Saturday, February 3, 2024

KHI NÀO “SỢ” LUẬT MÀ KHÔNG “SỢ” CẤP TRÊN?

Có hai thứ nhân loại sợ hãi nhất là thiên tai, dịch họa. Còn nhiều hồ nghi về giả thuyết xuất phát của Covid, nhưng nhìn chung, thế giới coi nó như một “thiên tai, dịch họa”, từ nước nghèo nhất, ít dân nhất đến nước giàu nhất, đông dân nhất, nó không tha chỗ nào. Hàng triệu người trên thế giới, hàng mấy chục ngàn người ở Việt Nam, mất mạng vì nó, chưa kể tổn thất kinh tế và nhất là thương tổn tinh thần của những ai sống sót, những ai còn đang chống chọi vật vã; bóng ma đại dịch còn đang lảng vảng.

Vậy mà có những quan chức nhẫn tâm trục lợi trong thiên tai, dịch họa: ăn vào mồ hôi nước mắt của đồng bào. Chỉ với cây que chọt mũi, có người được lại quả 30 tỷ đồng ở một địa phương cấp tỉnh. Còn địa phương nào nữa không? Đốn mạt đến nổi một giáo sư tài năng xuất chúng, cũng phải vào tù vì tiền mà quên nhân phẩm, đồng loại.

Có thật sự chỉ những “ai tự trọng thì mới không tham nhũng”? Tham nhũng để có… nhiều tiền, đơn giản.  Nhưng “tiền nhiều để làm gì, chết có mang theo không?” Suy nghĩ như thế là suy nghĩ của một tu sĩ giảng đạo. Đó không phải là suy nghĩ của người nắm vận mệnh quốc gia. Suy nghĩ của một chính khách lỗi lạc phải là: Thay đổi cơ chế quản trị đất nước. Cơ chế quản trị thế nào mà “ai cũng có thể tham nhũng được”? Từ quân đội, công an, giáo dục, tòa án, y tế…lĩnh vực nào cũng có bóng dáng tham nhũng.

Tham nhũng thì thời nào cũng có và nơi nào cũng có. Nhưng nước còn nghèo, dân còn đang dịch bịnh, dân tộc nổi tiếng yêu nước, tại sao bọn tham nhũng cũng không tha, cớ làm sao? Do cơ chế quản trị chứ không phải do con người suy thoái hay biến chất. Con người từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay đều không thoát khỏi THAM, SÂN, SI. Thích Ca không vô cớ mà đặt Tham lên trước hai thứ kia. Trí tuệ siêu việt của ngài cho thấy: lòng tham chi phối tất cả và trên tất cả ở bản chất con người.

CHÓ: BẠN CŨNG “THỊT”.

Nếu có thống kê về số lần sử dụng từ ngữ thì “văn hóa” có thể có tần suất sử dụng nhiều nhất và cũng lạ lùng nhất. Người ta sẽ gặp rất nhiều, chẳng hạn, văn hóa giao thông, văn hóa phong bì, văn hóa nhậu, văn hóa từ chức…trong đó có văn hóa ăn thịt chó. “Ăn thịt chó là một nét văn hóa dân tộc”, có vị giáo sư nào tôi quên tên từng nhận xét như thế.

Mới đây, thành phố du lịch Hội An phát động phong trào “nói không với thịt chó” gặp phản ứng khá gay gắt của cánh theo văn hóa ăn thịt chó. Như thế, ăn (chó) là văn hóa, nuôi (chó) có văn hóa không?

Chó là vật cưng đứng hàng thứ ba sau trẻ con và phụ nữ ở Mỹ (tôi đúng không nhỉ). Tháng chạp vừa rồi, nhân sinh nhật Joe Biden, vợ chồng em trai tặng ông một con chó Đức rất đẹp. Báo CNN liền có một bài viết về sự kiện “trọng đại” này. Tổng thống đặt cho nó cái tên là Chỉ huy (commander). Báo đưa tin tiếp, trước đó trong tòa Bạch Ốc còn có chú chó Major rất được ông yêu quý. Nhưng ông Thiếu tá này hay cắn người ngay cả nhân viên thân cận tổng thống. Viên sĩ quan “cắn càn” này được máy bay chở về nhà riêng của tổng thống, theo các chuyên gia thú ý hàng đầu nước Mỹ, để ổng “không bị quấy rầy”, dễ cáu giận, sinh tật cắn bậy người.

Và BBC vừa đưa tin, một ngân hàng máu chó duy nhất của Vương Quốc Anh thành lập ra để cứu mạng chó. Có chú củn từng hiến máu 28 lần trong đời, mỗi lần, lượng máu tương đương 450ml. Người nhờ máu người và chó cũng nhờ máu chó: máu cứu lấy sinh mạng- máu nào cũng quý. Chủ của những con chó hiến máu rất hãnh diện về vật cưng của mình.

Chú cún này “động viên” các cháu chích ngừa Covid.

Ở Sài Gòn ( Hà Nội chắc cũng vậy) có một vài bệnh viện dành cho chó cưng. Chó không còn nuôi để “giữ nhà” nữa. Chó mang lại niềm an ủi cho người yêu thương chó. Nếu không có tình yêu thương vật nuôi không ai phải tốn kém rất nhiều để chăm sóc một con chó, phí tổn có khi hơn cả phí tổn cho nhu cầu bình thường của  một con người nghèo khổ.

Vì sao lại như thế?

Ngoài tình yêu của người dành cho vật nuôi,  bản tính trung thành, gần gũi, dễ mến của chó là lý do chính để chúng được con người quý trọng chứ không phải…thịt của nó.

Nhưng người “ghiền” thịt chó lại cho việc ăn thịt chó không khác chi thịt bò, thịt heo, thịt cừu…Sống trên đời không ăn thịt chó. Chết xuống âm phủ, không có mà ăn. Ăn thịt chó trở thành “triết lý” nhậu trên các bàn ê hề thịt chó.

Có vị tiến sĩ nói, “không thể nói ăn thịt chó là man rợ; chó là bạn cũng có thể là thức ăn”. Chưa nói ăn thịt chó hay không ăn thịt chó là man rợ hay văn minh, là không văn hóa hay có văn hóa, ta có thể nêu ra một sự kiện, nước nào ăn thịt chó đầu tiên và ăn nhiều nhất. Không khó để có câu trả lời đó là nước Trung Hoa. Vì sao người miền Bắc tiêu thụ thịt chó hơn người miền Nam (tôi nói trước chiến tranh, bây giờ có lẽ là “một chin, một mười”)? Tại sao Bắc Triều Tiên ăn thịt chó nhiều hơn Nam Triều Tiên, và Triều Tiên nhiều hơn Nhật Bản? Ngoài ảnh hưởng địa lý, văn hóa văn minh Trung Hoa là vai trò chủ đạo trong việc hình thành tập quán ăn thịt chó.

Cũng có thể có lý do khác như kinh tế thiếu thốn, các loại gia súc như heo, bò, trâu, cừu…tốn kém chăm sóc và khó nuôi hơn chó. Ở vùng quê nghèo khó thời xưa, tôi nghe kể lại, và chính tôi chứng kiến sau này khi còn bé, chó nuôi chủ yếu để giải quyết phân trẻ nít. Không có bô, không có cầu, đi ra đồng không được, trẻ nít ị ra được giải quyết nhanh gọn và chớp nhoáng bằng một con mực, con đốm nào đó. Và khi tới tuổi trưởng thành, trơn lông múp míp, chú mực, chú đốm ấy trở thành miếng mồi thơm lừng trên lửa nếu chúng may mắn sống trong vùng nào có truyền thống ăn thịt chó. Cũng có người nuôi chó thì chôn khi nó mãn phần.

Cũng có thể ăn thịt chó do không có đủ thịt khác để…ăn. Thịt chó mua không cần tem phiếu. Chó mổ thịt không phải làm đơn xin phép. Nhờ việc “thu dọn chiến trường” gọn ghẽ như tôi nói, nuôi chó không phải tốn khoai, tốn sắn, tốn thóc…những thứ con người có lúc không có để ăn.

Văn hoá Trung Hoa, đời sống thời “phong kiến”, kinh tế “bao cấp” biết đâu đóng góp rất lớn trong việc hình thành tập quán ăn thịt chó của chúng ta ngày nay? Rất lâu, có tờ báo thống kê hơn 5 triệu chú củn cung ứng thị trường thịt chó mỗi năm. Và, có cầu tất có cung, nghề bắt trộm chó là nghề “ăn nên làm ra” ít gặp phải tội hình sự. Công An mới bắt toán ăn trộm chó. Có thanh niên thật thà khai báo mỗi ngày hành hiệp bắt trộm, thu nhập từ 800.000 đến một triệu đồng, mỗi tuần 3 lần “triển khai công tác”.  Số chó khai ra hơn 1200 con trong gần 2 tháng.

Thịt chó trở thành một ngành “công nghiệp”? Nếu không như thế, thịt chó hình thành nếp sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc? Văn hóa ăn thịt chó?

HIỂU ĐỂ THƯƠNG: CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM

Câu chuyện đức Phật kể về cái chết của con trai do mẹ ruột gây ra. Một phụ nữ mất chồng khi đứa con trai còn trong bụng mẹ. Cả cuộc đời khốn khó nuôi con, tất cả tình yêu bà đều dành trọn cho núm ruột của mình. Người con trai cũng dành trọn yêu thương cho người mẹ tảo tần vì mình cho đến khi anh cưới vợ, một cô gái xinh đẹp. Kể từ đó, mọi tình cảm của con trai không còn dành cho mẹ. Người mẹ đau khổ, tuyệt vọng, quẫn trí và kết quả tang thương đổ lên gia đình: bà quyết định bỏ thuốc độc vào thức ăn, để trừng phạt đứa con trai “bất hiếu” và đứa con dâu “tội đồ”, bà cho là người cướp mất tình thương của mình. Đức Phật kết luận, hiểu để thương; người mẹ trong câu chuyện thương mà không hiểu nên phải sống trong đau đớn và ân hận cả cuộc đời còn lại: tình thương không phải là chiếm hữu người mình thương.

Câu chuyện đau lòng về bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến chết là một ví dụ cho sự hiểu biết, cả trong tình yêu thương. Học cao sẽ hiểu biết nhiều? Không hẳn. Người bố trong câu chuyện này từng du học nước ngoài và đang nắm trọng trách trong xã hội.

Anh ta không hiểu, người phụ nữ xinh đẹp mà anh ta đem lòng yêu mến không phải là phụ nữ đoan chính. “Cái nết đánh chết cái đẹp” trở thành lạc hậu? Một gia đình đang êm ấm, có con trai, con gái đề huề, sống trong môi trường “đẳng cấp” bị tan vỡ vì ý muốn của người phụ nữ xinh đẹp kia: làm gia đình anh chồng tan đàn xẻ nghé, con trai ở một nơi, con gái ở một chỗ. Đứa trai không có cha và đứa gái không có mẹ. Con chịu cảnh chia lìa chỉ vì sắc đẹp của “mẹ kế”.

Dùng sắc đẹp và thân xác hấp dẫn đàn ông có gia đình và làm cho gia đình ấy tan nát không phải là cách làm của một con người hiểu biết đạo lý. Thế mà người đàn ông kia vẫn đem lòng yêu mến. Yêu mến cuồng si đến độ mang người phụ nữ chưa cưới về làm “mẹ kế” cho con mình. Anh ta không hiểu: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Cả cuộc đời đứa con máu mủ của mình trao phó cho “mụ dì ghẻ” hiểm ác, “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham hiểm giết người không dao”.

Bà dì ghẻ lấy cớ “rèn luyện” đứa bé quen được người lớn chăm sóc để bạo hành thể xác và tinh thần: thải hồi bà giúp việc, bắt đứa trẻ lớp 3 hút bụi, lau nhà, xếp áo quần, đổ rác…ngay cả uống nước cũng chỉ “một bình” không rõ có đủ cung cấp cho một cháu bè trong một ngày.

Người cha không hiểu, con chồng gặp cảnh vợ chết, mẹ kế sẽ có thái độ bao dung hơn con chồng có vợ bị bà dì ghẻ “cướp trên tay”. Anh thờ ơ đến nỗi không quan tâm con mình đị đánh đập rất nhiều lần. Trên thân thể đứa bé có những vết hằn cũ của những trận đòn roi. Anh ta cũng lạnh lùng đến nỗi con gái ruột thịt không dám chia sẻ sự hà khắc của bà vợ kể tương lai; hay cháu bé có chia sẻ nhưng tình phụ tử không nặng hơn tình trai gái. Cả hai đều nói lên bản chất của một người đàn ông có học mà như vô học.

Về phía “bà dì ghẻ”, còn nhiều chuyện đáng nói. Hành vi bạo hành dẫn đến chết người là hành vi phạm tội cố ý (hoặc vô ý) giết người đang  bị xã hội lên án. Cái chết gây chấn động không những trong xã hội VN. Nghe nói cô gái xinh đẹp này là con gái một gia đình “đẳng cấp”, cha là thẩm phán, mẹ là giảng viên trường cao đẳng, bản thân hẳn phải có học hành tử tế mới có thể làm trong bộ phận “phát triển nhân lực” (HR). Cô ta không hiểu, dùng roi vọt để dạy dỗ trẻ - chưa nói đến đánh đập – là chuyện không thể chấp nhận ở một gia đình thuộc giới “thượng lưu” tại một đô thị như Sài Gòn. Hay là noi theo cách làm của vị thẩm phán “mặt sắt đen sì”, cô ta cho rằng: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho đường”? Roi đòn hay gậy đòn (nguyên nhân dẫn đến cái chết) của bà dì ghẻ này là roi đòn, gậy đòn đánh vào người mẹ đứa bé, chứ không hẳn đánh vào đứa bé. Gương mặt xinh đẹp của cháu bé gợi nhớ đến gương mặt xinh đẹp của “tình địch” hay chăng? Đánh cho bõ ghét? Đánh cho chừa? Than ôi, một bé gái 8 tuổi, mất tình yêu của mẹ dù mẹ còn sống, có gì mà người dì ghẻ mặt hoa da phấn này đánh cho bõ ghét, đánh cho chừa?

Thấy trên Facebook của cô có trích dẫn một câu tiếng Anh rất là triết lý. Có lẽ học hành cũng khá. Tại sao cô không hiểu đánh trẻ con là tàn nhẫn, dù đánh nó vì lý do “răn dạy” (trong khi chưa phải là “kế mẫu” mà có là mẹ cũng không được đánh trẻ), cũng sẽ phạm luật, huống hồ đánh đập con của chồng mình, với sự căm tức vô cớ, để dẫn đến chết đầy oan khuất ?

Vì quá cuồng si ông chồng đẹp trai, đủ đầy vật chất, cô quên rằng, lòng căm tức đứa bé cô đánh đến chết khiến dư luận suy đoán, trong tiềm thức của một người đàn bà muốn chồng mình không chia sẻ tình cảm cho ai kể cả là con ruột, cô trút căm hờn lên cháu bé, và coi nó là “hình ảnh” của một người đàn bà có chồng bị cô cướp mất?

Nếu không như thế thì đòn roi của cô có mục đích gì? Thi thể một đứa bé bầm dập, cũ có, mới có, không bao giờ biện minh cho lý do đưa ra “thương cho roi cho vọt” của bà mẹ kế tương lai.

Nếu là người thấu hiểu, cô sẽ yêu thương cháu bé ấy như con ruột: đây là cách yêu thương thật sự cha của nó và cách khiến cha nó yêu thương thật sự “kế mẫu” của con gái.

Có dư luận phê phán “hàng xóm” không can thiệp kịp thời để dẫn đến cái chết thương tâm. Thật sự thì xã hội VN chưa đạt đến mức mọi người coi cha mẹ đánh đập con cái của họ là chuyện “xã hội”. Thường là chuyện gia đình người khác “không nên chõ mũi vào”, dây vào “rắc rối” và nhất là những gia đình “có máu mặt”. Một cú phone cho cảnh sát biết đâu cứu được một mạng sống. Cũng chính chưa hiểu cặn kẽ nhân quyền (hai từ này “úy kị” lắm), người ta mới vô tình kiểu “đóng cửa dạy nhau” (hay đóng cửa đập nhau – ai mà biết) hoặc “đèn nhà ai nấy rạng”. Không được xâm phạm thân thể là một phần của nhân quyền chứ nhân quyền không phải chỉ là cơm no, áo ấm, rồi ai cũng có quyền dạy dỗ con cái bằng biện pháp bạo hành. Hàng xóm hiểu cần can thiệp để cháu bé được sống là tình thương chứ không hẳn chưng ảnh, hoa, đèn…là tình thương dành cho người đã mất.

Hiểu để thương trong gia đình này còn phải kể đến ông bà nội cháu bé. Ông bà ở đâu mà cả năm trời cháu ruột của mình bị hành hạ bởi một “con dâu hờ” ác độc? Việc sẽ cưới cô này cho con trai là phước hay họa khi sự xuất hiện của một cô dâu xinh đẹp là thảm cảnh ập tới một gia đình đang êm ấm ?

Con dâu tương lai nếu không đếm lịch trong song sắt liệu có cư xử với gia đình cha mẹ nhà chồng hiếu đạo không? Hay một ngày nào đó, sắc đẹp vẫn còn, thân thể vẫn nóng bỏng, biết đâu con trai họ sẽ bị con dâu đá văng để tìm một tấm chồng khác, trẻ hơn, giàu hơn, danh giá hơn?  Người cướp chồng, phá nát gia cang nhà chồng, lại đang tâm hành hạ một đứa bé không mẹ cho đến chết thì cô ta sẽ không từ một thủ đoạn nào đâu. Ông bà yêu con sao không yêu cháu? Hay cháu kia là con của một con dâu “đáng ghét”?

Vì thương mà không hiểu, những người trong gia đình này phải chịu bất hạnh:  Một cháu bé 8 tuổi với gương mặt ngây thơ, non dại chết tức tưởi. Con dâu hờ sẽ ngồi tù không phải là ba năm như báo nào đó đưa tin đâu. Chồng tương lai sẽ nghĩ về cô như thế nào khi con anh ta bị cô giết chết? Ông bà nội có cắn rứt lương tâm khi cháu ruột mình bị con dâu hờ cướp mạng sống mà họ không kịp thời can thiệp? Và người đàn ông “trụ cột” kia sẽ đối diện với dư luận xã vốn hội khinh ghét ai vì ham mê sắc dục mà vô tâm với giọt máu của mình.

Cái chết thương tâm của một bé gái 8 tuổi, ngoài tiếng chuông thức tỉnh xã hội ý thức về quyền con người (không thể bị xâm hại thân thể ), nó còn nhắc nhở: hãy hiểu khi yêu, như lời dạy của đức Phật cách đây mấy ngàn năm.

.CHÍCH (VẮC-XIN), HAY KHÔNG CHÍCH: ĐÓ LÀ VẤN ĐỀ

.

Báo đưa tin “Xem xét xử lý người không chịu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19”. Thế giới chấp nhận chỉ có chủng ngừa mới giành lại mạng sống khi dịch bệnh đang hoành hành. Do vậy, chích hay không chích (vắc-xin) là “vấn đề sống còn” y như Hamlet của Shakespeare nói “To be, or not to be: that is the question” (sống, hoặc không sống: đó là vấn đề).

Việt Nam là một dân tộc chịu đựng nhất thế giới. Không có nước nào bị “ngàn năm đô hộ” nhưng vẫn sống phây phây cho đến bây giờ. Ở các nước, ai không chích vắc-xin sẽ bị hạn chế các quyền lợi như không được vào chỗ đông người, lên máy bay, hay xuất cảnh, nhập cảnh, có khi bị thải hồi khỏi chỗ làm …nghĩa là, ai không có “hộ chiếu vắc-xin” sẽ thiệt thòi quyền lợi. Ở VN, chính quyền sẽ “xử lý” những người này. Không rõ cách xử lý như thế nào. Mọi người coi vắc-xin là một quyền lợi công dân. Nhiều người lên mạng khoe mình được chích ngừa sớm, có kẻ còn tự hào chích vắc-xin ông ngoại, ông nội, ông cố…

Tôi đoán, chỉ những ai quá sợ hãi khi nghe có tử vong sau chích mới từ chối vắc-xin. Không có vắc-xin nào không có phản ứng gây chết người nhưng tỷ lệ rất rất thấp nếu không nói là cực thấp, gần bằng 0; chưa kể nguyên nhân tử vong có khi không nằm ở vắc-xin mà ở các công đoạn khác như bảo quản, hoặc người có cơ địa quá mẫn cảm. Đó là lý do người chích “có nguy cơ” phải khám sàng lọc và chờ 30 phút sau tiêm. Bảo “phải xử lý” những người như thế nghe nó “hình sự” quá. Không sao, dân ta quen chịu đựng rồi. Không như dân Mỹ.

Nhiều tòa án địa phương “vô hiệu hóa” sắc lịnh của tổng thống (như yêu cầu các công ty lớn buộc nhân viên của mình phải chích ngừa vắc-xin) khi Omicron đang lật ngôi Delta để thống lĩnh lây lan Covid-19 tại Mỹ, nước có tới 800.000 dân bỏ mạng vì đại dịch.

Không chịu đeo khẩu trang, không chịu chích ngừa, không chấp hành giãn cách xã hội (social distancing)…là quan điểm xung khắc trầm trọng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020.

Biden thì vận động tranh cử rụt rè trước cử tri ngồi trong các chiếc xe hơi đậu rải rác ở mỗi nơi ông đến, ông luôn luôn có khẩu trang. Trump thì xuất hiện ồn ào như ngôi sao nhạc Rock ở các điểm tụ tập đông người không khẩu trang như ông.

Chống dịch có lúc trở thành đề tài nóng tranh thủ phiếu bầu cho dân chủ và cộng hòa. Trước cử tri, nhìn Biden “lọm thọm” với miếng giẻ màu đen trước miệng và nhìn Trump vung tay nói không khẩu trang, không ai tin là Trump thất cử.

Mối thù “bất cộng đái thiên” giữa hai vị tổng thống thứ 45 và 46 của Mỹ có ve như không bao giờ mờ nhạt. Một trong những bất đồng của hai ông, đó là về Covid. Biden rất sợ dịch; Trump dường như không bao giờ. Nhưng giờ đây, chính vấn đề này lại là mối hàn gắn không những cho hai ông mà cả…cho nước Mỹ.

Biden nói trong một phát biểu gần đây nhất, đại ý: “Mỹ là nước đầu tiên có được vắc-xin hữu hiệu chống covid chính nhờ công lao của Trump. Và (cựu) tổng thống cũng vừa mới chích nhắc (booster) vắc-xin”. Nghĩa là, Trump chấp nhận phong trào thúc đẩy dân chúng tham gia chích ngừa do Biden đang phát động (Lý do ông có sợ chết không thì không rõ nhưng việc tuyên bố chích nhắc là một động thái hiếm có với tính cách của ông: không ai thấy hình ảnh ông chích ngừa như Biden từng làm mỗi lần chích). Động thái này đưa đến tín hiệu tích cực cho những người còn đang ủng hộ Trump ngần ngừ trong việc “từ chối” chích vắc-xin – con số sơ khởi là 40 triệu người (có khi vì động cơ chính trị thần tượng cựu tổng thống). Trump nói với hãng FOX về sự đề cao ông của Biden: “Tôi rất trân trọng điều đó – Tôi rất ngạc nhiên khi nghe như thế. Các bạn (nên) hiểu đó là tiến trình hàn gắn ở đất nước này, hàn gắn rất lớn”.

AI LÃNH ĐẠO VIỆT NAM NĂM 2021?

(Who will lead Vietnam in 2021?)

Nền chính trị Việt Nam chuyển qua kín kẽ như thông lệ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự trong ban bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đổi mới đảng, một công việc hoàn toàn có tính cách nội bộ. Bước vào năm 2019, ông Trọng quản chặt bộ Công an vốn ì ạch (sprawling), các chiến dịch chống tham nhũng, cất nhắc “cán bộ chủ chốt gương mẫu” khiến ông ta nắm vững kịch bản chuyển giao quyền lực vào năm 2021. Sang năm 2020, mọi chuyện sẽ không khác mấy.

Trong rất nhiều phát ngôn của các quan chức Việt Nam giữa các kỳ đại hội, cả bên đảng lẫn bên chính phủ đều vững bước theo những cải tổ của ông Trọng. Nếu có còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hồ hởi trong những năm kỷ cương buông lỏng, tư tưởng chống đối được chấp nhận và cơ hội kiếm chác nhiều cho lợi ích cá nhân, thì họ vẫn không mạnh nữa, và đang ra sức lấy lòng nhau.

Các nhà quan sát cố sức tìm tòi xem ai sẽ nắm những vị trí chủ chốt trong một đảng toàn quyền ở đại hội 13, tổ chức vào tháng giêng năm 2021. Năm năm trước, những người ủng hộ cựu thủ tướng và các đối thủ ông ta từng đả kích nhau trên không gian mạng. Tuy nhiên, năm 2019, chiến dịch đua tranh vào các vị trí chủ chốt không còn nóng bỏng, diễn ra kín đáo, chẳng chừa chỗ cho cơn cuồng bàn luận, đồn đoán trên truyền thông xã hội nữa.

Trước, có người nói rằng ông Trọng sẽ tiếp tục một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tuy nhiên, cơn đột quỵ bất ngờ khiến ông nhập viện vào cuối tháng 4, dù xuất hiện trước công chúng một tháng sau đó, dáng đi của ông có vẻ hơi yếu. Chuyến công du dự định qua Hoa Kỳ để phát biểu trước đại hội đồng Liên hiệp quốc, và gặp tổng thống Mỹ Donald Trump bị bãi bỏ. Điều đó làm người ta cho rằng vị tổng bí thư 75 tuổi sẽ rời chức vụ (tháng 10 năm ngoái kiêm luôn chủ tịch nước) vào lúc diễn ra hoặc trước đại hội đảng.

Ông Nguyễn Phú Trong.

Có một vài người rõ ràng dự kiến sẽ thay thế hai chức vụ ông Trọng bây giờ đang nắm giữ.

Nếu ông Trọng không làm thêm một nhiệm kỳ nữa, Trần Quốc Vượng hầu như chắc chắn sẽ là lựa chọn của ông Trọng lên chức tổng bí thư. Ông Vượng 66 tuổi, chưa từng nắm chức vụ nào bên chính quyền. Thay vào đó, ông thăng tiến từ trong ban bí thư trung ương đảng. Với vị trí đứng đầu ban bí thư và là người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, ông Vượng là người sát cánh quan trọng nhất của tổng bí thư.

Phạm Minh Chính, một người khác trong đảng, có vẻ là chọn lựa tốt để nắm giữ các vị trí chủ chốt của chế độ. Với cương vị trưởng ban tổ chức trung ương, ông Chính đang đi đầu trong việc tìm kiếm “cán bộ tài, đức”, mà nhiều gương mặt mới nổi trong ủy ban trung ương đảng có lẽ sẽ xem ông như là ân nhân của họ. Trẻ hơn ở tuổi 61, với cương vị ở cấp cơ sở nhiều hơn ông Vượng, ông Chính thăng tiến trong đội ngũ công an trước khi làm bí thư tỉnh và sau đó là nằm vào ban bí thư trung ương.

Cơ hội cho Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc để thăng tiến đã gia tăng vì sức khỏe (hay sức mạnh? Vigour) của ông Trọng giảm đi. (Nguyen Thi Kim Ngan and Nguyen Xuan Phuc’s chances for advancement have also increased as Trong’s vigour has waned)

Bà Ngân làm việc có năng lực trong các vai trò ở quốc hội, nhờ đó bà vào được bộ chính trị, hiện là chủ tịch quốc hội. Bà có thể hy vọng phục vụ vai trò phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch nước.

Nếu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vận động mạnh mẽ, có lẽ ông ta sẽ theo bước ông Trọng để lãnh đạo đảng. Chính quyền của ông tương đối không có tì vết, nền kinh tế đang bùng phát. Ông Phúc là điểm hội tụ rõ ràng cho các nhà đại doanh nghiệp (business barons) và những người muốn giới hạn (limit) ảnh hưởng (sway) của đảng trong chính sách kinh tế và xã hội.

Cho đến năm 2006, Nguyễn Xuân Phúc là một quan chức chưa nổi bật ở miền Trung. Được chọn để giúp việc quản lý cho văn phòng thủ tướng thời ấy ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc làm việc hiệu quả đến nỗi được đề bạt làm chánh văn phòng đầu tiên của phủ thủ tướng, sau đó làm phó thủ tướng phụ trách nội chính. Công việc khá tốt của ông trong các chức vụ này, và cách tránh bị đánh đồng do quá gần với ông Nguyễn Tấn Dũng, dường như giúp ông trở nên một sự chọn lựa với đồng thuận cao, để nắm chính phủ khi Nguyễn Tấn Dũng buộc phải về vườn năm 2016.

Nay ở tuổi 65, ông Phúc có thể hy vọng sự phản ứng trong nội bộ đảng đối với việc chú trọng quá nặng vào tư tưởng giáo điều (dogma) hiện nay – hậu quả sẽ ảnh hưởng đến các chính sách - có thể là lực đẩy cho ông hơn ông Vượng trong việc nắm giữ vị trí cao nhất Việt Nam.

Nền kinh tế phát triển gần 7% GDP trở lại trong năm 2019. Việt Nam được ở vị trí thuận lợi như là nơi sản xuất thay thế cho các thiết bị kỹ thuật cao và các hàng hóa phục vụ cá nhân chất lượng cao khi các quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay gắt. Bây giờ, trước khi lực lượng lao động sẽ già đi, chính quyền-đảng (party-state) đang gặp thách thức phải biến những lợi thế cạnh tranh tạm thời trở thành thắng lợi vĩnh viễn.

Một loạt vấn đề đang kêu cứu cần để tâm và chú ý sát sao. Như hầu hết các quốc gia, Việt Nam phải đối mặt với khủng hoảng trong quản lý môi trường gây hậu họa khôn lường chất lượng không khí vào mùa thu năm nay. Trường học chất lượng và hệ thống chăm sóc y tế từng một thời là niềm hãnh diện của một Việt Nam XHCN hiện là những cơ sở chỉ những người trả nhiều tiền mới được phục vụ tốt. Nông dân vẫn chưa có quyền sở hữu mảnh đất họ đang canh tác. Hố ngăn cách giữa kẻ có của ăn của để với người nghèo rớt mồng tơi đang ngày càng mở rộng. (The gulf between the haves and have nots continues to widen).

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam có thể đang vượt qua khó khăn. Nạn tham nhũng tràn lan, hầu như mọi cấp, là một trở ngại to lớn cho sự phát triển quốc gia. Ở Việt Nam cũng như các nước, các chiến dịch ưu tiên cho một chính quyền liêm khiết thường sẽ hết động lực khi có vài quan chức bị trừng phạt để làm gương, cảnh cáo cho những người còn lại. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng đang không ngừng mở ra khi ông tuyên bố ”sẽ làm một cách quyết liệt, bền bỉ, liên tục, không có vùng cấm nào trong đảng”. Hàng chục quan chức cấp cao đã bị truy tố về tội tham nhũng, nhiều quan chức nữa đang bị điều tra, và có thể tin rằng hệ quả tác động sẽ còn kéo dài.

Bài trên East Asia Forum, ngày 16 tháng 1 năm 2020. Tác giả: David Brown, California, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, từng trải Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Nguyễn Long Chiến dịch.

XUNG ĐỘT NHÀ NƯỚC VỚI DÂN TẠO RÚNG ĐỘNG VÀ SÔI BỎNG Ở VIỆT NAM

(State vs people conflict rocks and roils Vietnam)

“Những cuộc chạm trán gây thương vong cảnh sát và dân làng ở Đồng Tâm đe dọa sự ổn định và thế đứng của quốc gia cộng sản.” (Lethal police-villager clashes at Dong Tam threaten communist nation’s stability and standing)

Hiện vẫn chưa rõ chuyện gì xảy ra chính xác tháng này trong một biến cố giết chết ba cảnh sát và một người phản kháng già cả trong vụ tranh chấp đất kéo dài ở xã Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội.

Theo tường thuật, ước lượng có 3000 cảnh sát chống bạo động tiến hành một cuộc truy quét sáng tinh mơ để đuổi cư dân đi và dựng một hàng rào quanh 59 hectare đất quy hoạch sân bay quân sự tại xã, cuộc chạm trán nổ ra, căng thẳng tương tự năm 2017 với hàng chục cảnh sát bị dân làng bắt giữ làm con tin.

Theo nguồn tin truyền thông nhà nước, cảnh sát bị các cư dân giận dữ tấn công trước bằng lựu đạn thô sơ và bom xăng trong cuộc chống trả. Số người dân không rõ bao nhiêu đã bị bắt giữ, trong đó một số bị cáo buộc về tội giết người.

- Tường rào sau cảnh tấn công ở xã Đồng Tâm, ảnh Twitter/VNExpress.

Các cuộc đụng độ giữa nhà nước và người dân đánh dấu con số ngày càng nhiều những phản kháng quyết liệt của quần chúng cơ sở chống lại chính quyền cộng sản và các quy hoạch áp đặt thông thường từ trung ương lên đất đai mà người dân cho là của họ. Theo luật, tất cả đất đai thuộc sở hữu nhà nước độc đảng (By law, all land is owned by the one-party state – người nước ngoài có lẽ không hình dung sở hữu toàn dân nên bảo đất đai sở hữu nhà nước -ND)

Bạo động cũng thu hút sự chú ý quốc tế; các tổ chức nhân quyền lên án các giới chức chính quyền lạm dụng quyền lực và sử dụng mạng xã hội như vũ khí (weaponized) trấn áp người nào đề cập đến biến cố.

Sự phê phán quốc tế đó xuất hiện trong giai đoạn bất lợi đối với Việt Nam trong khi cộng đồng Châu âu (EU) chuẩn bị bỏ phiếu một thỏa thuận mậu dịch tự do mới và các chỉ trích ngày càng tăng của giới dân biểu Mỹ về thành tích nhân quyền ở VN.

VN Express, một tờ báo quốc doanh hoạt động trong bối cảnh kiểm duyệt chặt chẽ, ghi nhận các phản đối về đất đai là thường xuyên, nhưng “đây là lần đầu tiên trong nhiều năm có ba cảnh sát bị giết chết một lần”.

Bộ công an tuyên bố dân tấn công cảnh sát trước trong khi thông tin trên mạng xã hội cho rằng cảnh sát kích động đụng độ bằng việc tấn công hỏa lực vào nhà ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, đại diện lớn tuổi nhất cho những người phản kháng.

Một tiếng đồng hồ trước cuộc tấn công tản sáng (tác giả nhầm lẫn không khi internet nghe nói bị cắt?), các đại diện của xã đăng một video trên mạng tuyên bố họ sẽ bảo vệ đất bằng bất cứ giá nào và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ họ chống “giặc nội xâm”, có nghĩa là “bọn lấn chiếm” (invaders) hoặc “kẻ xâm lược bên trong” (“internal aggressors”).

Đây là từ thường dùng của ông tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, một người có quyền lực lớn nhất nước, để gọi những người hoạt động dân chủ và các quan chức tham nhũng.

VI-RÚT CORONA: LẠC QUAN VÀ NHÃN QUAN.

Dịch corona hoành hành Vũ Hán với số người lây nhiễm và bỏ mạng ngày càng tăng. Sau một thời gian lưỡng lự, tự chống chỏi, có phần giấu giếm, Trung Quốc cũng đã công bố dịch toàn nước. Hình ảnh những y bác sĩ nằm nghỉ trưa dưới sàn nhà, hay trên các chiếc ghế trong phòng làm việc, với trang phục bảo hộ như những phi hành gia, xuất hiện thật cảm động, lan tràn trên mạng, ở các bệnh viện trong tư thế hầu như kiệt sức, vì phải xử lý số lượng bệnh nhân ngày càng tràn ngập. Một vài y bác sĩ cũng đã bỏ mình do lây bệnh. Hình ảnh đường phố Vũ Hán vắng hoe như sau trận đánh bom nguyên tử, với một vài nhân viên y tế mặc đồ trắng bên chiếc xe cứu thương cũng màu trắng: những ngày tết âm lịch tang chế.

60 triệu người tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Một vài địa phương tiếp giáp, dân chúng tự động lập ra những chốt canh gác ngăn chặn người từ tình này muốn đi tránh dịch sang tỉnh khác. Không khí khẩn trương như đang có chiến tranh.

Corona, vi-rút gây viêm phổi dẫn đến cái chết, không nguy hiểm bằng viêm phổi do Sars gây ra trước đây, nhưng là nỗi kinh hoàng cho nhân loại vì tốc độ lây lan khủng khiếp, ngay cả trong trong thời gian ủ bệnh; sự lây lan hết sức lặng lẽ. Số lượng lây lan cho người nhiều đến mức độ các bệnh viện không đủ sức chứa và người Trung Quốc gấp rút xây thêm bệnh viện dã chiến và kêu gọi sự chung tay quốc tế, một việc rất hiếm đối với các chế độ cộng sản, không muốn người ngoài biết rõ nội tình khó khăn trong nước. Những người dân bị cô lập tự động viên nhau: cố lên, cố lên, qua mạng truyền thông nội bộ. Tình trạng dịch căng thẳng đến nỗi những du khách ở Vũ Hán không muốn quay về quê hương khi hết hạn du lịch và một số hành khách người TQ lạnh lùng không chịu đi chung máy bay với những ai họ biết là người Vũ Hán. Các đám cưới ở những thành phố khá xa ổ dịch, toàn bộ khách đều đeo khẩu trang, ngay cả cô dâu, chú rể. Nhiều người TQ thậm chí cắt bình chứa nước uống nhựa dẻo làm nón bảo hộ, ngoài cái khẩu trang luôn luôn che kín mũi miệng.

Ở lãnh thổ sát nách nước đang dịch bệnh, với số lượng du khách người TQ có thể nói nhiều nhất, Việt Nam, người dân phản ứng thế nào trước đại dịch trên?

Nhảnh nha nếu không muốn nói phớt lờ. Có gì mà “xoắn” lên thế. Thậm chí có kẻ đưa tin chưa chính xác về dịch cũng bị công an mời lên hỏi thăm sức khỏe.

Những người nghi nhiễm vi rút corona TQ trả về VN được các y bác sĩ bệnh viện một tỉnh miền Bắc điều trị như những bệnh nhân cảm sốt thông thường, chỉ một khẩu trang, tay không mang găng y tế, áo blouse vải sơ sài, dù bệnh nhân mang một khẩu trang trùm kín mũi miệng.

Người dân thì sao? Bộ y tế khuyến cáo họ không nên đến chỗ đông người (mâu thuẫn chỗ học sinh không cần nghỉ học) nhưng một ông phó thủ tướng lại đứng ra khai mạc lễ hội mùa xuân (chùa Bái Đính), số người nhiều tỉnh sẽ tụ họp lại, cơ man nào kể số lượng, vi rút corona mà sá gì!

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng trăm nam thanh nữ tú, nô nức đón chào các tay ca sĩ đến từ Hàn Quốc, đa phần không đeo khẩu trang để tiện bề hoan hô nhiệt liệt các “anh kiệt” xứ sở Kim Chi. Corona rất yêu ca nhạc, nó sẽ không yêu bệnh viện.

Ông bí thư Nha Trang răn đe một khách sạn không muốn tiếp nhận các khách du lịch đến từ ổ dịch Vũ Hán. Bà giám đốc sở du lịch Đà Nẵng cũng bắt ép một khách sạn không được từ chối khách Trung Quốc đến từ vùng dịch. Hai khách sạn này lo sợ các nhân viên của mình sẽ lây nhiễm những du khách có nguy cơ gieo mầm bệnh. Họ lo nghĩ sức khỏe cộng đồng trong khi hai vị quan chức trên lo nghĩ “nhiệm vụ chính trị” của địa phương. Không rõ lo nghĩ nào là vì dân. Cả thế giới cảnh giác với những biện pháp hạn chế công dân của mình đến TQ nơi xảy ra đại dịch, có chỗ cấm ngặt người TQ nhập cảnh vào đất nước họ.

Còn Việt Nam? Dịch chưa phải là nỗi lo vì tâm lý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Một số người còn mừng khi có dịch: dịp làm ăn kiếm tiền - khẩu trang ngăn dịch ngày càng hút hàng. Hãng hàng không nào đó bán mỗi cái 35 ngàn đồng cho hành khách (trong lúc một số hãng nước ngoài tặng miễn phí). Ở Hà Nội giá khẩu trang tăng lên chóng mặt vì không cung nổi cầu, trái với Đà Nẵng và Sài Gòn, nhiều chỗ phát khẩu trang miễn phí. Nếu “bọn phản động” không la ó trên Facebook thì y tế giải đáp về dịch corona bỏ túi nhẹ nhàng 5000 đồng/ phút tư vấn cho đồng bào ruột thịt, máu đỏ da vàng!

Trong lúc thế giới lo sốt vó về dịch (WHO công bố dịch toàn cầu) thì ở VN, nơi có nguy cơ bùng nổ virus corona do khách du lịch TQ rất nhiều, tự do ra vào, lại giao thương hai bên tấp nập vùng biên giới, một số người  hoặc là lợi dụng dịch để kiếm tiền (tuy ít) hoặc coi dịch không quan trọng bằng ca nhạc hay lễ hội. Người ta không hiểu nổi “nhãn quan” của những “phụ mẫu chi dân” như ông bí thư Nha Trang hay bà giám đốc sở du lịch Đà Nẵng đối với đại dịch.

Công bố dịch toàn quốc của ông thủ tướng hình như vừa mới ban hành; đây là một việc người dân mong đợi từ lâu, rất đáng hoan nghênh nhưng cũng rất đáng phàn hà: trễ quá. Nhưng trễ còn hơn không. Retard que jamais.