Là tên người Quảng (Nam) gọi chuối hột, chuối sứ. Thật ra trái chuối nào cũng chát nếu ăn xanh. Ốc nấu với chuối già (chuối hờn, chuối lùn, chuối già hương) rất ngon nhưng không ai hay ít ai ăn sống như chuối chát. Chuối chát chỉ ăn khi ruột trái chuối mới tượng hạt, màu chuối xanh mướt (Xin xem ảnh). Ăn sớm hay ăn trễ, chuối chát sẽ không ngon mấy.
Chuối chát non (để phân biệt với già, chứ không phải quá non) xắt lát, từng lát rất mỏng, sau khi gọt bỏ bốn cạnh chuối, đầu và cuốn. Xắt chuối bằng dao cực bén, mỏng thì lát chuối mới đạt yêu cầu trong món rau sống trộn (rau ghém). Rau sống gồm cải con, giá, các loại rau thơm và chuối chát là phần không thể thiếu. Trong mỗi hay mọi bữa ăn của người Quảng những ngày giáp Tết (nhất là tháng chạp), rau sống trộn là món ăn số một. Nếu thịt heo luộc thiếu rau sống, thà đừng ăn thịt. Lát chuối mỏng, mười lát như chục, không nát, không rứt rời, chính là cách đo tài khéo của người phụ nữ Quảng Nam. Không hiểu họ bắt đầu tập xắt chuối từ lúc nào, tôi nhận thấy, chục người như một, phụ nữ như mẹ tôi, bà tôi, ai ai cũng biết xắt chuối lát.
Chuối chát đi vào đời sống người thôn quê ngày xưa có lẽ từ lúc có thịt heo xuất hiện. Bắp chuối chát, còn gọi là hoa chuối (Bắc), thái nhỏ, dầm dấm, ăn kèm với thịt vịt luộc, thịt ăn không ngán. Trái chuối hầm xương, hầm thịt mỡ. Chuối trái non làm dưa chua giấm đường ăn trong các bữa cỗ. Thân cây chuối chát là thực phẩm chính cho việc nuôi heo. Mỗi gia đình quê tôi ngày ấy đều chuẩn bị một con heo cho ngày Tết. Từ khi “gầy” (nuôi) heo con cho đến khi “hạ” (mổ) heo thịt, thời gian thường là 8 đến 10 tháng. Chuồng nuôi là những cây “róng” (cây rừng bằng cổ chân, dài độ 2 mét) chất lên nhau, đầu cây này gối lên đầu cây kia. Cố định các cây róng ấy là hai cây nhỏ đóng ở 4 góc, bên trên cột lại bằng sợi mây con rất chắc.
Mái chuồng lợp bằng tranh, thường là 2 mái. Lá chuối chát khô sẽ là sàn cho heo nằm, mùa hè cũng như mùa đông, ngày nắng cũng giống ngày mưa. Thân chuối cây xắt thành lát mỏng bằng dao bản to, đem băm hay bỏ cối đá giã nhỏ. Sau đó trộn chuối băm (giã) ấy với cám gạo hay cám bắp. Heo sẽ ăn ngon lành, không chừa một tí gì. Thức ăn đạm bạc ấy khiến heo không lớn nhanh như ăn cám “công thức”. Do đó, thời gian kéo dài hơn nhưng bù lại thịt heo “ngon” hơn. Ngày nay, ở một số làng quê, một số người còn duy trì cách nuôi này để có sản phẩm đặc trưng: Thịt heo cỏ. Giá loại thịt heo này có khi là gấp rưỡi giá thịt heo nuôi cám công thức.
Cây chuối chát có lịch sử lâu đời với con heo cỏ là như thế.
Lá chuối chát là “thứ phẩm” chẳng hề thứ yếu. Lá chuối chát phơi heo héo dùng để gói bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh chưng, bánh rò (một loại bánh bằng bột nếp có hình kim tự tháp nhưn đậu xanh thịt). Lá còn dùng để gói nêm, gói trưởi. Rất ít người biết lá chuối chát còn dùng làm giấy nháp! Thời Việt Minh, học sinh làm toán trên lá chuối. Viết là que tre tròn như chiếc đũa nhưng ngắn hơn, vót nhọn để “viết” vào giấy lá chuối.
Cọng chuối chát phơi khô dùng làm dây cột thay dây nhựa. Cọng chuối chẻ nhỏ ra có thể gói bánh rò, bánh ú. Ở vùng Gia Kiệm (Đồng Nai), tôi thấy người ta thu cả thân chuối. Bẹ chuối phơi khô, tước thành sợi, dùng đan giỏ đựng, xách tay mỹ nghệ.
Củ chuối, có vất không? Thưa, không. Quý vị thử um (om?) củ chuối chát với lươn ướp nghệ tươi, ngon không chỗ chê. Những năm đói 1946, không còn thức ăn, một số người ở quê tôi đào củ cây chuối lên luộc ăn “trừ cơm”.
Trong các thành phần chuối chát, có trái chín là trẻ con chúng tôi ở quê “ngán” nhất. Chúng chín ăn ngọt phần cơm, phần hạt thì chát, ác nỗi, lại chiếm thể tích toàn trái. Ngày xưa, chất ngọt thuộc loại hiếm, trẻ thèm ngọt, ăn trái chuối chát chín sẽ nhớ đời khi đi vệ sinh mỗi sáng, có khi là cả buổi sáng: hạt chuối gây bón. Phân rắn như xi măng đóng cục. Tôi nói trẻ con “ngán” là vậy.
Sau này, chính quả chuối chát là phần “quý giá” nhất. Không phải quý ở món rau ghém có chuối non xắt lát. Ở Đà Nẵng, khi thấy đôi ba lát trong một đĩa rau trong các món ăn nào đó, thực khách không nên kêu thêm như ở miền Nam. Không có nhiều đâu chuối chát trái làm rau.
Trái chuối chát chín còn được các đệ tử Lưu Linh xắt lát phơi khô ngâm rượu cho có “vị thuốc”. Xin thưa, theo tìm hiểu của tôi, ngoài màu rượu đẹp như rượu tây thì trái chuối ngâm rượu hoàn toàn vô bổ. Nó chỉ có ích là làm rượu ngọt dễ uống; không bổ gì ngoài bổ ngửa vì uống ngon quá chén.
Chuối chát phơi khô lấy hạt là vị thuốc chữa sỏi thận cực kỳ hiệu quả. Tôi từng uống và sau một thời gian chừng nửa năm, kích thước sạn trong thận nhỏ lại, những hạt nhỏ nằm rải rác trong đường tiết niệu tan hẳn (siêu âm đối chiếu trước và sau khi uống).
Đây là bài thuốc dân gian nhưng tôi làm theo lời của bác sĩ Dương Ý Đức (không nhớ chắc tên ông) phụ trách mục sức khỏe trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, tôi thường mua đọc khi chưa có internet. Ông không tin y học dân gian nhưng bản thân ông thực hiện uống hạt chuối chát.
Cách làm theo ông hướng dẫn: Chuối chát chín lột vỏ, bóp nát, bỏ vào một rá nhựa (hay rổ tre) dung tay chà nhẹ để những hạt chuối lọt qua rổ. Thu hạt rồi rửa sạch trong nước và đem phơi khô, phải thật khô. Sau đó xay hạt thật nhuyễn cho vô lọ dùng dần (một buồng chuối cho chừng hơn 1 ký hạt). Một muỗng canh vun bột chuối chát cho vào chừng 1 lít nước nấu sôi chừng 15 phút, để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh, uống lai rai trong ngày. Thời gian cho đến khi sỏi mòn đi hay tan mất.
Chuối chát ăn quanh năm nên hạt chuối của nó có lẽ không gây tác dụng phụ. Tôi uống có kết quả mặc dầu trước đó tốn không biết bao nhiêu tiền cho thuốc Kim Tiền Thảo, uống vừa hao tiền vừa nóng trong người như uống phải nước sôi. Mổ hay chiếu tia lazer thì cũng giải quyết sỏi thận nhưng cách làm này vừa nhẹ nhàng vừa dễ làm.
Tất nhiên, mỗi người có mỗi cơ địa, không ai giống ai. Có khi bác sĩ Dương Ý Đức và tôi thì chữa hết sỏi thận nhưng quý vị thì không. Kiểm tra theo dõi bằng siêu âm trước và sau khi uống để quyết định có nên nghe theo thầy…lang Chiến này không.
Tôi mỗi năm đều về thăm quê. Thấy quê hương ngày càng phát triển hơn xưa, lòng tôi rất vui. Nhưng khi đi nhiều làng không thấy trồng nhiều chuối chát, tôi chợt thấy bùi ngùi. Cây chuối chát tuổi thơ của tôi ngày một ít dần. Hình ảnh những bụi chuối xanh um cao vút mờ dần vào ký ức. Không nuôi heo bằng cám chuối. Cây chuối mất dần lẽ sống.
Lá chuối không thay thế bịch ny-lông tron đời sống. Thịt heo luộc xắt lát không còn gói bằng lá chuối chát; bánh ú, bánh ít trẻ con không thích bằng bánh kem, bánh bích quy, bánh sô-cô-la rắc hạt hạnh nhân. Trẻ con không còn nô đùa khi đến mùa lụt lội, nên bè chuối chỉ là câu chuyện kể thời xưa của cha ông chúng … Chuối chát ít dần vì đời sống ngày càng khác xưa; “Gió đưa bụi chuối sau hè” không còn nghe nữa. Sân, hè đều có bê tông, xi măng, và gạch men thế chỗ.