khi biết mình mắc bệnh đều ái ngại chia sẻ. Nào là “trời kêu ai nấy dạ”, “sống chết có số”, “ai mà không chết”... Toàn là những đám mây u ám. Tôi trải qua tâm trạng như thế, và đây là các điều tôi để ý:

Thứ nhất, không phải ai mắc ung thư cũng đều phải chết. Có giai đoạn sớm, giai đoạn trễ, sớm chữa nhanh, trễ chữa lâu; có loại bệnh ung thư khó trị nhưng cũng có loại ung thư dễ trị. Ung thư giai đoạn trễ hay cuối, có nhiều trường hợp không hẳn không hết. Bác sĩ có phải là thượng đế đâu mà kết luận hai hay ba tháng nữa chị, anh sẽ chết. Thông thường theo y văn, bệnh sẽ như thế nhưng con người có những cơ địa riêng, đặc biệt, đâu ai giống ai. Đã có những bệnh nhân bệnh viện “chê”, kèm lời khuyên kín đáo với thân nhân người bệnh “ông ấy, bà ấy ăn gì, uống gì tùy thích, đừng kiêng, hay muốn đi đâu thăm thú, "tùy thích"… với lời kết “không bao lâu nữa đâu”.

Tôi có gặp một hai người như thế vẫn sống tành tành mấy năm, hoặc hiện giờ vẫn còn sống, tất nhiên là số hiếm. Hỏi ra mới biết khi về nhà, người bệnh nghĩ sẽ chết, họ bắt đầu cuộc sống thoải mái, chả kiêng sợ, và có thể, nhờ một phần thuốc của bệnh viện trước đó, họ đã không chết như bác sĩ nhận xét theo y văn. Điều này không có nghĩa chỉ nhờ tinh thần chữa lành bệnh mà có nghĩa hãy tin tưởng mình sẽ hết bệnh khi đang chữa trị ung thư - bất kể giai đoạn nào.

Thứ hai, vì là một loại bệnh đặc biệt, việc chữa trị phải bài bản, đúng trình tự, phương pháp đặc thù cho loại bệnh này. Hóa trị, xạ trị hiện nay là hai phương pháp chính, chủ yếu để chữa trị ung thư (có loại chỉ dùng thuốc viên, hormone). Cơ thể sẽ tiếp thu một lượng hóa chất đủ cho mỗi loại bệnh theo

phác đồ từng loại ung thư. Những hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời tàn phá cơ thể, hệ miễn dịch của người bệnh. Đã bệnh cũng phải “bệnh “ thêm vì tác dụng phụ, không tránh được, của hóa trị hay xạ trị. Người bệnh tuyệt đối không theo bất kỳ một điều trị nào khác ngoài điều trị của bệnh viện.

“Đau chân, há miệng”, “mắc bệnh thì vái tứ phương”, suy nghĩ đó đã vô tình làm cơ thể bệnh nhân ung thư vốn suy kiệt vì bệnh, vì hóa chất, càng suy kiệt hơn, khả năng lành bệnh trở nên mong manh vì cơ thể...quá tải, khi bệnh nhân nạp thêm nhiều loại “thần dược” (nghe nói, hay mách miệng của người khác đã từng uống loại “thần dược” nào đó). Chỉ tuân thủ duy nhất quyết định bác sĩ trong điều trị. Trên báo, trên mạng, nào lá này, củ kia, trị...dứt điểm ung thư. Nhiều ông tướng lang băm ngu xuẩn tuyên bố đã từng chữa lành... ung thư. Ông A, bà B, ở chỗ nọ, chỗ kia, số điện thoại...đã được chữa lành. Láo toét. Nếu như thế, giải Nobel y học phải trao cho Việt Nam mãi mãi vì thấy năm nào cũng có người chữa khỏi những bệnh như đái tháo đường, ung thư, thấp khớp...quảng cáo nhan nhản trên báo lá cải hay trên mạng xã hội.

Thứ ba, sự hỗ trợ của gia đình, người thân. Luôn luôn động viên người bệnh thật lòng, hy vọng thật lòng. Đừng bao giờ nhìn đầu tóc trọc lóc, nước da xanh mướt của người đang hóa trị bằng ánh mắt ái ngại, xót xa, dù trong lòng cũng ái ngại xót xa thật. Hãy cho người bệnh cái nhìn lạc quan, vui tươi, tin tưởng. Những người đến thăm cũng nên có những câu chuyện vui, tránh những lời nói, cử chỉ có thể vô tình làm bệnh nhân thêm tủi thân. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc nếu tiếp xúc làm mình không vui. Hãy “vùi đầu” vào cái gì đó mình thích, hay đã đam mê, như đọc sách, lên Facebook tán chuyện với bạn bè.

Thứ tư, người điều trị ung thư ở bệnh viện thì phải đi tới cùng. Có nghĩa là phải tuân thủ mọi phác đồ điều trị của bệnh viện. Có trường hợp vô được mấy toa (đợt điều trị), lại ngừng, để chuyển qua bệnh viện khác dù không có ý kiến bác sĩ, hay chuyển qua cách điều trị khác (nghe tham vấn của ai đó). Tôi từng biết bệnh nhân như vậy, và khi quay trở lại bệnh viện chữa họ trước đây, để chữa lần nữa thì đã trễ. Một bà rất giàu có, chữa nửa chừng, nghe tham vấn, qua Singapore chữa. Rốt cuộc không lành, trở về ung bướu Sài Gòn để điều trị. Những bác sĩ Việt Nam rất giỏi. Họ chữa trị quá nhiều bệnh nhân, tích lũy nhiều kinh nghiệm; và các loại thuốc ung thư đều có đủ, những loại thuốc không kém thế giới, chỉ sợ chúng quá đắt tiền.

Thứ năm, yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, là bản thân bệnh nhân, chứ không phải hoàn toàn nhờ bệnh viện hay bác sĩ về việc, có thành công hay không trong chữa trị ung thư. Ăn uống dinh dưỡng, phù hợp, theo lời khuyên của bác sĩ. Luôn luôn tập luyện thể dục, đều đặn. Tập thiền nếu được, mà nên tập, tôi có tìm hiểu món này, nhưng lúc bình thường để “múa may” khoác lác thôi, nhưng khi mắc bệnh, tôi thực hiện rất đều, mỗi buổi sáng tầm 30 phút trước khi tập thể dục, buổi tối trước khi ngủ 15 phút.

Và cuối cùng, luôn luôn nở nụ cười, trước mọi hoàn cảnh, trước mọi người, cười thoải mái, cười thật lòng. Bạn tôi nhận xét “mi sẽ hết bệnh vì tau thấy mi hay cười từ hồi nhỏ”. Đang bệnh tôi

càng cười “dữ” hơn. Và tôi đã “lui bệnh” gần 8 năm (trong ung thư, không có hết bệnh, chỉ có lui bệnh, vì nó có thể trở lại bất kỳ lúc nào khi cơ thể xuống cấp). Những gì tôi nói ở trên đều xuất phát

từ một người đã mắc ung thư, đã chữa lành, xin chia sẻ với các bạn đang ung thư, hay có thân nhân ung thư. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”(Nguyễn Du)

(*) Đến nay là 12 năm.

Monday, July 29, 2024

HỎA HOẠN

Hỏa hoạn là tai nạn giết người nhanh nhất và thảm khốc nhất. Vụ hỏa hoạn cướp đi mạng sống của 56 người tại thủ đô Hà Nội là nỗi đau không chỉ của thân nhân của những người đã mất. Nó là nỗi đau chung của chúng ta, những người Việt Nam. Vì sao?

Đây là chung cư ‘mini’. Tôi không hiểu chữ tiếng Anh này có phải là ‘nhỏ’ hay không. Chung cư nghe nói có trên 150 người ở. Số hộ hay số phòng là bao nhiêu, không nghe nói rõ. Báo Đời sống pháp luật (điện tử), ngày 15 tháng 9 năm 2023 cho biết Hà Nội có khoảng 2000 chung cư loại này đang hoạt động. Dù nhỏ, mini, chung cư cũng phải tuân thủ quy định xây dựng, trong đó, quan trọng nhất là phòng chống chữa cháy. Đây phải là điều kiện hàng đầu để bảo đảm an sinh của con người ở các thành phố lớn: Mạng sống.

Nhưng chung cư của ông Nghiêm Quang Minh – nghe đâu còn sở hữu nhiều chung cư ‘nhỏ’ khác- theo báo VTC (điện tử ngày 14 tháng 9), trích nguyên văn: “Các chung cư mini của bị can Minh đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao vọt hơn so với các công trình lân cận và không có lối thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”.

Đọc thêm tít bài báo “ 'Ông trùm chung cư mini' Nghiêm Quang Minh vừa bị bắt là ai?”, chúng ta có cảm giác mọi tội lỗi ‘giết người’ đều đổ lên đầu người đàn ông này. Nhưng khi đọc câu trích trên của báo, các chi tiết: chung cư nằm sâu trong ngõ nhỏ, cao hơn các công trình lân cận, không có lỗi thoát hiểm, có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng, chúng ta mới té ngữa. Ông trùm này ‘sao vô thiên vô pháp’

Nếu ở nông thôn, người ta có thể thông cảm; người nông dân xây nhà không xin giấy phép, hay có xin phép nhưng không tuân thủ quy định xây dựng nhà ở của nhà nước. Nhưng ở một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, cái ông Nghiêm Quang Minh này xây nhà chung cư như chỗ không người: Nghĩa là quá tệ hại, ‘bèo nhèo’, ;nguy hiểm',  như đoạn trích trong báo miêu tả, mà vẫn có người vô ở.

Hỏa hoạn xảy ra cướp 56 mạng người trong chung cư của ông ta không có ai liên quan? Nếu là chập điện vì bắt sai kỹ thuật, ông điện lực ở đâu? Nếu cháy vì các lý do khác, ông phòng chống cháy ở đâu? Nếu xây trong ngõ nhỏ - không đưa xe chữa cháy lớn vào nhanh chóng, không có lối thoát hiểm, để nhà báo “thả” một câu vô thưởng vô phạt “có nhiều biểu hiện vi phạm về trật tự xây dựng”, ông xây dựng ở đâu?

Bây giờ quy trách nhiệm thì khối người “chịu trách nhiệm” trong tai nạn thảm khốc này. Nhưng theo dư luận thì tất cả là do ‘thằng tội phạm’ Nghiêm Quang Minh. Báo cho biết ông ta sở hữu nhiều chung cư mini ở Hà Nội. Đứng về mặt xã hội, ông ta có công. Nếu tất cả nước này có những chung cư cao cấp như Vinhomes thì người dân nghèo hay thu nhập thấp đâu có phải mua nhà chung cư mini của ông ta, thiếu nhiều phương tiện bảo đảm an toàn, dẫn đến cái chết thương tâm của rất nhiều hộ gia đình, trong đó có hơn mười cháu bé ngây thơ vô tội. Với nhà ở chung cư  ‘giá phải chăng’ so với chung cư cao cấp, Nghiêm Quang Minh không có đóng góp nào cho xã hội hay sao? Tiền thu cao ngất từ chung cư của ông ta- nếu có- là vì người dân nghèo hay thu nhập trung bình ở Hà Nội không có lựa chọn nào khác, họ phải mua nhà ở ‘thiếu an toàn’ của ông ta. Nếu am hiểu và có lương tâm thì những những ai cấp phép xây dựng và kiểm tra sau khi đưa vào sử dụng chung cư phải đưa ra những quy chuẩn nghiêm ngặt – chí ít là về mặt phòng chống chữa cháy.

Thông thường người Việt chúng ta hay cư xử kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Săp tới chắc chắn sẽ “siết chặt” quy định an toàn phòng chống chữa cháy những chung cư mini. Nhưng than ôi, chúng ta vừa mất người. Đau đớn lắm. Khi các đô thị ngày càng đông dân, hỏa hoạn phải là quan tâm hàng đầu của những nhà hoạch định chính sách xây dựng nhà ở.

Khi chưa có những chung cư cao cấp, hay nhà ở xã hội đầy đủ, nơi ấy, hệ thống báo cháy tiên tiến, chỗ ở tiện nghi, phương tiện phòng chống chữa cháy đầy đủ thì quý vị hãy chia sẻ trách nhiệm cùng với những người xây dựng chung cư mini. Đừng để tai nạn kinh hoàng xảy ra như hỏa hoạn đau đớn vừa qua rồi trách nhiệm đổ hết lên đầu họ. Nếu là người giàu có và khôn ngoan như Phạm Nhật Vượng, Nghiêm Quang Minh không mờ mắt vì tiền rồi xây dựng một chung cư mini không an toàn (mà giờ, "báo nói mới biết’ giữa thủ đô!) để bây giờ ông ta ngồi đếm lịch vì “vi phạm quy định an toàn gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”.

Ảnh: Chung cư mi ni nơi  xảy ra hỏa hoạn làm 56 người tử nạn. Hà Nội.

SƯ MINH TUỆ QUA LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO

Bernard Nguyên-Đăng

(Bernard Nguyên-Đăng là luật sư, tiến sĩ, dạy và hành nghề luật trên 40 năm tại Hoa Kỳ. Là người cùng quê, cùng tuổi, ông xuất thân trong một gia đình có 4 người là tiến sĩ ở Mỹ (noi gương Quảng Nam “ngũ phụng tề phi”). Cái nhìn “khoa học” về hiện tượng Minh Tuệ của một trí thức ki tô giáo ở bên kia trái đất chứng minh suy nghĩ của một số người cho rằng có kẻ lợi dụng Minh Tuệ để gây “chia rẽ” tôn giáo ở VN là hoàn toàn sai. Vì để dễ đọc trên facebook, tôi được tác giả cho phép “bỏ bớt” một số ghi chú trích dẫn kinh thánh, phần tiếng Anh kèm theo, và phần “tham khảo” (reference). Mong quý vị quan tâm thì đọc. Đã không đọc mà than “lê thê” sẽ phụ lòng người viết.  Bài viết công phu, tỉnh táo, trách nhiêm, và nhất là nhân ái; tất nhiên, theo “văn phong” của một “người Việt hải ngoại”).

LỜI NGỎ…

Trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, trải bao nhiêu triều đại, thế hệ, thời vua chúa, phong kiến, đến thời  thực dân, trong chiến tranh cũng như lúc hoà bình, gian khổ hay thịnh vượng, ít thấy, đúng hơn, chưa từng  thấy một sự kiện, nhiều người cho là một “hiện tượng”. Có lẽ, vô số người, hàng ngàn, vạn, nếu không  dám nói hàng triệu người đã chú ý, quan tâm, theo dõi; và lắm người cảm thấy như một cơn sốc, cơn lốc, như cơn sóng thần [tsunami] xã hội mạng; hoặc, nhiều người còn có những cảm nghiệm xa hơn, cao vời hơn trong góc độ tâm linh—chính là sự xuất hiện của Sư Minh-Tuệ.

Đã có vô vàn thông tin nơi cộng đồng mạng, hằng hà sa số hình ảnh, video, và nhiều hình thức truyền thông chớp nhoáng khác, hai từ “Minh-Tuệ” đã và đang trở thành sự choáng ngợp trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, nhiều bài viết và phản biện, đủ mọi chiều hướng, không thể sàn lọc hết sứ mệnh, mục đích, hiệu năng và tác động của mọi kênh truyền thông và xã hội Việt Nam trong nước cũng như khắp các nơi hải ngoại.

Với tạp ghi nầy, người viết chỉ cô đọng, nhấn mạnh sự tương đồng, trùng hợp và tương xứng về ý hướng và cung cách sống khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo—nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc từ bỏ những ham muốn vật chất để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, hoặc cứu rỗi, hơn là so sánh những điểm khác biệt giữa hai đức tin tôn giáo, truyền thống—Kitô giáo và Phật giáo. Mục đích của cả hai truyền thống là giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, con người có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự giác ngộ-nên thánh.

Trong khuôn khổ giới hạn bài chia sẻ nầy, người viết chỉ mong chia sẻ một góc nhìn rất hẹp, kiến thức giới hạn, thông tin thưa thớt, bất cập, qua lăng kính Kitô giáo—công giáo, tin lành, chính thống giáo, cơ đốc giáo—các giáo phái tin vào đức Giêsu là “Chúa”. Viết, theo quan điểm, kiến thức và tính chủ quan, cá nhân, không mang danh nghĩa bất cứ một giáo phái, giáo hội, tập thể, cộng đoàn hay bất cứ tổ chức nào. Lăng kính Kitô giáo trong bài nầy lại giới hạn duy nhất trong sự tương đồng, tương quan, trùng hợp giữa đức tin tôn giáo và hành đạo của Sư Minh-Tuệ và Kitô giáo—không khen chê, không đánh giá và tuyệt nhiên không có thẩm quyền định thẩm tinh thần tu thân, triết lý và phương châm hành đạo của Sư Minh-Tuệ, hoặc bất cứ nhân vật nào trong tài liệu được trích dẫn, để chứng minh.

Thursday, July 4, 2024

HÀNH PHƯƠNG NAM

Tôi là người Trung và tôi đã “hành phương Nam” gần nửa thế kỷ nay. Nhưng người Quảng Nam chúng tôi không có dấu ấn đáng kể nào ở…phương Nam. Nếu có, thì chỉ ’phảng phất’ chỗ ngã tư Bảy Hiền. Nội cái địa danh cũng đủ thấy đồng hương chúng tôi không ấn tượng mấy ở chỗ này. Những năm 1970, đến đây, quý vị sẽ ấn tượng nhất là tiếng kêu của những chiếc máy dệt. Ở Bảy Hiền, người Duy Xuyên (Quảng Nam) vô rất sớm và rất nhiều. Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam số một là vùng Duy Xuyên, và một phần của Đức Dục (tôi yêu tên cũ hơn mới). Các huyện này nằm dọc theo sông Thu Bồn, con sông đẹp nhất quê tôi. Ngã tư Bảy Hiền là dấu ấn của người Quảng Nam. Như tôi nói, dấu ấn không ấn tượng lắm ngoài chợ  Ba Hoa và Mì Quảng.

Nếu nói gây dấu ấn trong quá trình Hành Phương Nam phải thành thật công nhận chỉ có người miền Bắc. Tôi chắc chắn, không phải chỉ người Thanh Hoá sản sinh ra những người sau này là Chúa, chúa Nguyễn, nổi bậc nhất là Nguyễn Ánh.

Đi từ Biên Hoà về Đà Lạt, chúng ta sẽ thấy các địa danh như Bùi Chu, Phát Diệm, Trà Cổ… Ấy là các nơi hình thành thời người Bắc di cư- Công giáo rất nổi nét. Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng…có dấu ấn người Bắc rất nhiều.

Nhưng dấu ấn thời trước 1975 không bằng dấu ấn sau đó khi người Bắc di cư “theo kế hoạch” vào Nam. Không nói dông dài, ở Lâm Đồng, dấu ấn đậm nhất là huyện Lâm Hà. Lâm có lẽ là Lâm Đồng. Hà có lẽ là Hà Nội.

Ảnh: Thông còn nhưng trơ trọi trên đỉnh núi.

Ngô Đình Diệm định cư người Bắc vào Nam ở những vùng trù phú nhưng thưa thớt dân cư. Sau 1975, cụ thể từ 1978, vùng khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, Lâm Hà là nơi sinh sống của những người Bắc di cư, có cái tên hay hơn “Kinh tế mới”.

Lâm Hà là một huyện nằm gần thị trấn Đức Trọng, cách phi trường Liên Khương chừng dưới 30 km. Ở đây, tôi chưa đi nhiều, nhưng dấu ấn người Bắc rất mạnh. Quý vị sẽ gặp các địa danh như Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ… nếu tôi không lầm, đó là những địa danh của hay gần Hà Nội.

Ấy là điều đương nhiên. Đến quê người mà giữ được tên quê nhà, đó là tâm tưởng của mọi người Việt Nam. “Từ lúc mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ).

Nhưng tôi muốn nói chỗ này. Khi mở cõi, những người di cư này không mở cõi lại…đi phá cõi. Ngoài một số nơi người dân làm nhà để an cư lập nghiệp ở vùng đồng bằng, thì ở những nơi khác, đó là những cánh rừng thông bạt ngàn là nơi người dân “mở cõi”.  Khi hỏi những người đầu tiên sau 1978 ở đây, xã Mê Linh, tôi nghe kể, không có cọp, mà heo rừng, mển (mang) và nhiều thú rừng khác lẩn quẩn nơi người dân mở cõi.

Làm gì để sống? Nhà nước cho phép người dân phá rừng làm rẫy. Thông nhiều như vậy làm sao đốn hết để làm rẫy? Đốt than. À. Thời buổi khó khăn, đốt than là lẽ sống.

“ Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than”.

Đốt giấy vàng mã tốn bao nhiêu cây. Huống hồ đốt than, rừng nào chịu nổi, dẫu đó là rừng thông. Nhưng cũng nhờ đói khổ, đốt cây rừng thành than cho mưu sinh, ngày nay, con người có thể làm nhà ở gần đỉnh núi. Đất rừng trụi lũi trở thành đất dân sinh. Người các nơi, thật ra là người Sài Gòn, đang đi tìm những mảnh đất nơi núi rừng cao ngất xây nhà nghỉ dưỡng, tránh cái nắng gay gắt đô thành. Có những ngôi nhà xây tựa vi la ở Đà Lạt nằm rải rác ở núi đồi xã Mê Linh. Những con đường bê tông có độ dốc cao (có thể là 30 độ) không là gì đối với xe máy, nói gì xe hơi.

Tuesday, July 2, 2024

BÁNH CĂN

Nghe thoáng tưởng bánh căn là bánh canh. Hai thứ thức ăn hoàn toàn khác nhau dù cả hai đều làm từ bột. Chỉ có khác, một bên nướng (bột), một bên nấu (bột). Căn là tên loại bánh truyền thống của người Chàm (Phan Rang). Bánh này có lẽ không có quá khứ xa xôi. Nếu có, chắc chắn Quảng Nam phải có món ăn này trong sinh hoạt ẩm thực. Tôi chưa từng nghe tên bánh Căn dù những người gốc Chàm vẫn còn sống theo chòm xóm một số nơi ở vùng “Thuận Quảng” ngày xưa.

Bánh căn là bột đổ vào chén bằng đất nung, có nắp đậy. Chén khá nhỏ, cạn lòng, bánh nướng chín to bằng bánh khọt (miền Nam). So với bánh bèo Huế, bánh căng quá bé, dù cả hai có hình dáng giống nhau. Cách đổ bánh căn như bánh xèo. “Lấy trùng” (tỷ lệ bột và nước) là nghệ thuật, có thể là bí quyết để bánh căn không cứng không nhão sau khi nướng chín. Một vỉ chứa 50 chén hoặc 80 chén tùy theo số lượng thực khách. Bánh ăn buổi sáng; rất ít vào chiều tối. Tôi muốn nói về quán bánh căn Bà Chín ở Đà Lạt.

Buổi sáng khách rất đông. Mỗi người sẽ nhận một phiếu thứ tự không khác đăng ký khám bịnh ở nhà thương. Đến trước số nhỏ, đến sau số lớn. Khách sẽ chờ mỗi khi có bánh khoảng dưới 30 phút. Bánh đổ khuôn khi khách ngồi vào bàn chờ. Chủ tiệm sẽ cầm một ca nhựa (loại to đựng đá có vòi rót)  đầy nước bột xay sẵn. Với động tác đưa ca nhựa qua từng hàng năm cái chén (thật ra là đĩa), nước bột đổ vào, không nhiều không ít, số lượng bột chia đều, cả thảy 10 hàng chén, không hề rơi vải.

Tuesday, June 18, 2024

CHUỐI CHÁT

Là tên người Quảng (Nam) gọi chuối hột, chuối sứ. Thật ra trái chuối nào cũng chát nếu ăn xanh. Ốc nấu với chuối già (chuối hờn, chuối lùn, chuối già hương) rất ngon nhưng không ai hay ít ai ăn sống như chuối chát. Chuối chát chỉ ăn khi ruột trái chuối mới tượng hạt, màu chuối xanh mướt (Xin xem ảnh). Ăn sớm hay ăn trễ, chuối chát sẽ không ngon mấy.

Chuối chát non (để phân biệt với già, chứ không phải quá non) xắt lát, từng lát rất mỏng, sau khi gọt bỏ bốn cạnh chuối, đầu và cuốn. Xắt chuối bằng dao cực bén, mỏng thì lát chuối mới đạt yêu cầu trong món rau sống trộn (rau ghém). Rau sống gồm cải con, giá, các loại rau thơm và chuối chát là phần không thể thiếu. Trong mỗi hay mọi bữa ăn của người Quảng những ngày giáp Tết (nhất là tháng chạp), rau sống trộn là món ăn số một. Nếu thịt heo luộc thiếu rau sống, thà đừng ăn thịt. Lát chuối mỏng, mười lát như chục, không nát, không rứt rời, chính là cách đo tài khéo của người phụ nữ Quảng Nam. Không hiểu họ bắt đầu tập xắt chuối từ lúc nào, tôi nhận thấy, chục người như một, phụ nữ như mẹ tôi, bà tôi, ai ai cũng biết xắt chuối lát.

Chuối chát đi vào đời sống người thôn quê ngày xưa có lẽ từ lúc có thịt heo xuất hiện. Bắp chuối chát, còn gọi là hoa chuối (Bắc), thái nhỏ, dầm dấm, ăn kèm với thịt vịt luộc, thịt ăn không ngán. Trái chuối hầm xương, hầm thịt mỡ. Chuối trái non làm dưa chua giấm đường ăn trong các bữa cỗ. Thân cây chuối chát là thực phẩm chính cho việc nuôi heo. Mỗi gia đình quê tôi ngày ấy đều chuẩn bị một con heo cho ngày Tết. Từ khi “gầy” (nuôi) heo con cho đến khi “hạ” (mổ) heo thịt, thời gian thường là 8 đến 10 tháng. Chuồng nuôi là những cây “róng” (cây rừng bằng cổ chân, dài độ 2 mét) chất lên nhau, đầu cây này gối lên đầu cây kia. Cố định các cây róng ấy là hai cây nhỏ đóng ở 4 góc, bên trên cột lại bằng sợi mây con rất chắc.

Mái chuồng lợp bằng tranh, thường là 2 mái. Lá chuối chát khô sẽ là sàn cho heo nằm, mùa hè cũng như mùa đông, ngày nắng cũng giống ngày mưa. Thân chuối cây xắt thành lát mỏng bằng dao bản to, đem băm hay bỏ cối đá giã nhỏ. Sau đó trộn chuối băm (giã) ấy với cám gạo hay cám bắp. Heo sẽ ăn ngon lành, không chừa một tí gì. Thức ăn đạm bạc ấy khiến heo không lớn nhanh như ăn cám “công thức”. Do đó, thời gian kéo dài hơn nhưng bù lại thịt heo “ngon” hơn. Ngày nay, ở một số làng quê, một số người còn duy trì cách nuôi này để có sản phẩm đặc trưng: Thịt heo cỏ. Giá loại thịt heo này có khi là gấp rưỡi giá thịt heo nuôi cám công thức.

Cây chuối chát có lịch sử lâu đời với con heo cỏ là như thế.

Lá chuối chát là “thứ phẩm” chẳng hề thứ yếu. Lá chuối chát phơi heo héo dùng để gói bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh chưng, bánh rò (một loại bánh bằng bột nếp có hình kim tự tháp nhưn đậu xanh thịt). Lá còn dùng để gói nêm, gói trưởi. Rất ít người biết lá chuối chát còn dùng làm giấy nháp! Thời Việt Minh, học sinh làm toán trên lá chuối. Viết là que tre tròn như chiếc đũa nhưng ngắn hơn, vót nhọn để “viết” vào giấy lá chuối.

Cọng chuối chát phơi khô dùng làm dây cột thay dây nhựa. Cọng chuối chẻ nhỏ ra có thể gói bánh rò, bánh ú. Ở vùng Gia Kiệm (Đồng Nai), tôi thấy người ta thu cả thân chuối. Bẹ chuối phơi khô, tước thành sợi, dùng đan giỏ đựng, xách tay mỹ nghệ.

Củ chuối, có vất không? Thưa, không. Quý vị thử um (om?) củ chuối chát với lươn ướp nghệ tươi, ngon không chỗ chê. Những năm đói 1946, không còn thức ăn, một số người ở quê tôi đào củ cây chuối lên luộc ăn “trừ cơm”.

Trong các thành phần chuối chát, có trái chín là trẻ con chúng tôi ở quê “ngán” nhất. Chúng chín ăn ngọt phần cơm, phần hạt thì chát, ác nỗi, lại chiếm thể tích toàn trái. Ngày xưa, chất ngọt thuộc loại hiếm, trẻ thèm ngọt, ăn trái chuối chát chín sẽ nhớ đời khi đi vệ sinh mỗi sáng, có khi là cả buổi sáng: hạt chuối gây bón. Phân rắn như xi măng đóng cục. Tôi nói trẻ con “ngán” là vậy.

Sau này, chính quả chuối chát là phần “quý giá” nhất. Không phải quý ở món rau ghém có chuối non xắt lát. Ở Đà Nẵng, khi thấy đôi ba lát trong một đĩa rau trong các món ăn nào đó, thực khách không nên kêu thêm như ở miền Nam. Không có nhiều đâu chuối chát trái làm rau.

Trái chuối chát chín còn được các đệ tử Lưu Linh xắt lát phơi khô ngâm rượu cho có “vị thuốc”. Xin thưa, theo tìm hiểu của tôi, ngoài màu rượu đẹp như rượu tây thì trái chuối ngâm rượu hoàn toàn vô bổ. Nó chỉ có ích là làm rượu ngọt dễ uống; không bổ gì ngoài bổ ngửa vì uống ngon quá chén.

Chuối chát phơi khô lấy hạt là vị thuốc chữa sỏi thận cực kỳ hiệu quả. Tôi từng uống và sau một thời gian chừng nửa năm, kích thước sạn trong thận nhỏ lại, những hạt nhỏ nằm rải rác trong đường tiết niệu tan hẳn (siêu âm đối chiếu trước và sau khi uống).

Đây là bài thuốc dân gian nhưng tôi làm theo lời của bác sĩ Dương Ý Đức (không nhớ chắc tên ông) phụ trách mục sức khỏe trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi thường mua đọc khi chưa có internet. Ông không tin y học dân gian nhưng bản thân ông thực hiện uống hạt chuối chát.

Cách làm theo ông hướng dẫn: Chuối chát chín lột vỏ, bóp nát, bỏ vào một rá nhựa (hay rổ tre) dung tay chà nhẹ để những hạt chuối lọt qua rổ. Thu hạt rồi rửa sạch trong nước và đem phơi khô, phải thật khô. Sau đó xay hạt thật nhuyễn cho vô lọ dùng dần (một buồng chuối cho chừng hơn 1 ký hạt). Một muỗng canh vun bột chuối chát cho vào chừng 1 lít nước nấu sôi chừng 15 phút, để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh, uống lai rai trong ngày. Thời gian cho đến khi sỏi mòn đi hay tan mất.

Chuối chát ăn quanh năm nên hạt chuối của nó có lẽ không gây tác dụng phụ. Tôi uống có kết quả mặc dầu trước đó tốn không biết bao nhiêu tiền cho thuốc Kim Tiền Thảo, uống vừa hao tiền vừa nóng trong người như uống phải nước sôi. Mổ hay chiếu tia lazer thì cũng giải quyết sỏi thận nhưng cách làm này vừa nhẹ nhàng vừa dễ làm.

Tất nhiên, mỗi người có mỗi cơ địa, không ai giống ai. Có khi bác sĩ Dương Ý Đức và tôi thì chữa hết sỏi thận nhưng quý vị thì không. Kiểm tra theo dõi bằng siêu âm trước và sau khi uống để quyết định có nên nghe theo thầy…lang Chiến này không.

Tôi mỗi năm đều về thăm quê. Thấy quê hương ngày càng phát triển hơn xưa, lòng tôi rất vui. Nhưng khi đi nhiều làng không thấy trồng nhiều chuối chát, tôi chợt thấy bùi ngùi. Cây chuối chát tuổi thơ của tôi ngày một ít dần. Hình ảnh những bụi chuối xanh um cao vút mờ dần vào ký ức. Không nuôi heo bằng cám chuối. Cây chuối mất dần lẽ sống.

Lá chuối không thay thế bịch ny-lông tron đời sống. Thịt heo luộc xắt lát không còn gói bằng lá chuối chát; bánh ú, bánh ít trẻ con không thích bằng bánh kem, bánh bích quy, bánh sô-cô-la rắc hạt hạnh nhân. Trẻ con không còn nô đùa khi đến mùa lụt lội, nên bè chuối chỉ là câu chuyện kể thời xưa của cha ông chúng … Chuối chát ít dần vì đời sống ngày càng khác xưa; “Gió đưa bụi chuối sau hè” không còn nghe nữa. Sân, hè đều có bê tông, xi măng, và gạch men thế chỗ.

THƯ GỞI KIM JONG-UN

Thưa anh,

Lẽ ra tôi phải gọi là Ngài, theo thông lệ báo chí gọi một nguyên thủ quốc gia. Nhưng tôi không phải “nhà báo”, chỉ là “nhà quê”, mạo muội mấy lời gởi Anh. Anh tuổi bằng con út của tôi, nếu ở Quảng Nam, tôi sẽ gọi anh là “mi” cho thân mật. Tôi gọi “anh” như trong tiếng Anh là “you”, ngôi thứ 2, tôi cần dài dòng để anh không coi tôi thiếu lịch sự.

Anh thực là nguồn cảm hứng cho tôi mấy ngày nay, sau khi tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ vội vã rời cuộc họp G7,  làm mấy nguyên thủ giàu có kia chưng hửng, đến trước 1 ngày để gặp anh tại Singapore.

Cung cách ứng xử tự tin và đĩnh đạc, vỗ vỗ lưng một người tuổi gấp đôi anh,  thủ lĩnh  cường quốc hàng đầu thế giới, thật đáng ngưỡng mộ khi tôi nhớ và so sánh trước đây một thủ tướng gặp tổng thống Bush, hơi lập cập, hồi hộp cầm tờ giấy đọc phát biểu của mình.

Nhưng đó là bên ngoài. Còn bên trong, nội dung cuộc họp riêng với tổng thống Mỹ, chúng tôi mù tịt. Nhưng chắc chắn anh đã thắng lợi. Báo chí tư bản nghi ngờ đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh Un-Trump “là win- win hay Un-win”? (Un thắng).

Ngưng ngay tập trận Mỹ-Hàn trên bán đảo Triều Tiên, xem xét bỏ cấm vận kinh tế, và rút 32 ngàn quân về nước, trong khi Mỹ chỉ được anh “hứa” sẽ phi hạt nhân hóa (tức vứt “thùng rác” mấy quả bom nguyên tử). Báo chí Mỹ còn vặn vẹo Trump “sao ông không nêu vấn đề nhân quyền với Un”, Trump lém lỉnh: “quý vị muốn bom nguyên tử tiêu diệt quý vị, gia đình quý vị không?” Phóng viên lao nhao rồi cũng thôi. “Let Trump be Trump” (Trump là rứa). Nhưng tôi đồ rằng, một người là con buôn trước khi là tổng thống, không “lời” thì không làm. Vậy Mỹ “lời” gì trong cuộc gặp thượng đỉnh? Vì là họp bí mật 2 người với 2 phiên dịch, có lẽ anh đã  hứa chi đó chắc chắn với Trump chứ người kiêu ngạo như ông ta không dễ gì ra về mà còn khen anh  "thông minh, thương dân,  dân cuồng quý anh".

Thôi, đó không phải nội dung chính của bức thư hôm nay.

Nội dung chính là anh làm gì sau này để đất nước anh sẽ như Singapore khi anh tuyên bố với thế giới vừa qua?

Chắc chắn anh sẽ không đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội nữa ở đất nước anh. Anh trẻ, có học, đã ở nước ngoài, tôi cam đoan muốn như Singapore đương nhiên anh sẽ áp dụng kinh tế thị trường, không biết có “định hướng xã hội chủ nghĩa” chi không, nhưng nếu rứa, anh đã học tập Việt Nam chúng tôi rồi, đâu học Singapore mần chi.

Tôi rất ngù ngờ không hiểu người bắc Triều Tiên của anh đã chế được bom nguyên tử (đến Trump cũng ngán), tên lửa bắn xa tận Mỹ, tàu ngầm, lại không giàu bằng đồng bào Hàn Quốc nổi tiếng với Samsung, Daewoo, Kia, Hyundai…cả thế giới nể phục, “thằng” Mỹ cũng muốn “dìm hàng” (Apple kiện Samsung mấy trận).

Chắc chắn anh sẽ không tiếp tục đường lối của ông nội huyền thoại, ông cha yêu kính của anh, mà không sợ bất hiếu, không sợ dân chúng phê bình anh “không kiên định lập trường” trước sau như một, không theo sự lựa chọn của các vị lãnh tụ tiền bối, đã mấy chục năm dẫn dắt bắc Tiều Tiên.

Nếu anh thực tâm bắt tay với “đế quốc đầu sỏ”, không “nói đường làm nẻo” như trước đây bố anh đã làm, hứa phi hạt nhân để nhận viện trợ mà vẫn lén lút chế bom. Nếu anh thật tâm muốn hòa giải với Nam Hàn để từng bước thống nhất 2 miền. Nếu anh không còn xài bàn tay thép với một số người dân muốn đào thoát khỏi nước của anh tìm tự do. Nếu anh cho dân mình được thoải mái nghe radio nước ngoài, được truy cập internet, được chơi Facebook, lên Google, tự do đi lại, du lịch nước ngoài, được tự do buôn bán,kinh doanh,  tự do biểu đạt tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp…

Tôi tin chắc dân chúng nước anh sẽ xem anh là thánh chứ không phải lãnh tụ nữa.

Tất nhiên tiến trình như tôi nói sẽ diễn ra không thể một sớm một chiều mà được. Bộ máy tuyên truyền của anh rất hùng mạnh. Nếu anh nói đồng bào anh hãy yêu thương nhau không xem người Nam Hàn là thù địch. Thù địch chính là sự nghèo nàn, lạc hậu, dốt nát, chia rẽ…Họ sẽ nghe ngay.

Anh thật khôn ngoan. Anh không những chơi thân với Tàu mà còn muốn chơi thân với Mỹ. Nhưng anh cũng nên cẩn trọng tìm hiểu người Mỹ. Họ không xấu như anh nghĩ nhưng họ rất…Mỹ, nghĩa là, cái gì có lợi cho họ là họ sẽ làm. Anh đã thấy họ gạt Cộng hòa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch để đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào Liên Hợp Quốc khi Nixon bắt tay Mao Trạch Đông, khiến quốc gia cộng sản to lớn này ngả theo tư bản, tách khỏi Liên Xô, làm suy yếu dẫn đến tan rã khối xã hội chủ nghĩa, một thời đã làm khối tư bản mất ăn mất ngủ. Ở Việt Nam chúng tôi, Mỹ cũng đã bỏ rơi một đồng minh thân cận VNCH họ dày công xây dựng và đã bỏ mạng hơn 58 ngàn công dân của mình cho mảnh đất mà họ gọi là "thuộc thế giới tự do”.

Triết lý của người Mỹ, theo tôi, rất đơn giản: đồng đô la lăn tới đâu là lương tâm của họ có ở đó. Họ rất thực dụng. Anh không tin ư? Tôi dẫn chứng: họ  quý tiền hơn những cái mà người Á đông chúng ta xem là thiêng liêng. Người ta có thể đốt cờ Mỹ, may làm quần lót phụ nữ, thậm chí chửi tổng thống khi tức giận, nhưng nếu trốn thuế dù chỉ mấy ngàn, họ cũng bị nhốt ngay.

Chơi với họ phải có bản lĩnh.  Tôi thấy anh chắc là dư thừa. Mỹ sợ anh cái gì? Bom nguyên tử. Chỉ cần anh để lọt vào tay bọn khủng bố thì nước Mỹ, cả thế giới sẽ mất ăn, mất ngủ.

Tôi tin anh sẽ thành công khi cùng với Hàn Quốc biến đất nước anh giàu có, được thế giới nể nang, thành một Triều Tiên thống nhất hùng cường.  Nhưng tôi biết lòng anh do dự, sự do dự đúng đắn: liệu anh còn được cầm quyền nữa không, một  quyền uy vô hạn, ông, cha anh đã dày công gầy dựng cho anh, cho gia đình anh?

Không gì là không thể, thưa anh. Từng bước một, anh thực hiện từ từ cho sự thống nhất đát nước. Sự thông minh của anh, của dân tộc anh, và trật tự thế giới mới  ngày càng có lợi cho anh, một bán đảo Triều Tiên  hòa bình, giàu mạnh sẽ hình thành. Khi anh, dân chúng bắc Triều Tiên do anh dẫn dắt,  bỏ tâm thế hận thù xuống, Mỹ rút quân về nước, thì không những đất nước anh yên bình mà anh bạn Nhật Bản gần bên cùng hưởng yên bình chút đỉnh, họ sẽ không quên anh, họ sẽ giúp anh mạnh lên, khi anh không còn hung hãn nữa, độc lập hơn, không còn dựa dẫm vào anh bạn vàng trọc phú, mấy mươi năm giàu có, anh là em út, có được “ảnh xóa đói giảm nghèo” chi đâu, chỉ toàn là giúp đủ ăn, để lúc nào anh cũng giữ phận đàn em lệ thuộc.

Anh trẻ, có học, chịu chơi, mang lại diện mạo mới cho đất nước mấy mươi năm nghèo khó, cách biệt với thế giới, một diện mạo hòa bình. Nếu anh ra tranh cử tổng thống, tôi chắc chắn anh sẽ đắc thắng. Anh đã làm những việc mà ông nội anh, cha anh không làm nổi: thống nhất đất nước. Nhưng nếu anh không muốn làm tổng thống mà rủ áo về nhà người ta vẫn xem anh là một vĩ nhân thế giới: không cần chiến tranh chết mấy triệu người, tan hoang đất nước, mà thống nhất được giang sơn, quê hương anh toàn là nam thanh nữ tú, thế giới đến thán phục: nền kinh tế “hùng mạnh” (từ nguồn lực Nam Hàn), nền quân sự “vô song”với bom nguyên tử, tên lửa, xe tăng, tàu ngầm…(từ nước anh).

Làm vua rồi cũng phải chết, không chắc anh giao ngai vàng tiếp cho con anh được, và con anh tiếp tục làm vua, thì anh biết rồi đó, thế giới bây giờ đâu còn cha truyền con nối nữa, mà có có cha truyền con nối, có thông thái quyền năng như anh cũng không tránh khỏi hậu thế chê cười. Anh sẽ thấy thế nào khi dân Triều Tiên sau này học lịch sử: năm 2030, chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, không cần nước “đỡ đầu” nào nữa, bóng dáng “ngoại bang” (quân Mỹ) không còn trên quê hương, dân tộc ta thống nhất hoàn toàn, nhân dân ta 2 miền ấm no, hạnh phúc…Tất cả đều có đóng góp của một thanh niên ở tuổi 30: Kim Jong-un. Ngài đã khép lại quá khứ, mở ra tương lai, đưa miền bắc yêu thương về với miền Nam ruột thịt, đất nước ta mới "sánh vai năm châu bốn bể" được như ngày nay.

Tiếng tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế anh nghe mỗi ngày bây giờ đâu bằng mấy dòng sử đã ghi về sau.

 Xin chào anh, thần tượng mấy hôm nay của tôi.

Tái bút: Thư tôi viết hơi dài, chắc anh không đọc đâu, nhưng có đọc được, cũng bỏ qua, đừng ghép tôi tội “nói xấu lãnh tụ”, nghe anh. Cũng đừng đem tôi ra bắn mấy quả đại bác vào người, như anh đã làm với ông dượng của mình. Chắc thế lực thù địch nó bêu xấu anh vậy thôi, chứ trông anh hiền lành, mà đẹp trai nữa, ai nỡ giết người như rứa.