Monday, July 29, 2024

SƯ MINH TUỆ QUA LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO

Bernard Nguyên-Đăng

(Bernard Nguyên-Đăng là luật sư, tiến sĩ, dạy và hành nghề luật trên 40 năm tại Hoa Kỳ. Là người cùng quê, cùng tuổi, ông xuất thân trong một gia đình có 4 người là tiến sĩ ở Mỹ (noi gương Quảng Nam “ngũ phụng tề phi”). Cái nhìn “khoa học” về hiện tượng Minh Tuệ của một trí thức ki tô giáo ở bên kia trái đất chứng minh suy nghĩ của một số người cho rằng có kẻ lợi dụng Minh Tuệ để gây “chia rẽ” tôn giáo ở VN là hoàn toàn sai. Vì để dễ đọc trên facebook, tôi được tác giả cho phép “bỏ bớt” một số ghi chú trích dẫn kinh thánh, phần tiếng Anh kèm theo, và phần “tham khảo” (reference). Mong quý vị quan tâm thì đọc. Đã không đọc mà than “lê thê” sẽ phụ lòng người viết.  Bài viết công phu, tỉnh táo, trách nhiêm, và nhất là nhân ái; tất nhiên, theo “văn phong” của một “người Việt hải ngoại”).

LỜI NGỎ…

Trong lịch sử tôn giáo tại Việt Nam, trải bao nhiêu triều đại, thế hệ, thời vua chúa, phong kiến, đến thời  thực dân, trong chiến tranh cũng như lúc hoà bình, gian khổ hay thịnh vượng, ít thấy, đúng hơn, chưa từng  thấy một sự kiện, nhiều người cho là một “hiện tượng”. Có lẽ, vô số người, hàng ngàn, vạn, nếu không  dám nói hàng triệu người đã chú ý, quan tâm, theo dõi; và lắm người cảm thấy như một cơn sốc, cơn lốc, như cơn sóng thần [tsunami] xã hội mạng; hoặc, nhiều người còn có những cảm nghiệm xa hơn, cao vời hơn trong góc độ tâm linh—chính là sự xuất hiện của Sư Minh-Tuệ.

Đã có vô vàn thông tin nơi cộng đồng mạng, hằng hà sa số hình ảnh, video, và nhiều hình thức truyền thông chớp nhoáng khác, hai từ “Minh-Tuệ” đã và đang trở thành sự choáng ngợp trong nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ, nhiều bài viết và phản biện, đủ mọi chiều hướng, không thể sàn lọc hết sứ mệnh, mục đích, hiệu năng và tác động của mọi kênh truyền thông và xã hội Việt Nam trong nước cũng như khắp các nơi hải ngoại.

Với tạp ghi nầy, người viết chỉ cô đọng, nhấn mạnh sự tương đồng, trùng hợp và tương xứng về ý hướng và cung cách sống khổ hạnh, thanh bần và khó nghèo—nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc từ bỏ những ham muốn vật chất để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, hoặc cứu rỗi, hơn là so sánh những điểm khác biệt giữa hai đức tin tôn giáo, truyền thống—Kitô giáo và Phật giáo. Mục đích của cả hai truyền thống là giúp con người đạt được hạnh phúc đích thực và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, con người có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự giác ngộ-nên thánh.

Trong khuôn khổ giới hạn bài chia sẻ nầy, người viết chỉ mong chia sẻ một góc nhìn rất hẹp, kiến thức giới hạn, thông tin thưa thớt, bất cập, qua lăng kính Kitô giáo—công giáo, tin lành, chính thống giáo, cơ đốc giáo—các giáo phái tin vào đức Giêsu là “Chúa”. Viết, theo quan điểm, kiến thức và tính chủ quan, cá nhân, không mang danh nghĩa bất cứ một giáo phái, giáo hội, tập thể, cộng đoàn hay bất cứ tổ chức nào. Lăng kính Kitô giáo trong bài nầy lại giới hạn duy nhất trong sự tương đồng, tương quan, trùng hợp giữa đức tin tôn giáo và hành đạo của Sư Minh-Tuệ và Kitô giáo—không khen chê, không đánh giá và tuyệt nhiên không có thẩm quyền định thẩm tinh thần tu thân, triết lý và phương châm hành đạo của Sư Minh-Tuệ, hoặc bất cứ nhân vật nào trong tài liệu được trích dẫn, để chứng minh.